Anh Mười Lắm - vị tướng bình dị

Thứ Ba, 31/12/2013, 08:30

Chớm đông Hà Nội, được trò chuyện cùng anh trong một quán cafe ấm áp gần hồ Thiền Quang. Khuôn mặt sắc nét với ánh mắt đã nhiều nếp nhăn nhưng luôn lanh lợi, giọng nói trầm ấm,… từ anh toát lên vẻ cương nghị, trung hậu. Trở về với đời thường sau gần 50 năm bền bỉ công tác ở cả mặt trận nóng bỏng thời kháng chiến lẫn trận tuyến thầm lặng thời bình, anh đang có những tháng ngày thảnh thơi, tĩnh tại. Anh là Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ, Tổng cục An ninh II…

Trầm ngâm bên ly cafe, anh Mười Lắm bồi hồi nhớ lại con đường đến với cách mạng: “Ba mẹ tôi đông con, tôi là thứ mười. Năm tôi 10 tuổi, ba tôi chuyển cả nhà từ quê Bến Tre về Cà Mau. Cha tôi tên thật là Hồ Phước Quận, hành nghề mua bán cá lóc nên bà con xóm giềng thường gọi là ông Hai Lóc. Chuyển về Cà Mau sinh sống nhưng gia đình tôi hay có khách người Bến Tre lui tới. Tôi còn nhỏ, đâu biết nhà tôi chính là một cơ sở liên lạc bí mật của Tỉnh ủy Bến Tre. Một hôm vào đúng mùa mưa, tôi cùng ba tôi đi gánh trấu rải ra vườn, để tránh trơn trượt (và cả che giấu hầm bí mật nhưng tôi lúc đầu không biết). Đường trơn, tôi làm đổ gánh trấu và ngạc nhiên thấy một niêu cơm lớn lăn ra! Ba tôi đành nói thật niêu cơm để nuôi cán bộ bí mật nằm vùng. Từ đó, tôi đến với cách mạng, đơn giản như vậy thôi”.

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm đến thăm một gia đình cơ sở cách mạng.

Sau Đồng khởi, cậu bé Hồ Việt Lắm được người anh trai thứ tư giới thiệu vào làm công tác giao liên tại Huyện ủy Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau). Vừa làm vừa học văn hóa rồi học Trường Thiếu sinh quân Cà Mau - Ninh Bình, do các thầy giáo tỉnh Ninh Bình kết nghĩa với Cà Mau vào dạy. Mười Lắm sớm chững chạc, tiến bộ. Đến năm 1970, dù chưa được vào Đảng nhưng Mười Lắm được tổ chức giao nhiệm vụ công tác tại xã ủy Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời). Trong một cuộc họp xã ủy để chuẩn bị phục vụ trận đánh Chi khu Rạch Ráng, Mười Lắm được dự họp. Chủ trì là ông Bảy Máy (Khu ủy viên Khu 9) thấy một thanh niên cùng dự họp thì hỏi: “Chú này là ai mà trẻ thế?”. Một đồng chí trong xã ủy báo cáo tóm tắt quá trình công tác, phấn đấu của Mười Lắm. Ông Bảy Máy nghe xong kết luận cái rụp: “Chiều nay họp xong kết nạp Đảng cho nó!”.

Sau bước ngoặt đầy bất ngờ đó, Mười Lắm được giao làm công tác an ninh xã Trần Hợi. Thử thách đáng nhớ nhất với ông thời kì này là được (bị) giao nhiệm vụ lấy lời khai của bà thông gia, tức mẹ vợ của người anh ruột thứ tám. Bà này bị tố cáo làm mật báo viên cho địch, đã cung cấp những thông tin làm thiệt hại đến cách mạng. Trằn trọc suy nghĩ cả đêm, sáng hôm sau Mười Lắm đến làm việc với “đối tượng” đang bị tạm giữ (thời đó nhiều xã có trại giam giữ dã chiến). Ngồi đối diện với người đàn bà sắc sảo, Mười Lắm lên tiếng: “Trong gia đình, bác là sui gia với ba tôi. Nhưng trong hoàn cảnh này, tôi đại diện cho cách mạng, bác là người bị tố cáo làm tay sai nguy hại, bác phải thành khẩn khai nhận thì sẽ được khoan hồng”. Sau khi được giải thích chính sách, sự khoan hồng của cách mạng và những mặt lợi hại, người đàn bà đã khai nhận trung thực, đầy đủ những việc đã làm. Công việc khó khăn này hoàn tất, Mười Lắm được ông Ba Bảo (Trưởng ban An ninh xã) gọi tới và nói: “Tao thử thách mày đấy. Mày đã làm ngon lành việc đó nên tao đề xuất đưa mày vào cấp ủy!”.

