Bây giờ còn một "Thi nhân..."

Thứ Ba, 19/04/2011, 15:38
Đến mùa xuân năm Tân Mão này là tròn 70 năm ra đời cuốn sách nổi tiếng "Thi nhân Việt Nam" của hai anh em ông Hoài Thanh - Hoài Chân. Vâng! Đúng 70 năm trước, cuốn sách  ấy khi vừa xuất hiện đã làm vang động văn đàn bởi một công trình lý luận phê bình mang dấu ấn đặc biệt, với sự sâu sắc chân thành, với những phát hiện bình phẩm khách quan và công bằng lại nhuần nhị nhẹ nhàng khiến cả người trong cuộc và độc giả bâng khuâng lạ lùng.

70 năm đi qua, trong số 45 người có mặt lúc ấy và một người vắng mặt là TTKh, nay chỉ còn lại một người duy nhất là nhà thơ Xuân Tâm. Hầu chuyện người cuối cùng của thi nhân buổi ấy sau 70 năm, có những điều thú vị mà tác giả muốn kể lại với bạn đọc...

Thi nhân trầm lặng và cuốn sách đầu tiên cất giữ 70 năm

Nhà thơ Xuân Tâm lặng lẽ sống như một ẩn sĩ ở ngôi nhà nhỏ trên phố Thụy Khuê. Cái số nhà và số ngõ cho tôi cảm giác dễ nhớ quá chừng: Nhà 1, ngõ 234. Trong căn nhà ấy bây giờ chỉ còn mỗi mình lão thi sĩ năm nay tròn 96 tuổi.

Ông vừa chia tay mãi mãi với người bạn đời vốn là cô gái Huế đã cùng ông đi suốt 70 năm thi ca và tham gia công tác cách mạng. Bây giờ căn nhà cấp bốn duy nhất ở khu phố ấy một mình thi nhân lẻ bóng. Lẻ bóng và lẻ bạn. Bạn bè ông, những Xuân Diệu, Huy Cận, Mộng Tuyết… và mới đây nữa Tế Hanh, đã lần lượt bỏ về miền miên viễn...

Cánh cổng đóng im lìm. Chuông bấm lần thứ ba, chợt lão thi sĩ bước chậm chạp ra đón khách. Ông run run dẫn tôi vào căn nhà cũ kỹ cuối cùng của khu phố sôi động Thụy Khuê. Gánh nặng tuổi tác hằn lên tấm thân gầy nho nhã của thi nhân. Trên bàn và trên gường ngủ vẫn đầy sách báo. Người vẫn cập nhật thời sự, văn nghệ và cả thể thao quốc tế.

Bằng chứng là báo Bóng đá, báo Văn nghệ, Nhân Dân... số mới nhất vẫn mở trên bàn. Tôi xúc động trước một thi nhân hiền hậu tựa tiên ông đang lần giở những trang sách cũ. Ông bảo đây là cuốn Thi nhân Việt Nam in lần đầu năm 1941 có lời đề tặng của tác giả Hoài Thanh. "Lâu nay tôi cất nó vào trong cái hộp sắt tây này, nên mới giữ được như vầy".  Ông vừa kể vừa lần giở cuốn sách đã nhuốm màu thời gian như để nhớ về ngày này 70 năm trước, khi tên của mình được xướng lên trong một tác phẩm sang trọng về thi ca ...

70 năm trước, chàng thư sinh xứ Quảng ra Huế học Trường Quốc học. "Học trò trong Quảng ra thi". Không biết có phải "Gặp cô gái Huế bỏ đi không đành" không, nhưng chàng trai Phan Hạp ấy đã phải lòng cảnh sắc sông Hương, núi Ngự và hình như mê mải theo bóng áo dài cô nữ sinh Đồng Khánh ấy mà làm thơ để cuối cùng trở thành thi sĩ Xuân Tâm.

Từ Huế mộng mơ, chàng thi sĩ tuổi đôi mươi ấy đã có tập thơ đầu tay Lời tim non. Hẳn đó là tiếng lòng chàng thi sĩ trẻ mà ngay cái nhìn đầu tiên với cuộc đời đã thiết tha nhè nhẹ mang vào thơ mới Việt Nam một cái gì đó lạ lẫm. Cái bài thơ có tên giản dị như không thể giản dị hơn: Nghỉ hè, đã gợi một cái gì đó bâng khuâng: "Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ".

Có lẽ hai tác giả của Thi nhân Việt Nam đã cảm động lắm khi lần đầu đọc thơ Xuân Tâm nên đã chọn nhà thơ trẻ này vào cuốn sách mà sau này các nhân vật trong ấy đều trở thành thi sĩ lớn... Như muốn nhắc nhớ những kỷ niệm đầu đời, lão thi nhân lần vào tủ lấy ra cái hộp sắt tây, trong đó có mấy cuốn sách mỏng thoạt trông đã thấy là sách cổ. "Đây là cuốn Lời tim non của tôi in lần đầu ở Hà Nội năm 1941.

