Ca sĩ Khánh Vân – Sơn ca mệnh bạc

Thứ Tư, 02/12/2009, 08:26
Con chim Sơn ca của Nam Bộ ngày nào lảnh lót trên cánh đồng miền Nam những năm kháng chiến chống Pháp, nữ ca sĩ hát Bài ca hy vọng đầu tiên cách nay đúng tròn 50 năm ấy, đâu ngờ lại có một số phận trần ai. Chị đã sống một tuổi thanh xuân rực rỡ huy hoàng dưới cánh màn nhung sân khấu và danh tiếng lẫy lừng trên sóng phát thanh. Nhưng cuộc đời đã đày đọa thân chị bằng căn bệnh không gì buồn hơn, quái ác hơn và chị đã chết trong trạng thái nửa khôn nửa dại.

Điều đáng nói là sau khi người nữ danh ca ấy ra đi mấy chục năm, người đời không lãng quên chị. Bằng chứng là mỗi khi có ai nhắc đến tuyệt tác Bài ca hy vọng của nhạc sĩ Văn Ký thì không ai là không nhắc đến giọng hát Khánh Vân…

Còn nhớ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, lúc hãy còn là một cậu bé chân trần ngày ngày hướng mặt ra bờ sông Bến Hải ngóng về Nam như số đông người miền Bắc để gửi nhớ mong qua câu hò trên bến Hiền Lương, một lần tôi đã được chính mắt thấy những nghệ sĩ từ miền Bắc vào biểu diễn trực tiếp trên sân khấu bên sông cho đồng bào bờ Nam cùng xem. Nói là cùng xem chứ thực ra là để bà con bờ Nam ùa ra bờ sông mà hướng lòng về miền Bắc, lắng từng bài ca mang giai điệu lạc quan hy vọng đặng gắng sức đấu tranh cho ngày Bắc Nam thống nhất. Và trong những cậu bé chân trần leo lên sân khấu để xem các ca sĩ hát có tôi.

Đêm ấy tôi đã lặng người đi khi một nữ ca sĩ trong bộ áo dài xanh hoà bình bước lên sân khấu, đứng trước micro… Từng đôi chim bay đi. Tiếng ca rộn ràng. Cánh chim xao xuyến, gió mùa Xuân. Gửi lời chim yêu thương, tới miền Nam quê hương, nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ…

Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương trở về Hà Nội, nhưng giọng hát chị Khánh Vân thì vẫn vang mãi đôi bờ sông tuyến qua những chiếc loa máng công suất cực lớn phát đi những bài ca mang khát vọng hoà bình thống nhất. Ấn tượng về chị sâu đậm trong tôi từ thủa ấy và mãi sau này, cũng như tôi nhiều người Việt, tôi chỉ muốn nghe lại Bài ca hy vọng qua tiếng hát Khánh Vân, dù sau chị có nhiều người hát Bài ca hy vọng, mà một trong những giọng ca nổi tiếng hát hay bài này là NSND Lê Dung. Bài ca hy vọng qua tiếng hát Lê Dung thì đẹp hơn, sang trọng quý phái và mang chất học thuật…

Còn bây giờ hãy nghe giọng ca đầu tiên cất lên Bài ca hy vọng:

Từng đôi chim bay đi
Tiếng ca rộn ràng
Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân…

Đó là tiếng hát Khánh Vân từ miền Bắc gửi thương nhớ hy vọng về Nam ngày đất nước còn cắt chia. Tiếng hát ấy còn là tiếng lòng của chính chị. Nhưng cuộc đời người hát mấy ai hay có bấy đoạn trường cùng những tình yêu và bao nhiêu thân phận nước mắt giấu vào trong. Khánh Vân là ca sĩ của Sài Gòn tự nguyện bước vào kháng chiến chống Pháp tại bưng biền Nam Bộ. Tiếng hát chị đã bay cao bay khắp quê hương đất nước mang đến niềm lạc quan về một ngày mai đất nước thanh bình, tươi sáng…

Tên thật của Khánh Vân là Trần Thị Nhu. Chị theo cha vào Sài Gòn kiếm sống dưới thời Pháp thuộc. Nhờ trời cho giọng hát bẩm sinh, Khánh Vân từ tuổi 15 đã thành một sơn ca giữa Sài thành, chị tham gia trong phong trào yêu nước hoạt động các nhóm văn nghệ của các tổ chức như tự vệ thành sau này là lực lượng biệt động Sài Gòn…

