Anh hùng Ngô Thị Huệ: Đi giữa hiểm nguy

Thứ Ba, 01/02/2011, 10:15
Buổi chiều một ngày cuối năm, tôi tìm đến căn nhà nhỏ của chị nằm khuất trong một con hẻm trên đường Phan Đình Phùng - Đà Nẵng. Chị đon đả tiếp tôi bên tách trà nóng đang tỏa hương ngào ngạt trong giá rét của mùa đông... Và cứ thế, chị kể cho tôi nghe những nổi chìm của đời chị…

Tên của chị là Ngô Thị Huệ (bí danh: Minh Hiệp, Bảy), chị sinh ngày 20/12/1942, tại làng Hương Phát, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Chị kể: Trong thời kỳ chống Pháp, quê hương chị bị địch chiếm đóng để ngăn cản sự phát triển của phong trào cách mạng địa phương.

Gia đình chị từ ngày ấy đã là một cơ sở nuôi giấu cán bộ cốt cán của phong trào. Chị nhớ lại, có lần vào khoảng năm 1953, lúc này chị đã được gia nhập vào Đội thiếu nhi làm nhiệm vụ cảnh giới và đưa thư từ liên lạc cho cán bộ. Một lần, nhiều đồng chí cán bộ đang tổ chức họp Đảng ở ngay trong nhà chị, trong số đó có những đồng chí cốt cán của phong trào như Đào Ngọc Chua, Bùi Đức Thế, Bảy Kình, bất ngờ địch ập đến để bố ráp.

Thấy vậy, chị đã nhanh trí chạy thẳng ra sau vườn tháo tất cả những cái cổng chuồng trâu để xua trâu chạy tán loạn ra đường, vừa xua trâu, chị vừa la lớn "trâu, trâu xổng chuồng ăn lúa" nghe vậy, bà con trong làng chạy ra đón trâu, nhân cơ hội đó một số đồng chí đã chạy thoát, số còn lại nhanh chân nhảy xuống hầm bí mật. Sau lần ấy, chị cùng cha ruột của mình bị địch bắt để tra xét.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (ngoài cùng bên trái) đến thăm Anh hùng LLVTND Ngô Thị Huệ lúc mới ra Bắc năm 1969.

Bọn chúng áp giải cha con chị đến trụ sở xã để thẩm vấn, đánh đập, nhưng do không tìm thấy bất cứ một dấu hiệu nào liên quan đến cộng sản nên chúng buộc phải trả tự do cho cha con chị. Ngày ấy, dù chị mới hơn 10 tuổi, nhưng được các anh, các chú giáo dục, nên chị đã rất hăng hái trong những nhiệm vụ được giao như rải truyền đơn, canh gác để báo tin hoạt động của địch cho cơ sở…

Những ngày đầu tiên trong cuộc đời chị đến với phong trào cách mạng ở quê hương mình, cũng là thời điểm mà kẻ thù thực hiện chính sách tố cộng và diệt cộng rầm rộ nhất. Đây cũng là giai đoạn mà địch thẳng tay đàn áp những người tham gia kháng chiến dữ dội nhất.

Nhiều chiến sĩ cách mạng đã sa vào tay giặc, có người bị tra tấn hết sức dã man, có người bị địch hành hạ cho đến chết. Cha chị cũng bị địch bắt, bị bỏ tù và tra tấn đến lồi mắt, khi đã lâm cảnh mù lòa, chúng mới trả tự do. Về nhà, cha chị vẫn thường dạy các con của mình rằng phải giữ vững niềm tin và lòng trung thành với cách mạng, cho dù có chết cũng phải chết trong vinh quang…

Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, ở quê chị có rất nhiều người thoát ly để tập kết ra miền Bắc. Từ đó cho đến năm 1957, gia đình chị đã có 5 người thoát ly đi tập kết gồm 3 người anh ruột, 1 người anh rể và 1 người chị dâu. Sau khi rà soát danh sách những gia đình có người đi tập kết, địch đã bắt tất cả những người còn lại của gia đình mang đến trụ sở ủy ban xã để đánh đập, tra xét.

