Anh hùng LLVTND Nguyễn Sỹ Huynh: Người về từ cõi chết

Thứ Tư, 09/12/2009, 08:34
Có lẽ ông là một trường hợp duy nhất trong hàng trăm hàng ngàn trường hợp tù nhân ở Hỏa Lò được xác định là hết hy vọng sống sót và đã chuyển qua nhà xác để chờ ngày chôn tập thể. Một tuần liền nằm trong nhà xác, bên cạnh những tử thi đã lạnh giá, trong cơn hấp hối ông đã thấy linh hồn của những đồng đội mình dang tay cứu sống ông đưa ông trở về với thực tại.

Khi một y sỹ người Pháp và giám thị xuống kiểm tra lại lần cuối các tử thi để đưa đi chôn, người y sỹ đã phát hiện ra sự sống vẫn còn đụng cựa nơi ông và anh ta liền bắt mạch cho ông rồi la lên bằng tiếng Pháp: "Il respire encore" (nó còn thở). Ngay lập tức, ông được đưa trở lại trạm xá của nhà tù với hơi thở thoi thóp, đôi tai bị chuột cắn nham nhở, vấy máu…

Thế rồi từ cõi chết, ông đã hồi tỉnh lại nhờ sự chăm sóc đặc biệt của những người bạn tù chính trị đã chung tay giành giật từng chút một sự sống của ông khỏi lưỡi hái tử thần. Đặc biệt, có một thực phẩm quý giá mà những người bạn tù dành cho ông, đó là những trái bàng chín trong nhà tù Hoả Lò. Những trái bàng đã cứu mạng ông, và giúp ông hồi sinh.

Đó là một phần ký ức không thể nào quên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Anh hùng LLVTND Nguyễn Sỹ Huynh - nguyên Phó Tổng cục trưởng Thường trực, Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Tôi đến thăm ông vào những ngày đầu đông, cái lạnh buốt da đã ùa về Hà Nội.

Chút lạnh đầu mùa của phương Bắc đã choàng lên căn biệt thự Pháp cũ ở 16B Trần Bình Trọng một thoáng sương giá. Tôi khép vạt áo lạnh, bước vào ngôi biệt thự Pháp cũ, xây dựng từ năm 1950 với những bậc cầu thang bằng đá và những cánh cửa gỗ sơn xanh đặc trưng.

Trải qua những biến thiên của lịch sử, ngôi biệt thự ở 16B Trần Bình Trọng xưa từng thuộc về chủ nhân là Tổng đốc Vi Văn Định. Sau Cách mạng Tháng Tám, ngôi biệt thự này được Cách mạng trưng thu trở thành một cơ sở hoạt động của Bộ Công an, tầng một là trụ sở tiếp dân.

Năm 1955, có 5 đồng chí là cán bộ chủ chốt của cách mạng cấp Cục trưởng được ở trong ngôi biệt thự này. Nguyễn Sỹ Huynh lúc bấy giờ là cấp Cục trưởng, Cục phản gián Bộ Công an; đồng chí Bảy Khiêm, nguyên Cục trưởng Cục Tình báo của Bộ Công an; đồng chí Đinh Châu, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Minh Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật Bộ Công an, và đồng chí Viễn Chi.

Sau này khi ông Nguyễn Sỹ Huynh được bổ nhiệm chuyên viên bậc 7, hưởng chế độ tương đương với Thứ trưởng thì cấp trên đã phân cho ông ở tầng 3 và tầng 2 là gia đình ông Nguyễn Minh Tiến, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Công an. Giờ đây ngôi biệt thự cổ ở 16B Trần Bình Trọng vẫn thuộc về 2 hộ, 2 gia đình cùng ở chung với các thế hệ con cháu.

Trên căn phòng tầng 3 rộng rãi và có nhiều những khoảng không xanh mát của ban công và cửa sổ, ông Nguyễn Sỹ Huynh đợi tôi bên bàn làm việc. Đã sắp sửa vào tuổi 90 rồi nhưng dung nhan và tướng mạo của người sỹ quan Công an từng vào sinh ra tử, từng lập nhiều chiến công hiển hách trên các cương vị công tác ở trong những giai đoạn lịch sử của cách mạng vẫn một nét cương nghị, gương mặt thông minh ánh lên vẻ đẹp nhân hậu và một trí tuệ cho đến lúc này vẫn sắc sảo và mẫn tiệp như chưa hề cõng trên mình sự khắc nghiệt của tuổi tác và thời gian. Ông vừa vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký phong danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 6/10/2009, và chuẩn bị lễ vinh danh đón nhận danh hiệu cao quý này vào ngày 29/11/2009.

Ông kể cho tôi nghe về tuổi thơ, về lý do vì sao ông được giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Nguyễn Sỹ Huynh là con trai thứ 6 trong một gia đình có tới 8 người con, bao gồm 3 trai 5 gái ở xóm Tre, làng Thạc Giáng, TP Đà Nẵng. Cha ông là ông Nguyễn Quang, một công nhân hỏa xa của ga xe lửa Đà Nẵng, mẹ là công nhân nhặt chè của Công ty Chè xuất nhập khẩu Luyxia, Pháp.