Năm ấy, tôi dù mới đi làm nhưng lương cũng khá. Tôi mang theo hai trăm năm chục đồng Đông Dương lên tàu đi Hà Nội, đến nhà xuất bản Trung Bắc ở 107 Hàng Buồm để hợp đồng in Lời tim non. Lúc đầu hợp đồng năm trăm cuốn, nhưng không biết nhầm lẫn thế nào họ in một ngàn  bản. Giá bìa mỗi cuốn một đồng. Mà một đồng hồi ấy có thể mua được hàng tạ gạo...Từ Lời tim non mà Hoài Thanh và Hoài Chân phát hiện ra tôi và đưa vào cuốn Thi nhân Việt Nam

Lão thi sĩ kể: Cách mạng Tháng Tám nổ ra, mang hoài bão tham gia cứu nước, tôi ngược vô Quy Nhơn và được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Ngân khố Trung Bộ. Đến ngày hòa bình lập lại, có mặt trong đoàn cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, rồi về làm việc tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước…

Với tư cách là nhà thơ có mặt trong cuốn sách Thi nhân Việt Nam, hiển nhiên Xuân Tâm được mời tham gia Đại hội sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957... Thời gian trôi đi, mấy chục năm làm bổn phận công chức, Xuân Tâm lại trở về cái tên Phan Hạp mải mê với các kế hoạch 5 năm xây dựng đất nước trong hòa bình và chi viện chiến trường miền Nam.

Mộng thi nhân đành gác lại mấy mươi năm, dù hồn thơ ông vẫn một mạch đằm thắm sáng trong như tính cách con người ông vậy. Tên tuổi Xuân Tâm ẩn đi giữa những tên tuổi lớn: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... Nhiều người yêu thơ cứ ngỡ ông đã sớm ra đi như những người bạn thơ ông từ Thi nhân Việt Nam, những Nguyễn Nhược Pháp, Hàn Mặc Tử, Bích Khê...

Hoặc có người ngỡ ông đã ở lại vùng tạm chiếm miền Nam... Trên đất Bắc, ông làm một thi nhân trầm lặng, không ồn ào, không giao đãi tuyên ngôn, nhưng  vẫn viết cho riêng mình, viết về thời đại với một mạch thơ riêng. Tôi nhớ có những bài thơ dù không mấy tiếng vang nhưng đầy ấn tượng đã được đọc.

Bài Hành quân đau thương là một bài thơ lạ ông viết về đám tang Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh với những câu thơ xúc động: "Có cuộc hành quân nào im lặng hơn?/ Không tiếng khóc mà người người cau mặt/ Không tiếng kèn bi ai mà dao cắt đứt lòng"… Những bài thơ ấy sau đã đã được ông in trong tập Dòng thời gian (NXB Văn học - 1990).

Kể cũng lạ. Hay là ông yên phận, hay là cạn nguồn thơ? Không! Nguồn thơ ấy vẫn liền mạch nhưng vốn không ồn ào, ông lặng lẽ sống giữa đời mà không cần danh vị. Thi nhân ẩn sĩ đã từng làm nhiều người ngạc nhiên khi dịch Lơ Xit của Pie Cornây (Pierre Corneille) với lời đề tựa là những câu thơ rất mực chân thành: Kính gửi hương hồn Pie Cornây: Người lớn hơn tôi ba thế kỷ/ Nên ngày nay tôi mới dịch thơ Người/ Xin nhận nơi đây những lời tri kỷ/ Dịch thơ Người tôi dịch với tim tôi... 

Tôi nhớ NGND Nguyễn Lân có lần đã viết thư cho thi sĩ Xuân Tâm ngợi khen sự tài hoa của người dịch Lơ Xit để cho độc giả Việt Nam thêm một lần hiểu và yêu một kiệt tác của văn học thế giới...

Bây giờ thi nhân cuối cùng và duy nhất Xuân Tâm đang sở hữu cuốn Thi nhân Việt Nam in lần đầu tiên. 70 năm cuốn sách ấy đã cất giấu trong nó một tên tuổi và con người tên tuổi ấy cất giữ chính mình trong cuốn sách. Thế thôi. Giờ thì tôi hiểu thêm nhân cách của thi nhân.

Tôi lật giở lại cuốn sách đẫm màu thời gian ấy. Nó nhẹ như bông, in bằng thứ giấy bổi, nét mực còn sắc như mới. Đặc biệt nhất là trang đầu sách có bút tích đề tặng và chữ ký của tác giả Hoài Thanh. Cái chữ ký màu mực tím một thuở vẫn còn tươi rói khi chủ nhân nét chữ ấy đã ra người thiên cổ gần ba mươi năm...

