Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - Nhà tổ chức sản xuất Trương Nhuận:

CEO nhưng quản lý nghệ thuật

Thứ Sáu, 18/01/2013, 09:15
"Cùng với tập thể lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ, tôi nghĩ mình phải luôn sống thành tâm, chia sẻ thật lòng với mọi người trong việc điều hành thì chắc chắn mọi việc khó khăn mấy cũng sẽ thành công!" Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận chia sẻ.

- PV: Thưa ông, tâm trạng của người lãnh đạo mới ra sao khi tiếp nhận một trọng trách đầy khó khăn, áp lực của một người đi sát anh em, nhưng không phải là người làm nghề và bắt đầu thời kỳ hậu Lê Hùng, các diễn viên ngôi sao sắp nhường ngôi cho nghệ sĩ trẻ?

- Trương Nhuận: Chúng tôi vừa công diễn vở Mùa yêu đương do đạo diễn NSƯT Anh Tú dàn dựng cho Đoàn kịch 1 trong hai tháng tại thủ đô không hề có một diễn viên ngôi sao nào, mà toàn diễn viên trẻ. Họ cũng tiếp tục chuyến lưu diễn phía Nam với vở kịch đắt sô Tiếng chuông của nhà văn Hữu Ước. Có thể nói cả ba đạo diễn kiêm Trưởng đoàn Anh Tú, Chí  Trung và Lan Hương đều là đạo diễn có nhiều vở dàn dựng, riêng đạo diễn Lê Khanh thì bắt đầu “trình làng”.

Tôi đã có 23 năm gắn bó với Nhà hát và làm công tác đối ngoại kiêm tổ chức biểu diễn 4 đoàn nghệ thuật nên không bị áp lực với nhiệm vụ mới của mình. Tôi không phải là một nghệ sĩ, nhưng được đào tạo khá cơ bản về công tác quản lý văn hóa nghệ thuật tại Nhà hát Hoàng gia London, Vương quốc Anh, từ năm 2001 về cách sử dụng nguồn tài chính và nhân lực hiệu quả, chiến lược makerting trong nghệ thuật biểu diễn, cách xây dựng thương hiệu và phát triển khán giả.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo, chúng tôi là một tập thể lớn, trẻ, với nguồn lực mạnh là các nghệ sĩ tài năng yêu nghề. Chúng tôi luôn tạo cảm giác thoải mái, phấn chấn trong ngôi nhà chung này và tạo điều kiện tối ưu, khích lệ khả năng sáng tạo hoạt động của từng đơn vị nghệ thuật với lịch biểu diễn liên tục, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước, tận dụng các nguồn thu mang lại kinh phí cho tập thể.

Nhà hát Tuổi trẻ là một trong những đơn vị nghệ thuật ở Thủ đô, từng đã có người lãnh đạo tiên phong đổi mới cách nghĩ về quản lý văn hóa như anh Trần Tiến Thuật, ủng hộ sáng kiến từ nghệ sĩ mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất.

- Tôi đã từng chứng kiến diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ đi tập vở ở nơi khác và nhường sân khấu cho nước ngoài thuê, ban lãnh đạo có được sự đồng thuận của nghệ sĩ không?

- Chúng tôi mang lại niềm vui và thu nhập tốt cho anh em. Chúng tôi không muốn nghệ sĩ nghèo. Có thực mới vực được đạo và tạo nên sự đồng thuận. Đi thuê tập ở nơi khác rẻ hơn khi cho đối tác nước ngoài thuê biểu diễn, tại sao không? Rạp là nguồn thu lớn của chúng tôi. Cộng tác viên với Nhà hát cũng tăng thêm hiệu quả nghệ thuật và kinh doanh. Giá trị nhất với tôi là được học cách quản lý và phát triển văn hóa gắn liền với hiệu quả kinh tế từ các giáo sư Vương quốc Anh. Tôi tự xác định mình là một CEO, hãy luôn sát cánh bên cạnh các nghệ sĩ, tạo mọi điều kiện khích lệ họ sáng tạo nghệ thuật một cách tốt nhất.

