Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng

Bắt đầu từ thuyết phục nhân tâm

Thứ Ba, 09/07/2013, 13:17
“Người ta cứ đồn rằng Bạc Liêu là đất ăn chơi, đất công tử… Thực ra, miền này đâu có giàu có tài nguyên gì đáng kể ra với thiên hạ… Không ngẫu nhiên mà suốt một thời gian dài, Bạc Liêu, nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nhận xét khi ông còn là Phó Thủ tướng, đã chỉ là “vùng trũng” của Đồng bằng Sông Cửu Long…” - trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng đã nói thẳng như vậy.

Thế nhưng, đến Bạc Liêu hôm nay, có thể dễ dàng nhận thấy những thay đổi rất rõ rệt trong diện mạo và hơn thế, trong đà đi lên của một trong những tỉnh thuộc diện nghèo nhất vùng Tây Nam Bộ. Hơn thế nữa, có thể lạc quan vì những tín hiệu mới trong đời sống và công việc của chính quyền cũng như nhân dân Bạc Liêu hôm nay.

Với chúng tôi, một trong những ấn tượng mạnh mẽ nhất về Bạc Liêu chính là những cuộc trò chuyện cùng với Bí thư Võ Văn Dũng. Khác với một số đồng chí lãnh đạo khác, người đứng đầu Đảng bộ Bạc Liêu với tính cách trẻ trung và trách nhiệm của mình đã không hề giấu giếm những điểm yếu của quê hương mình. Hình như anh cũng quá rõ cách giải thích cái tên Bạc Liêu lấy từ cái giọng đọc theo kiểu tiếng Triều Châu “Pô Léo”, tức là xóm nghèo… Người Pháp trước đây cũng gọi mảnh đất này là miền “đánh cá và cỏ tranh”… Trong thành phần kinh tế Bạc Liêu hiện nay, hai sản phẩm được coi là thế mạnh tiêu biểu, lúa và tôm, thực ra nếu nhìn kỹ và so với thiên hạ thì sẽ thấy rằng đó cũng không phải là những tiềm lực to lớn… Trong bối cảnh như thế, rất dễ hiểu những trăn trở suy tư của Võ Văn Dũng khi ông chính thức được bầu làm Bí thư  tỉnh năm 2010. Làm gì để khơi gợi được những nguồn tiềm năng truyền thống để tạo thêm thế mạnh cho tỉnh? Làm gì để gia tăng sự hấp dẫn của miền đất tuy cần lao nhưng lại không thiếu những phong độ hào hoa này để thu hút đầu tư về cùng phát triển?...

Đó là những đại sự. Tuy nhiên, câu chuyện của chúng tôi lại bắt đầu từ những ký ức của Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng về tuổi thơ và những chặng đường không đơn giản mà anh đã trải qua trước khi lên vị trí lãnh đạo hiện nay ở tỉnh Bạc Liêu.

- PV: Xin phép được nói thật, khi lần đầu tiên nhìn thấy tên anh trong danh sách các Ủy viên dự khuyết của BCH TW Đảng khóa X, lại biết được lứa tuổi mới ngoài tứ thập của anh, không ít người đã ngạc nhiên tự hỏi, không rõ anh xuất thân từ gia đình như thế nào mà có thể phát triển nhanh tới vậy…

- Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Dũng: Thì tôi cũng xuất thân từ gia đình bình thường thôi. Cha tôi hy sinh trong chiến tranh  khi tôi mới lên 7 tuổi, mẹ tôi ở vậy nuôi tôi và em trai tôi khôn lớn. Đến năm tôi 18 tuổi thì mẹ tôi cũng qua đời… Từ đó hai anh em tôi tự nương tựa vào nhau và nhờ sự giúp đỡ của đoàn thể để học hành và trưởng thành…

- Anh bắt đầu công việc trong cơ quan nhà nước từ năm nào?

- Năm 1980, tôi được nhận vào làm tại Văn phòng Thị xã ủy Bạc Liêu.

- Công việc như thế có khó khăn lắm không anh?

