Bảo Thánh hoàng hậu: Nhẫn chịu mới hiển linh

Thứ Năm, 06/03/2014, 15:09

Bảo Thánh hoàng hậu tên húy là Trinh, con gái đầu của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và Nguyên từ Quốc mẫu - Thiên Thành công chúa. Và bà là vợ của Trần Nhân Tông, vị vua đã lập nên những võ công lừng lẫy trong hai lần kháng chiến đại thắng quân Nguyên Mông và đồng thời cũng là vị tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm.

Chúng ta đều biết rõ Trần Hưng Đạo là bậc danh tướng kiệt hiệt, anh hùng dân tộc, đã từng giữ vai trò quan trọng vào loại hàng đầu trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Thế nhưng, bên cạnh đó, trên phương diện tình cảm, ông còn là một người cực kỳ lãng mạn và táo bạo. Cuộc hôn nhân của ông với  Thiên Thành công chúa cũng là việc  hiếm thấy xưa nay và có lẽ cũng chỉ có thể diễn ra được trong bối cảnh hết sức phức tạp và rối rắm của hậu cung triều Trần.

Không có tư liệu ghi đích xác ngôi thứ của Thiên Thành công chúa. Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) chỉ viết rằng bà là trưởng công chúa (trên cơ sở đó, người đời sau suy luận rằng bà là con gái trưởng của Trần Thái Tông). Còn trong sách Việt sử Thông giám cương mục thì lại ghi bà là con gái của Trần Thừa, tức là Thái Thượng hoàng đầu tiên của nhà Trần, cha của Trần Thái Tông cũng như Trần Liễu. Nếu vậy, về thứ bậc, bà cũng là em gái Trần Thái Tông và của phụ thân Trần Quốc Tuấn, An sinh vương Trần Liễu. Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu, Thiên Thành công chúa không thể là trưởng công chúa của Trần Thừa được vì ông còn có một công chúa khác là Thụy Bà công chúa, lớn tuổi hơn Thiên Thành công chúa. Không có lý do gì để Trần Thừa lại cùng một lúc có hai trưởng công chúa được...

Do sự sắp đặt của Thái sư Trần Thủ Độ nên Trần Cảnh sau khi lên ngôi vua, sáng lập ra triều Trần, đã phải rời bỏ Lý Chiêu Hoàng, nữ vương nhà Lý, để lấy kết duyên với Lý Thị Oanh, tức Thuận Thiên hoàng hậu, chị ruột của Lý Chiêu Hoàng, trước đó từng là vợ của chính Trần Liễu và đã có mang với chồng (về sau người con do bà sinh ra là Trần Quốc Khang được coi như là hoàng tử của Trần Thái Tông...)

Năm 1251, Trần Thái Tông có ý định gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành vương (không rõ tên). Theo sách ĐVSKTT, trung tuần tháng giêng năm ấy, nhà vua cho “mở hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem...” để chuẩn bị làm lễ kết tóc của công chúa Thiên Thành với Trung Thành vương.  Thế nhưng,  oái oăm thay, trước đó, Trần Quốc Tuấn lại đem lòng yêu công chúa tới mức cả gan bước qua mọi rào cản để đến với ý trung nhân chung trong hoàng tộc (ở thời Trần, đây không phải là việc cấm kỵ mà là một thực tế rất phổ biến). Chính vì thế khi hay tin Trần Thái Tông đã cho đưa công chúa Thiên Thành vào ở trong dinh của Nhân Đạo vương (cha đẻ Trung Thành vương), chàng trai 23 tuổi Trần Quốc Tuấn đã lợi dụng lúc trời đêm, vượt qua mọi hàng rào lính canh cẩn mật, lẻn ngay vào phòng mà công chúa đang tá túc. Và những gì thường xảy ra giữa những cặp yêu nhau đã xảy ra...