Tối đến, chúng bắt tất cả mọi người từ già, trẻ, gái, trai đều đứng tập trung để làm lễ sám hối trước chân dung của Tổng thống Việt Nam cộng hòa lúc bấy giờ là Ngô Đình Diệm. Do bị địch bắt đứng nghiêm, hai tay cầm hai viên gạch, cho nên chỉ đứng được một lúc là có nhiều cụ già bị té xỉu. Thấy vậy, chị đã quyết định đập đầu mình vào góc tường để gây rối loạn buổi lễ sám hối, hòng để cho những người già không phải đứng nghiêm lâu mà té xỉu… Đúng như dự tính của chị, sau khi đập đầu mình vào góc tường, chị té xuống đất, máu chảy ra lênh láng, mọi người nhốn nháo la ré khắp nơi, buổi sám hối bị gián đoạn.

Khi vết thương trên đầu chị chưa lành, địch đã di lý chị từ trụ sở ủy ban xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng đến nhà lao Hiếu Đức, quận Hiếu Đức (nay là địa bàn huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), còn cha và chị ruột của chị vẫn bị giam ở xã. Tại nhà lao Hiếu Đức, chúng đã đưa chị đến khu biệt giam. Hàng tháng trời chị phải đối mặt với đủ trò tra tấn tàn độc nhất.

Không khai thác được bất cứ một thông tin gì từ chị. Cuối cùng sau gần 6 tháng giam giữ, chị được địch trả tự do. Trở về nhà với tấm thân tàn tạ, gia đình chị chạy chữa khắp nơi cùng với sự giúp sức của bà con chòm xóm, người này nải chuối, người nọ mớ đậu xanh… phải mất một thời gian dài sức khỏe của chị mới được bình phục.

Năm 1959, địch bắt đầu thực hiện chính sách dồn dân vào các ấp chiến lược để dễ bề thi hành Luật 10/59. Gia đình chị cũng bị địch đưa vào khu dồn dân. Các chú, các anh ở Đội Công tác huyện Hòa Vang đã gặp chị để chỉ đạo chị theo gia đình vào ấp chiến lược để thuận tiện trong việc theo dõi tình hình, đồng thời tìm cách tạo điều kiện để Đội Công tác liên lạc với những cơ sở mới.

Trong thời gian này, chị đã điều nghiên tình hình và quy luật đi lại của những đối tượng chức sắc và ác ôn ở địa phương. Nhận chỉ thị của anh Ba Thế - Đội trưởng Đội Công tác Huyện ủy Hòa Vang, chị đã bố trí để những trinh sát của Đội thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các đối tượng ác ôn là ấp trưởng, xã trưởng và liên gia trưởng như tên Toán, tên Lai, tên Lý, làm cho địch hết sức hoang mang.

Mặt khác, chị đã móc nối với những người có tấm lòng với cách mạng ở trong hàng ngũ địch, từ đó phát hiện ra vị trí địch cài mìn, lựu đạn giúp Đội Công tác vào ra ấp chiến lược để vận động quần chúng được an toàn tuyệt đối.--PageBreak--

Đầu năm 1960, trong một lần chị nhận nhiệm vụ trèo lên cây cốc rất cao để treo cờ của mặt trận, do mất cảnh giác, chị đã bị địch bắt. Với thành phần gia đình của chị là có nhiều người tham gia cách mạng, với những nghi ngờ về việc làm của chị trước đây, sau khi bắt được chị, địch giải chị đến ngay nhà lao Hiếu Đức để thẩm tra, sau đó chúng đưa chị đến nhà lao Hội An để buộc chị phải đối diện với những kiểu tra tấn dã man và hiện đại nhất.

