Bất ngờ…Mường Mán

Thứ Ba, 04/11/2008, 16:00
 "Mường Mán" ở đây là bút danh một nhà văn quê ở An Truyền, vùng đất có rượu làng Chuồn nổi tiếng ở Huế, chứ không dính dáng gì đến người Mường, người Mán. Tên thật của anh là Trần Văn Quảng. Còn nhớ lần đầu gặp anh hai chục năm trước, khi anh đang kiếm sống một cách vất vả tại Cần Thơ.

Vợ chồng anh cưới nhau tại Huế mười năm trước đó, thời điểm cả nước phải ăn bo bo, dải đất hẹp miền Trung càng khốn khó, nên thay vì đến nơi thơ mộng hưởng tuần trăng mật, chàng và nàng dắt díu nhau đi tìm miền đất dễ sống hơn.

Cần Thơ lúc đó hình như cũng "cần… gạo" hơn "cần… thơ" nên Mường Mán phải xoay làm đủ nghề. Cũng may anh có Phương Bình "người đã cần mẫn chăm chút từng miếng ăn giấc ngủ, từng niềm hy vọng, là cái phanh kỳ diệu lắm phen đã dừng lại kịp lúc các cơn tuột dốc tinh thần, thể chất của kẻ nàng đã chọn giữa muôn ngàn thế gian…". (Tự bạch của Mường Mán).

Nàng đã là nguyên mẫu trong một truyện ngắn của chàng. Một mối tình đẹp - nói vui thì cũng là "hoa khuê các" yêu "bướm giang hồ". Nàng con nhà khá giả trên phố, nữ sinh Trường Đồng Khánh, Huế, chàng thì vóc dáng cục mịch, một đời phiêu dạt, đến cái bút danh cũng kỳ quặc…

Nói về cái bút danh gây tò mò cho nhiều người này, Mường Mán khẽ cười, bảo tôi: "Hồi mới viết, tụi bạn đứa nào cũng chọn bút danh mỹ miều, nên tui đặt "Mường Mán" nghịch đời chơi!".

Sự đời ngẫm cũng vui. Bạn cùng lứa chọn bút hiệu mỹ miều thì rơi rụng gần hết, Mường Mán thì sau 45 năm cầm bút, danh mục tác phẩm dài đến mức khó kể cho đủ. Thì chỉ riêng truyện ngắn viết trước 1975, đã có hơn 100 cái, riêng truyện dài cho tuổi học trò đã có hàng ngàn trang, chỉ nghe đầu đề đã mê: nào là "Lá tương tư", "Khóc nữa đi sớm mai", rồi "Thương nhớ người dưng", "Ngon hơn trái cấm", "Mùa thu tóc rối", "Bâng khuâng như bướm", "Trộm trái vườn người"…

Hình như không ít người chỉ biết Mường Mán là cây bút của tuổi học trò và như vậy tuy không nói ra lời, nhưng hàm ý đó là văn loại 2! Thực ra, đó là một sự ngộ nhận, như cho rằng "truyện" có giá trị hơn "ký".

"Không dễ "móc túi học trò" đâu" - đó là cách nói vui của Mường Mán. Phải hiểu biết tâm lý, phải biết nói đúng giọng của tuổi teen mới "dụ khị" được các "thượng đế" nhỏ tuổi mở hầu bao thường là lép kẹp của mình.

Bẵng đi mười năm, năm 1998, tôi mới có dịp gặp lại Mường Mán tại Nhà Sáng tác Nha Trang. Vẫn với thân hình thấp đậm, nước da bánh mật, ăn mặc lùi xùi có phần khắc khổ, chỉ riêng điệu cười sau hàng ria mép con kiến chứng tỏ anh chàng là tay nghịch ngầm và cũng đáo để.

Sau một thời gian được về làm việc tại Hội Văn nghệ Cần Thơ, Mường Mán đã chuyển sang Công ty Văn hóa Phương Nam, cuộc đời chưa tới hồi "thái lai", nhưng đã qua cơn "bĩ cực", hai vợ chồng đã dựng được căn nhà nhỏ ở làng hoa Gò Vấp; hẳn là nhờ tiền nhuận bút, trong đó có bộ "Tiểu thuyết Mường Mán" dành cho tuổi học trò gồm 5 cuốn, dày gần ngàn trang - NXB Trẻ in năm 2007, đến 2008 đã được tái bản và tiền tác quyền mấy bộ phim nữa.

