Ca sĩ Nguyễn Đình Thanh Tâm: Như giấc liêu trai

Thứ Sáu, 18/04/2014, 15:46

Nếu ví giọng hát của mỗi ca sĩ là một ô màu thì thật khó để hình dung đâu là mảng màu của Nguyễn Đình Thanh Tâm. Nó có chiều sâu của tư lự, cái biến ảo, bay bổng của khói sóng tháng 3, cái quái bén ngọt, bung trào của thứ năng lượng ăm ắp lẫn nỗi ám ảnh của một người đa mang. Nhưng không vì thế mà loang lổ, lẫn lộn. Với “Gặp tôi mùa rất đông” lần này, ô màu ấy càng thêm sóng sánh, riêng biệt.

1. Lạ lẫm, độc đáo thậm chí có phần lập dị từ phục trang cho đến lối trình diễn nên khi tham gia Sao mai Điểm hẹn 2012, không ít người mặc định Tâm là “bản sao” của ca sĩ Tùng Dương. Sự ví von bao giờ cũng kèm ưu ái nhưng cũng dễ đánh chìm bản thể của người bị so sánh. May mắn hay đúng hơn Tâm đủ bản lĩnh và nội lực chạm vào trái tim người nghe bằng cảm xúc âm nhạc thực sự. Từ Cánh diều lạc phố đến Gặp tôi mùa rất đông, người ta thấy một Nguyễn Đình Thanh Tâm trưởng thành hơn và quyết liệt hơn trên con đường khẳng định mình. Có nổi loạn, có “quái” và cả sự âm bản nhưng là cái nổi loạn sâu trầm, bén ngọt khác hẳn cái quái sắc cứa, liêu trai của Tùng Dương. Điểm chung nhất giữa họ, nếu có, là sự tận hiến và tình yêu âm nhạc mê say.

Điều ngạc nhiên ở đây là, Tâm sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước mênh mông nhưng lại có hướng đi khá khác biệt. Không phải boléro tâm tình hay điệu hò vẳng giữa dòng sông ngọt mát, Tâm “đốt mình” bằng giọng hát bản năng, đượm chất suy tư. Như thuở còn tham gia đội văn nghệ thành phố Sóc Trăng, Tâm theo xe của đoàn lặn lội tận miệt đầm khô nắng cháy. Trên sân khấu tạm bợ giữa những cánh đồng nứt toác, trơ gốc rạ, trong ánh lửa nhập nhoạng, Tâm say sưa hát Con cò. Như thời sinh viên, Tâm chạy xe một mạch từ trung tâm Sài Gòn ra Thủ Đức hát vài bài cho đã thèm rồi chạy về, mặc cái bụng ì xèo réo gọi. Không toan tính, không màng danh vọng, không mướt mát chạy show. Tâm âm thầm, miệt mài hát, lặng lẽ đi, thậm chí đi “ngược chiều” giữa dòng chảy của làng giải trí.

Thì đây, sự hồn nhiên tận hiến đã đền trả cho Tâm những quả ngọt rất tự nhiên. Sự đền trả mà Tâm bảo, vừa khiến Tâm hạnh phúc, vừa trăn trở. Thời điểm đoạt giải quán quân Sao mai Điểm hẹn, mọi thứ với Tâm trở nên choáng ngợp. Cảm xúc đầy tới mức trống rỗng. Điều duy nhất đọng lại trong Tâm là “chỉ giơ lưng chừng chiếc cúp chứ chẳng dám cầm thẳng tay vẫy chào” để biết đấy không phải là một giấc mơ. Một tuần trôi qua, niềm vui bắt đầu lắng xuống, bản thể trách nhiệm trỗi dậy “giải thưởng lớn vậy liệu mình có gánh nổi không?”. Cho nên, Tâm càng nỗ lực đáp đền sự tin tưởng của giới chuyên môn và công chúng yêu nhạc cũng như “sống xứng đáng” và góp phần làm rạng danh thương hiệu của chương trình. Sau cuộc thi, Tâm bắt đầu ôm tập vở đi học nhạc.