Những ngày ở nhà lao Hội An chị đã phải nếm trải không biết bao nhiêu trận đòn thù. Địch đã dùng điện để quay chị, chị không khai. Địch dìm chị trong những thùng phuy chứa nước xà phòng, hoặc chứa nước vôi, rồi dùng kìm để kéo ngực chị, kẹp tay chị… hòng buộc chị phải khai ra những người trong Đội Công tác và các cơ sở cách mạng ở địa phương.

Những lần chết đi sống lại dưới bàn tay tàn bạo của quân thù, bao giờ chị cũng nhớ mãi lời người cha thân yêu của chị đã căn dặn: "Con trâu trước đi trước thì con trâu sau phải theo cái vết ấy mà đi", "chịu đau thì mau về". Càng ngày, địch càng như muốn điên lên trước sự kiên trung của một cô gái chưa tròn 20 tuổi có làn da trắng và mái tóc dài như suối chảy ấy. Nhiều lần chúng đã lột hết quần áo của chị để dùng đầu đạn thọc sâu vào vùng kín.

Kinh tởm hơn, chúng còn cho mấy thằng lính say rượu vào trong đề lao để giở trò đê tiện với chị. Cứ mỗi lần chúng đến, chị lại chống cự rất quyết liệt cùng với sự hô hoán đấu tranh của các bạn tù chính trị trong lao. Hết hành hạ, chúng lại giở trò dụ dỗ, tên quận trưởng quận Hiếu Đức sai thuộc hạ mang đến phòng giam của chị thật nhiều vòng vàng, vải vóc, son phấn…

Chúng hạ giọng rằng: "Em còn trẻ, lại rất xinh đẹp, việc gì em phải chịu cảnh đòn roi, tù tội. Em biết ai đi làm cách mạng thì cứ nói cho bọn anh! Nếu em sợ họ trả thù thì bọn anh sẽ làm nhà ở trung tâm quận cho cha con em đến ở…". Thế nhưng, mấy tháng trời trôi qua, chị vẫn không hé răng khai báo nửa lời…

Thời gian trôi đi, những trận tra tấn dã man đối với chị cũng được thưa dần, địch cho chị ra làm lao dịch để quét dọn xung quanh khu vực các phòng giam. Những lúc anh chị em tù chính trị mở cuộc tuyệt thực để đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù, chị đã âm thầm lợi dụng sơ hở của địch để chuyển thức ăn cất giấu được vào cho anh chị em tù nhân có cái ăn, các anh, các chị ấy mới cầm cự được sự sống và tiếp tục đấu tranh thắng lợi.

Sau hơn 6 tháng bị giam cầm, tra tấn, sức khỏe của chị càng ngày càng sa sút, rồi chị ngã quị, bị liệt toàn thân. Thấy vậy, địch lại thả chị ra để chị được tự do trở về quê hương bản quán. Về đến gia đình, chị được cha và các anh, các chị chăm sóc, các cơ sở của ta đóng góp tiền bạc để chạy chữa thuốc thang cho chị. Thời gian này, Đội Công tác rất cần nắm tình hình địch ở khu vực giáo xứ Phước Đông, nhưng không thể nào tiếp cận được địa bàn vì ở đó hoàn toàn trắng cơ sở.

Nhiều lần lãnh đạo Đội Công tác định cắm chị đến vùng này làm cơ sở hoạt động, nhưng nhìn thân thể gầy yếu của chị nên lãnh đạo Đội Công tác của Huyện ủy Hòa Vang còn do dự. sau khi nghiên cứu tình hình, thấy nổi lên đối tượng Huỳnh Tấn Đức là cháu ruột của linh mục Năm Tân - Chánh xứ nhà thờ Phước Đông làm nghề y tá chữa bệnh tư là người mà ta có thể lợi dụng để cài cơ sở vào địa bàn hoạt động.