Sinh ra trong một gia đình cả bố mẹ là những người làm công cho chế độ thuộc địa, anh cả của ông là Nguyễn Sỹ Huân, một thanh niên ưu tú, sớm thành đạt trong đường học vấn công danh, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và tham gia hoạt động bí mật trong các tổ chức chính trị. Ông Nguyễn Sỹ Huân từng là Hiệu trưởng Trường Tiểu học tư thục Thành Chung nổi tiếng ở Đà Nẵng. Ông Huynh sau khi tốt nghiệp trường Tây ở Đà Nẵng đã vào trường của anh trai mình học và tham gia phong trào học sinh thành phố Đà Nẵng, và là Bí thư Chi bộ Trường Tiểu học Thành Chung.

Anh trai Sỹ Huân bị giặc Pháp bắt đưa đi an trí ở Hội An, ngôi trường tư thục Thành Chung được chuyển nhượng lại cho một người bạn là ông Phan Bá Lân, và Trường Tiểu học Thành Chung được ông Lân thành lập lại là trường trung học đầu tiên ở Đà Nẵng mang tên Trường Chấn Thanh. Ông Nguyễn Sỹ Huynh tiếp tục học Trường Trung học Chấn Thanh và làm Bí thư Chi bộ của trường. Cần phải nói thêm một chút về người em trai của ông Huynh là Nguyễn Sỹ Túy là liệt sỹ chống Mỹ hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên. Như vậy cả ba anh em trai của gia đình ông đều tận tâm tận lực hiến mình cho Cách mạng.

Do hoạt động tích cực, từ năm 1942-1943 ông Nguyễn Sỹ Huynh được chỉ định làm Bí thư Thành ủy lâm thời TP Đà Nẵng, Tỉnh ủy viên- Tỉnh ủy lâm thời liên tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Hội An - do đồng chí Võ Toàn làm Bí thư (nay là nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Võ Chí Công). Đúng vào lúc, sự nghiệp hoạt động cách mạng đang tiến triển tốt đẹp thì ông Nguyễn Sỹ Huynh bị mật thám chỉ điểm và bị giặc Pháp bắt tại Đà Nẵng. Tòa án quân sự đã đưa ông ra Hà Nội xét xử và kết án 7 năm tù khổ sai tại nhà tù Hỏa Lò. Lúc đó, Nguyễn Sỹ Huynh vừa tròn 20 tuổi.

Thời gian ở nhà tù Hỏa Lò, cùng bị giam giữ trong những tù nhân chính trị đặc biệt nguy hiểm có các đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Trần Đăng Ninh, đồng chí Chu Đình Xương, đồng chí Bùi Lâm, v.v...

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong muôn vàn những kỷ niệm khắc ghi xương tủy của Nguyễn Sỹ Huynh tại nhà tù Hỏa Lò là trận ốm thương hàn nặng mà hồi đó gọi là sốt chấy rận. Dịch thương hàn tràn vào nhà tù và cướp đi hàng trăm sinh mạng của các tù nhân, các anh em đồng chí. Mặc dù trong tù có các tổ chức bí mật, có bộ máy lãnh đạo của Đảng rất chặt chẽ, thành lập Ban Bảo vệ sức khỏe để chăm sóc cho các tù nhân chính trị lúc đau ốm thế nhưng trước đại dịch thương hàn, anh em tù đành bất lực trước sự hy sinh của đồng đội, đồng chí.

Một trong những nguyên nhân Sỹ Huynh bị thương hàn nặng là do anh em trong tù đấu tranh đòi nước tắm giặt vì trong tù bọn giám thị chỉ cho mỗi tù nhân 3 gáo dừa nước mỗi ngày, chỉ đủ để đánh răng rửa mặt chứ không đủ để tắm rửa, nói gì đến giặt giũ. Anh em tù tổ chức đấu tranh, bọn giám thị rất hiểm ác khi đồng ý cho nước nhưng bắt tù nhân phải đi tắm vào lúc 5h sáng, gió rét căm căm.

Để bảo toàn kết quả đấu tranh, tổ chức đã cử những tù nhân trẻ, khỏe, đi tắm buổi sáng để giữ phần nước. Do không thể chịu nổi cái rét thấu xương vì phải thức dậy tắm nước lạnh lúc 5h sáng, Sỹ Huynh đã bị cảm lạnh và sốt cao không dứt. Ông được chuyển lên trạm xá của Hỏa Lò nằm điều trị suốt ba tháng trời, sốt mê man 39-40 độ, thuốc thang không có, chỉ vài viên sơ sài của bệnh xá cấp phát nên bệnh tình, ngày một nặng, luôn sống trong tình trạng hôn mê.

Một hôm viên y sỹ người Pháp cùng hai giám thị viên đi kiểm tra đã bắt mạch cho ông và kết luận: "C'est un cas désespére” (trường hợp này đã hết hy vọng sống) và ra lệnh đưa Sỹ Huynh xuống nhà xác, chờ đưa chôn như những anh em tù nhân xấu số khác.

