Anh hùng LLVTND Võ Hồng Tuyên: Những điều chưa kể

Thứ Năm, 28/03/2013, 10:34

Nhiều người nhắc tới ông - một con người trực tính. Có lần, cấp trên hỏi ông về công tác Đảng, công tác chính trị, ông đã trả lời: “Công tác Đảng, công tác chính trị của tôi trước hết là bộ đội phải ăn no”. Ông làm gì cũng bằng cái Tâm. Ông quy tụ anh em bằng chính sách cán bộ, bằng quân lệnh như sơn.

“Từ thuở mang gươm đi mở cõi”, ông cha ta đã xác định chủ quyền an ninh quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bài “Nam quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt đã ngạo nghễ tuyên bố với giặc phương Bắc về định phận tại sách trời của sông núi nước Nam, được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai về chủ quyền dân tộc… Trải qua nhiều thế hệ, ngày nay, có một trong những lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia biên giới, bờ biển đó là Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Hơn 50 năm thành lập, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, có biết bao nhiêu Anh hùng , chiến sỹ trong lực lượng này đã góp phần làm rạng danh truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam… trong đó có Anh hùng LLVTND Võ Hồng Tuyên.

Huyền thoại những chiến công

Năm 1961, Chuẩn úy Võ Hồng Tuyên là một trong những trinh sát ngoại biên đầu tiên tham gia tổ công tác 3 mặt tại Lào. Ngày 23/7/1962, sau khi 14 nước tham dự hội nghị ở Giơnevơ ký kết hiệp định với Lào, cách mạng Lào chuyển sang hoạt động hiệp thương thì địch ra sức phá hoại đường lối hòa bình trung lập, hòa hợp dân tộc của Chính phủ vương quốc, tập hợp thổ phỉ cũ hoạt động chiến tranh tâm lý, tăng cường thám báo nắm tình hình lực lượng ta ở biên giới, tung gián điệp, biệt kích xâm nhập nội địa ta nhằm mưu đồ tấn công miền Bắc. Hai tổ trinh sát, trong đó có ông, ở lại Lào tiếp tục hoạt động. Ông vừa là cố vấn cho bạn Lào trong đánh địch và xây dựng lực lượng, vừa là chỉ huy tổ trinh sát tham gia đấu tranh vũ trang. Cùng với một trung đội dân quân Lào và Tiểu đoàn 927 Bộ đội Pathét Lào đánh từ Teng Đeng, Nọng Hến đến bản Thoọng Nhạy, giải phóng toàn bộ vùng này, kêu gọi đầu hàng 2 đại đội phỉ, thu toàn bộ súng ống.

Võ Hồng Tuyên trong thời kỳ ở Lào cùng với một người bạn Lào mưu trí, gan dạ, dũng cảm bắt 11 tên biệt kích. Ngày 26/1/1967, sau trận đánh ở bản Thoọng Nhạy, Võ Hồng Tuyên và Bun Nhưn, trông thấy 5 máy bay, trong đó có 2 trực thăng bay lượn trên thung lũng Napê, cách đồn 93 Cầu Treo- Hà Tĩnh khoảng 32 km. Nhận định địch có thể thả biệt kích giữa biên giới ta và bạn, Võ Hồng Tuyên cho người về báo tin. Ngay lập tức, lực lượng truy lùng biệt kích của Lào đã hình thành kế hoạch phục kích địch tại thung lũng này.

Leo lên đỉnh núi bắt đầu quan sát và thấy chiếc trực thăng hạ cánh xuống thung lũng Napê, hai anh em phát hiện có mấy tên mặc đồ đen bắt đầu bươi cát ở khe suối lấp thức ăn, thực phẩm và nước uống. Khoảng 4-5 giờ chiều, phía địch thì đông, ta chỉ có 2 người, nhưng Võ Hồng Tuyên quyết tâm đánh địch. Nếu bỏ qua cơ hội thì trời tối mất. Anh trao đổi nhanh với đồng chí Nường và triển khai kế hoạch tác chiến.

Võ Hồng Tuyên (đứng) và đồng đội trong những ngày chiến đấu ở Lào.

Rừng Lào chiều xuống rất nhanh. Lúc này trời đã nhá nhem tối. Võ Hồng Tuyên bắn 1 phát súng đanh gọn chia cắt đội hình địch. Đồng chí Nường bắn 3 phát kế tiếp, một phát làm rơi mũ một tên. Võ Hồng Tuyên dựa vào gốc cây bắn thêm viên nữa khiến 1 tên bị thương vào chân. Cùng với tiếng súng, hai anh em cùng hô bao vây… bằng cả tiếng Lào và tiếng Việt, đồng thời kêu gọi: Nằm sấp xuống. Hàng thì sống, chống thì chết”! Toán biệt kích quá bất ngờ hoảng loạn, tưởng sa vào ổ phục kích, không kịp trở tay, ngoan ngoãn tuân theo hiệu lệnh. Nhanh như chớp, Nường cướp súng, xả đạn ra, thu được 13 khẩu AK, 12 khẩu súng ngắn, 1 khẩu án sát, 7 máy điện đài. Võ Hồng Tuyên canh chừng cho đồng chí Nường lấy dây giày trói gập cánh khuỷu từng tên địch…

