Trần Hà Trang - con gái nhà thơ Trần Hòa Bình:

“Bố sẽ sắp đặt cho em một người đàn ông xứng đáng”

Thứ Hai, 14/11/2011, 15:36
Hà Trang ngồi trước tôi, mái tóc buông lơi trên vai. Và khi em cười, tôi nhìn thấy bóng dáng của bố em, nhà giáo, thi sĩ Trần Hòa Bình trong nụ cười ấy. Em có nhiều nét giống bố, nhất là ở nụ cười. Thấm thoắt đã hơn 3 năm Trần Hòa Bình rời xa chúng ta, để tham gia vào một cuộc viễn du khác, như câu thơ ông viết: “Đi hết một bến bờ lại thấy bến bờ sau”…

Hà Trang mang theo tập thơ đầu tiên và cũng là tập thơ duy nhất của bố em, vừa in xong hồi tháng 8. Bài hát ru hoa sen - là gương mặt tinh thần đầy đủ nhất của thi sĩ Trần Hòa Bình, mà phải đến khi ông mất đi, chúng ta mới có cơ hội được nhìn thấy. 175 bài thơ được gia đình, bạn bè và học trò của ông lựa chọn để in thành sách, là một gia tài thơ, không quá nhiều nhưng cũng không hề ít như chúng ta nghĩ về Trần Hòa Bình lúc ông còn sống.

Bởi Trần Hòa Bình rất ít in thơ trên báo. Ông làm thơ như một cách để trò chuyện với chính mình, tuồng như không khi nào có ý muốn xây dựng một sự nghiệp bằng thơ, để nổi danh... cho dù sự nổi danh đã chào đón ông từ rất sớm, chỉ với một bài thơ Thêm một. Trong cuộc đời người làm thơ, có một bài thơ để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc đã là hạnh phúc rồi.

Trần Hòa Bình đã được tận hưởng hạnh phúc ấy, cho dù chặng đường ông đi trên nhân gian không dài. Nhưng khi có cơ hội được đọc toàn bộ các sáng tác của ông, chúng ta mới biết, những bài thơ hay nhất của Trần Hòa Bình hóa ra lại là những bài thơ nhiều tháng năm đã nằm im trên bản thảo của ông, như Bài hát ru hoa sen, như Khau Vai, như Những ý nghĩ về nghề, như Lối hoa vàng….

Tôi hỏi Hà Trang về cuộc sống của em sau ngày bố mất ra sao. Thoáng một giây gương mặt Hà Trang trở nên thảng thốt, như thể tôi đang chạm vào một vùng ký ức chất chứa trong em. Hà Trang chia sẻ: “Sau ngày bố ra đi, em đã chuyển về sống cùng với chú Châu và bác Thanh, là những người ruột thịt trong gia đình lớn của em. Em được mọi người yêu thương, chăm lo rất nhiều nên tinh thần cũng dần ổn định. Nhưng từ trong sâu thẳm, em chưa bao giờ dám đối diện với thực tế rằng bố đã không còn ở trên đời. Mỗi lần em trở về ngôi nhà ở khu tập thể Học viện Báo chí và Tuyên truyền để thắp hương cho bố, đôi chân em như quị xuống vì những ký ức, còn trái tim em thì trĩu nặng. Nỗi nhớ bố không thể nào diễn tả được, chỉ biết rằng nó rất quá sức với em. Em nhìn đâu cũng chạm vào kỷ niệm về bố. Em không thể nào tin được là thời gian em không còn bố đã trôi qua dài từng ấy…”.

Nhà thơ Trần Hoà Bình và con gái.

Một sự nghẹn ngào dâng lên trong lời kể của Hà Trang. Em là cô gái mạnh mẽ, vì những thử thách của số phận đã trao cho em từ lúc em còn rất nhỏ. Em không khóc, nhưng tôi cảm nhận rất rõ những giọt nước mắt đang rơi trong em. “Chị biết không, rất nhiều lúc đi trên đường em giật mình thảng thốt. Đó là khi em nhìn thấy một người đàn ông mặc áo khoác bò rất giống bố của mình phía trước. Đó là khi em đi qua những con phố mà ngày xưa bố đã từng nhiều lần chở em đi chơi, đi ăn kem, đi mua quần áo. Những hồi ức cứ tới tấp quay về như một cuốn phim, và em thấy tất cả như vừa mới hôm qua, như đang còn nóng hổi. Em không thể nào đối diện được với sự thật là bố đã vĩnh viễn đi xa. Em muốn chạy trốn sự thật ấy”.

Cha mẹ chia tay, Hà Trang sống cùng với bố từ khi em còn rất nhỏ. Em là gia tài lớn nhất của bố, được bố chăm bẵm, yêu thương, cưng chiều. Bố đi làm về vất vả, nhưng khi em đòi ăn một ly trà sữa, bố sẵn sàng vòng đi vòng lại hàng chục con phố để tìm quán bán trà sữa mua cho em. Đối với em, bố không chỉ là một người bố, mà còn là một người mẹ, một người bạn thân thiết.  Bố là người tài hoa, lúc nào cũng nhiều bạn bè xung quanh, họ hết thảy đều yêu thương em, nên em không bao giờ thấy mình thiếu thốn tình cảm.