(Mường Mán từng tham gia viết kịch bản bộ phim Cảnh sát hình sự nhiều tập "Gió qua miền tối sáng" đồng thời là tác giả phim "Chuyện Ngã Bảy" được Huy chương Vàng trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc…).

Lần đó, thấy anh vẫn tiếp tục "cày" đề tài về vùng đất miền Tây Nam Bộ, trong một giờ giải lao, tôi hỏi: "Anh là người Thừa Thiên - Huế, sao chưa thấy anh viết về những kỷ niệm ở quê hương?" - "Không phải là tôi chưa hề viết, nhưng viết chưa hết. Cái làng Chuồn đó… cùng cơ man nào là Ngọt Đắng Ấm Lạnh không thể nào quên…".

Quả thực là lúc đó tôi chưa có dịp đọc hết tác phẩm của Mường Mán (và hình như trong giới nhà văn, không ít người chẳng mấy khi chịu đọc tác phẩm của bạn bè!). Cho mãi đến lúc anh tung ra liền hai tuyển tập truyện ngắn dày dặn - "Cạn chén tình" (NXB Trẻ, 2003) gồm 48 truyện ngắn và "Sáu giang hồ và những mảnh đời phiêu dạt khác" (NXB Trẻ, 2005) gồm 22 truyện ngắn và truyện vừa, với ai không biết, chứ với tôi là điều rất bất ngờ.

Tôi không ngần ngại gọi Mường Mán là một cây truyện ngắn có hạng; truyện của anh có nhiều khía cạnh thú vị xứng đáng là đề tài luận văn cao học tại các trường đại học. Xin thử dẫn một vấn đề: Trong 70 truyện ngắn công bố trong hai tuyển tập kể trên, quá nửa là truyện viết trước năm 1975.

Tác phẩm đứng được sau hơn 30 năm cũng đã là một vấn đề, nhất là tác giả lại từng ở bên kia chiến tuyến. (Trước 1975, Mường Mán là phóng viên báo chí Sài Gòn ở chiến trường miền Trung.)

Như tôi được biết, lâu nay không ít người, khi nói về thế hệ nhà văn ở miền Nam trong giai đoạn này thường chỉ lưu ý đến những cây bút phản chiến hoặc những kẻ bồi bút chống cộng. Mường Mán có con đường riêng của mình.

Trên những trang văn của anh đầy ắp nhân tình - tình yêu quê hương, trai gái, vợ con, bạn bè..., cả những tình yêu thoáng qua, những kẻ bạc tình và bao trùm lên tất cả là tình yêu thương của tác giả đối với những cuộc đời bất hạnh, những số phận trớ trêu.

Những truyện đề cập trực diện đến cuộc chiến tranh, với cái nhìn nhân bản từ một góc độ mới - góc nhìn cận cảnh của người bên kia chiến tuyến, tác giả đã giúp cho người đọc hiểu được cuộc chiến tranh một cách toàn diện hơn trên cơ sở tôn trọng sự thật, tránh cách nhìn hẹp hòi, định kiến...

Tuy thế, Mường Mán không phải là cây bút trung lập hay mất lập trường. Chỉ một truyện ngắn "Những mùa trăng ca múa" viết năm 1972 với hình ảnh chiếc mũ cối bộ đội, với "o Dương" cùng những đồng chí du kích đánh Tây ở làng quê anh được miêu tả qua những trang văn thật đẹp và đậm đà tình nghĩa đã thể hiện sự trân trọng của tác giả đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc, thể hiện tình yêu da diết đối với quê hương. Giọng điệu Huế, hình ảnh Huế và làng Chuồn quê anh thấm đẫm trên rất nhiều trang sách. --PageBreak--

Gần đây, Mường Mán lại khiến tôi bất ngờ khi anh gửi tặng tập thơ "Dịu khúc" (NXB Trẻ, 2008). Thì ra anh có thơ đăng từ năm 1964 trên các tạp chí, tuần báo văn nghệ ở Sài Gòn, đến năm 1968 mới viết truyện.

