Bác sĩ Phùng Văn Cung: Nhà trí thức tiêu biểu trong thời đại Hồ Chí Minh

Chủ Nhật, 22/12/2013, 10:30
Khi Đảng và Bác Hồ lãnh đạo nhân dân ta giành lại độc lập dân tộc, nhiều nhân sĩ trí thức nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã không quản ngại gian khổ hy sinh, toàn tâm toàn ý, đóng góp hết sức mình trong các cuộc kháng chiến. Bác sĩ Phùng Văn Cung - một trong những yếu nhân của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là con người như thế.

Ông từng giữ nhiều trọng trách của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong đó có cương vị Phó chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ở cương vị nào, ông đều nêu tấm gương sáng của người trí thức cách mạng, hoàn thành tốt các trọng trách được giao.

Cuộc đời hoạt động cách mạng

Bác sĩ Phùng Văn Cung là một trong những trí thức nổi tiếng của miền Nam Việt Nam ở thế kỷ XX. Ông sinh ngày 15/5/1909 tại xã Tân An, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Ông nhận bằng bác sĩ y khoa năm 1937 tại Hà Nội, sau đó trở về Nam Bộ công tác. Về việc học của ông đến nay vẫn còn truyền tụng sự chăm chỉ, thông minh, thành tích học tập luôn đạt rất cao. Khi trở về Nam chữa bệnh cho mọi người, ông luôn là tấm gương sáng về y đức.

 Từ năm 1957, bác sĩ Phùng Văn Cung lần lượt làm Giám đốc y tế tỉnh Châu Đốc (nay là An Giang), tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang). Tuy là công chức cao cấp của chính quyền Ngô Đình Diệm nhưng ông luôn hướng tới cách mạng, thường xuyên bằng nhiều hình thức đấu tranh chống lại các chính sách của Mỹ - Diệm, nhất là chính sách đối với trí thức, đặc biệt là chính sách trưng tập bác sĩ đưa vào quân đội, bắt y, bác sĩ học tập và “tố cộng”.

Năm 1960, đáp ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ông từ bỏ nhà cửa, từ bỏ cuộc sống giàu sang nơi đô thành, mang cả gia đình lên chiến khu tham gia kháng chiến. Ngày 20/12/1960, tại Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, bác sĩ Phùng Văn Cung được bầu làm Phó chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Với tài năng, đức độ và uy tín của mình, ông được các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức yêu nước kính nể, khâm phục và bầu ông làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ miền Nam, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới miền Nam Việt Nam.

Năm 1963, trước tình hình miền Nam có nhiều chuyển biến mới, Mặt trận chủ trương phát động cuộc đấu tranh với mức độ cao hơn để đánh gục kẻ thù. Mặt trận đề ra Tuyên ngôn và chương trình hành động 10 điều với nội dung: “Phải hòa bình. Phải độc lập. Phải dân chủ. Phải cơm no áo ấm. Phải thống nhất Tổ quốc”. Mặt trận đã ra lời kêu gọi: “Tất cả hãy đứng lên. Tất cả hãy đoàn kết lại. Hãy siết chặt hàng ngũ để chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm”. Mặt trận cũng quyết định lấy lá cờ nửa đỏ, nửa xanh có ngôi sao vàng năm cánh và bài Giải phóng miền Nam làm cờ và bài hát chính thức của Mặt trận.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt bác sĩ Phùng Văn Cung tại Hà Nội tháng 3/1969.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, tháng 6/1969, tại Đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam, Phùng Văn Cung được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cuối năm 1969, ông được cử làm Trưởng phái đoàn nhân dân miền Nam ra thăm miền Bắc, tỏ rõ tình cảm ruột thịt của nhân dân miền Nam đối với Trung ương Đảng, Bác Hồ và đồng bào miền Bắc.

Tháng 2/1977, tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận, ông được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là Ủy viên Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam và Ủy viên Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 7/11/1987 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước là hết sức quan trọng. Cùng với các trí thức tiêu biểu khác, bác sĩ Phùng Văn Cung, trên các cương vị và trọng trách được giao đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Những đóng góp của bác sĩ Phùng Văn Cung trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau độ lùi thời gian, ngày càng được khẳng định. Điều đó cho thấy tính đúng đắn của con đường mà người trí thức Phùng Văn Cung đã lựa chọn cũng như tính đúng đắn, vai trò lịch sử tất yếu của công cuộc cách mạng do Đảng và Bác Hồ khởi xướng và lãnh đạo.