Sau ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946, Khánh Vân bị địch bắt giam ở trại 14 dành cho nữ tù. Chị vào tù Khám Lớn Sài Gòn cùng với người cha cũng là người hoạt động bí mật. Những ngày trong tù ấy, con chim sơn ca Khánh Vân vừa hát cho chị em, vừa dạy chị em hát  và cùng diễn kịch để động viên bạn tù giữ vững tinh thần ý chí chiến đấu. Khánh Vân được chị em bầu là Trưởng ban văn nghệ…

Không thể giam giữ một tâm hồn cao đẹp cùng tiếng hát sơn ca, hai năm sau địch thả chị. Nhưng để an toàn cho bản thân và dễ bề tìm lại cơ sở cách mạng, chị đã hát lại ở Sài Gòn một thời gian, những bản tình ca như Tiếng còi trong sương đêm của Hoàng Việt, một bài hát được người Sài Gòn ưa thích của người nhạc sĩ cách mạng.

Mùa hè năm 1949, khi chưa tròn tuổi 20, Khánh Vân trong bộ đồ sa tanh trắng lộng lẫy như một tiểu thư bí mật đi vào chiến khu Đồng Tháp để bắt đầu cuộc đời cống hiến cho cách mạng. Chị làm việc trong Ban ca nhạc Đài Tiếng nói nhân dân Nam Bộ. Những người tham gia kháng chiến Nam Bộ hẳn còn nhớ chị với dáng hình mỏng manh trong bộ bà ba đen nổi bật giữa màu xanh của tràm và đước. Chị hoà mình vào đời sống kháng chiến, từng lặn lội kiếm thức ăn, hái rau rừng cho bữa cơm tập thể vốn đạm bạc kham khổ giữa bưng biền.

Hình ảnh một Khánh Vân khi giặc ném bom chạy xuống hầm mà trên tay vẫn cầm tập ký âm bài hát đương dang dở. Khánh Vân đã từng quên tiếng súng tiếng bom để cho tiếng hát lạc quan. Đôi mắt lúc nào cũng ngơ ngác, hồn nhiên trên khuôn mặt đầy nét thật thà thơ dại nhưng khi hát chị hình như thay đổi một cách lạ lùng. Lúc hát, đôi mắt ấy bỗng long lanh tình tứ đôi má xanh xao ửng lên sắc hồng, đôi môi bỗng đẹp hơn, toát một nét duyên cho tâm hồn cất lên tiếng hát xao động ngọt ngào. Tiếng hát chị bỗng chốc mênh mông rộng dài sông nước miền Tây, làm rung động con tim bao người.

Tiếng hát ấy có sức lôi cuốn nhiều con tim, chị đã hát cả cho người Sài Gòn đi kháng chiến… Những người cùng thời, từ Sài Gòn đi kháng chiến đều đã có chung nhận xét về một giọng ca đã ảnh hưởng đến bao nhiêu tâm hồn, thúc giục họ bước chân trên con đường máu lửa gian nan…

Tiếng hát ấy đã đóng góp cho sự mở rộng ảnh hưởng của Đài Tiếng nói Nam Bộ đối với giới trí thức và đồng bào Nam Bộ, đặc biệt là ở Sài Gòn trong những năm tháng cam go ác liệt ấy. Hằng êm chị đã hát gửi tấm lòng về thành phố, mơ một ngày về đứng trên sân khấu hát cho cả vạn người nghe. Nhưng chị đã không được về hát ở Sài thành mà lại ra Hà Nội và hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam cho triệu người hâm mộ giọng hát sơn ca.--PageBreak--

Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, Khánh Vân trong Đoàn Văn công Nam Bộ tập kết ra Bắc. Ngay sau đó, đêm đêm khán giả Hà Nội đã đến Nhà hát Nhân dân để nghe đắm say giọng hát Khánh Vân: Từng đôi chim bay đi, Tiếng ca rộn ràng… cánh chim xao xuyến gió mùa Xuân…

Ca sĩ - NSƯT Tân Nhân, người bạn hát cùng thời đã kể lại trong hồi ký về Khánh Vân bạn của mình: "Ngày mới hòa bình về Hà Nội, nhân dân vô cùng tán thưởng khi chị xuất hiện trên sân khấu…. Một nghệ sĩ bẩm sinh đầy ưu thế: Giọng hát vang, bay, nhả âm mềm, đẹp như mơ… Một thân hình vũ nữ với khuôn mặt bầu bĩnh tươi sáng, toàn bộ là sự hấp dẫn đáng yêu… Chị đã biểu diễn trong nhà tù, trên sân khấu, trong nước và rất nhiều nước ngoài. Bài ca hy vọng của Văn Ký nổi tiếng một thời là bài hát hoà với chị làm một để lại mãi mãi ấn tượng đẹp đẽ với người nghe…".