- CEO (giám đốc điều hành) một công ty đã khó, CEO một tập thể nghệ sĩ gồm nhiều đoàn: 2 đoàn kịch, đoàn ca múa, kịch hình thể lại càng khó hơn. Ông đã chuẩn bị tinh thần như thế nào ở cương vị mới này? Những hoạch định 5  năm nữa?

- Tôi chỉ nghĩ mình đã bỏ nhiều công sức, tâm huyết dành cho ngôi nhà chung NHTT để có được vị trí như ngày hôm nay. Tôi hoạch định từng bước, chuẩn mực từng dự án, vở diễn, nắm bắt thời điểm ra mắt khán giả  phù hợp, đúng lúc để có chiến lược truyền thông và quảng bá tới công chúng hiệu quả nhất.

Tôi vừa có chuyến đi hội thảo và biểu diễn ở New Dehli, Ấn Độ, về đầu tuần thì cuối tuần lại lo cho đêm truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật sử thi Vang mãi bài ca Đại đoàn kết 2012 cho báo Đại đoàn kết. Ngay trong tháng 12/2012, phải bắt tay ngay thúc đẩy cho ra mắt vở diễn Nhà Osin của đạo diễn Lê Khanh, rồi NSƯT Chí Trung làm trợ lý cho đạo diễn NSND Xuân Huyền phục hiện vở kịch nổi tiếng Lời thề thứ 9 biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào đêm 22 và 23/12 cho Đoàn kịch 2.

Cuối tháng 11, Nhà hát Tuổi trẻ lại vừa cử nhóm nghệ sĩ ca múa nhạc do NSƯT Trọng Thủy - trưởng đoàn - phối hợp với Vụ Lữ hành Du lịch biểu diễn giao lưu văn hóa ở Tây An - Trung Quốc. Cũng trong tháng 12, ngay sau lịch thực hiện buổi tọa đàm về kịch hình thể  với Câu lạc bộ các Nhà báo sân khấu tại Hà Nội lại mang vở kịch thể  nghiệm Nguyễn Du với Kiều vào diễn đêm 15/12 tại Hà Tĩnh nhân dịp Nhà Tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du được trao Bằng Di tích quốc gia đặc biệt.

Và sau đó Đoàn kịch hình thể cùng chuyến lưu diễn miễn phí cho sinh viên các trường đại học phía Nam dịp cuối năm vở diễn chống kỳ thị đồng tính Được là chính mình. Nhà hát chúng tôi mang tính đặc thù khác với các nhà hát kịch và nhà hát ca múa nhạc. Đối tượng hướng đến của chúng tôi trước hết là khán giả trẻ nên việc lựa chọn tác phẩm, chương trình, hình thức biểu diễn phải phù hợp với thị hiếu thưởng thức của đối tượng khán giả này.

Tôi và tập thể nghệ sĩ Nhà hát đã tín nhiệm giới thiệu với lãnh đạo Bộ hai NSƯT: đạo diễn Anh Tú và đạo diễn Chí Trung sắp tới làm quy trình bổ sung vào Ban giám đốc cùng các gương mặt tinh hoa nơi đây sẽ góp sức cùng tôi hoàn thiện các dự án nghệ thuật dài hơi. Tập thể Ban giám đốc mới sẽ cùng nhau trao đổi, hoạch định cho những hướng phát triển lâu dài  trong những năm sắp tới của Nhà hát.

- Ở Hà Nội vẫn còn thói quen chờ vé mời để đến rạp xem kịch, thưởng thức nghệ thuật và đó là một bộ phận không ít trong giới trí thức, cũng tạo gánh nặng cho nhà tổ chức khi giới thiệu tác phẩm ra công chúng? Tôi tin điều này đã gây khó cho ông không ít lần. Ông lý giải ra sao, nếu đưa ra một trong những lý do là vì… tiết kiệm và quen “van một chiều” là được “biếu và tặng” thường xuyên rồi? Tỷ lệ vé mời một vở diễn của NHTT là bao nhiêu, thưa ông?

