Bà quả phụ của cố Luật sư Nguyễn Mạnh Tường: Ký ức còn nguyên

Thứ Tư, 30/05/2012, 23:55
Ngôi biệt thự số 34 phố Tăng Bạt Hổ nằm im lìm dưới những hàng cây cổ thụ. Những hàng cây phủ bóng lơ thơ khiến cho ngôi nhà trở nên cũ kỹ, nhuốm màu hoài niệm. Kể từ ngày Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đi xa, ngôi nhà được giữ lại nguyên các đồ đạc và khung cảnh xưa. Bà Tống Lệ Dung, người vợ hiền của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đang sống những ngày cuối đời cùng con gái trong ngôi nhà cổ đó. Bà đã đến tuổi “xưa nay hiếm”, trong ký ức nhớ quên của bà, chỉ còn lại những câu chuyện của ngày xưa…

1. Hàng ngày, chị Dung Nghi, con gái bà Lệ Dung, vẫn dìu mẹ ra khoảng sân trước nhà. Một khoảng vườn đầy cây và lá. Bà đứng lặng rất lâu trước cây sấu do ông Tường trồng, lặng lẽ hồi tưởng.

Bà Lệ Dung kể, cách đây 12 năm, cũng là những ngày Hà Nội nắng gắt như thế này. Bữa đó, ông bà đang ngồi đọc sách trong phòng. Bỗng nhiên ông thấy khó thở, rồi ngã quị xuống. Thế mà ông bỏ bà ra đi. Mỗi năm đến những ngày hè nóng nực, lòng bà Lệ Dung lại nhói đau. Bà vẫn chưa thể nguôi quên được cảm giác của cái ngày đau đớn đó. Không có ông, bà vẫn thấy cuộc đời mình sao chống chếnh. Bởi người phụ nữ này gắn liền số phận với một người nổi tiếng, một trong thế hệ trí thức đầu tiên học ở Pháp và về nước theo tiếng gọi yêu nước của Bác Hồ.

Cách đây 6 năm, bà ngã quị, nằm liệt giường. Thế mà, bà tự vận động để đứng lên được. Giờ ở tuổi 95, cận kề cái tuổi trời cho, bà Lệ Dung vẫn đẹp. Mái tóc bà bạc như cước. Khi trò chuyện cùng tôi, nụ cười hóm hỉnh sau hàm răng móm mém vẫn thường trực. Bà có thể quên rất nhiều chuyện, chuyện của bây giờ, chuyện của cuộc sống bộn bề, nhưng những ký ức về ông và quá khứ dường như chưa bao giờ quên.

Bà Lệ Dung người họ Tống gốc Thanh Hóa, là con gái yêu của cụ Tống Nguyên Lễ, một trí thức học ở Pháp về. Ông là một kỹ sư hóa chất, con nhà dòng dõi từng là sinh viên xuất sắc ở Pháp. Về nước, ông làm việc trong nhà máy rượu ở phố Nguyễn Công Trứ. Cái tên Tống Lệ Dung do chính ông Nguyên Lễ đặt cho con với hàm ý tự hào về nhan sắc trong bữa tiệc luôn luôn đẹp của con gái.

Lệ Dung cất tiếng khóc chào đời vào năm 1918 ở phố Nguyễn Công Trứ. Ngày nhỏ, bà là một tiểu thư con nhà danh giá, được bố yêu chiều và cho đi học giống các anh. Hàng ngày, bà Lệ Dung đến trường bằng chiếc xe kéo đẩy, chỉ những tiểu thư con nhà quyền quý mới có. Bà học xong tú tài ở Trường Đồng Khánh năm 17 tuổi. Nhưng rồi khi Lệ Dung lớn lên, thì mẹ bà mất. Biến cố lớn đó khiến cuộc sống vốn bình yên của 3 chị em Lệ Dung bị đảo lộn. Bà Lệ Dung thay mẹ chăm sóc bố, cuộc sống của bà càng gắn chặt với bố. Những tư tưởng cấp tiến của văn minh phương Tây đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng sau này của bà.