Thấy quá lâu mà không thấy đại đội, trung đội nào xuất hiện, một số tên vùng dậy bỏ chạy. Lúc này, hai anh em đã trói được 5 tên địch. Trời tối hẳn, rất may sau đó có được sự yểm trợ của đồng đội ở Đồn Biên phòng 563. Ngay trong đêm, tổ trinh sát của Võ Hồng Tuyên tiếp tục truy lùng bắt thêm được 1 tên nữa. Và khoảng 10 ngày sau đó, tổ tiếp tục phối hợp với đồn biên phòng và dân quân tự vệ Lào truy lùng địch trong rừng sâu, bắt gọn toán gián điệp biệt kích mang bí danh Hadley do tên Lê Văn Ngung cầm đầu, làm tiền đề cho Chuyên án K.50.

Thành công lớn nhất của chuyên án này là chúng ta đã dùng địch để câu nhử địch, dùng địch để tấn công địch, khiến địch trong một thời gian dài vẫn đinh ninh toán Hadley đang hoạt động. Ta đã tách chúng ra để đấu tranh khai thác, chỉ để lại 2 tên lính truyền tin là Phúc và Khoa. Tất cả những tin hai tên Phúc và Khoa truyền cho Phủ Đặc ủy tình báo Sài Gòn đều dưới sự khống chế, giám sát của ta. Nội dung của bức điện liên lạc đầu tiên với Sài Gòn sau 24 ngày mất liên lạc là báo cáo tình hình của nhóm, lý do chậm liên lạc và đề nghị tiếp tế lương thực… Trong thời gian gần 4 năm (từ 1967 đến 1970) thực hiện Chuyên án K50, có khoảng ½ thời gian liên lạc 2 chiều. Tính ra đã có 650 phiên liên lạc và ta đã nhận được khoảng 300-400 bức điện của tình báo Sài Gòn. Không khí làm việc sôi động, quên cả mệt nhọc. Riêng tổ trưởng Võ Hữu dự thảo khoảng 200 bức điện cho tình báo Sài Gòn.

Trong 4 năm, ta bị địch kiểm tra 5 lần, có những lần hú vía. Có một lần, chúng điện ra hỏi: HADLEY 7 lương tháng này gửi cho ai? Ta trả lời: MIC 17. Tín hiệu an toàn sử dụng rất xảo quyệt, ta không dám chắc là tín hiệu thật, nhưng rồi cũng suôn sẻ không có chuyện gì xảy ra. Còn phần lớn những tin ta trả lời là tin giả, tin quá đát. Tất cả đều được Bộ phê duyệt trước khi chuyển đi. Có lần, máy bay trinh sát của chúng hỏi: Chiến xa của Bắc Việt đi đường nào để vào đường 9? Thực ra hồi đó, máy bay của chúng không phát hiện ra đường 9 của ta và xe tăng ta đi đường đó. Vì vậy mà với những vấn đề chiến lược thì Cục Phản gián, Bộ Công an sẽ soạn thảo điện. Đây cũng là thời gian “biệt kích, thám báo như rươi” như cách nói của công an vũ trang thời bấy giờ. Tuy nhiên, gần như tất cả các toán biệt kích nhảy dù bằng đường bộ hay đường biển đều không thể đứng chân nổi trên đất Hà Tĩnh. Chuyên án K50 kết thúc đã giúp ta nắm được ý đồ chiến lược của Mỹ đối với đường 8 và hành lang biên giới Việt Lào, câu nhử được nhiều lực lượng địch, thu nhiều phương tiện, điện đài, vũ khí của địch.

Tuyên , Tuyên ơi….

Khi tôi hỏi ông về những ngày tháng ở Lào, ông lúc nào cũng xua tay, kể mình vừa thôi, kể các anh em khác đi, Nguyễn Thụy, Phan Hoa Lan, Phan Văn Sâm, Nguyễn Văn Bàng…Đây là chiến công chung của Công an nhân dân vũ trang Hà Tĩnh. Ông là vậy đó. Ông rất ngại khi nói về mình. Nhưng đồng đội của ông, thủ trưởng của ông đều nói rằng, ông đã thực sự là một người con của nước Lào anh em thời kỳ đó. Và ông không chỉ có những chiến công lớn bắt nhiều toán biệt kích, mà còn là người đã đào tạo cho bạn nhiều cán bộ, sau này là những vị lãnh đạo cấp cao chính quyền, lực lượng vũ trang nhân dân của nước bạn Lào, là người đã tham gia giải phóng nhiều vùng đất bị địch chiếm đóng. Như vùng Na Mương- Bun Nhót bị địch chiếm đóng lâu nhất từ 1962-1974 với khoảng 1 tiểu đoàn cát cứ, có Sở chỉ huy ở Khăm Muộn và Nà Thòn. Thời gian này, ông và đồng chí Phan Hoa Lan, Bun Nhưn ở trong nhà dân, trong thời gian từ 1965 đến 1975, kêu gọi vợ con phỉ, tổ chức lực lượng cùng với công an và Bộ đội Pathét Lào giải phóng từ bản Na Hàng, Na Nắng, Na Mương, Bun Nhót với chiều dài 7km đường biên giới, chiều ngang 30km giáp Napê, Thà Khẹt…

