Bàng Sĩ Nguyên: Ngõ vắng một tên, đời vắng một người

Thứ Năm, 12/05/2016, 23:09
Hôm qua (6-5-2016), Bàng Sĩ Nguyên đi rồi. Đi nhẹ tênh, nhẹ như một buổi chiều thoảng gió, nhẹ như tiếng bước chân con mèo trong căn nhà xộc xệch, nhẹ như bàn tay khui chai vang uống dở, ngày nào. Mở tủ sách nhìn lại hai bức tranh Bàng Sĩ Nguyên vẽ tặng, hai bức tranh bé xíu, thương thương, tôi không hiểu tâm trạng của tôi ra sao.

1. Qua mấy ngõ nhỏ thì đến nhà, căn nhà cũng nhỏ. Trên tường nhà có treo bức Đấu bò tót ở Madrid do họa sĩ Tây Ban Nha Baulestar gửi tặng. Ông họa sĩ Tây Ban Nha là một trong những người rất uy tín tại xứ sở đấu bò, ở mỗi mùa giải mới, ông đều xuất hiện để vẽ trước khi khai mạc. Tranh của mình, Baulestar muốn tặng ai thì tặng. Lúc là tổng thống, khi là một minh tinh và ở Việt Nam thì là Bàng Sĩ Nguyên.

Căn nhà chẳng có gì ngoài một đống quần áo, mấy cuốn sách cũ, vài cái ly cũ, một cái điếu cày, chai rượu còn quá nửa, một mớ tranh ảnh, dụng cụ đựng màu nước, một cái toilet không cửa và một con mèo.

“Con mèo khôn lắm, mỗi khuya tôi hút thuốc là nó chạy ra cạ mình vào chân tôi, đỡ buồn”, ông nói với tôi vậy. Tôi nghe chỉ toàn cười thôi. Mỗi lần gặp nhau, mỗi khi ngồi với nhau, ông nói gì tôi cũng cười. Bởi không cười thì tôi chẳng biết làm gì khác.

Lâu rồi, Bàng Sĩ Nguyên có nhu cầu được giao tiếp, nghĩa là ông có thể nói chuyện với bất kỳ ai. Nói thôi, nghe cũng được mà không nghe cũng được.

Ông nói với tôi, căn nhà này cũng còn đang tranh chấp, khổ quá mà không biết kêu ai. Ông nói, bây giờ già rồi buổi sáng ra chợ mua bánh ướt về ăn cả ngày. Ông nói, hội họa hay lắm, Bàng Sĩ Nguyên được nhiều người kính trọng chứ không đùa đâu. Ông nói, tính tôi xưa giờ vẫn thầm lặng. Ông nói, thi thoảng nhất định ông phải sang chơi với tôi, tôi mong ông lắm. Ông nói, ông mà không sang chơi với tôi, tôi sợ tôi làm gì đó khiến ông buồn lòng. Ông nói, làm mất số điện thoại của ông lo lắm, may mà tìm lại được.

Ông nói, có dạo gom góp được vài nghìn USD định mở triển lãm tranh hay phòng khi đau ốm thì bị trộm vào nhà khoắng mất, mà chuyện trộm vào nhà ông khoắng không chỉ một lần. Buồn lắm, nhưng được sự động viên của bạn bè, đồng nghiệp, nỗi buồn đã qua nhanh. Ông nói, những năm Tổng bí thư Trường Chinh còn đương nhiệm, Tết nào ông cũng nhận được thiệp mừng xuân của Tổng bí thư. Hay khi ra Hà Nội vào dịp Tết Đinh Hợi, Trung ương Đảng vẫn gửi thiệp mừng ông.

Thời gian trong căn nhà ấy trôi qua theo ánh nắng ngoài cửa, nhìn bóng nắng chênh chếch mà đoán định, những câu chuyện của Bàng Sĩ Nguyên cũng không có hồi kết. Cứ như nắng ngoài sân, lúc chỗ này lúc chỗ khác. Bởi những câu chuyện của Bàng Sĩ Nguyên đều là câu chuyện ký ức, càng cô đơn người ta càng nghĩ về ký ức nhiều hơn chăng, như tôi nhiều lúc cũng vậy.

2. Trích tư liệu cũ: “Bàng Sĩ Nguyên sinh năm Ất Sửu (1925), ông nói vui là lá số tử vi của ông chấm "Ất biến vi vong". Nghĩa là phận luôn gặp biến cố. Cuộc đời của Bàng Sĩ Nguyên có linh ứng với quẻ tử vi hay không chẳng ai dám chắc. Chỉ biết rằng, với Bàng Sĩ Nguyên là sự say mê vẽ và viết ngay cả lúc tuổi đã qua chiều.