2. Hai năm đi hát, 3 album, 3 single, vài MV nhiều thể loại, mỗi khi xuất hiện đều tạo được những “dư chấn” nhỏ nhỏ trong lòng người yêu nhạc và giới làm nghề là thành quả không phải ca sĩ trẻ nào cũng làm được. Nhất là trong bối cảnh các cuộc thi ca hát nhan nhản trên truyền hình, ai cũng có thể dễ dàng dùng danh xưng “ca sĩ”. Album thứ 3 của Tâm là kết quả viên mãn của sự trăn trở song hành ngẫu hứng. Ban đầu, Tâm thành hình ý tưởng thâu bài đơn Gặp tôi mùa rất đông. Phối khí tới lui vẫn không thấy hài lòng, Tâm gác lại, tìm người phối mới. Lúc ưng rồi, tự dưng len lỏi một chút tiếc nuối, tự nhủ cố tìm thêm 2 bài nữa để ra single (đĩa đơn). Cơ duyên dẫn dắt, Tâm tìm được đến 4, 5 bài thay cho 3 như dự định. Lại tự nhủ ráng thêm chút nữa để ra album. “Lúc quyết định thêm bài này bài kia vào album, mình cân nhắc dữ lắm. Xem bài có phù hợp với chủ đề album không, rồi ra đĩa bằng cách nào. Người ta có thể sống bản năng, ngẫu hứng nhưng không thể dễ dãi, bộp chộp được”.

CD Gặp tôi mùa rất đông bản phối Electro Dance ra đời, gieo hạt mầm thú vị cho cả người yêu nhạc lẫn giới làm nghề. Sau phát hành online, Tâm nhận được nhiều cuộc điện thoại động viên ra đĩa vật lý. “Chưa cần biết có bán được hay không, nhưng em hãy xem nó như một cột mốc đánh dấu chặng đường của mình. Sau này có tiền muốn thu lại thì tinh thần của nó cũng khác rồi” - một người anh động viên. Thấy Tâm còn chần chừ, nhạc sĩ Đỗ Bảo vun thêm: “Cứ ra đĩa vật lý đi em. Nếu không có nhiều mối quan hệ hoặc không biết đường hướng như thế nào, anh hỗ trợ và giới thiệu cho”.

Và Tâm đã chiều lòng bạn bè, anh em, thính giả “vừa để kỷ niệm cho mình, vừa để kỷ niệm cho những người yêu mến mình”. Đĩa bung ra mà chưa cần sử dụng đề nghị trợ giúp của nhạc sĩ Đỗ Bảo. Bởi album quá ấn tượng, từ ý tưởng, thiết kế, âm thanh, cho đến ca từ, bố cục. Từng bài hát được sắp xếp có lớp lang dồn dập như sóng cuộn bờ với nhiều hình tượng đa chiều. Ở đó, sự tư lự chiều sâu trong Tâm được bộc lộ hết. Ở đó, giọng hát Tâm biến ảo, đa sắc như một chú tắc kè hoa dưới nắng. Ở đó, Tâm thăng hoa và ám ảnh với những câu hỏi về mình, về người, về cuộc đời. Ở đó còn phát lộ một cá tính rõ ràng trong âm nhạc và một thẩm mỹ sắc sảo, riêng biệt. Khi sâu lắng, khắc khoải với Lang thang, lúc mệt nhoài với Liêu trai, khi thênh thang, dào dạt sức sống với Nghe ta hồi sinh, lúc thao thức cùng Bóng tối, khi bung trào, chênh vênh tàn phai với Gặp tôi mùa rất đông. Nhưng trên cả là một Nguyễn Đình Thanh Tâm cực kỳ nhạy cảm, tinh sâu, lắng đọng nhiều suy tư và thường trực nỗi cô đơn. Cô đơn không phải vì không có người để sẻ chia mà bởi lúc nào cũng dốc hết nhiệt huyết, sống cạn cảm xúc cho một điều gì đó. Để khi hoàn thành thì lặng lẽ tách mình, đứng trông nhau như hai kẻ hững hờ, xa lạ. Vì lúc đó, một nhiệt huyết khác đã bắt đầu nhen nhóm và Tâm lại “bận” rót đầy cho một cái mới hơn.

Có không ít hoài nghi lẫn thắc mắc, 3 album 3 thể loại khác nhau đâu mới là phong cách của Tâm? Tâm cười: “Mình nghĩ thể loại chỉ là phương tiện thôi. Còn phong cách là âm sắc, sao cho cách hát, cách cảm của mình khi cất lên người nghe vẫn nhận ra. Mình nghĩ đó là điều các ca sĩ cần đi tìm chứ không phải là dòng nhạc”.