Được mật báo tin này, công chúa Thụy Bà, cô ruột của Trần Quốc Tuấn và cũng là chị của Trần Thái Tông cũng như Trần Liễu, người đã nuôi dưỡng Trần Quốc Tuấn như con đẻ từ nhỏ, đã phải gõ cửa hoàng cung kêu cứu. Xót tình ruột thịt cả đôi đàng, Trần Thái Tông cho nội nhân tới ngay dinh của Nhân Đạo vương. Lúc này trong dinh vẫn lặng như tờ. Chỉ khi tới phòng mà công chúa đang ở thì mới thấy Trần Quốc Tuấn đã ngồi ở đó từ lúc nào không rõ...  Gia đình “chú rể dự kiến” mới ngã ngửa người ra nhưng vì nể oai rồng nên cũng không dám ho he gì...

Trong tình huống trớ trêu đó, Công chúa Thụy Bà đã lựa chọn phương án khôn ngoan là đưa Trần Quốc Tuấn về nhà an toàn rồi sáng sớm hôm sau dâng lên Trần Thái Tông 10 mâm vàng sống làm sính lễ với lời tâu: “Vì vội vàng nên không sắm được đủ lễ vật!”.

Trước sự đã rồi, lại trong tình máu chảy ruột mềm, Trần Thái Tông đã đành phải gả công chúa Thiên Thành cho Trần Quốc Tuấn. Đồng thời nhà vua cũng phải lấy hai nghìn khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên (tức phủ Ứng Hòa đời sau, tương ứng với các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai hiện nay)...

Là con gái đầu, công chúa Bảo Thánh chắc chắn đã là “thành tựu” từ tình cảm yêu đương mãnh liệt và trẻ trung của cha mẹ mình. Mặc dù sử sách cũng không ghi rõ năm sinh của bà nhưng có thể đoán định rằng, bà sinh ra không lâu sau thời điểm tháng giêng năm 1251, khi cha mẹ bà được  chính thức kết duyên... Và có lẽ vì vậy nên bà cũng lớn tuổi hơn chính chồng mình: Theo ĐVSKTT, mãi tới mùa đông năm Nguyên Phong thứ tám, tức là năm 1258, trưởng hoàng tử Trần Khâm (tức vua Trần Nhân Tông) mới cất tiếng khóc chào đời...

Tới tháng chạp năm 1274, trưởng hoàng tử Trần Khâm được vua cha Trần Thánh Tông phong làm hoàng thái tử. Đồng thời, Trần Thánh Tông cũng lấy con gái trưởng của Trần Hưng Đạo là Trần Thị Trinh,  làm phi cho thái tử. Năm 1276, bà sinh hạ hoàng tử Trần Thuyên. Cũng ở ngay thời điểm đó, Trần Thuyên được lập làm Đông cung Thái tử...

Năm 1278, vua cha Trần Thánh Tông đã nhường ngôi cho hoàng thái tử Trần Khâm, tức vua Trần Nhân Tông. Cũng từ thời điểm đó, Trần Thị Trinh được lập làm hoàng hậu Bảo Thánh... Không có tư liệu gì nói về bà trong thời gian làm hoàng hậu, nhưng có lẽ cũng phải thấy rằng, đó là khoảng thời gian bình an và hạnh phúc. Bởi lẽ sống cạnh một hiền nhân như Trần Nhân Tông không bao giờ là việc khó chịu, mặc dù cũng không phải là quá dễ dàng. Sách cũ có ghi lại rằng, sau khi kết hôn vài tháng, trưởng hoàng tử Trần Khâm vì quá mộ đạo đã nửa đêm trốn khỏi hoàng cung tới tá túc tại một ngôi chùa trên Yên Tử. Khi phát hiện thấy trưởng nam biến mất, vua  Trần Thánh Tông và hoàng hậu đã phải vội vàng cho người tìm kiếm, khuyên giải ông về. Trở lại cung rồi, Trần Khâm vẫn nằm mộng thấy một đoá sen vàng mọc ra từ rốn mình nên đã ngày ngày ăn chay, cả người gầy guộc. Vua Trần Thánh Tông thấy vậy đau lòng, vừa khóc vừa khuyên ông, ông mới thôi việc ăn chay... Trong tình huống không giản đơn này, Trần Thị Trinh vẫn cam chịu để “tòng phu” đúng đạo và giữ cho quan hệ vợ chồng vẫn được tốt đẹp... Bà có thể được tôn vinh như một tấm gương nhẫn chịu vì chồng sáng chói trong lịch sử nước nhà...