- Cũng là những việc bình thường thôi. Trong giai đoạn đầu, tôi phải đóng vai trò gần như là công vụ cho các chú, các bác trong Văn phòng. Tức là sáng ra, tới cơ quan, đun nước rồi chế vào các bình mang lên phòng các đồng chí lãnh đạo… Rồi các chú, các bác thấy mình cũng nhanh nhẹn và tận tâm với công việc, cho lên làm nhân viên văn thư lưu trữ, rồi cán bộ nghiên cứu tổng hợp…

- Trong môi trường làm việc ở văn phòng, những ai chịu khó học hỏi sẽ có nhiều điều kiện để phát triển…

- Đúng thế. Bây giờ tôi cũng vẫn nói với anh chị em làm việc ở Văn phòng Tỉnh ủy như thế. Nếu mình chịu khó để ý và học hỏi thì mình sẽ có rất nhiều cơ hội để tiến bộ…

- Anh có lẽ là người rất chịu khó quan sát và học hỏi, vì khi đọc trích ngang lý lịch của anh, tôi thấy anh đã tiến bộ rất nhanh trong “sự nghiệp văn phòng” vì chỉ sau khoảng thời gian rất không lâu, từ vị trí “nhân viên đun nước” tới tháng 1/1986, anh đã trở thành Phó Văn phòng Thị ủy rồi Quyền Chánh Văn phòng Thị ủy Bạc Liêu và Chánh Văn phòng Thị ủy Bạc Liêu

- (Cười hiền): Thực sự phải nói rằng, tôi cũng đã được các chú, các anh đi trước quan tâm, dìu dắt… Rồi anh em đồng chí cũng ủng hộ…

- Tất nhiên, tôi hiểu, núi cao bởi có đất bồi… Ở thời điểm cuối cùng năm 80, hiển nhiên anh đã được tổ chức đánh giá là một cán bộ trẻ giàu triển vọng… Và cũng đã được tổ chức sắp xếp đào tạo cho tương lai…

- Từ tháng 10/1987 đến tháng 10/1989, tôi được cử đi học Cao cấp Chính trị ở Trường Nguyễn Ái Quốc II…

- Tại Thủ Đức phải không ạ?

- Đúng thế. Hết khóa học, tôi trở về  Bạc Liêu và được phân công làm  Bí thư Thị đoàn từ tháng 11/1989…

- Tôi nghe nói chính trong thời gian làm Bí thư Thị đoàn Bạc Liêu, anh đã không may gặp phải sự cố?

- Chuyện là thế này. Chắc anh cũng còn nhớ, ở đầu những năm 90, những người làm công tác Đoàn nhìn chung rất kham khổ trong các hoạt động của mình. Để phần nào giúp cho đời sống của các cán bộ Đoàn ở thị xã bớt gian khổ, chúng tôi đã xin phép được có những hoạt động kinh tế trong khuôn khổ chung. Mà hoạt động kinh tế thì cũng khó tránh khỏi những bất cập. Và vì một số sơ sảy mà tôi phải đứng ra chịu trách nhiệm… Âu đó cũng là bài học cho những năm sau này…

- Tôi cũng biết rằng, rời khỏi chức Bí thư Thị đoàn Bạc Liêu, anh đã được  điều động về làm cán bộ Ban Tổ chức Thị ủy Bạc Liêu. Nói một cách thẳng thắn thì đó là vị trí “ngồi chơi xơi nước”…

- Cũng không hẳn thế. Hơn nữa, trong thời gian chờ phân công công tác mới, tôi cũng đã không khoanh tay cho bèo trôi nước chảy mà đã đi học Đại học Luật. Ngay cả khi đã được đưa lên làm công tác Mặt trận, thoạt tiên là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc rồi Quyền Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thị xã Bạc Liêu, tôi vẫn không bỏ học ở Đại học Luật…

- Tôi biết, anh là người rất cương quyết và kiên định trong những kế hoạch công việc của mình…

- Mình là người của tổ chức, tất nhiên không thể muốn làm gì thì làm mà phải chấp hành mọi sự phân công của tổ chức. Điều này chúng ta, tôi và anh, đều hiểu rất rõ. Nhưng cũng phải nói, dù được phân công vào bất cứ cương vị nào thì tôi cũng cố gắng làm cho thật tốt, theo cách mà mình nghĩ rằng có thể hữu ích nhất cho sự nghiệp chung. Và lúc nào cũng với một tinh thần lạc quan.