Để thực hiện được kế hoạch này, cha chị hàng ngày phải đến mời y tá Huỳnh Tấn Đức đến để tiêm thuốc chữa bệnh cho chị. Qua thời gian chữa bệnh, biết được gia đình Đức đang có nhu cầu tìm người giúp việc. Sẵn dịp này cha chị quyết định mở lời với Đức: "Nhà tôi tuy nghèo nhưng không bao giờ cho con đi ở đợ, nhưng bấy lâu nay thầy có công chạy chữa thang thuốc cho con tôi, ơn này lớn quá. Vì vậy cho cháu về ở giúp việc cho gia đình thầy tôi không mong gì hơn… có điều, cháu ở với thầy thì thầy cố gắng cho cháu chút thuốc thang để mai kia còn tính đến chuyện chồng con, chứ sức khỏe èo uột như vầy thì gay go quá…".

Một vài hôm sau, Đức đưa vợ là Năm Sinh đến xem mặt chị. Tìm được người giúp việc, nhưng không phải trả tiền công nên vợ chồng Đức vô cùng phấn khởi. Nhân dịp này vợ chồng Đức đã đánh tiếng đến ấp trưởng, xã trưởng về việc chị đến giúp việc không công cho gia đình Đức, để bọn này khỏi hoạnh họe gia đình chị. Mấy hôm sau, chị khăn gói mang áo quần đến nhà Đức ở gần nhà thờ Phước Đông để bắt đầu những tháng ngày hoạt động dưới vỏ bọc là người đi giúp việc nhà.

Công việc hàng ngày của chị là gánh nước, giặt áo quần, tắm cho các con của Đức, dọn dẹp lặt vặt và chăm sóc một đàn heo trên chục con. Đức thì không nói năng, than phiền gì về chị, nhưng Năm Sinh, vợ của Đức, thì suốt ngày chì chiết, có lần bà ấy đã tạt cả một chậu nước bẩn lên đầu chị.

Khó khăn, vất vả đến mấy  chị vẫn cắn răng chịu đựng. Ngày tháng cứ trôi đi, sau rất nhiều lần giở trò thử thách đối với chị, ví như giả vờ quên ví tiền trong quần áo bẩn, hay để lơ đễnh một thứ nữ trang có giá trị nào đó… thấy chị cũng thuộc dạng thật thà nên sau đó vợ chồng Đức càng tin tưởng chị hơn. Thấy lính tráng ở địa phương và quan chức cấp ấp, xã thường xuyên lui tới chơi ở nhà vợ chồng Đức, chị đề xuất với bà vợ cho phép chị mở một cái quán nhậu nhỏ trong sân nhà để kiếm thêm thu nhập lo cho đời sống vì vợ chồng Đức khá đông con.

Từ ngày mở quán, vợ Đức rất tin tưởng chị nên hàng ngày cho chị đi Đà Nẵng để mua hàng rồi thuê xe lam chở lên. Ngày ấy, chị mới 20 tuổi, da trắng, tóc dài lại bán quán cho gia đình của một người có thế lực ở địa phương nên chị làm quen được với rất nhiều lính cộng hòa. Do thường xuyên thuê xe chở hàng nên chị đã xây dựng được mấy cơ sở mua hàng hóa phục vụ cho phong trào cách mạng và nhiều cơ sở trú chân.

Tin tức hàng ngày chị chuyển cho Đội Công tác thường là thông qua đường dây của một người chị ruột và bà Dương Ưng (bà Ưng là mẹ của đồng chí Ba Thế). Chỉ những lúc nào cần thiết lắm (ví như việc về để Đội Công tác kết nạp đoàn cho chị) thì chị mới về nhà với lý do thăm cha bị ốm đau.--PageBreak--

Khoảng vào giữa năm 1961, địch điều động tên Bôi về địa phương để làm xã trưởng thay cho tên Toán đã bị ta tiêu diệt. Bôi kết hợp với tên Đồng - cảnh sát trưởng và tên Hồng ấp trưởng thường xuyên tổ chức những vụ bắt bớ, đánh đập những người mà chúng tình nghi là cộng sản, gây ra nhiều khó khăn cho sự phát triển phong trào cách mạng ở địa phương.