Tiếng hát Khánh Vân đã đến bao nhiêu kinh đô khác trên thế giới để đem đến một niềm hy vọng lạc quan về đất nước, làm đẹp cho Việt Nam, như một thần tượng của chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc.

Nhạc sĩ Văn Ký, tác giả bài ca hy vọng đã có lần kể lại câu chuyện xúc động: Khi Khánh Vân được vào biểu diễn phục vụ Bác Hồ và các đồng chí giúp việc Bác, Bác cười và hỏi: Hôm nay cháu học được chiêu gì mới đãi Bác nào? Khánh Vân tự tin trả lời Bác: "Dạ, thưa Bác, có Bài ca hy vọng ạ!". Và chị cất tiếng hát… Đến khi chị biểu diễn xong, Bác vẫn trầm ngâm, ra chiều suy nghĩ, rồi Người từ tốn nói: "Cháu phải hát Bài ca hy vọng cho đồng bào miền Nam nghe".

Cũng từ ấy, Bài ca hy vọng đã được thu âm và gửi đến thính giả qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Khánh Vân đã hát bài ca hy vọng bởi ca khúc mang khát vọng về một ngày thống nhất hoà bình. Nó phù hợp với chính tâm thái người hát. Chị muốn đem đến cho người nghe khát vọng về tương lai hoà bình thống nhất bằng giọng ca của một người con gái miền Nam trên đất Bắc.

Cuộc đời thì tươi đẹp. Tài năng chị đã được khẳng định từ trên sân khấu rực rỡ ánh đèn, sau những tràng vỗ tay tưởng không dứt và những lá thư yêu cầu gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam. Kể cả bây giờ sau năm mươi năm Khánh Vân hát Bài ca hy vọng, và khi chị đã đi xa mười mấy năm vẫn còn nhiều người chỉ muốn nghe Khánh Vân hát Bài ca thuở ấy…

Thật xúc động khi có một Việt kiều ở Canaa có nikname là vanchus2000… đã gửi thư điện tử về Đài TNVN nói rằng: Tôi xa Tổ quốc lâu ngày muốn nghe lại Bài ca hy vọng và yêu cầu phát lại giọng hát Khánh Vân. Vinh quang ấy mãi mãi thuộc về chị, không biết linh hồn chị có hay?

Nhưng cuộc đời người đàn bà hát ấy có một số phận quá khắc nghiệt. Người hát hay nhất Bài ca hy vọng ấy không còn hy vọng gì về tương lai bởi căn bệnh tâm thần quái ác sớm đày đọa chị đến thân tàn ma dại. Con chim sơn ca bay ngang bầu trời nghệ thuật rồi gãy cánh rơi vào khoảng lặng lãng quên của cuộc đời một ngày không hẹn trước…

Viết đến đây, tôi cảm thấy ngòi bút như bất lực bởi tôi không thể viết gì thêm nữa về chị trong những tháng năm sau, về những bất hạnh tột cùng của kiếp người mà chị gánh chịu. Tôi không thể kể cụ thể bao nhiêu ngày đêm chị, trong bộ dạng tả tơi lang thang khắp phố phường Hà Nội tìm người yêu. Không thể biết chị đã đi bao nhiêu vòng Hồ Gươm ngày ấy khi đất nước vừa thanh bình…

Và cuối cùng là cảnh sống cô đơn, bệnh tật trong khu điều dưỡng người già cô đơn không nơi nương tựa… Chị đã trải qua những tháng năm nửa mê nửa tỉnh lúc dại lúc khôn như vậy cho đến ngày cuối cuộc đời… Cái chết đối với chị như một sự giải thoát cho một số phận bi thương. Cuộc đời đẹp ấy không thể để người đời thêu dệt thêm, dù huyền thoại về tài năng, hay nỗi đau thân phận…

Ngày chị mất, nước mắt tiếc thương của những người bạn và đồng nghiệp đã chảy quá nhiều. Họ khóc cho một tài hoa mệnh bạc. Tôi biết có nhiều chữ ký của giới âm nhạc, của những tên tuổi lớn đồng đề nghị truy tặng chị danh hiệu nghệ sĩ. Trong những chữ ký ấy, thật cảm động khi thấy có bút tích của Nhạc sĩ lừng danh Nguyễn Văn Thương; và còn nữa, chữ ký của GSNS Tô Vũ, Nguyễn Tấn Lộc và cả Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam lúc ấy: Minh Hiên…

Chị xứng đáng được gọi dù muộn màng, là Nghệ sĩ… nhân dân. Tôi tin với danh tiếng Khánh Vân, sẽ là một thiếu sót nếu không truy tặng cho hương hồn chị, một cái danh như vậy, dẫu biết cũng chả để làm gì…

Tân Linh
.
.