Góp phần vào thành công của Gặp tôi mùa rất đông, thật thiếu sót nếu không nhắc đến hai cái tên Nguyễn Bá Phú Quý và Đỗ Hiếu. Tình bạn giữa Tâm vừa Quý nhen từ lần cả hai cùng bắt chuyến bay từ Sài Gòn ra Huế dự thi Sao mai. Tâm bị say máy bay, Quý nhiệt thành chăm sóc và giúp đỡ bạn. Họ thân nhau từ đấy. Thú vị hơn khi biết, trước đây cả hai đã từng tranh luận nảy lửa trên một diễn đàn âm nhạc. Gay gắt đến mức Quý dọa, nếu gặp Tâm ở ngoài sẽ đánh cho một trận tơi tả. Không gây nhau, không thành bạn bè. Tình bạn của Tâm và Quý ngày càng bền chắc. Để lần ra đĩa này, chính Quý là người sát cánh, hỗ trợ Tâm. Từ Quý, Tâm bắt liên lạc với Đỗ Hiếu. Quý hiểu Tâm đến độ khi Hiếu phối bài, Quý ngồi bên truyền cảm hứng “như vầy mới ổn, vầy mới hợp với thằng Tâm”. Tâm rạng rỡ khi nhắc đến bạn: “Quý luôn lắng nghe và biết mình muốn gì. Dĩ nhiên, Hiếu cũng có những sáng tạo riêng. Nhưng nguồn cảm hứng và cách làm của Hiếu đúng với dự định của mình là nhờ Phú Quý rất nhiều”.

3. Không có nhiều khác biệt giữa một Tâm - kiến trúc sư với một Tâm - ca sĩ ngồi trước tôi nơi góc quán quen vào giờ tan tầm nhạt nắng. Điềm đạm, giản dị, khiêm tốn và chân thành. Ẩn sâu trong đáy mắt nhiều nỗi niềm hoang hoải. Biết bao lần tôi thấy Tâm rưng rưng xúc động và cố kìm nén. Đó là chặng đường đứt gãy của người lớn, ký ức trống huơ trống hoác bàn tay vững chãi của ba, má gồng gánh đắp bù. Đó là đứa trẻ chỉ biết mình khiếm khuyết yêu thương khi soi vào sự đầm ấm, trọn vẹn của người khác. “Bạn bè thường bảo mình hay sa đà vào chi tiết gây ảnh hưởng không tốt khi giao tiếp với người khác. Mình không bao giờ đặt câu hỏi “tại sao lại như vậy”. Mình chỉ cố đón nhận một cách tự nhiên và sống dung hòa với nó. Cái gì cũng có hai mặt mà, phải không? Nhạy cảm, thương tổn, đau khổ hay hạnh phúc đều là chất liệu để người làm nghệ thuật dệt nên tác phẩm”.

Đoạn cuối bài viết này, xin được phép dẫn lại lời tâm sự của Tâm về người mẹ bao năm vun tròn ở hai cương vị vừa làm cha vừa làm mẹ. Bởi đằng sau thành công, tỏa sáng và bước đi vững chắc của những đứa con bao giờ cũng là sự hy sinh thầm lặng, lớn lao từ những đấng sinh thành. Và với cá tính âm nhạc khác biệt như Tâm, sự đồng cảm, sẻ chia từ mẹ càng là động lực cần thiết.

“Mình cảm nhận tình yêu nhiều nhất từ mẹ. Mẹ là người hiện đại và rất cập nhật. Những lần mình xuất hiện quái quái để thỏa mãn cái tôi trong nghệ thuật, mình nghĩ mình ít chịu áp lực từ những người xung quanh hơn mẹ. Nhưng mẹ chưa bao giờ cấm cản hay trách mình cả. Những cái mình chọn, mẹ đều tin là cái hay và cho mình thêm niềm tin để thực hiện. Mẹ không định hướng cho mình bằng cách áp đặt mà luôn ngầm định hướng bằng cách sẽ theo mình trên từng lựa chọn”.

“Có lẽ không ai có thể hiểu và chia sẻ với mình nhiều như mẹ. Mỗi lần có chuyện buồn hoặc vấp váp, thất bại, mình tránh gọi cho mẹ. Vì mình nói ra, với mẹ biết đâu lại là cả đêm mất ngủ. Thành ra, mình chỉ nói những chuyện cần thiết thôi. Nhưng mà mẹ hay lắm, rất biết cách “khai thác”. Chuyện nọ xọ chuyện kia, lát mình cũng nói hết trơn. Nhiều khi tưởng mình đã lớn hơn nhiều, khôn hơn nhiều nhưng mình mãi vẫn là con của mẹ thôi…”.

Như đã nói, Tâm cực kỳ chu đáo và nhạy cảm. Và Tâm đem cái nhạy cảm ấy vào ứng xử với mọi người vì sợ tổn thương họ. Cho nên nếu thấy một người nổi tiếng nào đó rút một cái đĩa từ túi xách rồi nhoay nhoáy ký tặng, chắc chắn đó không phải là Nguyễn Đình Thanh Tâm. Vội đến mấy, Tâm cũng sẽ ký trước. Nâng niu, trân trọng đứa con tinh thần và cả người được tặng

Hoàng Dung
.
.