Đội Công tác nhận thấy đây là những đối tượng cần phải tiêu diệt để gây tiếng vang và phát động mạnh công tác diệt ác phá kềm, tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân nổi dậy, tạo hành lang cho cán bộ và bộ đội đi lại hoạt động dễ dàng hơn. Được sự giúp đỡ của những cơ sở đáng tin cậy trong lực lượng Bảo an của địch như anh Nhí, anh Đào Quả, chị đã nắm rất rõ quy trình đi lại, làm việc của những đối tượng ác ôn này.

Thấy thời cơ đã chín muồi, chị xin phép lãnh đạo Đội Công tác cho chị được đánh các đối tượng này ngay tại nhà của vợ chồng Đức. Đây là một nhiệm vụ hết sức táo bạo nên chị cũng xác định là nhiều khả năng chị sẽ hy sinh. Lãnh đạo Đội công tác, sau khi nghiên cứu đề nghị của chị đã rất trăn trở, bởi lẽ, đánh thì có thể thành công nhưng chị sẽ hy sinh là điều khó tránh khỏi…Cuối cùng lãnh đạo Đội Công tác và chị đã đi đến thống nhất là giao cho chị làm nhiệm vụ điều nghiên tình hình để báo cho Đội Công tác biết để thực hiện nhiệm vụ.

Một buổi sáng, khi chị đã nắm chắc kế hoạch các tên Bôi, Đồng, Hồng và một tên thám báo làm nhiệm vụ bảo vệ cho Bôi sẽ có mặt cùng một lúc tại trụ sở xã để họp. Chị nhanh chóng báo tin này cho Đội Công tác để các anh cử người ra nằm phục kích ở đoạn đầu dốc đèo Ông Gấm.

Như thường lệ, với lý do đi mua hàng cho vợ chồng Đức, chị đạp xe đạp từ nhà xuống khu vực Tùng Sơn để nắm tình hình. Ở đó, chị thấy đủ 4 tên đang ngồi uống cà phê trong quán cà phê bà Diệu. Chị đi đến sát quán cà phê để vừa trao đổi việc mua bán hàng hóa với một người bạn, vừa xác định lại lần cuối các mục tiêu.

Ngay sau đó, chị đạp xe lên trên đoạn đầu dốc đèo Ông Gấm, nơi có anh em của Đội Công tác đang ém quân, chị dỡ nón trên đầu xuống quạt 4 cái làm ám hiệu là địch có 4 tên đều diệt được. Xong nhiệm vụ, chị vội vàng quay lại nhà của vợ chồng Đức để làm việc của mình. Khoảng 15 phút sau khi chị về đến nhà thì nghe súng nổ. Thấy bà con đổ xô chạy ra phía đầu dốc để xem, chị cũng chạy theo để lợi dụng tình hình đó báo cáo kết quả hành động của các đồng chí diệt ác đến Đội công tác.

Tiếc thay, những loạt đạn của anh em diệt ác chỉ tiêu diệt được tên Bôi, tên Hồng và tên thám báo, còn tên Đồng - cảnh sát trưởng chỉ bị thương ở chân, vì vậy mà khi chị chạy đến hiện trường vụ tấn công nó đã nhìn thấy chị. Một ngày sau, khi chị đang ngồi nấu cám heo sau vườn nhà Đức thì có rất nhiều lính ập đến.

Chúng bắt chị về trụ sở ủy ban xã để đánh đập, tra tấn suốt 5 ngày trời, những lúc không đánh đập, chúng thả chị xuống hầm có chứa rắn và ếch nhái để dọa. Dù đau đớn đến tột cùng nhưng chị vẫn không hề khai báo bất cứ một điều gì với địch. Nhất nhất chị chỉ trả lời rằng: "Em không biết gì cả, chỉ suốt ngày quần quật mua bán ở nhà và chăm sóc các cháu con của anh Đức, chị Sinh…".

