Ca sĩ Ngọc Ánh – Người quen bóng cũ

Thứ Năm, 02/10/2014, 16:30

Gần 30 năm gắn với nghiệp ca hát, nhắc chuyện nghề, Ngọc Ánh say mê, sôi nổi và cũng rất bình thản. Cái sôi nổi, tự hào của người đã dâng trọn tuổi xuân cho nghiệp cầm ca. Cái bình thản đón nhận quy luật tàn phai của sự nổi tiếng và dấu ấn thời gian bắt đầu tác động lên sắc vóc. Đời thường, Ngọc Ánh chân thành, giản dị rất mực và luôn vui cười dẫu đường tình của chị lắm nỗi truân chuyên.

1. Gặp Ngọc Ánh 2 tuần sau liveshow Dấu ấn, chị vẫn còn lâng lâng trong yêu thương của người hâm mộ và sự trân trọng của nhà tổ chức. “Chị sung sướng lắm!”. “Vui lắm!” “Hạnh phúc lắm!” – Ngọc Ánh liên tục reo như trẻ nhỏ. Lần đầu tiên Dấu ấn cháy vé. 5 ngàn khán giả khiến Nhà thi đấu Nguyễn Du sắp nổ tung. Khán đài chật ních người, ai cũng mong được chen chân để nghe tận tai, nhìn tận mắt thần tượng một thời mình yêu mến. Người trẻ đến vì tò mò trước sức hút quá lớn của một ngôi sao mà họ nghe anh chị, ba mẹ kể lại. Và, Ngọc Ánh đã không phụ lòng tin yêu của từng ấy tầng lớp khán giả. Tiếng vỗ tay reo hò, cổ vũ, những mái đầu đã bạc hòa giọng theo những “lá còn xanh như anh đang còn trẻ”, những đôi mắt rưng rưng khi nghe tiếng Ngọc Ánh cất lên “cao cao bên cửa sổ…”. Rất nhiều lần trong liveshow, Ngọc Ánh lạc giọng vì cảm xúc như sóng trào dâng trong lòng. “Không lẽ mình khóc thì sến quá. Chớ lúc đó, cảm xúc và kỷ niệm cứ ùa về, chị phải ráng lắm mới kiềm được đi đúng nhịp. Bài hát đó có thể chị đã hát cả ngàn lần. Vậy mà trên sân khấu đó, giờ phút đó, khi cất tiếng hát, bỗng chị thấy mình của mấy chục năm về trước. Ký ức sống dậy, cảm xúc bung mở…”. Khi MC thông báo kết thúc chương trình trực tiếp thì tại nhà thi đấu, Ngọc Ánh vẫn hát. Cho đến khi khán giả ùa lên vây quanh chị là hoa, là những cái ôm siết chặt. Đêm đó, Ngọc Ánh thao thức tới 4 giờ sáng mới chợp mắt được. Và phải đến 2 ngày sau đó nữa, chị mới lấy lại được thăng bằng để gửi lời cảm ơn đến tất cả.

Ngọc Ánh đi hát hồi 11 tuổi. 10 năm sau, chị bước chân vào con đường chuyên nghiệp từ một lần được gọi hát lấp chỗ một ca sĩ tại sân khấu ca nhạc quận Tân Bình. Ngọc Ánh hát hết bài thứ nhất, tiếng vỗ tay rần rần như sấm, khán giả yêu cầu hát thêm bài nữa. Hết bài thứ hai, pháo tay giòn giã không ngớt. Đến bài thứ ba, cả hội trường quận tràn ngập tiếng hò, reo. Tiếng lành đồn xa, khán giả hâm mộ khắp nơi và những nhà làm nhạc tìm đến, nghe và “coi mặt” cho kỳ được cô ca sĩ nhỏ nhắn có giọng hát mãnh liệt, thiết tha. 4 đêm hát thế, Ngọc Ánh được nhạc sĩ Võ Công Anh – lúc đó là Trưởng phòng Văn hóa, thông tin quận – ký hợp đồng chính thức. Hai năm sau, Ngọc Ánh đi show tự do, “khai sinh” cho màn chạy show như con thoi từ Bắc chí Nam với ban nhạc rock Đại Dương. Ra Hà Nội, Ngọc Ánh được Đài Tiếng nói Việt Nam mời thu bài Mùa xuân bên cửa sổ. Ngọc Ánh kể, chỗ nào bắt được sóng của Đài tiếng nói Việt Nam là có Cao cao bên cửa sổ... 5 giờ sáng, còn đang ngủ trong xe lưu diễn mà nghe văng vẳng trên mấy cái loa ngoài đường, đến mức chị không tin được đó là sự thật. Với Ngọc Ánh, đó là một dấu ấn “khủng khiếp”.