Bố bà Lệ Dung là bạn thân thiết của cụ thân sinh ra Luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Mối lương duyên của ông bà cũng bắt đầu từ đó. Năm 1934, khi luật sư chuẩn bị về nước, ông cụ dạm nói: “Tôi có đứa con học ở Pháp sắp về, có hai bằng tiến sĩ (Luật và tiến sĩ Quốc gia Văn chương ở Pháp khi mới 22 tuổi). Không biết con gái ông có ưng không”.

Thế rồi, các ông bố trí cho hai người gặp nhau. Ngày đó, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cùng người bạn thân của mình là Giáo sư Nguyễn Văn Huyên về dạy ở Trường Bưởi. Bà Lệ Dung được bố đưa đi xem kịch ở Nhà hát Lớn để xem mặt Nguyễn Mạnh Tường. Ông đang tham gia một vai diễn trên sân khấu kịch hôm đó. Lệ Dung chọn chiếc áo dài bằng gấm màu thiên thanh tha thướt, tóc vấn cao. Hai người chưa kịp nói chuyện với nhau. Nhưng trong tâm hồn người con gái 17 tuổi ấy đã có những xao động.

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường và bà Tống Lệ Dung năm 1937.

Thế rồi bẵng đi, mỗi người mải mê đeo đuổi công việc của mình. Họ ít gặp nhau, cũng ít trò chuyện với nhau, ngoài những cuộc gặp của cả hai gia đình. Ông Tống Nguyên Lễ muốn gửi gắm con gái yêu của mình cho gia đình người bạn thân, lâu lâu không thấy con gái nói gì, ông chủ động hỏi Lệ Dung: “Con có đồng ý lấy Luật sư Nguyễn Mạnh Tường không?”. Lệ Dung nói: “Bố đồng ý, bên ngoại mình đồng ý thì con cũng đồng ý”. Bà Lệ Dung bảo, bà rất yêu bố, và luôn tôn trọng mọi quyết định của ông. Dù ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây, nhưng bà vẫn là mẫu người phụ nữ truyền thống, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Bởi bà tin vào sự lựa chọn của bố mình. Và bà tin, với con người Tây học như Nguyễn Mạnh Tường, bà sẽ có cuộc sống hạnh phúc.

Một đám cưới theo lối phương Tây được tổ chức trang trọng tại nhà hàng Khai Trí, Tiến Đức, một nhà hàng của Pháp ngày xưa, (giờ là khách sạn Phú Gia, phố Lê Thái Tổ, Hà Nội). Ngày đó, gọi là đám cưới nhảy. Bà vẫn giữ lại những bức ảnh cưới ngày xưa, Lệ Dung trông đài các và tinh tế trong chiếc áo dài truyền thống, vấn khăn trần, đeo kiềng vàng và hoa tai. Hồi đó, chỉ những người con gái thuộc lớp quý tộc mới vấn khăn trần bằng chính mái tóc dài của mình. Nhiều người trầm trồ vì nhan sắc của bà Lệ Dung. Sau đám cưới, bà cùng Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đi chu du một chuyến sang các nước Đông Dương, sang cả Hồng Kông, rồi Ăngco… khi bằng xe ngựa, khi bằng ô tô, rong ruổi 3 tháng trời. Đó là một quãng đời hạnh phúc và bình yên nhất trong cuộc đời bà Lệ Dung.

2. Một cô gái học hết tú tài, sinh trưởng trong một gia đình trí thức, cuộc đời bà Lệ Dung chắc hẳn sẽ có những ngả rẽ tốt hơn cho cho sự nghiệp riêng của riêng bà. Nhưng đối với bà Lệ Dung, được làm vợ Luật sư Nguyễn Mạnh Tường là niềm hạnh phúc và kiêu hãnh. Bà chưa bao giờ hối tiếc vì đã hy sinh những khát vọng riêng tư vì gia đình nhỏ của mình. Đó là những ngày tháng êm đềm ở ngôi nhà 3 tầng tại số 1 Mai Xuân Thưởng, Hà Nội. Khu phố hồi đó yên tĩnh lắm, chỉ có lác đác một vài ngôi nhà. Hàng ngày bà ở nhà cơm nước, trồng hoa.