- Có lẽ chính tinh thần lạc quan đó đã giúp anh vượt qua được nhiều thách thức để vững bước đi lên?

- (Cười): Bây giờ nhìn lại, tôi thấy mình cũng đã được thử thách, đào luyện ở rất nhiều vị trí công việc khác nhau. Tôi  không chỉ làm công tác Đoàn, công tác Mặt trận mà còn có thời gian đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thị xã Bạc Liêu… Nhưng rốt cuộc rồi tôi lại được trở về với công việc mà tôi đã bắt đầu từ đó để trở thành một cán bộ nhà nước: công tác văn phòng. Tháng 1/1997, tôi được cử làm Phó Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu, phụ trách nghiên cứu tổng hợp rồi sau đó, làm Phó Văn phòng Tỉnh ủy… Rồi tới tháng 1/2001, tôi được cử làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu và  ở vị trí này cho tới tháng 9/2005.

- Làm cán bộ văn phòng có nhiều thuận lợi để phát triển nhưng đó cũng là môi trường tiềm ẩn nhiều thử thách. Tôi xin kể cho anh nghe một mẩu chuyện vui thôi, vui nhưng có thật, về một cán bộ văn phòng thành đạt. Đó là ông Putin, Tổng thống Nga bây giờ. Ở giữa những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi thất bại tại thành phố quê hương St. Peterburg, ông Putin được bạn bè chí cốt giới thiệu lên Moskva, vào làm trong Văn phòng của vị Tổng thống  Nga lúc đó là ông Boris Yeltsin. Và ông Putin cũng đã được đưa lên làm Phó Chánh Văn phòng. Một trong những nhiệm vụ của cấp phó trong Văn phòng Tổng thống Nga là phải đích thân đưa công văn, tài liệu lên trình với Tổng thống một khi Chánh Văn phòng đi vắng… Và anh có biết, tại sao Tổng thống Yeltsin lại để mắt tới Phó Chánh Văn phòng Putin không?

- Anh đã kể thì kể tiếp đi!

- Số là, thông thường, tất cả những ai trong Văn phòng Điện Kremli, mỗi khi có dịp được trực tiếp trình giấy tờ lên Tổng thống đều cố tìm mọi cơ hội để tỏ ra mình có năng lực cao thế này thế nọ. Ấy vậy mà Phó Chánh Văn phòng Putin, mỗi khi có việc vào phòng làm việc của Tổng thống thì đều rất kiệm lời và luôn có tác phong như thể muốn nhanh nhanh xong việc rồi ra ngoài cho thoải mái. Chính thái độ đó khiến ông Yeltsin thấy lạ và bắt đầu để ý tìm hiểu sâu hơn về ông Putin. Và dĩ nhiên, càng tìm hiểu thì lại càng thấy đó mới chính là một chính trị gia mà nước Nga phải cần tới trên cương vị cầm lái trong tương lai

- Một câu chuyện thú vị…

- Vâng, một câu chuyện thú vị… Đôi khi không định thì mới thành…

- Đúng, đôi khi không định thì mới thành. Nhưng tôi lại muốn nói thêm thế này, muốn thành công thì trong bất cứ việc gì mình cũng phải tận tâm, không chỉ trong việc thực hiện các kế hoạch của mình mà trong việc làm sao để mọi người cùng đồng lòng thực hiện các kế hoạch đó. Vì lợi ích chung!