Năm 1972, Mười Lắm được điều động về công tác ở Tiểu ban chấp pháp Ban An ninh huyện Trần Văn Thời. Trong thời gian này, đã xảy ra một vụ cướp trại giam táo bạo nhưng nhờ tinh thần cảnh giác và cái “đức” của một người làm công tác an ninh mà hậu quả đã hầu như được ngăn chặn. Toán tù 26 tên đã bất ngờ sát hại một cán bộ bảo vệ khi dẫn chúng đi lao động xa trại, cướp vũ khí (khẩu AR15). Sau đó chúng phân ra một tốp đi chặn đánh diệt đồng chí Ba Nỡ, là đội trưởng đang dẫn một toán khác đi lao động trong rừng và một tốp kéo về để cướp trại giam, nhằm tiêu diệt hết cán bộ, giải thoát đồng bọn chạy ra vùng địch kiểm soát. Chúng giao khẩu AR15 cho tên Nguyễn Văn Lắm (là tên ác ôn đã từng bắn chết và xẻo tai 23 người, trước khi bị bắt hắn luôn mang theo xâu tai này để ra oai) cùng cả bọn kéo về vây quanh trại giam. Tên Nguyễn Văn Lắm phân công nổ súng tiêu diệt Mười Lắm trước tiên, sau đó sát hại các cán bộ khác để cướp trại, khi đó tại trại giam chỉ còn 3 cán bộ là Mười Lắm cùng đồng chí Út Thanh và đồng chí Tạo. Thế nhưng, khi đạn đã lên nòng và bí mật nhằm vào Mười Lắm, tên Lắm đã không nổ súng và bất ngờ quay lại chĩa súng vào đồng bọn và la to báo cho biết… Nhận ra sự nghiêm trọng, Mười Lắm lao tới giật khẩu súng trên tay Nguyễn Văn Lắm, nổ liền một loạt đạn lên trời báo động và sau đó đã bắt giữ được toàn bộ toán tù.

Thiếu tướng Hồ Việt Lắm và tác giả tại Hà Nội.

Sau này Nguyễn Văn Lắm khai: “Khi bị bắt đưa đến trại giam, được ông Mười Lắm trực tiếp giáo dục, lấy lời khai, tôi đã nhận ra tội lỗi, khai báo thật thà. Thời gian bị giam giữ, hai lần tôi bị suy gan, bụng chướng to. Ông Mười Lắm là người trực tiếp đưa tôi đi trạm xá huyện rồi đi tìm cây thuốc nam, nấu thuốc, chữa trị cho tôi khỏi bệnh. Tôi mang ơn ông Mười Lắm nên dù đã nhắm bắn nhưng không thể giết người mình đã mang ơn cứu mạng”…

Đầu năm 1981, sau khi dự lớp huấn luyện chương trình “Bổ túc sĩ quan”, Mười Lắm trở về Cà Mau. Trên cương vị Phó trưởng Công an huyện Trần Văn Thời, ông thường xuyên gần gũi, không phân biệt đối xử, cảm hóa gia đình có người trốn ra nước ngoài hoạt động chống phá. Do vậy, khi các tên biệt kích xâm nhập như Danh (K64), Kiếm (K59), Dũng (K61) quê ở huyện Trần Văn Thời, khi thâm nhập về tới địa phương thì gia đình đã bí mật báo cáo với chính quyền, Công an rồi đưa con em họ ra đầu thú lập công chuộc tội. Ngày 15/5/1981, tàu biệt kích xâm nhập vùng biển Bảy Ghe, sông Đốc. Chiếc tàu này cập vào Vàm Rạch, toán biệt kích chôn giấu vũ khí xuống bãi biển rồi di chuyển vào rừng chuối ven biển…

Thực hiện kế hoạch đã được huyện ủy phê duyệt, Hồ Việt Lắm trực tiếp đưa 2 tên đã đầu hàng đóng vai người của địch dẫn ra rừng để đón bắt tên toán trưởng, điện báo viên và toàn bộ toán gián điệp biệt kích xâm nhập 14 tên, thu giữ nguyên vẹn điện đài, mật mã, vũ khí và có kế hoạch xóa lộ, giữ bí mật, báo cáo nhanh nhất về cấp trên. Đây là một trong những kết quả quan trọng tạo điều kiện phục vụ cấp trên mở ra chuyên án KH CM12.