Phía ngoài kia, các anh, các chú trong lãnh đạo Đội Công tác và gia đình đang tìm mọi cách để giải cứu cho chị. Một giải pháp được đưa ra là cha chị đến gặp Huỳnh Tấn Đức để nói chuyện phải trái, cuối cùng thì Đức đồng ý đến xã bảo lãnh cho chị về nhà để chữa trị vết thương. Khi sức khỏe đỡ dần lên, chị quay lại để giúp việc cho gia đình Huỳnh Tấn Đức.

Một lần chị tổ chức cho anh em trong Đội Công tác đột nhập vào nhà thờ Phước Đức để tổ chức mít tinh, giải thích cho đồng bào giáo dân hiểu rõ hơn những chính sách của cách mạng. Lần ấy, Huỳnh Tấn Đức phát hiện chị có những liên hệ với Việt cộng. Biết là không thể nào chối được, chị đã chủ động nói với Đức: "Đúng là tui đã gặp mấy ổng, nhưng nếu anh báo để cảnh sát đến bắt tui thì chắc chắn sau khi tui bị bắt, anh sẽ chết, mấy ổng không để cho anh yên đâu, hay là anh cứ im lặng để giúp tui, công lao của anh rồi đây cách mạng sẽ ghi nhận…".

Sau đó, chị được Đội Công tác cho tạo lý do để rút về lại với gia đình ở khu dồn dân xã Hòa Ninh. Ở trong khu dồn dân này, theo chỉ thị của Đội công tác, chị đã tổ chức cho những cơ sở của ta trong lực lượng dân vệ cùng với bà con thực hiện việc đốt trụ sở xã, phá banh ấp chiến lược Hòa Ninh để đưa dân về vùng giải phóng theo quyết định của Huyện ủy Hòa Vang.--PageBreak--

Đầu năm 1963, chị được điều động về chiến khu của Thành để học tập và gia nhập Đội Công tác của thành phố. Giai đoạn này, chị nhiều lần từ chiến khu về Đà Nẵng để xây dựng cơ sở, nắm tình hình. Đến cuối năm 1963, từ Đội Công tác thành phố Đà Nẵng chị được điều về công tác tại Tổ điệp báo Đà Nẵng, sau này là Ban An ninh Đà Nẵng.

Tại đây, chị được các đồng chí cho đi học nghề y tá để vừa biết việc để băng bó cho các đồng chí bị thương, vừa cải trang làm y tá để hoạt động trong vùng địch. Nhiệm vụ của chị trong giai đoạn này là nắm các đầu mối giao liên, tổ chức đưa đón cơ sở về căn cứ để học tập, huấn luyện và đón tiếp các thanh niên, học sinh từ nội thành ra căn cứ để tham gia cách mạng.

Những ngày ở căn cứ, chị làm rất nhiều việc từ nấu ăn, giặt giũ quần áo cho cơ sở, hướng dẫn phương thức hoạt động nội thành cho cơ sở… thấy chị có khả năng, các đồng chí trong Ban An ninh Đà Nẵng giao nhiệm vụ cho chị đi đến các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn để tìm địa điểm móc nối cơ sở lên căn cứ để huấn luyện và nhận chỉ thị công tác.

Những lúc đường dây giao liên gặp trục trặc, chị lại phải vào vùng nội thành để móc nối lại các đường dây liên lạc. Nhiều lúc địch càn quét dữ dội, nhiều đồng đội đã hy sinh, chị nhận trách nhiệm chôn cất anh em rất cẩn thận và tuyệt đối không để bất cứ tài liệu nào rơi vào tay giặc.

Năm 1964, với những thành tích xuất sắc của mình, chị vinh dự được đứng vào trong hàng ngũ của Đảng. Năm 1965, sau khi trở thành đảng viên chính thức, chị được bầu vào Chi ủy phụ trách Đội Công tác giao thông liên lạc để luồn lách mang tài liệu qua các trạm kiểm soát của địch.