Qua điện thoại, anh bảo: "…Giá giấy má, công in tăng quá trời! Kế hoạch tái bản 8 tập truyện đành phải tạm gác. In tập thơ bạn bè đọc cho vui…". Nghe giọng, lại tưởng thấy nụ cười nghịch ngầm sau hàng ria mép đã sắp đổi màu của nhà thơ.

Mà sao lại không vui khi tác giả tự kỷ niệm 45 năm cầm bút và 30 năm ngày cưới bằng một tác phẩm thật xinh xắn, trang nhã ghi lại "một phần của tuổi thanh xuân cần được nâng niu giữ gìn." ("Tựa" của nhà văn Ngụy Ngữ).

Đây là tuyển tập gần 100 bài thơ lục bát và đặc biệt có bài "Qua mấy ngõ hoa", đăng lần đầu trên tuần báo "Tuổi Ngọc" ở Sài Gòn vào đầu thập niên 70, từng được nhiều bạn trẻ dùng làm tặng vật tỏ tình, nói hộ nỗi lòng mình với bạn gái. "Chim vỗ cánh nắng phai rồi đó/ Về đi thôi o nớ chiều rồi/ Ngó làm chi mây trắng xa xôi/ Mắt buồn quá chao ơi là tội. //… Có chi mô mà chân luống cuống/ Cứ tà tà ta bước song đôi/ Đi một mình tim sẽ mồ côi / Tóc sẽ lệch đường ngôi không đẹp… Bài thơ gồm 18 khổ 4 câu, vậy mà có những bạn đọc ngày xưa, nay từ châu Âu, châu Mỹ trở về thăm quê hương, gặp lại tác giả tại "Quán Ruốc" đã đọc thuộc làu cả 72 câu thơ!

Cách phát hành độc đáo tập "Dịu khúc" tại Quán Ruốc cũng là một chiêu bất ngờ của Mường Mán. Tôi nghe tiếng “Quán Ruốc" của vợ chồng Mường Mán đã mấy năm, vừa rồi mới có dịp mục sở thị.

Nếu tôi không nhầm thì cũng đã có không ít hàng quán mang tên văn nghệ sĩ đã phải chết yểu vì nhiều nguyên nhân, nhưng hẳn cũng vì khách đến quán - nếu chỉ để ngắm nghía văn nhân tài tử, thì chỉ một hai lần là đủ; nói cách khác, vì hàng quán đó thiếu thực chất.

Có lẽ ban đầu Quán Ruốc có khách một phần cũng nhờ tên Mường Mán. Cái tên quán khá là độc đáo hẳn cũng khiến nhiều người chú ý. Nghe tôi chất vấn về cái tên quán, Mường Mán khẽ nhếch hàng ria mép, cười nhẹ: "Vợ chồng cũng nhắc đến đủ thứ tên mỹ miều thơ mộng, Sài Gòn cũng đã có mấy quán Huế mang tên như thế, nên rút cục chọn cái tên dân dã mà lại đậm hương vị Huế".

Cho dù vậy thì Quán Ruốc giữ được khách, đã thành thương hiệu được khách gần xa biết đến chính là nhờ thực chất hương vị Huế toả ra từ các món ăn. Tôi đến quán không hẹn trước, nhưng được biết hàng ngày Mường Mán thường có mặt ở quán từ chập tối.

So với khung cảnh náo nhiệt rực rỡ sắc màu của những quầy hàng dọc đường Nguyễn Văn Trỗi, Quán Ruốc ở trong hẻm 38 vắng vẻ (gần cầu Nguyễn Văn Trỗi) thật là khuất nẻo, nhưng hỏi bà con bên đường hầu như ai cũng biết. Đã hơn 8 giờ tối, trời lại mưa, nhưng quán khá đông khách.