Ông tên thật là Bàng Khởi Phụng, con thứ trong đại gia đình trí thức giàu có ở Hà Nội. Ông thuộc dạng nằm lâu trong bụng mẹ. Mẹ ông mang thai ông từ khi ở Hà Nội mãi về Bắc Giang mới sinh, sinh ngay chân cầu thang. Theo lệ, cha ông rước nhiều thầy tướng đến xem mệnh cho con trai mình. Nhìn ông, thầy tướng phán mệnh "sa trung kim", cát lẫn trong vàng, số không giàu nhưng được nhiều người nể trọng.

Gia đình ông có cửa hàng tơ lụa nổi tiếng toàn miền Bắc lẫn miền Nam và hiệu thuốc bắc lừng danh khắp các tỉnh. Tồn tại trong trí nhớ Bàng Sĩ Nguyên có cả những thước vải lụa đen của nhà đi khắp đất nước, những rèm cửa tại các đồn điền, toa tàu đầy ắp thuốc bắc chở từ Hải Phòng lên Hà Nội...

"Họ Bàng thuộc nước Việt...", là câu nói của Thiền Sư Thiếu Chiểu mà Bàng Sĩ Nguyên rất thích. Ông lý giải nguồn gốc mình thuộc dòng Lý Hùng Tích, tức thuộc dòng Nghĩa Nam Vương, con thứ ba của Lý Thánh Tông. Triều Lý hưng vong, một chi của dòng họ hoàng tộc này vượt biển sang Triều Tiên (thuộc dòng Lý Huệ Tông), chi khác đổi sang họ Bàng. Bàng theo lối viết mà các cụ trong họ ông tự nghĩ ra là "trong chữ Nhân có chữ Long, thêm chấm Chủ". 

Ám chỉ một dòng hoàng tộc bị suy vong. Có lẽ, chính vì nguồn gốc này mà cha ông (học trò của cụ Ngô Quý Siêu ở Trường Đông Kinh Nghĩa Thục) không bao giờ gò ép con cái theo ý mình.

Lấy thuyết "Tự di triết mệnh" trong cách sống, không mưu cầu tham chính, cứ thong dong theo mệnh mình. Bàng Sĩ Nguyên bị ảnh hưởng từ cha mình rất nhiều. Cái hiệu Sĩ Nguyên của ông cũng do cha ông đặt, Sĩ Nguyên tức là người học trò đầu. 

Và cũng chỉ mình ông trong gia đình được cha cho theo Cụ Hồ tham gia kháng chiến. Nói theo kháng chiến là theo, mặc nhiên bỏ lại hơn 300 mẫu đất và 6ha đất mặt đường ở Thị trấn Kép (Bắc Giang) để lên chiến khu. 

Ông cùng lứa với Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đông (Nguyễn Đông sau là liên lạc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)... thường tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình chống Pháp và Nhật. Thôi biểu tình, thì chuyển sang đóng kịch đả kích bọn đô hộ.

Những hoạt động ấy cứ kéo dài cho đến khi ông Nguyễn Đông – lúc này đã là cán bộ của Đảng bộ Liên khu gặp Bàng Sĩ Nguyên, bảo: "Nguyên lên khu đi, chứ ở Hà Nội hoài dễ gây hiểu lầm lắm". Về sau, chính Nguyễn Đông là người giới thiệu Bàng Sĩ Nguyên vào Đảng.

Ở chiến khu I (sau rút lên chiến khu Việt Bắc) với Nguyễn Khang – Xứ ủy Bắc Kỳ lúc bấy giờ. Bàng Sĩ Nguyên kể Nguyễn Khang những năm đó nhìn trắng trẻo như công tử, nói năng mực thước và nhỏ nhẹ như sinh viên, nhưng có cái tật là luôn thay dấu chấm ngắt câu bằng dấu thập. 

Quan sát Bàng Sĩ Nguyên một thời gian, ông Phan Thiện (đồng chí Đinh Đức Thiện - PV) gặp Bàng Sĩ Nguyên nói: "Anh là nghệ sĩ, tôi cũng là nghệ sĩ. Nghệ thuật của anh là thu hút quần chúng, nên anh cứ làm chủ bút tờ Du kích quân".

Dưới tài tổ chức của Bàng Sĩ Nguyên, tờ Du kích quân ngày một lớn mạnh. Sau khi làm tờ Du kích quân thành công, đồng chí Đinh Đức Thiện lại chuyển Bàng Sĩ Nguyên sang làm biên tập viên cho tờ Dân quân Việt Bắc với các nghệ sĩ lớn khác như: họa sĩ Trần Văn Cẩn, nhà văn Kim Lân, Nguyên Hồng... 