Thái độ của người trí thức trước thời cuộc

Là một trí thức tên tuổi, Phùng Văn Cung cũng như nhiều nhân sĩ khác đã sớm nhận ra đường đi cho mình phải là con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân đã lựa chọn. Nhân sĩ trí thức Việt Nam chân chính trước hết luôn lấy quốc gia dân tộc làm trọng, danh dự quốc gia phải đặt lên hàng đầu.

Trong bối cảnh chế độ chính trị phản động Mỹ - Diệm những năm Ngô Đình Diệm cầm quyền, sắc thái gia đình trị, một mặt dựa Mỹ thanh trừng các lực lượng chính trị khác, một mặt biểu hiện sự độc tài, độc đoán đã khiến các tầng lớp nhân dân trong đó đặc biệt là trí thức miền Nam hết sức phân vân. Quyền lực và thái độ của Mỹ khi ấy đã ảnh hưởng toàn cục đến thể chế chính trị Ngô Đình Diệm, điều mà các nhân sĩ trí thức chân chính hết sức phản đối.

Nhân sĩ trí thức miền Nam giai đoạn này là những hạt nhân tinh túy nhất, tiêu biểu của thế hệ người Việt Nam trong bước đường khởi đầu giao thoa hội nhập với văn minh phương Tây, ảnh hưởng rõ rệt nền văn minh Pháp, luôn chủ trương dân chủ, hòa bình, bác ái, có sự ảnh hưởng nhất định từ thành tựu cách mạng tháng Tám, từ uy tín của Hồ Chủ tịch. Chính những yếu tố trên đã góp phần thay đổi nhận thức và hành động của đa số nhân sĩ trí thức tiến bộ trong đó không ít người đang công tác trong thể chế chính trị Ngô Đình Diệm đã có những quyết định mang tính lịch sử.

Bác sĩ Phùng Văn Cung là một trong những trí thức như vậy.

Sự kiện gia đình bác sĩ Phùng Văn Cung rời bỏ Sài Gòn về chiến khu là một sự kiện lịch sử đã được dự đoán từ trước. Sự quả đoán của Phùng Văn Cung trong bối cảnh lịch sử lúc ấy đã cho thấy thái độ dứt khoát của người trí thức trước thời cuộc, trước lịch sử, trước nhân dân.

Bác sĩ Phùng Văn Cung (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) cùng các vị lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tuyên thệ trước Đại hội lần thứ I của Mặt trận ngày 10/2/1962. Ảnh: T.L.

Sự kiện trên là một sự kiện chín muồi đối với suy nghĩ và hành động nhất quán của người trí thức Phùng Văn Cung với cách mạng. Sau này, hẳn nhiên, ngay cả trong những lần gặp gỡ và báo cáo với Hồ Chủ tịch, bác sĩ Phùng Văn Cung đã xác lập tấm lòng của người trí thức với cách mạng một cách tự nhiên nhất. Thái độ của người trí thức Phùng Văn Cung trước thời cuộc là một thái độ đúng đắn, thể hiện tài năng và tâm thế của người yêu nước trước bước ngoặt lịch sử. Từ những ứng xử của ông, những hành động trong toàn bộ cuộc đời ông, đã cho thấy một Phùng Văn Cung luôn đặt Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, luôn kiên định đến cùng con đường cách mạng, không một phút do dự, không quản ngại gian khổ, hy sinh.

 Nói đến những cống hiến tiêu biểu của bác sĩ Phùng Văn Cung, các nhà nghiên cứu, các nhà lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức cùng thời và sau này, các thế hệ tiếp nối công cuộc cách mạng đều thống nhất đánh giá ông đã có những đóng góp to lớn trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Vĩ thanh

Phùng Văn Cung, một trí thức tiêu biểu trong thời đại Hồ Chí Minh đã dành toàn bộ cuộc đời mình cống hiến cho cách mạng, cho Tổ quốc, cho nhân dân. Từ sự chọn đường của ông, từ những phấn đấu hy sinh của ông, chúng ta thấy, dưới thời đại Hồ Chí Minh, mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có tầng lớp trí thức đã tình nguyện đem hết tài năng và trí tuệ phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc. Càng phải khẳng định một điều, dưới thời đại Hồ Chí Minh, những gì tinh túy, tinh hoa nhất của người trí thức đã được phát huy và đã mang lại những kết quả hữu ích. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay, những tấm gương như bác sĩ Phùng Văn Cung, một trí thức tiêu biểu rất cần được tiếp tục làm sáng rõ để các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam, trong đó có giới trí thức trẻ Việt Nam học tập, noi theo

Phùng Văn
.
.