ĐVSKTT chép rằng, hoàng hậu Bảo Thánh “có tính nhu mì, thông minh sáng suốt, nhân hậu đối với kẻ dưới...”. Không những thế, là con gái một danh tướng, bà mang trong mình một tinh thần quả cảm vô song mà ngay cả nam nhi cũng không dễ sánh được. Trong những tình huống nguy hiểm nhất, tinh thần đó đã được bộc lộ một cách rất tự nhiên và đáng khâm phục. ĐVSKTT kể, Trần Nhân Tông sau khi đã nhường ngôi cho con trai Trần Thuyên và làm Thái Thượng hoàng, thường làm chuồng hổ ở thềm Vọng Lâu. Một lần, Thượng hoàng sai quân sĩ đánh nhau với hổ để đích thân ngự lãm từ trên lầu. Thái hậu (tức Bảo Thánh hoàng hậu) và các phi tần đều theo hầu. Do lầu được dựng khá thấp vì chuồng hổ và thềm cũng thấp, nên bất ngờ con hổ nhảy vọt ra khỏi chuồng lên tận lầu ngự của Thượng hoàng. Đại đa số những người hầu ở quanh Thượng hoàng trên lầu đều bỏ chạy toán loạn cả, duy chỉ có Thượng hoàng và Thái hậu cùng bốn năm thị nữ vẫn ở nguyên tại chỗ. Không những thế, vì sợ Thượng hoàng bị hổ mạo phạm nên Thái hậu đã đứng lên lấy chiếu che cho Thượng hoàng và cho cả mình nữa. Tuy nhiên, thấy cảnh đó, con hổ đã chỉ gầm gừ lên mấy tiếng rồi lại nhảy xuống khỏi lầu, không làm hại ai cả... Lại có một lần khác, khi Thượng hoàng ngự ở điện Thiên An xem voi đấu ở Long Trì. Bất ngờ, con voi đó cũng xổng thoát định tìm lối lên điện, nơi Thượng hoàng đang ngự. Tất cả đám tả hữu đều thất kinh bỏ chạy, duy chỉ có mình Thái hậu vẫn bình tĩnh ở cạnh Thượng hoàng...

Đời sau, nhắc lại những câu chuyện này, sử gia Ngô Sĩ Liên đã bình:

“Hổ hay vồ, voi hay quật, há chẳng đáng khiếp sợ sao. Thế mà Thái hậu đương lúc chúng lồng lộn xông xáo, tâm thần không dao động, bình tĩnh đối phó vì bà suy nghĩ chín chắn, lý lẽ đã sáng tỏ vậy.

Kể người đàn bà dáng điệu mềm yếu mà có thể như thế, so với nàng Tiệp Dư ngày xưa đứng chắn gấu (cho vua), có lẽ cũng không thẹn gì...”.

Sau khi Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con mình để làm Thượng hoàng không lâu, ngày 13/9/1293, Khâm Từ Bảo Thánh hoàng thái hậu đột ngột qua đời ở Lỗ Giang, phủ Long Hưng (tỉnh Thái Bình ngày nay).

Năm 1309, cháu nội của bà là Đông cung Thái tử Mạnh được phong làm Hoàng thái tử, bà được truy tôn là Khâm từ Bảo Thánh Hoàng thái hậu.

Sau khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông mất vào năm 1308, Khâm từ Bảo Thánh Hoàng thái hậu được đưa vào hợp táng ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng...

Lưu Hùng Văn
.
.