- Tôi cũng có nghe nhiều cán bộ ở Bạc Liêu kể chuyện anh đã vận động bà con Bạc Liêu thế nào để người dân đồng tình cùng chính quyền tự xây dựng hè phố ở đây…

- À, đó là cả một câu chuyện. Lúc đó chúng tôi đã học tập tấm gương đi trước của các đồng chí ở thành phố Cần Thơ. Đích thân tôi, khi đó là Bí thư Thị ủy đã cùng anh em tới Cần Thơ để tìm hiểu thực tế. Trở về Bạc Liêu, việc đầu tiên chúng tôi làm là phát động cả một chiến dịch tuyên truyền, vận động để bà con hiểu ra và tự giác thực hiện việc lát hè đường bằng con đường xã hội hóa, nhà nước và nhân dân cùng làm… Cũng mất công lắm và lúc đầu không phải không gặp những khó khăn. Nhưng do mình vận động truyên truyền một cách kiên trì, trung thực và khéo léo, cuối cùng người dân đã hiểu ra và sát cánh cùng chính quyền thị xã làm thay đổi hẳn bộ mặt của Bạc Liêu… Từ sau việc này, tôi càng tin vào nguyên tắc hành xử: muốn thành công trong bất cứ việc gì, trước hết phải bắt đầu từ thuyết phục nhân tâm…

- Tôi rất tâm đắc với ý này của anh… Có lẽ vì giỏi thuyết phục nhân tâm nên anh đã sớm trở thành Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng khóa X ngay từ năm 2006. Sau đó anh đã trở thành Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh?

- Tôi đảm nhận cương vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu từ đầu tháng 8/2006.

- Tất nhiên tôi cũng biết rằng thời gian mà anh giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu còn chưa lâu nhưng rõ ràng là chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, hình ảnh Bạc Liêu đã được cải thiện rất nhiều trong cách đánh giá và nhìn nhận của cả nước. Và không ngẫu nhiên mà theo công bố mới đây về chỉ số PCI cấp tỉnh năm 2012 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (TM và CNVN), Bạc Liêu xếp thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước và đứng thứ 5 so với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Theo anh, đâu là bí quyết giúp cho Bạc Liêu có được sự thay đổi ngoạn mục này?

- Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thành công này. Nhưng điều trước tiên phải nói đến, đó là khát vọng muốn phát triển của cán bộ và nhân dân Bạc Liêu, từ lãnh đạo cho đến người dân. Bạc Liêu chúng ta tiềm năng kinh tế không bằng ai, điều kiện hấp dẫn để thu hút đầu tư thua người. Là một địa phương nghèo, nhưng Bạc Liêu có một quá khứ đáng tự hào, cả về đấu tranh cách mạng, cả về phát triển kinh tế, văn hoá, văn nghệ. Quá khứ đó càng ngày càng trở thành động lực, thôi thúc thế hệ đang sống hôm nay phấn đấu vươn lên để bằng người. Chính vì vậy mà ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ và từng người dân, ai ai cũng muốn làm một cái gì đó để góp phần cho quê hương Bạc Liêu phát triển. Khát vọng mong muốn vươn lên đó ban đầu chỉ là tình cảm, ý muốn, nhưng dần dần đã trở thành ý thức, thành sự quyết tâm của doanh nhân, của người dân; đối với đội ngũ cán bộ thì nó đã trở thành quyết tâm chính trị.

- Xin phép được nói với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là, nếu nói về khát vọng đi lên thì người dân ở nhiều nơi khác cũng không thua gì người dân Bạc Liêu… Nhưng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh

- Tôi muốn nhấn mạnh rằng, hiện nay đã có rất nhiều cái để chứng minh cho điều mà tôi vừa nói, từ kinh tế cho đến văn hoá, xã hội. Cách đây 5 năm, có ai nghĩ rằng Bạc Liêu sẽ có một nhà máy điện gió trên biển với quy mô có thể lớn nhất Việt Nam; có ai nghĩ đến Gành Hào sẽ có mặt trong quy hoạch cảng biển Việt Nam, mà đặc biệt là cảng nước sâu để tàu có trọng tải lớn khoảng 10 vạn tấn cập bến, xuất nhập hàng hóa trực tiếp với nước ngoài. Thế mà bây giờ, những thứ này gần như trở thành hiện thực. Những danh hiệu uy tín quốc gia dành cho doanh nghiệp, người ta thường nghĩ rằng chỉ có ở những doanh nghiệp Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chứ xứ sở Bạc Liêu làm gì có nổi. Thế mà Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu nhiều năm liền đạt danh hiệu “Doanh nghiệp vì cộng đồng”, “Doanh nghiệp tiêu biểu của Đồng bằng Sông Cửu Long”,“Cúp Bông hồng vàng”; Công ty Chế biến thuỷ sản Âu Vững đứng trong tốp 200 doanh nghiệp của quốc gia nhận giải thưởng Sao vàng đất Việt năm 2011 - 2012 và đứng hàng thứ 10 trong cả nước về xuất khẩu thuỷ sản, với doanh thu đạt 55 triệu USD trong năm 2012; Công ty Chế biến thuỷ sản Thiên Phú nhận giải Bạc chất lượng hàng hoá xuất khẩu thuỷ sản quốc gia 2012; Công ty Bia Sài Gòn - Bạc Liêu đứng trong tốp 200 doanh nghiệp của quốc gia nhận giải thưởng Sao vàng đất Việt năm 2011 - 2012 và đạt danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu của Đồng bằng Sông Cửu Long”. 

- Thấy đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nắm chắc tình  hình hoạt động của các doanh nghiệp trong tỉnh như vậy thì tôi cũng có thể thấy những tâm huyết và công sức mà lãnh đạo ở đây đã dành cho sự nghiệp phát triển của tỉnh nhà…

- Thực sự đó là những trăn trở thường trực của anh em chúng tôi. Và như anh cũng đã kịp nhận thấy, Bạc Liêu không chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà đã xác định rất  rõ rằng con đường đi lên của mình phải dựa trên những căn cốt văn hóa. Có căn cốt đó thì sẽ có thế mạnh làm kinh tế tốt hơn, làm du lịch tốt hơn. Thực tế là suốt một thời gian dài, trong 13 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, chỉ có 4 tỉnh thành là Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ và Cà Mau được chọn là 4 điểm đến du lịch của vùng. Sự bình chọn này đã “ngự trị” từ rất nhiều năm nay. Thế mà năm 2012, Bạc Liêu đã là tỉnh đi đầu phá thế “ngự trị” đó để được kết nạp vào những địa phương trọng điểm du lịch của vùng với tên gọi: “Bạc Liêu - Điểm hẹn văn hoá”. Trước đây, khi nói đến Bạc Liêu, người ta nghĩ đến một tỉnh nghèo, xa xôi, chỉ có đồng bưng, kinh rạch, thế mà ngày nay khi đến Bạc Liêu ai cũng ngỡ ngàng trước một quy hoạch hợp lý, một bộ mặt đô thị xanh - sạch - đẹp của thành phố Bạc Liêu, một khu hành chính của tỉnh đẹp nhất nhì Đồng bằng sông Cửu Long…

- Chúng tôi đã được chính anh dẫn ra khu trung tâm hành chính đó và nghe anh thuyết trình về quy mô và hình trạng của liên hợp các công trình văn hóa chính trị này. Nói thật, tôi rất ấn tượng với dự định đưa cây đàn kìm làm biểu tượng của tỉnh. Ai cũng biết rằng Bạc Liêu là quê hương của cụ Sáu Lầu, tức Cao Văn Lầu, tác giả bản “Dạ cổ hoài lang” lừng lẫy, từng được đánh giá là bài ca độc đáo và nổi tiếng nhất của nghệ thuật cải lương Nam Bộ…

- Tất nhiên, ai cũng tự hào về quê hương của mình. Và tôi cũng muốn nói rằng, người Bạc Liêu chúng tôi có không ít điều để tự hào về quê hương mình, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chính anh cũng biết, mới đây thôi, lần đầu tiên ở Đồng bằng Sông Cửu Long, một cô gái người Bạc Liêu có hoàn cảnh nghèo như nhiều gia đình khác lại đủ bản lĩnh dự thi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và đã được tôn vinh ở ngôi vị cao nhất với sự đồng tình cao của xã hội, cũng như những hoạt động sau đó của Hoa hậu được xã hội trân trọng, ca ngợi hết lời.