Trang kể, suốt tuổi thơ của mình, em  chưa một lần bị bố đánh đòn hay quát mắng. Mỗi khi có điều gì không hài lòng, bố thường bảo em hãy ngồi và suy nghĩ về mình đi, rồi viết bản tự kiểm điểm. Em rất sợ những giây phút “phải ngồi suy nghĩ” ấy. Bố gần như không dạy em phải thế này, phải thế kia, nhưng bằng cách bố đối xử ân cần với bà nội, với các bác, các chú, với bạn bè và học trò của mình, Trang đã học được ở bố rất nhiều.

Hà Trang có một người bố đặc biệt, nên em cũng có một tuổi thơ rất đặc biệt. “Em thấy mừng một điều là từ nhỏ em đã không ích kỷ để chỉ giữ bố cho riêng mình. Mỗi khi bố đưa một người bạn gái về sống cùng, bố thường hóm hỉnh thông báo trước một câu, ví dụ: “Vài hôm nữa sẽ có một cô về ở nhà mình, Hà Trang tha hồ mà nói chuyện nhé”.

Em cũng luôn luôn chào đón các cô một cách vui vẻ. Điều em tiếc nhất cho bố là em đã luôn mong bố ổn định với một người phụ nữ nào đó. Vì như vậy bố sẽ được chăm sóc nhiều hơn, sức khỏe của bố sẽ tốt hơn, và có thể người phụ nữ ấy sẽ “phanh” được phần nào đôi chân ham đi của bố. Nhưng có lẽ ông trời đã không cho bố điều ấy.

Có lẽ cũng bởi đã từng mất mát trong hôn nhân nên bố rất khó khăn khi quyết định một cuộc hôn nhân mới. Trái tim bố dễ dàng rung động trước một vẻ đẹp, nhưng bố lại rất tỉnh táo khi nói về một đám cưới. Bố đã lựa chọn cuộc sống một mình. Em vô tâm, chưa hiểu hết tâm trạng của bố. Sau ngày bố mất, đọc thơ bố em mới nhận ra rằng bố cô đơn vô cùng….”.

Ngay cả một nhà thơ thì cuộc sống thường ngày của họ cũng có thể có nhiều khuôn mặt. Trần Hòa Bình trong đời thường là người sôi nổi, hài hước. Gặp ông lúc nào cũng thấy ông tươi cười. Suốt ngày, suốt tháng, suốt năm, suốt đời ông là những cuộc vui bè bạn, những chuyến đi. Nhưng trong thơ thì ông lại là một người hoàn toàn khác, rất cô đơn.

Và đây mới chính là khuôn mặt thật nhất của ông. Những bài thơ tình yêu của ông cho ta thấy có lúc ông đã tuyệt vọng làm sao trước những kiếm tìm. Đó là sự tuyệt vọng của người đàn ông hướng đến cái đẹp vĩnh hằng của tình yêu, khi đã nhìn thấy hết sự mong manh của nó. Trần Hòa Bình dường như đã đi qua cuộc đời như đến với một cuộc phiêu du nào đó. Và sự ràng buộc lớn nhất  đối với ông, nếu có, thì đó là tình yêu.

Nhưng nó không phải thứ tình yêu ở nghĩa hẹp, nghĩa sở hữu như là cách thông thường ta vẫn nghĩ. Ru hoa sen hay ru chính niềm tuyệt vọng thi sĩ của mình, ông viết: “Ngủ đi, nhưng đừng vào lãng quên/ Những bông hoa ta hái về chậm trễ/ Ta thương em mà không sao thưa được/ Ta yêu em mà không sao nói được/ Sen ngủ trong bình, em thức trong ta/ Ngủ đi những đóa hoa lạ nhà/ Hãy mơ giùm ta một mùa đôi lứa…” . (Bài hát ru hoa sen).

Và đương nhiên, trong hai chữ tình yêu không hẹp nghĩa ấy, ông dành phần không nhỏ, nếu như không muốn nói là lớn nhất, cho con gái yêu của mình. Những bài thơ viết cho con mới da diết làm sao. “Thôi xin cọ cứ xòe ô che nắng cho con/ Che bớt những buồn vui riêng cha tuổi ba mươi lẻ/ Và con gái nhỏ nhoi ơi - con là cây cọ bền gốc nhất/ Ngả bóng đường cha đi qua gian khó đau buồn…”. (Viết thêm về cọ).

Hà Trang bảo, em thường không thể đọc hết mạch lạc một bài thơ bố viết cho em, vì nước mắt em cứ tuôn chảy.  Riêng bài thơ Tự thuật bố viết về tâm trạng của mình trong những ngày tháng bố “giành quyền” nuôi em thì em gần như không đọc nổi. Nó làm em gai cả người: “Bố bò sát đất như một con giun/ Bố thu mình như một con bói cá/ Bố lặng câm như một con rùa”, rồi có lúc: “Bố hung hãn như một tên cướp biển/ Bố thất thần như một kẻ mộng du/ Rồi lại như một tên cướp biển ranh ma….”.