Tiếp đến, ông chuyển sang làm cán sự, làm kiểm tra, viết sách... Chưa kể, ông còn giữ cả chức huấn luyện đoàn văn công của Trung đoàn khu 246, mà hồi đó, ông trẻ măng. Văn công lên chiến khu toàn là thiếu nữ trẻ tuổi, nên ông cứ phải đóng mác tác phong đạo mạo cho đúng tư cách.

Kháng chiến thắng lợi, cách mạng tiếp quản Hà Nội trong rộn ràng cờ hoa. Bàng Sĩ Nguyên chuyển về Hà Nội sinh sống, nhưng chắc tại cái tuổi Ất Sửu, nên ông liên tiếp gặp những biến cố.

Cũng có thể, với bản tính nghệ sĩ nên ông không hợp nhiều với những biến chuyển quá nhanh trong đời sống của mình. Bàng Sĩ Nguyên đâm ra cảm thấy bế tắc và cô đơn. Cô đơn đến cùng cực. Ông nói, mình làm thơ, vẽ, đọc nhiều là để hy vọng tự giải thoát chính mình ra khỏi sự cô đơn ấy. Ban đầu, Bàng Sĩ Nguyên vẽ những cảnh còn lưu trong ký ức về Hà Nội, Việt Bắc... 

Ông nổi tiếng nhờ những bức vẽ sơn dầu. Họa sĩ Bàng Lâm cùng Anh hùng Lê Mã Lương nhận lệnh của Tổng cục Chính trị đề nghị ông vẽ bức Hà Nội - ngày khởi chiến. Chỉ vài ngày, bức vẽ đã hoàn thành. Ngay lập tức, Hà Nội - ngày khởi chiến được trưng bày ở chân Cột cờ, Viện Bảo tàng Quân đội (nay là Viện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) cả năm liền.

Có lần, Bàng Sĩ Nguyên được mời đi nghỉ và tham gia trại sáng tác thuộc vùng Hắc Hải (Liên Xô). Ở Hắc Hải, một người bạn Do Thái (nhà triết học, họa sĩ RifTruz) có nói với Bàng Sĩ Nguyên: "Ông làm thơ để làm gì, trong lúc, tranh ông lại đẹp như thế". Tưởng chỉ là câu nói đãi bôi, ngờ đâu khi về lại Hà Nội, ông mở phòng tranh cá nhân đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1973. 

Thời gian này, Bàng Sĩ Nguyên vẽ nhiều. Ông vẽ nhiều đấy, nhưng có bao giờ Bàng Sĩ Nguyên quan tâm đến giá trị vật chất của mỗi bức tranh. Nghệ thuật với Bàng Sĩ Nguyên là nơi để ông nương tựa, nhất là khi người em ruột của ông chết vì đói. Trước khi chết, em của ông để lại câu thơ buồn, ám ảnh vào Bàng Sĩ Nguyên cả một đời: “Tôi thiếp đi trong cơn đói giày vò”.

Bàng Sĩ Nguyên bốc quẻ dịch rất hay. Với tôi, hầu như ông gieo lần nào để phán chuyện tương lai đều đúng như kiểu bài toán cần có đáp số toàn diện. Ngày mới biết nhau, ông bốc dịch cho tôi suốt. Đến khi đã thân thiết thì ông thôi bốc hẳn, bởi "Nói chuyện vui hơn. Còn mấy cái khác không tính".

Vì sao tôi trích lại tư liệu này, vì tôi tin Bàng Sĩ Nguyên sẽ muốn tôi thêm lần giới thiệu về quãng đời sôi nổi ấy của ông.

3. Bàng Sĩ Nguyên có lẽ bây giờ đã hết cô đơn rồi, hoặc có còn thì cũng không ai nhìn thấy được nữa.

Tôi không dám bộc lộ quá nhiều những điều riêng, bởi số tuổi của ông và tôi vô cùng chênh lệch, chỉ là trước nhớ thương ai cũng bình đẳng như nhau.

Nhẹ bước mà đi, thưa nhà thơ họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên. Khói hương lòng thành. Trên chiếc xe đạp cũ, ông đã lang thang khắp nơi ở cõi tạm này, ông an nghỉ rồi, chắc cái xe đạp cũ cũng không còn ai sử dụng nữa, ông nhỉ?

Mà con mèo ấy, sẽ cạ chân ai nữa, hằng đêm. Lại cũng cô đơn thôi.

Sài Gòn, 7/5/2016

Ngô Kinh Luân
.
.