- (Cười): Đó là sự thật…

- Tôi cũng muốn nói rằng, nếu như không có khát vọng mãnh liệt muốn Bạc Liêu phát triển từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân, nếu không có bản lĩnh khẳng định mình, nếu không có sự quyết tâm cao, chắc chắn trong một thời gian ngắn ngủi, chúng ta sẽ không thể nào có được thành tựu lớn và nhanh như thế. Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh chỉ làm nhiệm vụ hoạch định, thắp lửa, khơi dậy và tạo điều kiện, còn để đạt được những kết quả, nhất là những thành tích nổi bật đó, đòi hỏi những nỗ lực vô cùng lớn của mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương, nhất là những người đứng đầu ở mỗi cấp, mỗi ngành. Chính khát vọng này đã làm cho những người con Bạc Liêu, dù đang sống và làm việc trong tỉnh hay ở ngoài tỉnh đều luôn hướng về quê hương, cố gắng học hành, cố gắng làm ăn, cố gắng phấn đấu vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Chính khát vọng đó mới thôi thúc nhiều cán bộ của chúng ta luôn năng động, sáng tạo, quyết liệt, chịu thương chịu khó trong thực hiện nhiệm vụ của mình để Bạc Liêu phát triển. Đối với những cán bộ, những doanh nhân, tuy không phải là người Bạc Liêu, nhưng một khi đã sống, làm việc, đầu tư tại Bạc Liêu thì đã trở thành người của đất Bạc Liêu, đã đóng góp rất lớn cho Bạc Liêu, đã có chung khát vọng như người Bạc Liêu vậy…

- Đất lành chim đậu, đó là lẽ thường xưa nay…

- Đất lành chim đậu, chúng tôi đang nỗ lực hết sức mình để Bạc Liêu trở thành miền đất lành. Thực sự là chúng tôi đã vận dụng một cách tích cực và mạnh mẽ nhất tất cả những thuận lợi của cơ chế để “đối đãi” với các doanh nghiệp có ý định tới đầu tư ở Bạc Liêu. Tôi vẫn luôn nói với anh em cán bộ trong tỉnh rằng, Bạc Liêu cần phải xem doanh nghiệp không chỉ là nhà kinh doanh mà còn là ân nhân của tỉnh, của người dân trong tỉnh. Chúng tôi không chỉ rất quan tâm tới việc quảng bá hình ảnh của tỉnh qua các phương tiện truyền thông mà còn qua những việc làm cụ thể hàng ngày. Chính vì thế nên Bạc Liêu trong những năm qua đã có quan điểm chỉ đạo xuyên suốt từ lãnh đạo cao nhất của tỉnh đến cán bộ, công chức là điều gì khó để cho chính quyền, chuyện dễ dành cho doanh nghiệp.  Và theo đó, hàng loạt những chính sách, thủ tục hành chính gây phiền hà đối với doanh nghiệp được từng bước tháo gỡ, hạn chế đến mức thấp nhất… Tôi cũng muốn nói thêm rằng, để đạt được những thành công bước đầu như hiện nay, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm; đeo bám chỉ đạo đến cùng; cả tập thể Thường vụ Tỉnh uỷ cùng vào cuộc; cả hệ thống chính trị cùng tham gia, thì sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, sự toàn tâm toàn ý, tâm huyết của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành của tỉnh và huyện, thành phố đã có tác động lớn đến thành tựu năm 2012.

- Thực tế cho thấy, ở không ít nơi, trong lúc các cấp lãnh đạo ở trên rất quyết tâm thực hiện những chủ trương tích cực và thiện chí của mình thì ở cấp dưới, giữa đội ngũ công chức lại không quán triệt được một cách thỏa đáng về những mục tiêu phát triển nên vô hình trung làm phá giá tất cả những tâm huyết của cấp trên. Theo anh, Bạc Liêu đã làm những gì để tránh các hiện tượng tương tự như thế?