- Với một nhà tổ chức, rất cần có công chúng. Thành công một vở diễn chính là số đông công chúng đến rạp. Ở phía Bắc, các chương trình giao lưu hợp tác với nước ngoài chủ yếu miễn phí, cần phổ cập và quảng bá văn hóa, cần một lượng công chúng cho các chương trình này. Tỷ lệ hoạt động biểu diễn miễn phí, có trường hợp lên đến 50%. Nhưng những chương trình có giá trị kinh doanh, hoặc hoạt động theo “phương thức xã hội hóa” tỷ lệ vé mời bỏ hoàn toàn. Ví dụ những vở đầu tư lớn hoặc biểu diễn ở địa điểm phải thuê mướn như Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, Nhà hát Lớn hay có yếu tố hợp tác với Công ty Tổ chức biểu diễn - họ như những “cánh tay nối dài” cho hoạt động biểu diễn của chúng tôi.

Ở Nhà hát chúng tôi, tùy vở diễn có khi lượng vé mời dao động từ 1 đến 2 hàng ghế (30 chỗ).

Miền Bắc phần lớn là đoàn nghệ thuật công lập mang tính định hướng, phục vụ chính trị nên việc “mời” là vui và hạnh phúc, bởi vì không ai đến xem, không bán được vé là bi kịch. Tôi còn nhớ những năm 1997-1998, tất cả các nhà hát nghệ thuật ở thủ đô đều bị khủng hoảng, công chúng bỏ rạp, bỏ xem truyền hình vì chú tâm vào việc mưu sinh. Các vở kịch rất hay như Bóng tối phù dung, Bất hòa với số phận, Vườn quỳnh do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng đều có vé miễn phí đến tận các trường đại học, mời sinh viên đi xem. Và sau này, rất nhiều trong họ khi ra trường có công ăn việc làm lại là những khán giả xem kịch trung thành của chúng tôi.

Nhà hát Tuổi trẻ có đối tượng mua vé là những người có mức thu nhập ổn định khá, thu nhập từ công ty, các tổ chức doanh nghiệp, không trông chờ vào tiền lương viên chức và  không theo cơ chế xin - cho. Một mặt, Nhà hát vẫn tạo thói quen đến rạp xem kịch với một bộ phận công chúng đặc biệt, từ nguồn vé mời. Phải  biết cách đa dạng hóa các sản phẩm của mình đến với nhiều đối tượng công chúng trong xã hội.

- Ông có một khẩu hiệu riêng dành cho mình không? Làm cách nào để anh em tin vào hướng đi mới của lãnh đạo mới, trong thời buổi hiện tại, ngân sách tài chính của mỗi gia đình không dành nhiều cho việc… hưởng thụ văn hóa?

- Quan niệm sống của tôi là phải nạp tri thức liên tục nếu không muốn mình bị tụt hậu! Sống thành tâm với mọi người ắt mọi việc sẽ thành công! Biết thêm một ngoại ngữ là có thêm một chiếc chìa khóa tri thức mở ra cánh cửa của thế giới. Rất tiếc là khá đông người trong giới nghệ sĩ Việt Nam hiện nay rất bị thiệt thòi khi họ bước vào thời kỳ hội nhập vì kém ngoại ngữ.

Thế mạnh của tôi là biết sử dụng ngoại ngữ trong công việc hợp tác đối ngoại khi mình trực tiếp phải trao đổi và có ngay những quyết định với các đối tác trong nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật và văn hóa. Ngoại ngữ đã thực sự cho tôi thêm cơ hội và Nhà hát đến với nhiều giá trị tinh hoa của nhiều nền văn hóa đa dạng qua hơn 30 chuyến đi tổ chức biểu diễn tham dự festival quốc tế và phục vụ cộng đồng người Việt nước ngoài, góp phần cùng các nghệ sĩ xây dựng thương hiệu Nhà hát Tuổi trẻ rất thành công những năm qua.