Tất cả những trạng thái “cổ tích” hay “hình sự” ấy chỉ để bố được “là bố hơn”, được nhận lấy niềm hạnh phúc cuối cùng là ôm con vào lòng, yêu thương, chăm bẵm con mỗi ngày. Và bố con mình sẽ cùng nhau sẻ chia những vui buồn, cả những khốn khổ trong đời sống này. Hà Trang nhớ lại những ngày mưa, nước ngập vào căn nhà nhỏ. Bố nhìn Trang xót xa, bảo  thương Hà Trang quá, phải ở trong cảnh nhà dột thế này, con cứ ngồi ngoan trên giường để bố tát nước nhé. Nhưng sớm hiểu được hoàn cảnh của mình, Hà Trang cùng bố tát nước, dọn nhà. Từ nhỏ, em lúc nào cũng là đứa bé già dặn hơn tuổi. Đi học em ít khóc, và tự ý thức về việc không làm phiền lòng bố. “Em lúc nào cũng tự hiểu là bố tiêu pha thế thôi, nhưng thực chất là bố không có nhiều tiền. Vì bố chỉ là một nhà giáo, nhà thơ, tính tình quảng giao, hào phóng lại nhiều bạn bè và ham đi.

Lúc bố mất rồi, trong thẻ ngân hàng của bố chỉ có khoảng 20 triệu đồng. Bố chưa khi nào có nhiều tiền. Và bố cũng không có nhiều tiền để lại cho em. Nhưng điều mà bố để lại cho em còn lớn hơn cả tiền bạc, đó là tình yêu thương của mọi người xung quanh em.

Bố thực sự đã cho em một cuộc sống hạnh phúc, khiến em chưa bao giờ cảm thấy việc bố mẹ chia tay nhau là vấn đề lớn. Em có một vị trí nào đấy trong xã hội cũng là bởi em được làm con của bố. Em tiếc nhất là mình chưa báo hiếu bố được một lần. Em vừa ra trường, đi làm chưa kịp nhận tháng lương đầu tiên thì bố mất”…

Hà Trang bây giờ đã là một cô gái đủ bản lĩnh để bước đi một mình. Em làm việc trong ngành truyền thông. Em thừa hưởng ở bố sự tinh tế trong cách giao tiếp, ứng xử, trò chuyện với mọi người và sự hóm hỉnh, thông minh, biết làm cho cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn bằng sự lạc quan.

Mỗi ngày qua đi, cùng với sự cảm nhận về công việc, về cuộc đời và về tình yêu, em lại càng thêm hiểu và thương bố hơn. Em nói, giá mà bánh xe thời gian quay được trở về ngày xưa thì em sẽ biết quý trọng hơn những phút được sống bên cạnh bố, chụp nhiều ảnh kỷ niệm với bố. Ảnh bố chụp với bạn bè thì nhiều mà ảnh chụp hai bố con thì quá ít.

Tôi hỏi Hà Trang, bố em từng là người đàn ông hấp dẫn trong mắt nhiều phụ nữ, không biết khi chọn một người đàn ông để gắn bó suốt đời, em có định tìm kiếm một người giống như bố không, em nói không. “Vì bố quá nhiều điểm hấp dẫn, bố thuộc về nhiều người nhưng không thuộc về ai cả, dĩ nhiên trừ con gái của bố. Em mong muốn có một người đàn ông của riêng mình, chứ không phải của nhiều người như bố. Em không lấy bố làm nguyên mẫu để tìm tình yêu cho cuộc đời mình. Nhưng bố lúc nào cũng có một vị trí riêng rất thiêng liêng trong lòng em”.

Giống như nhiều cô gái trẻ khác, tôi hiểu Hà Trang đã từng yêu và mơ mộng về một chàng trai của riêng mình. Và có thể em cũng đã từng đổ vỡ, thất vọng. Những xúc cảm ấy không một người con gái tuổi 20 nào không ít nhiều trải qua. “Chị biết không, từ nhỏ tới lớn, em chưa từng ăn Tết ở Hà Nội. Cứ 30 Tết, bố lại đưa em về quê và hai bố con ăn Tết ở quê với mọi người. Sau này lấy chồng, em sợ nhất là không được về quê ăn Tết như ngày xưa đấy. Còn nói về tình yêu thì em luôn nghĩ tình yêu là một điều tuyệt diệu ở trên đời. Không có tình yêu, cuộc sống thật nhàm chán. Em tin là ở nơi nào đó, bố vẫn luôn nhìn thấy em và sắp đặt cho em một người đàn ông xứng đáng, để em không phải mất công tìm kiếm hay lựa chọn”…

Bình Nguyên Trang
.
.