Ngày đó, bà Lệ Dung cũng mê hoa loa kèn. Những khóm loa kèn tây bà trồng nở rộ vào những ngày tháng 4, được bà cẩn thận ngắt vào mang đến Trường Bưởi cắm cho ông. Bà mê loài loa kèn tây màu nhung, được gửi giống từ Đà Lạt về, mịn và đẹp như như tâm hồn tinh khiết của người con gái Hà Nội xưa. Bà tự học nữ công gia chánh, nhất là những món ăn kiểu Pháp mà ông thích từ những cuốn dạy nấu ăn của Pháp. Từ một tiểu thư khuê các, bà Lệ Dung trở thành một người vợ đảm đang, khéo léo vun vén gia đình.

Khi chị Dung Nghi ra đời, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường vui lắm. Ông rất yêu con gái. Và quyết định mua ngôi biệt thự ở 34 Tăng Bạt Hổ này. Đó là ngày 6/3/1946. Ngôi nhà trở thành kỷ niệm, và gia đình bà Lệ Dung cố gắng giữ đến ngày hôm nay, dù cuộc sống gia đình đã trải qua nhiều biến cố.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bà Lệ Dung cùng các con theo Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đi tản cư, khi Thái Bình, khi Thanh Hóa. Đó là những năm tháng nhọc nhằn, một mình bà nuôi và chăm sóc các con để ông yên tâm dạy học. Bà chủ động hòa mình vào cuộc sống của những người dân khốn khổ, tham gia chống lụt, mở lớp tư dạy học cho bọn trẻ ở quê. Sau kháng chiến, ông và bà lại về Hà Nội, và sống ở ngôi biệt thự cổ này. Có những khoảng lặng trong cuộc đời ông Tường, bà luôn là người bên cạnh, thấu hiểu và chia sẻ cùng ông. Kể cả những thời đoạn gia đình rơi vào khốn khó, bà một mình lo toan gánh vác. Có lẽ, chỉ có bà mới hiểu được nỗi buồn nhân thế của ông.

Nén mình lại vì gia đình, khi các con đã lớn, bà mới bắt đầu tham gia các công tác xã hội. Bà trở thành hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và sau này làm việc cho cửa hàng sách ngoại văn ở phố Tràng Tiền. Ở tuổi 47, bà vẫn tự đi học tiếng Nga, có thể nói và đọc được sách để phục vụ cho công việc ở cửa hàng sách ngoại văn. Hàng ngày, người ta vẫn thấy một người người phụ nữ tỷ mẩn nhận đơn đặt hàng của các nhà khoa học sách tiếng Pháp và tiếng Nga…

Hồi đó, bà cùng với họa sĩ Vi Kim Ngọc, vợ của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên là bạn thân của nhau. Hai người học vẽ trên phố hàng Bông. Bà mê vẽ, từng vẽ nhiều tranh, nhưng do điều kiện kinh tế, bà đành từ bỏ ước mơ của mình. Trong hồi ký của bà Vi Kim Ngọc có nhắc nhiều đến bà Lệ Dung, chính bà Lệ Dung đã khuyến khích và động viên họa sĩ Kim Ngọc đi những bước dài và thành công trên con đường hội họa của mình.

Nhưng không hiểu sao khi nói chuyện với bà Lệ Dung tôi vẫn thấy hằn lên đâu đó một nỗi buồn của sự tàn phai của một gia đình trí thức lớn, dù bà không bao giờ nói về điều đó. Chị Dung Nghi bảo, cả đời bà chưa bao giờ kêu buồn. Bà luôn nén những nỗi buồn vào trong cái vẻ hồn nhiên, dí dỏm của mình. Có phải vì màu tàn phai của ngôi biệt thự cổ lâu năm, hay tại đồ đạc trong ngôi nhà này cũng cổ xưa, cũ kỹ… Không gian ở đây tĩnh tại và yên ắng quá mức, như chính ký ức của người phụ nữ này. Bà bảo, cuộc đời bà chưa biết đến nỗi buồn, nhưng tôi vẫn thấy nỗi buồn hiện hữu đâu đó trong ngôi nhà này

Khánh Linh
.
.