Ông Huynh nhớ lại. Nằm ở trong nhà xác một tuần liền trong tình trạng hấp hối, hôn mê suốt ngày này qua ngày khác nhưng thật kỳ lạ ông vẫn ngắc ngoải sống mà không chết như những tù nhân bên cạnh. Một hôm, ông thoi thóp tỉnh lại nhờ lũ chuột cắn vào tai đau quá, máu chảy nhòe nhoẹt. Mặc dù tỉnh lại nhưng sức tàn lực kiệt, ông Huynh không đủ sức để rên lên một tiếng nhỏ, hay có thể gọi được ai cầu cứu, hay có cử chỉ để cho ai đó nhận biết ông còn sống mà đưa ông ra khỏi nhà xác.

Tỉnh lại rồi thiếp đi, trong cơn mê man, ông mơ thấy những người bạn tù đã chết đang nằm cạnh ông, dậy bế ông lên đưa về trạm xá và nói với ông rằng: "Cậu phải sống, để còn chiến đấu mà trả thù cho chúng tớ chứ". Dứt cơn mê, một người y sỹ của Pháp mở cửa nhà xác vào để đếm tử thi và chuẩn bị khâm liệm để mai táng tập thể. Khi đi kiểm tra các tử thi, người y sỹ phát hiện ra có một tử thi cơ thể còn ấm, anh vội vàng bắt mạch ở cổ tay ông Huynh rồi la lớn bằng tiếng pháp: "Tử thi này vẫn còn thở!". Thế là người y sỹ đã đưa Nguyễn Sỹ Huynh lên cáng và đưa về trạm xá nhà tù Hỏa Lò để cấp cứu.

Ban chăm sóc sức khỏe ở nhà tù Hỏa Lò nhận được tin tù chính trị Nguyễn Sỹ Huynh còn sống, được đưa về trạm xá, ngay lập tức trong nhà tù có lệnh phát động nhường thuốc men, thuốc bổ, và thực phẩm để bồi dưỡng sức khỏe cho Sỹ Huynh. Được các anh em đồng chí chăm sóc kỹ lưỡng, bồi bổ từng tý một, Sỹ Huynh dần dần bình phục.

Ông sống được là nhờ uống nước luộc thịt trâu (để lấy được nước luộc này, ban liên lạc nhà tù Hỏa Lò phải đặt cơ sở bí mật ở nhà bếp để khi ai ốm đau, còn có thứ để tiếp tế) và ăn trái bàng chín anh em tù Hỏa Lò gọi là "thuốc bổ hồi sinh". Trong nhà tù Hỏa Lò có những cây bàng cổ thụ, mùa hè trổ lá sum suê che nắng nóng cho tù nhân, đông về cho quả chín. Theo quy định của Ban sinh hoạt, anh em tù chính trị lợi dụng những lúc được ra tắm nắng đã bí mật lượm những quả bàng chín thơm rửa sạch và giấu kín để chuyển cho tổ y tế bảo quản và phân phối theo yêu cầu bồi dưỡng những bệnh nhân nào ốm yếu. Mấy tháng bệnh nặng, mỗi ngày Sỹ Huynh nhận được từ tổ chức từ 4 đến 5 quả bàng chín ăn cả vỏ lẫn ruột để bồi bổ sức khỏe.

Vậy là từ cõi chết, Nguyễn Sỹ Huynh đã trở về với sự sống bằng những trái bàng chín trong nhà tù Hỏa Lò. Sau này, trong ký ức 3 năm bị giam cầm trong nhà tù Hỏa Lò, ông đã viết về lần chết hụt và sự tiếp sức hồi sinh kỳ diệu từ những trái bàng chín trong khuôn viên nhà tù Hỏa Lò đã đưa ông trở về với cuộc sống, tiếp tục bước đường hoạt động và đấu tranh cách mạng.

Năm 1945, đêm trước khi diễn ra Cách mạng Tháng Tám thành công tốt đẹp, những tù nhân chính trị tại nhà tù Hỏa Lò đã được giải thoát. Ông Nguyễn Sỹ Huynh ngay sau đêm giải thoát đã tham gia cướp chính quyền tại Hà Nội. Tham gia chi đội Vi Dân, bảo vệ Bắc Bộ phủ Hà Nội.

Cuối năm 1945, ông được cử về thành phố Đà Nẵng quê hương ông và giữ chức Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự địa phương tại Quảng Nam, sau đó được Ủy ban Kháng chiến hành chính Trung Bộ bổ nhịêm làm Công tố Ủy viên Tòa án quân sự miền Trung tại Huế. Việt Nam ký tạm ước sơ bộ với Pháp, ngày 6/3/1946 ông được điều về làm sỹ quan trong Ty Liên kiểm quân sự Việt Pháp tại Đà Nẵng.

Ngày 19/12/1946, Kháng chiến toàn quốc nổ ra, ông được cử làm Trưởng phòng Liên lạc Liên khu V, được đồng chí Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn đầu tiên và đường biển Đông từ liên khu V ra Trung ương để vận chuyển lương thực thuốc men, vũ khí, tiền vàng cho Liên khu V và chiến trường Đông Nam Bộ.

(Còn tiếp)

Lê Thị Thanh Bình
.
.