Nhiều lần chị phải nghiên cứu, học tập để đóng cho thành công vai vợ của sĩ quan Việt Nam cộng hòa, học cách ăn mặc cao bồi, bắt bồ với lính…Nhiều người quen biết với gia đình chị, thấy chị như thế đã gặp cha chị để dè bỉu, than phiền, thậm chí có những nguồn thông tin bay về đến quê chị rằng: "Con Huệ ra Đà Nẵng để làm điếm".

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, các đồng chí chỉ huy của Ban An ninh Đà Nẵng như anh Nguyễn Chánh (tức Cam), anh Kim Thanh được lệnh phải vào khu vực nội thành để hoạt động. các đồng chí ở Ban An ninh khu 5 như anh Sinh Châu, anh Huân xuống trực tiếp địa bàn để chỉ đạo.

Giai đoạn này, chị thường xuyên nhận nhiệm vụ mang chỉ thị của Ban An ninh khu 5 vào nội thành để truyền đạt lại cho chỉ huy Ban An ninh Đà Nẵng. Gần đến những ngày cuối năm 1968, tình hình càng trở nên căng thẳng. Đoạn đường từ Thanh Quýt (Điện Bàn) ra Đà Nẵng địch cho bố trí trên 30 trạm gác, nếu phát hiện thấy ai có dấu hiệu khả nghi là lệnh bắt sẽ được thi hành.

Do tình hình quá căng thẳng như thế, cho nên tất cả những công văn, chỉ thị của Ban An ninh khu 5 muốn chuyển về vùng nội thành chị đều phải học thuộc rồi truyền đạt lại chứ không thể mang theo bất cứ một loại giấy tờ gì trong người. Để đưa được một chỉ thị từ vùng căn cứ về nội thành giai đoạn này là hết sức khó khăn. Qua mỗi trạm gác, chị phải thay đổi nhân dạng, thay đổi quần áo mới hòng che mắt địch.

Lần đưa chỉ thị cuối cùng, chị cùng đi với một cơ sở của ta, do tình hình kiểm soát của địch quá căng nên chị Bảy (cơ sở) đã nhớ nhầm số nhà. Cả chị lẫn cơ sở đi đến nhầm nhà của một sĩ quan ngụy, rất may là chỉ có bà vợ của viên sĩ quan ở nhà nên chỉ sau vài động tác xã giao chị với cơ sở đã thoát ra được. Khi đến được điểm hẹn, chị phải trải qua nhiều lần thẩm tra mới gặp được anh Nguyễn Chánh, anh Kim Thanh…Sau lần vào thành đầy nguy hiểm ấy, chị trở về căn cứ và được bầu vào Đảng ủy viên dự khuyết.

Đầu năm 1969, trong một lần đưa cơ sở từ nội thành về căn cứ để huấn luyện, chị bị phục kích và bị thương rất nặng. Thấy sức khỏe của chị ngày một thêm khánh kiệt, lãnh đạo Ban An ninh Đà Nẵng đã thống nhất với lãnh đạo Ban An ninh khu 5 quyết định đưa chị ra miền Bắc để chữa trị.

Từ năm 1971, chị được điều động về công tác ở Bộ Công an cho đến năm 1975 thì trở về quê hương Đà Nẵng.

 Trong suốt quá trình tham gia cách mạng, chị đã tham gia vào 4 trận đánh lớn, tiêu diệt được 8 tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân và phong trào cách mạng. Chị đã xây dựng được 27 cơ sở, trong đó có 4 cơ sở làm việc trong hàng ngũ địch, 2 cơ sở là đồng bào Công giáo và 13 cơ sở hoạt động ở vùng nội thành. Những cơ sở do chị xây dựng luôn giữ vững phẩm chất và lý tưởng, có cơ sở thoát ly đi bộ đội đã hy sinh và được xác nhận…

Với những đóng góp đó, chị đã được tặng thưởng rất nhiều huân, huy chương và danh hiệu chiến sĩ thi đua…Ngày 29/8/1985, chị rất vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Phan Bùi Bảo Thy
.
.