Ngày nay, ca sĩ tung một bài hát ra thị trường và trở thành bản “hit”, đã được xem là thành công ngoài mong đợi. Còn Ngọc Ánh, ở thời của chị hát dòng nhạc nào, gần như đều có những bài “hit” của dòng nhạc đó. Từ ca khúc chính trị như: Trị An – âm vang mùa xuân, Mùa xuân từ những giếng dầu,… đến nhạc cách mạng như: Lá xanh, Anh Ba Hưng,… rồi nhạc dân ca: Chuyến đò quê hương, Chiếc áo bà ba,… sang nhạc cho lứa tuổi học đường: Không dám đâu, Cô bé dỗi hờn,… những bản tình ca: Dấu chân địa đàng, Kiếp cầm ca,… Đó là chưa kể nhạc Rock, Dance như: 60 năm cuộc đời, Vết son trên áo, Hoàng hôn trên đại dương, Boy boy boy,… Thú vị hơn khi biết ba mươi mấy ca khúc nhạc Âu Mỹ Ngọc Ánh từng thể hiện đều do chính chị dịch lời Việt. “Thời đó, hát nhạc ngoại khó lắm. Mình phải dịch, ít nhất là hát nửa bài tiếng Anh, nửa bài tiếng Việt đó em. Mà nhạc hay quá, thính giả không nghe được thì tiếc” – lời của Ngọc Ánh. Số ca khúc Ngọc Ánh từng thể hiện thành công nhiều đến mức khi thực hiện liveshow Dấu ấn, Ngọc Ánh và ban tổ chức đã phải rất vất vả cân nhắc xem nên chọn bài nào, nên tạm gác bài nào. Ngọc Ánh cười giòn tan: “Bây giờ mà được làm thêm một liveshow nữa, chị sẽ hát những bài khác, đảm bảo không đụng hàng với show trước luôn!”.

2. Trong suốt thập niên 90, Ngọc Ánh là một ngôi sao đúng nghĩa. Từ radio, băng cassette cho đến truyền hình, khắp cả nước đâu đâu cũng thấy tên Ngọc Ánh. Cuốn băng cassette Không dám đâu qua tiếng hát Ngọc Ánh do Bến Thành Audio sản xuất trở thành album đầu tiên và là một trong hai album bán được một trăm ngàn bản. Một bài hát khác cùng Ngọc Ánh “chinh chiến” khắp nơi nhất định phải kể đến là Anh Ba Hưng. Ấu thơ tôi thường nhảy chân sáo theo chúng bạn và hát đua ca khúc này xem đứa nào hát… nhanh nhất! Công chúng không tiếc những “danh hiệu” phong tặng chị: “Nữ hoàng Tivi”, “Nữ hoàng băng cassette”, “Nữ hoàng nhạc rock”,… Ảnh hưởng của Ngọc Ánh khi đó còn lan sang lĩnh vực thời trang. Người ta đua nhau cắt tóc kiểu Ngọc Ánh, ăn vận kiểu Ngọc Ánh.

Ngọc Ánh và con gái - bé Xíu Angela.

Từ ngày mới nổi tiếng, trên đỉnh cao danh vọng và cho đến tận bây giờ, Ngọc Ánh chưa bao giờ có thái độ kẻ cả hoặc bệnh ngôi sao. Trong câu chuyện với tôi, Ngọc Ánh nhiều lần nhắc nhớ những người mà nhờ họ chị bén duyên ca hát, các nhạc sĩ, đồng nghiệp đã đồng hành. Nhớ rõ cả những cô bé, cậu bé từng múa minh họa cho mình. Khi người ta bắt đầu có tuổi, nỗi nhớ như thời tiết ẩm ương xô nhau ùa về, dội vào lòng bao dư âm xưa cũ. Mà khoảng trời đã đi của Ngọc Ánh quá rộng và đong đầy thương yêu, sóng sánh như ly café mỗi sớm. Nỗi nhớ của Ngọc Ánh đan xen vào nhau, dệt thành những vòng hoa kỷ niệm tuyệt đẹp. Người còn, người mất, thời gian vô tình vùn vụt trôi, chỉ có kỷ niệm mãi mãi ở lại.

Đoạt biết bao giải thưởng, biểu diễn khắp trong và ngoài nước, nhưng Ngọc Ánh chẳng thể nào quên lần đầu chị về hát trên quê hương Đại Lộc, Quảng Nam. Chẳng có sân khấu, chẳng có phông màn, băng rôn, chỉ có sân bãi của huyện, một gò đất cao và duy nhất cái đèn chiếu từ phía dưới. Vậy mà khán giả lót dép ngồi coi đen nghẹt, tràn ra hết cả sân bãi. Đến bài Quê hương thì Ngọc Ánh khóc ngon lành. Khán giả thương đứa con của quê, nhân cơ hội tràn lên tặng chị nào trứng gà, hột vịt lộn, cam, quýt, cóc, ổi, bưởi,… Có bà cụ mang cho chị bịch trà đá, có chú bé bán kẹo cao su hào phóng tặng chị một cây, các bà các mẹ ôm chị hôn lấy hôn để, giọng sệt xứ Quảng “Chu choa! Con hay quá con ơi!”. Cứ thế, Ngọc Ánh đựng đầy cả một nón lá tình thương, rồi được tiếp thêm một cái thúng nữa mà vẫn không hết.

