Bác sĩ Sinh và những câu chuyện xung quanh quả thận

Thứ Năm, 03/03/2005, 08:47

Ông không phải là người đầu tiên mổ ghép thận cho bệnh nhân tại Việt Nam, nhưng lại là vị bác sĩ tham gia nhiều ca ghép thận nhất Việt Nam. Xung quanh việc hiến và nhận thận là những câu chuyện về cái tình, tính nhân đạo và trong đó có cả lương tâm của những lương y như ông!

Trong căn phòng làm việc nhỏ ở lầu năm Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Trần Ngọc Sinh đã nhiều lần tự đặt câu hỏi: làm sao để níu kéo sự sống của những người suy thận? Ngoài hành lang kia vẫn đang có hàng trăm bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối, ngày đêm cố chờ một phép mầu của định mệnh, một quả thận của ai đó, của những người thân hoặc của một vị “bồ tát” sống nào đó, nhưng những người có thể mỉm cười với số phận rất ít. Bác sĩ tiến sĩ Trần Ngọc Sinh là Trưởng Khoa Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng ông lại không nằm trong biên chế của bệnh viện mà lại thuộc Trường đại học Y dược Tp.HCM, nơi ông đang giảng dạy.

Tháng 6/1992, ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công tại Viện Quân y 103 (Hà Đông) do nhóm y bác sĩ của giáo sư Lê Thế Trung thực hiện, những tưởng đã mở ra một cánh cửa mới để các bệnh nhân suy thận đi qua và sống sót. Nhưng trên thực tế trong 13 năm vừa qua cũng chỉ có thêm chưa đến 200 bệnh nhân được ghép thận tại Việt Nam, một con số hết sức khiêm tốn nếu không muốn nói là quá ít ỏi.

Ghép thận trong ghép tạng là một trong những hình thức ghép không quá khó so với ghép tim, gan và phổi... và các vị bác sĩ ở ta có đủ chuyên môn cũng như kinh nghiệm về lĩnh vực này. Hiện nay Việt Nam có đến 8 trung tâm ghép thận, 3 ở Hà Nội, 1 ở Huế và 4 ở Tp.HCM, cả 3 miền đều có thể thực hiện được. Nhưng vấn đề quan trọng ở đây lại nằm ở... những quả thận. Không chỉ ở riêng Việt Nam mới khan hiếm thận, tất cả các nước trên thế giới đều chung tình trạng, cũng vì thế mới nảy sinh những băng nhóm mua bán tạng người, trong đó có thận và những cuộc mua bán tạng người xuyên quốc gia.

Năm 2003, bác sĩ Sinh đã tiếp một đoàn gồm các giáo sư và bác sĩ, họ tự giới thiệu mình thuộc một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, ngỏ ý muốn giúp đỡ ta từ kinh phí đến chuyên môn trong chương trình y học nhân đạo hồi sinh những người đã chết não để sử dụng nguồn tạng. Nguyện vọng duy nhất của nhóm khoa học này là xin được sử dụng những quả thận của những người chết não ấy. Thận trọng với nhóm khoa học lạ trên, bác sĩ Sinh đã đưa ra một câu hỏi thử lòng “nhân đạo” của họ: “Chúng tôi sẽ đưa “thận” ra nước ngoài cho các ông toàn quyền sử dụng chỉ sau khi chúng tôi đáp ứng được hết nhu cầu trong nước, bởi hiện nay những bệnh nhân đang chờ ghép thận tại Việt Nam chúng tôi cũng lên tới con số hàng ngàn rồi”. Các nhà khoa học ngoại quốc “nhân đạo” sau khi nghe vậy bèn đánh trống lảng rồi chuồn thẳng, lộ rõ mặt một băng nhóm chuyên đi mua bán tạng người quốc tế.

Bác sĩ Sinh (bên phải) trong một ca ghép thận.

Cuối năm 1992, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành ca ghép thận đầu tiên, người hiến thận là ông bố, người nhận là con gái ông, thực hiện ca ghép là nhóm giáo sư bác sĩ đã thực hiện ca ghép đầu tiên tại Viện Quân y 103, ca ghép thành công và cho tới bây giờ người cha già đã hiến thận vẫn sống khỏe, không những thế ông vừa đi thêm... bước nữa ở cái tuổi xưa nay hiếm.

Thành công ban đầu ấy là nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với tập thể y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Riêng bác sĩ Sinh đã bỏ hơn một năm trời qua Pháp học về ghép thận, phổi, gan và tim chỉ với ước mong thực hiện được những suy nghĩ đau đáu trong ông khi nghe những chuyện kể về bi kịch của những bệnh nhân suy thận. Cùng với ông, một ê kíp rất trẻ là các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã đến hầu hết các bệnh viện trên thế giới chuyên khoa về thận học để học hỏi, với quyết tâm thành lập một ê kíp ghép thận cho hàng trăm bệnh nhân suy thận đang nằm chờ “thoi thóp” ở Khoa Tiết niệu.

Năm 1995, ê kíp ghép thận Bệnh viện Chợ Rẫy bắt đầu một ca đầu tiên cho một bệnh nhân ở Thủ Thừa, Long An. Ca ghép thành công, cả hai người cho và nhận thận đều khỏe mạnh, công sức và những cố gắng không mệt mỏi của những người mặc áo blue trắng đã cho kết quả mỹ mãn.--PageBreak--      

Năm 2002, một chàng sinh viên trường sư phạm, quê Bình Thuận bị suy thận, người cho thận là em gái. Các xét nghiệm cho thấy đã có thể tiến hành ca mổ nhưng vấn đề ở đây là gia đình chàng sinh viên này rất nghèo, để có thể đóng tiền nằm viện vài tuần mà gia đình chàng trai đã phải bán cả đồ đạc trong nhà để trang trải, chi phí ca mổ ước tính tối thiểu cũng vài chục triệu.