Nhớ lại thời khắc quan trọng này, anh Mười Lắm kể: Theo kế hoạch, tôi cùng một số chiến sỹ dẫn 2 tên vừa đầu hàng đi xuồng máy ra bờ biển đón tên toán trưởng và điện báo viên. Tôi đến nơi vừa kịp lúc đồng chí Bảy Thu định dẫn giải 2 tên bị quần chúng phát hiện (khi đi xin cơm) về công an huyện. Tôi đã trực tiếp đưa tên Dũng (K61) tách riêng ra và dùng chiến thuật hỏi cung khẩn cấp. Tôi bấm đèn pin tự soi vào mặt mình hỏi thẳng: “Dũng có biết chú không”, hắn trả lời: “Dạ, con biết chú Mười Lắm!”. Tôi bảo K61 phải khai rõ sự thật và hắn đã khai rõ đồng bọn, vũ khí và nơi ẩn náu. Tôi động viên, cởi trói và sử dụng Dũng dẫn đường đến thẳng chỗ bọn địch ẩn nấp. Cùng với các lực lượng chức năng, chúng tôi đã bao vây bọn địch. Tôi ra lệnh không được nổ súng mà phải bắt sống bằng được toán trưởng nhưng thực tế khi bị tên toán trưởng giỏi võ đánh trả, đồng chí Xã đội phó đã thiếu bình tĩnh bắn chết hắn. Tôi đã phải xông vào hô to ra lệnh anh em bình tĩnh và trực tiếp tìm tên K27 (Thắng), trong số đã bị bắt. Tôi hỏi Thắng điện đài ở đâu? Thắng khai và dẫn tôi đi thu giữ điện đài. Tôi đã trực tiếp bảo vệ, dẫn giải cả toán về công an huyện, thu giữ đầy đủ tang vật. Kết quả trận đánh này, với công tác nghiệp vụ đã được thực hiện và cảm hóa giáo dục K27, K64, K59, K61, tôi cùng công an huyện Trần Văn Thời phối hợp các lực lượng liên quan đã tạo ra điều kiện để cấp trên tính toán mở ra KH CM12.

Trong chuyên án kinh điển CM12, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm là một trong những người đã tham gia từ đầu đến khi kết thúc. Anh cùng một số đồng chí khác đã nhập vai thành công, được các “thủ lĩnh” Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh tin dùng. Trong vai trò NK02 nội tuyến, anh đã trực tiếp ra khơi đón tàu địch 17 lần, đưa dẫn các toán biệt kích gồm 147 tên vào trận địa phục kích của ta để bắt giữ chúng… Qua đó đã góp phần vào thành công của chuyên án.

Nhớ về người vợ của mình, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm xúc động: “Cha con tôi được như hôm nay, bả có công lớn lắm. Chúng tôi có 4 đứa con, đều phương trưởng ổn định cả. Đến lúc sung sướng thì nhà tôi mất vì bạo bệnh (năm 2007). Cả đời tôi biền biệt vì công việc, bả ở quê làm ruộng nuôi con ăn học. Trong gần 10 năm tôi làm Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, chỉ một lần duy nhất bả vào cơ quan. Hôm đó, tôi nhờ chú lái xe đón bả, nói đưa đi công việc rồi chở thẳng vào Công an tỉnh dự một cuộc gặp mặt... Ngày sắp nhỏ làm hồ sơ vào Đoàn, có đưa hỏi ba làm chức gì hả má? Bả nói, tụi bay điện hỏi ổng, chớ má không rành. Ngày tôi được phong hàm Thiếu tướng, do bị mấy đứa con chọc, tối đó bả thủ thỉ hỏi tôi: “Tui lo lắm, tui hỏi thật, trước tui thấy ông đeo nhiều sao, mà giờ chỉ còn có 1 nghĩa là thế nào?”

Duy Hiển - Anh Hiếu
.
.