3. Ngọc Ánh say nghề đến độ dành trọn tuổi xuân cho ca hát. Hát quên ăn quên ngủ, lúc nào cũng nơm nớp lo không đủ sức khỏe để đáp lại thịnh tình của khán giả. Tự nhận show, tự trang điểm, chăm sóc bản thân, tự chọn vải may quần áo, tự tạo phong cách ăn mặc. Vậy mà, chưa bao giờ Ngọc Ánh biết đòi hỏi hay trễ hẹn. Đài truyền hình quay sớm, báo giờ nào Ngọc Ánh có mặt giờ đó. Kêu diễn gì, hát ra sao, Ngọc Ánh làm y vậy. Đạo diễn coi không đạt, bắt quay lại, Ngọc Ánh cũng không hề than vãn. Show nào cũng muốn mời cho được Ngọc Ánh trong khi trùng giờ, trùng lịch, buộc phải từ chối. Ngọc Ánh nói với mẹ: “Con ước gì được như ông Tề Thiên, có thể biến ra một trăm cô Ngọc Ánh đi hát cho khán giả khỏi buồn!”.

Ngọc Ánh hát đến quên hạnh phúc cá nhân. Mẹ của chị theo nhắc chừng nhưng chị mê hát quá thì biết làm sao. “Không phải mình mê tiền đâu em. Càng nổi tiếng, khán giả yêu quý mình càng nhiều thì càng nhiều show chạy. Mình chẳng có thì giờ để nói chuyện với người thứ hai. Cứ hát xong là lo chạy, tới mức không kịp chải lại tóc. Mấy lúc chị hát ở bar hay vũ trường, cũng có người này người kia mời uống ly rượu xã giao nhưng chị từ chối hết. Phần vì lo chạy show không kịp, phần vì chị không biết uống rượu. Cũng chẳng ưa mùi thuốc lá.” Người đeo đuổi Ngọc Ánh ngày đó nhiều vô số kể. Nhưng rồi, Ngọc Ánh đều đi qua. Thời đó, Ngọc Ánh mua được cái điện thoại di động. Nhiều “cây si” đeo đuổi tìm cho bằng được số điện thoại của chị. “Chẳng phải mình vô tâm, thờ ơ nhưng người ta gọi lúc mình đi hát thì sao mà nghe. Rồi ở vùng sâu vùng xa mình đâu gọi lại được. Về đến nhà thì người ta đi ngủ mất tiêu rồi. Mà, với chị quan trọng lúc đó là, lo học bài để mai thu đây nè. Rồi áo quần, mặc cái gì cho hợp. Chị cũng chẳng thấy buồn hay phải lo nghĩ. Vì ngay từ đầu chị đã xác định, hoặc lấy chồng sinh con thiệt sớm rồi đi hát. Hoặc tập trung theo nghề cho trọn vẹn rồi lấy chồng sau. Rồi công việc cứ cuốn chị đi miết, đi miết”.

Mọi sinh hoạt cá nhân của Ngọc Ánh hầu như diễn ra trên xe như những ban nhạc lừng danh trên thế giới đi lưu diễn. Ngọc Ánh mua hẳn luôn 2 chiếc xe bốn bánh hạng sang, một đi diễn và một thuê tài xế đưa ba má của chị đi chơi. Nhiều lúc đi trên đường, thấy đám bạn học chung phổ thông ngày xưa, Ngọc Ánh kéo kính xe gọi bạn. Tụm vô vỉa hè ăn bò bía, gỏi cuốn như ngày còn cắp sách tới trường. Mấy lúc bị khán giả phát hiện bu kín mít, Ngọc Ánh ký tặng hình mỏi cả tay. Bà chủ quán phải ra ngăn phụ: “Thôi, để cổ ăn lấy sức ký tiếp!”.

4. Danh vọng đã từng, đắng cay đời riêng đã nếm. Không ít lần, Ngọc Ánh gói tâm sự vào bài hát. Rồi lòng yêu sống, tình thương con, yêu gia đình, Ngọc Ánh lại cười giòn tan. An yên với Ngọc Ánh bây giờ là ba mẹ của chị vẫn khỏe mạnh, nhìn con gái ngày một trưởng thành và chị vẫn còn sức để hát. “Điều chị tiếc nhất là, nếu cho chị thêm một cơ hội chị sẽ sinh thêm đứa nữa cho con gái có chị có em”

Hoàng Dung
.
.