Không thể nhìn chàng trai phải yểu mệnh vì không có tiền, bác sĩ Sinh đã đề xuất với bác sĩ Giám đốc bệnh viện Trương Văn Việt tìm tài trợ cho chàng sinh viên. Ca phẫu thuật đã được tiến hành thành công, và giờ đây chuyện mà bác sĩ Sinh có thể tự hào là chàng trai ngày ấy giờ đây đã khỏe mạnh, rời giảng đường và tình nguyện về dạy chữ cho bà con ở một trường vùng sâu vùng xa của tỉnh Bình Thuận.

Trên bàn làm việc của ông luôn có xấp đơn xin ghép thận và có cả những lá đơn xin... bán thận. Ông cũng đã không ít lần nhận những lời đề nghị “mai mối” của người bán để bán thận cho những người bệnh. Đành rằng đang có những bệnh nhân đang rất cần thận nhưng ông đã quyết định mà không cần suy tính, thẳng thừng từ chối những người đòi bán thận của mình. Đối với người bác sĩ, không có gì quý giá bằng tính mạng và những phần thân thể của con người, họ, những người bán thận không hề vì những mong muốn tốt đẹp, chỉ mong muốn có được những đồng tiền chua chát từ việc “bán” dần những phần thân thể mà cha mẹ họ đã rứt ruột đẻ ra, và trong nghề y không cho phép tồn tại tính thương mại ấy. Lương tri con người, trong đó có lương tri người bác sĩ không thể nào chấp nhận...

Trong gần 100 ca có sự tham gia của bác sĩ Sinh, ông nhớ gần hết tên những người tình nguyện hiến thận. Ông ví họ như những vị bồ tát sống tồn tại trên cõi đời để cứu vớt người bệnh, và khi mổ cho họ để lấy quả thận ra, ông nâng niu chúng như nâng niu chính một phần thân thể mình. Ông từng nói với những người được nhận thận rằng, không phải ông mà những người hiến thận mới là những người có công tái sinh, còn ông và các đồng nghiệp chỉ cố gắng hết sức để thực hiện phần trách nhiệm “nhỏ nhoi” của mình.

Nhưng cũng không phải tất cả những người cho thận đều là “bồ tát”, cũng đã có người cố công tìm hiểu người nhận thận của mình là ai để... xin ít tiền. Bác sĩ Sinh, trong khả năng có thể, đều từ chối cung cấp tên bệnh nhân được nhận thận để tránh những chuyện phiền phức có thể xảy ra sau ca mổ. Trong suy nghĩ của ông, nếu những người “cho” vô tư thì họ sẽ không cần biết người nhận trái thận của mình là ai.

Hiện nay, đa số những người cho thận đều là thân nhân những người bệnh suy thận, những người ngoài rất ít. Bệnh viện Chợ Rẫy và cả cá nhân ông luôn từ chối những ca mổ có dấu hiệu của sự mua bán. Ông còn nhớ mãi câu chuyện thương tâm sau ca mổ của một bệnh nhân, người cho thận là cha đẻ của bệnh nhân, sau khi ca mổ thành công, người cha thường xuyên đến gặp kể công tái sinh và xin tiền, làm phiền người con, suốt một thời gian dài người con sống trong “áp lực” vô hình, trong sự “kể công” hơi quá của người cha. Một buổi sáng, người con thức dậy, chở vợ con đi ăn, nói những lời trăn trối rồi đêm hôm đó anh ta đã tự kết liễu số phận của mình.

Với chuyện ông đã có lần từ chối người hiến thận, thoạt nghe có vẻ đối nghịch với những gì ông đã làm, nhưng số là một nghệ sĩ khá nổi tiếng được con gái mình tình nguyện hiến thận, người con gái cũng chưa đến tuổi 30, một cuộc sống rất dài phía trước, còn người nghệ sĩ nọ thì cũng tuổi gần đất xa trời, ca ghép có thể thành công nhưng cuộc sống của cô con gái sau ca mổ có thể sẽ chịu rất nhiều khó khăn. Bác sĩ Sinh đã chủ động tâm sự cùng người cha nghệ sĩ nọ, ông bày tỏ quan điểm của mình và cuối cùng người cha nghệ sĩ chấp nhận đi chạy thận nhân tạo, kiên quyết không nhận quả thận từ cô con gái của mình. tuổi ngoài 60, người nghệ sĩ đâu còn mong ước gì hơn khi cảm nhận được sự hy sinh của con mình.

Hàng trăm người phải chạy thận nhân tạo, họ đang sống một đời sống tạm. Hàng trăm bệnh nhân suy thận đang nằm ở Khoa Tiết niệu vẫn mong chờ từng ngày “may mắn” đến với mình, họ đang sống trong khắc khoải bên cạnh lưỡi hái tử thần kề bên cổ. Thận để ghép không phải là không có, nhưng nói như bác sĩ Sinh: “Cần lắm cái tình và lương tri của con người song hành với những người thấy thuốc”!

Thuận Thiên
.
.