Không có tiếng nhạc xập xình ồn ã; qua quãng sân nhỏ dưới những vòm lá xanh là hình bìa tập thơ "Dịu khúc" của Mường Mán vừa phát hành, rồi sách và tranh của bạn bè trưng bày quanh những bức tường…

Ông chủ với dáng thấp, đậm đang đứng quầy giúp bà chủ đi đâu đó, bất ngờ khi thấy tôi xuất hiện vào thời khắc không mấy thuận tiện này. Mặc dù biết tôi không phải là dân hay nhậu, Mường Mán vẫn kéo ghế, gọi đĩa nem (tré), rót rượu cụng ly nhâm nhi với tôi.

Tré và rượu đều ngon, đậm đà, đúng là hàng hiệu. Ông chủ lại khẽ nhếch hàng ria mép cười nhẹ: "Mang từ Huế vô cả đó!". Thấy tôi tròn mắt lộ vẻ ngạc nhiên, anh nói thêm: "Để bảo đảm hương vị cho thực đơn hơn 50 món ăn truyền thống Huế, nhiều thứ bọn tôi phải nhờ mua ngoài Huế chở vô. Rượu làng Chuồn quê tôi này, rồi vả và hến, cá ngạnh, cá hanh, cả mép gân bò nữa… Có khi gấp phải chở bằng máy bay đó…". Chà! Lại thêm một chi tiết bất ngờ nữa!

Tôi nhìn ngôi nhà hai tầng Quán Ruốc thuê phải trả hàng tháng tính bằng tiền đô, cộng với chi phí vận chuyển hàng đặc biệt từ Huế vào, rồi tiền thuê người giúp việc… không biết ông bà chủ tính toán làm sao cho có lời.

Như đoán hiểu được băn khoăn của tôi, Mường Mán nhỏ nhẹ nói: "Bọn tôi chủ trương ăn lời ít thôi, cốt là phải giữ chữ "tín" với khách hàng. Anh không biết chứ, đã có nhiều người sang châu Âu, mua bánh bột lọc từ Quán Ruốc mang đi đó!...".

Mường Mán đang hể hả với chiến tích của mình thì Phương Bình - bà chủ đi đâu đó trở về với bộ cánh giản dị và bước đi thoăn thoắt trẻ trung như một người giúp việc.

Tôi có cảm giác hình như anh bạn văn hơi ngượng vì thực ra mọi thành công của Quán Ruốc chủ yếu nhờ vào Phương Bình - người con gái Huế tháo vát đã chia sẻ ngọt bùi cay đắng với anh suốt mấy chục năm qua; chứ Mường Mán, cả khi đã chia tay với Công ty Văn hoá Phương Nam về hưu, vẫn ham vui với bạn bè, với chữ nghĩa, nếu có giúp gì cho bà chủ thì cũng theo cách văn nghệ như chiêu khuyến mãi khá độc đáo, vui vẻ mà Quán Ruốc vừa thực hiện: khách hàng nào chi 500.000 đồng trở lên, sẽ được tặng tập thơ "Dịu khúc" có chữ ký của tác giả. Đã có 250 tập thơ đến với độc giả bằng cách đó.

Nói đến "Dịu khúc", Mường Mán lại thích thú nhâm nhi những kỷ niệm xưa trong bài thơ "Qua mấy ngõ hoa" được lắm bạn đọc mê thích hoàn toàn ngoài dự kiến của tác giả: "...Không ngó anh, răng nhìn xuống đất/ Đất có chi đẹp đẽ mô nờ/ Theo nhau từ hôm nớ hôm tê/ Anh hỏi mãi răng o không nói..".

Khi bà chủ đã lại vào bếp, tôi hỏi nhỏ ông chủ:

- Nguyên mẫu của bài thơ tứ tuyệt dài 18 khổ ấy là ai vậy?

Mường Mán định cười trừ, nhưng rồi bảo:

- Theo cả trăm nàng mới có được một nàng đi tới đi lui, làm bộ làm tịch trong bài thơ tình đầu ấy.

- Nhiều nàng là nguyên mẫu như thế, đã bị đòn ghen lần nào chưa?

- Rất may được lắm cô ái mộ nhưng chưa hề xảy ra trận ghen tuông… nảy lửa nào vào thời ấy cũng như sau này...

Nguyễn Khắc Phê
.
.