Ngay cả việc biết sử dụng một cách đắc lực công nghệ thông tin cũng là một lợi thế của người làm quản lý, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn khi cần phải kết nối với các đối tác nước ngoài qua internet. Tôi đã sử dụng e-mail từ rất sớm. Năm 1995, tôi là người đầu tiên cộng tác với NSƯT Lê Văn Ngọ - Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long lúc bấy giờ - làm tổ chức biểu diễn và marketing để kết nối đưa Nhà hát Múa rối Thăng Long sang nước Mỹ biểu diễn liên tục. Sau một chuyến làm tổ chức biểu diễn và truyền thông cho Nhà hát Múa rối Thăng Long ở Mỹ về, tôi nhớ là mình đã gom toàn bộ tiền cát-sê được nhận lúc ấy vào năm 1997 (trị giá khoảng 3 cây vàng!) mua một dàn máy tính Compaq rất oách khi đó để mở mang tri thức của mình qua internet. 

Cùng với tập thể lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ, tôi nghĩ mình phải luôn sống thành tâm, chia sẻ thật lòng với mọi người trong việc điều hành thì chắc chắn mọi việc khó khăn mấy cũng sẽ thành công!

Từ trẻ em, gia đình và nhóm khán giả trẻ là đối tượng có nhu cầu, thị hiếu riêng tạo nguồn thu lớn cho nhà hát, tôi nghĩ khi mình biết cách làm các chương trình nghệ thuật thật thú vị dành cho trẻ em thì không có gia đình nào từ chối quĩ tài chính cả. Rất tiếc các chương trình nghệ thuật dành cho trẻ thơ dịp 1-6 tại Hà Nội đang là một khoảng trống cần khỏa lấp.

- Là người đã điều hành những cuộc họp gần đây nhất của Nhà hát, ông chọn nội dung chính trong giao ban về vấn đề gì trước tiên? Thường các cuộc họp đó kéo dài bao lâu?

- Tôi là người sợ họp và sợ nghe nói dài, nên việc họp ở Nhà hát chúng tôi luôn phải có trọng tâm, 2 tuần/1 lần họp, nội dung ngắn gọn và thiết thực, đạt được mục đích khi kết thúc. Lãnh đạo Nhà hát lắng nghe ý kiến phản hồi từ các nghệ sĩ trước mỗi vấn đề đưa ra với thái độ tôn trọng, hợp tác. Gần đây khi mới nhận nhiệm vụ mới, Nhà hát đã có cuộc họp đầu tiên kéo dài liền 3 giờ đồng hồ để xây dựng qui chế hoạt động của Nhà hát. Tôi mong đó là cuộc họp dài nhất  và duy nhất mình phải điều hành.

- Hãy cho tôi hình dung về một ngày làm việc của Trương Nhuận trước kia và bây giờ? Có khác nhau nhiều lắm không?

-  Có khác một chút là trước kia “tham công tiếc việc” làm việc không có điểm dừng một cách khoa học nên không quản trị được thời gian cho bản thân và gia đình. Bây giờ tôi phải lên kế hoạch trước cả tuần, cân đối hài hòa mọi việc, vì không ai thấu hiểu nỗi khổ, vất vả của mình bằng chính mình và người thân sẽ bị thiệt thòi, vì chính họ là điểm tựa cho tôi cống hiến với sự nghiệp sân khấu suốt hơn 20 năm qua. Trước kia rời công sở lúc 19 giờ, bây giờ sẽ cố  sớm hơn 1 tiếng.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

- Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, Khoa Ngữ văn năm 1979, biết sử dụng tiếng Anh và tiếng Pháp.
- 10 năm làm giảng viên tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
- 23 năm phụ trách tổ chức biểu diễn và đối ngoại tại Nhà hát Tuổi trẻ (NHTT).
- Từng viết báo với bút danh Tứ Mục, Quế Chi... cho tờ Thanh niên, Hà Nội mới, Tiền Phong…

Trần Thanh Hạnh
.
.