Giở lại trang viết về Xuân Tâm trong sách ấy, Hoài Thanh - Hoài Chân đã dành cho người thi sĩ trẻ một tình cảm đúng mực: "Chao ơi! Vui hay buồn, Xuân Tâm đều có vẻ dịu dàng vừa phải... Ấy bất cứ đề tài gì, lời thơ vẫn một giọng nhè nhẹ, êm êm. Nó chầm chậm đi vào hồn ta như một buổi chiều Xuân Diệu" .

Chao ôi! Ngay cái cách bình của tác giả Thi nhân Việt Nam với thơ Xuân Tâm đã thấy lạ lùng. Cũng nhờ cuốn Thi nhân Việt Nam in lần đầu được chính Xuân Tâm cất giữ mà sau này trong những lần tái bản, các nhà xuất bản in lại đã mượn ông để giữ nguyên tác. Nhưng cũng có những trường hợp đáng tiếc, là một số lần in không theo nguyên tác lần đầu nên có cuốn quá nhiều lỗi thành ra "tam sao thất bản"... 

Và chuyện về người thơ bảy mươi năm của thi nhân

Bây giờ lúc tôi đến thăm lại thì phu nhân của thi sĩ đã đi xa. Ông buồn bã nhớ về những ngày tươi đẹp thuở đương sống cùng người đẹp trên đất Cố đô. Đó là mối tình đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời thi sĩ. Thuở ấy chàng học sinh Quốc học đem lòng si mê cô học sinh Đồng Khánh.

Có lẽ hình bóng người nữ sinh yêu kiều thướt tha trong tà áo dài mỗi chiều qua cầu Trường Tiền làm trái tim chàng xao xuyến. Chả thế mà trong Lời tim non, thi sĩ trẻ đã dành nhiều câu thơ riêng tặng. Bạo hơn, thi sĩ đề ngay dưới một bài thơ dòng chữ: Tặng em Tâm. Tâm là bí danh cô nữ sinh Trường Đồng Khánh Phạm Thị Mua.

Thật thương mến quá khi Xuân Tâm viết: "Tuổi thanh xuân em nữ sinh Đồng Khánh/ Anh học sinh Quốc học thân thương/ Hai trường bên nhau chung một con đường/ Con đường hẹp để cho tình rộng mở..". Và "Tựa đàn chim ríu rít bên nhau/ Những tà áo nhẹ bay trong cánh gió...".

Đúng như Tế Hanh khi viết tựa cho tập Dòng thời gian: Xuân Tâm có cái may mắn là đã yêu và được yêu. Tình yêu giữa người học sinh Trường Quốc học và người nữ sinh Đồng Khánh trong khung cảnh sông Hương núi Ngự thật là đẹp và trở thành tình bạn đời cho đến già.

Cho nên nhà thơ khẳng định không thể có một mối tình khác: "Thi sĩ không sao vá được tình/ Mỗi lời ân ái đóng hơn đinh/ Trong hồn trong thịt, trong xương tủy/ Dưới sóng thời gian chẳng đổi hình...”. Trong một bài thơ khác, bài Im lặng có lẽ viết lúc mới yêu: "Em nhỉ gặp nhau sao chẳng nói/ Tiếng lòng tha thiết trốn đi đâu/ Em nhìn anh mãi anh không hỏi/ Thế mà về nhớ rách tim đau…".

Người nữ sinh ấy sau này chính là cô giáo Hiệu trưởng Trường Chu Văn An, Hà Nội, Phạm Thị Mua. Họ đã đi cùng nhau đến cuối cùng của con đường yêu đúng 70 năm, qua bao nhiêu biến cố lịch sử và sóng gió của đời người. Có thể đó cũng là một kỷ lục đối với những lứa đôi và với các thi sĩ chăng? Biết tôi lui tới nhiều lần và cảm động trước mối tình đẹp và bền lâu của mình, Xuân Tâm đọc  tôi nghe bài thơ viết tặng nàng thơ của mình lúc đã về già: "Ngày xuân muốn ngắm cành đào/ Mai vàng giữa Huế thuở nào khó quên/ Xuân xưa in bóng hình em/ Xuân này còn giữ êm đềm mùi hương/ Cánh vàng nhỏ nhẹ vương vương/ Nhớ sao giây phút yêu đương buổi đầu…".

Nay "nàng Thơ" của Xuân Tâm đã rời bỏ ông đi trước. Tôi biết nỗi đau của một cánh nhạn lẻ đàn sẽ còn đeo bám ông. Thi nhân buổi ấy còn lại một Xuân Tâm. Ông vẫn còn yêu thơ đến tận bây giờ, và vì vậy, khi tạm biệt, lão thi sĩ đã tự tay chép tặng tôi bài thơ như một tuyên ngôn về thơ: "Không rượu không trà thuốc cũng không/ Tôi chỉ say thơ Xuân đến Đông/ Có lúc gạo khan lòng nhẹ chán/ Mà thơ thơm rộn cả tâm hồn..."

Tân Linh
.
.