- Tôi hiểu rất rõ nguy cơ này. Nhưng cũng phải thấy rằng, đội ngũ cán bộ của tỉnh đã tiến bộ nhiều. Thành quả của tỉnh Bạc Liêu mấy năm qua, nhất là năm 2012 gắn liền với sự tiến bộ của cán bộ. Song, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, cán bộ toàn tâm, toàn ý đối với công việc, cán bộ giỏi chưa nhiều. Vẫn còn không ít cán bộ trách nhiệm không cao, thậm chí có người như đứng ngoài cuộc. Trong năm 2013, bằng sự gương mẫu đi đầu của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố; và bằng những cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ cũng như những đổi mới trong công tác cán bộ, việc xem xét trách nhiệm của cán bộ nghiêm túc hơn, chúng ta sẽ khắc phục được yếu kém này để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ mà Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Hội đồng Nhân dân tỉnh đã đề ra. Cho tới nay, dù chưa nhiều lắm, song ở từng cấp, ở mỗi cơ quan, đơn vị đã xuất hiện những cán bộ có phẩm chất tốt, hành động quyết liệt, làm trụ cột và có sức lan tỏa ở mỗi đơn vị, địa phương. Đây là những cán bộ có cách làm việc mới như: giải quyết công việc nhanh chóng, nói đi đôi với làm, làm hết việc chứ không hết giờ, những cán bộ luôn chịu thương, chịu khó, chịu thiệt thòi để được lợi cho tỉnh, cho dân. Đó là những cán bộ dám nghĩ ra cái mới, dám hành động táo bạo, quyết liệt, trong đó có những việc phải linh hoạt vận dụng chủ trương, pháp luật để sao cho công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, Nhà nước và dân được lợi hơn. Nhìn lại thành tựu đạt được trong những năm gần đây cũng như trong năm 2012, ta thấy trong đó có sự kết tinh của các yếu tố: tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo và cả sự táo bạo, bản lĩnh quyết đoán. Thực tế cho thấy, những nơi có phong trào đạt được kết quả nổi bật, kinh tế - xã hội phát triển là do nơi đó có người đứng đầu và đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nơi nào mà cán bộ cứng nhắc, máy móc, sợ trách nhiệm, riêng tư, không dám làm thì nơi đó khó có thể phát triển nổi bật.

- Tôi có được nghe nhiều chuyện về việc khi mới lên làm Chủ tịch tỉnh và đặc biệt là khi đã trở thành Bí thư tỉnh, anh đã rất lao tâm khổ tứ trong việc kéo Bạc Liêu lại gần hơn với cả nước và kéo cả nước lại gần hơn với Bạc Liêu…

- Thực sự thì phải nói rằng, để có được thành tựu nổi bật trong mấy năm qua phải kể đến kết quả của sự cầu thị, thân thiện của tỉnh Bạc Liêu đối với các tỉnh, thành, đối với các doanh nghiệp, các đối tác; là sự thể hiện trách nhiệm đúng mực của tỉnh đối với Trung ương. Nói không phải là khoe nhưng thực sự là chúng tôi đã có một bước chuyển rất quan trọng về đạo đức và văn hoá giao tiếp. Luôn khiêm tốn, ứng xử có văn hoá với các địa phương; chí tình, chí nghĩa đối với các tỉnh thành; ân cần, trọng thị, tạo mọi thuận lợi đối với các doanh nghiệp, đối tác trong tỉnh cũng như doanh nghiệp ngoài tỉnh đến đầu tư ở Bạc Liêu. Tuy còn cần phải phấn đấu thật nhiều, song với những gì làm được, đã đọng lại trong lòng mọi người một Bạc Liêu nghĩa tình, dễ mến, có văn hoá. Chính tình cảm đó mà Bạc Liêu luôn được Trung ương quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ; các tỉnh, thành ủng hộ; các doanh nghiệp, đối tác luôn đồng hành với tỉnh. Đây là nguồn lực rất quan trọng để Bạc Liêu phát triển trong thời gian tới, cần xem như là một đường hướng phấn đấu của Bạc Liêu.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

(Ảnh trong bài: Tô Phán)
.
.