Tại bản Nậm Huội, bản cuối cùng phía Nam của mặt trận, chịu bao đói rét, ngủ rừng, tóc rụng hết vì sốt rét, rồi ông ở trong nhà tên trùm phỉ Tích Chuối, vận động vợ con hắn, được họ cưu mang. Thời kỳ này, ông lấy tên là Võ Tuyến Hồng. Ông đã 3 lần bị bắn hụt, nhưng cũng nhờ những lần đó, bằng mưu trí của mình, ông đã khiến cho địch và vợ con phỉ vốn mê tín sẵn tin rằng: Tuyến Hồng xương đồng da sắt, đạn bắn không thủng… Bao vây, tìm cách kêu gọi đầu hàng, không được bắn chết là phương pháp để ông cùng các đồng chí kêu gọi hàng ngàn lính phỉ quay súng về với Bộ đội Lào, mang lại bình yên cho nhiều vùng đất, giữ được an toàn cho Bộ đội Lào hành quân. Kỷ niệm nhớ nhất của ông là được đồng chí Phò Xiêng Mun, Bí thư Tỉnh ủy Khăm Muộn tặng chiếc đài để nghe tin tức phục vụ công tác, như gửi gắm một tình cảm sâu nặng, cao quý với người con Việt.

Không thể nhớ hết những nơi mà dấu chân ông và đồng đội đã qua trên những cánh rừng Lào. Chỉ biết rằng, người dân Lào không hề quên anh Võ Tuyến Hồng gan dạ, thông minh. Sau này, khi đã là Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, năm 1994, ông tham gia đoàn khảo sát mốc biên giới Việt - Lào tại bản Tơng, một địa bàn nằm sâu trong rừng Lào, không có đường để đi. Những người đi cùng đoàn chứng kiến cảnh tượng: máy bay trực thăng bốc nhiều gạo xuống cho dân bản Tơng. Nhưng tuyệt nhiên, không một ai để ý đến gạo, mặc dù đây là địa bàn khó khăn, thiếu thốn về lương thực, thực phẩm. Mọi người ào đến khi nhìn thấy ông, ai cũng mừng rỡ gọi: Tuyên, Tuyên ơi! Họ đón ông như đón người con của bản đi xa lâu lắm trở về nhà…

Có một người anh hùng như thế

Những năm 1989-1990, Bộ đội Biên phòng Nghệ Tĩnh được giao dẹp loạn tại vùng đá đỏ Quỳ Châu, Quỳ Hợp, nơi tập trung đầu nậu cả nước, thành lập các băng nhóm, tranh chấp lãnh địa tại đồi Tỷ, đồi Triệu. Võ Hồng Tuyên trực tiếp chỉ huy, chỉ trong 1 tuần đã bắt toàn bộ đầu gấu, băng nhóm với hàng trăm người, thu nhiều vũ khí, giáo mác, gậy gộc. Hai tuần sau đã ổn định trở lại vùng đá đỏ, giao mỏ cho Nhà nước quản lý. Sau ngày tái lập tỉnh Hà Tĩnh lại có vụ dẹp loạn tương tự tại vùng Hòa Hải, Hương Khê… Nhiều chuyên án bảo vệ an ninh, biên giới, bờ biển bắt cướp, buôn bán ma túy, hêrôin đã thắng lợi giòn giã, làm thất bại nhiều âm mưu và hoạt động của các toán phỉ, phản động lưu vong xâm nhập, củng cố vững chắc an ninh biên giới, bờ biển. Với vai trò chỉ huy, ông là người tạo nền tảng cơ bản để Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới sau này.

Nhiều người nhắc tới ông - một con người trực tính. Có lần, cấp trên hỏi ông về công tác Đảng, công tác chính trị, ông đã trả lời: “Công tác Đảng, công tác chính trị của tôi trước hết là bộ đội phải ăn no”. Ông làm gì cũng bằng cái Tâm. Ông quy tụ anh em bằng chính sách cán bộ, bằng quân lệnh như sơn. Thẳng thắn, trực tính đến nỗi, có lần, một vị cán bộ cấp trên về tổ chức hỏi nếu chuyển ra Bộ thì việc đầu tiên anh sẽ làm gì? Sẵn có không mấy thiện cảm về cách làm việc của người này, ông trả lời: “Tôi ở cơ sở sẽ làm được nhiều việc hơn. Nhưng nếu tôi ra thì việc đầu tiên là tôi phải thay anh”. Nhưng sau này, ông lại rất cảm động khi biết được tấm lòng bao dung của vị cán bộ cấp trên nọ: Mới đầu cũng thấy bực, nhưng lại không hề giận ông mà tâm sự rằng: “Thế mới biết, vì sao Võ Hồng Tuyên làm được nhiều việc tốt đẹp như thế”.

Hà Tĩnh, tháng 9/2012

Nguyễn Thị Hạnh Loan
.
.