Anh Mười Diêu

Chủ Nhật, 17/12/2006, 16:29

Công tác, cống hiến đến lúc tuổi cao thì được nghỉ, đời cán bộ công chức, ai cũng một lần như thế. Điều khác là tâm thế từng người chuẩn bị cho việc "hạ cánh" ấy thế nào. Anh Mười Diêu vẻ như có khác người một chút thì phải.

Vậy là đến bây giờ, suốt 41 năm chiến đấu và công tác liên tục trong lực lượng Công an, cũng là 41 năm chỉ gắn bó với mảnh đất quê hương Quảng Ngãi, Đại tá Lê Văn Diêu chuẩn bị khăn gói về nghỉ hưu sau những thăng trầm, hạnh phúc và đắng cay ngọt bùi từng trải dường như ai cũng phải gặp trong đời.

Trước khi cầm quyết định, anh làm một chuyến xuyên Việt từ quê cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội để gặp bạn hữu. Cái sự bất ngờ ấy dễ làm cho ai đó hiểu nhầm, người cán bộ điệp báo năm xưa muốn gặp cấp trên để "trình bày hoàn cảnh". Nhưng không, anh ra để chia tay với các nhà thơ, các văn nghệ sĩ, bạn bè từng gắn bó với anh suốt một chặng đường… Đơn giản để nhâm nhi chén rượu đọc thơ và nghêu ngao hát những bài hát về kháng chiến, về cách mạng và cả những bài hát của Trịnh Công Sơn nữa…

Tôi ngồi lặng nhìn anh Mười Diêu hát sao thấy quý anh đến thế: Mái tóc xoăn tít, điểm bạc bồng bềnh bay trên khuôn mặt rám nắng khắc khổ, giọng hát ầm ào, khê nồng, ríu rít nghe câu được câu chăng, nhưng giai điệu thì rất đúng nhạc, nghe mà thấp thỏm đến nao lòng… Rồi anh Diêu ngồi trầm tư, xa xăm đọc câu thơ anh sáng tác về đồng đội: "Ngày hội này xin cùng suy ngẫm. Ai còn, ai mất, ai trong ai...". Thơ ấy, lòng ấy vẫn là đang có bão…

Tôi quen anh Diêu cách đây hơn 10 năm trong một chuyến công tác vào Quảng Ngãi lúc anh đang là Phó Giám đốc Công an tỉnh. Tuổi Đinh Hợi, quê xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa, mới 18 tuổi, Lê Văn Diêu đã tham gia vào Tiểu ban điệp báo của Công an Quảng Ngãi, hoạt động suốt những năm chống Mỹ, cứu nước từ rừng núi về nội thị (Đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2000). Trong chiến tranh thì chiến đấu ở Quảng Ngãi, sau giải phóng cũng chỉ công tác ở Quảng Ngãi, suốt đời anh Diêu chỉ có làm nghề Công an ở quê nhà.

Khác với một nghề tưởng luôn phải kín đáo và kiệm lời, nhưng gặp chúng tôi, anh vồn vã lắm. Trong câu chuyện bên bờ sông Trà Khúc, anh đã nhắc tới các nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán và nhiều văn nghệ sĩ mà anh trân trọng và ngưỡng mộ… Thì ra anh đã chơi thân với họ từ lâu lắm rồi. Tôi thấy lạ! Một Phó Giám đốc Công an tỉnh bám trụ đất miền Trung, xa xăm mà chơi thân và thân liên tục với các nhà thơ ở Huế, Lâm Đồng, ở Hà thành với một khoảng cách hơn ngàn cây số?

Phải là người thế nào thì hai bên mới có thể tin nhau để "sáp" vào chơi với nhau từng ấy năm cho đến lúc về hưu vẫn thuỷ chung như nhất? Chắc không phải vì biết Lê Văn Diêu có làm thơ, rất mê nhà thơ Bích Khê (1916-1946, quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), nhà thơ tài hoa từng xuất bản tập thơ Tình huyết từ năm 23 tuổi do chính Hàn Mặc Tử đề tựa, được Hoài Thanh giới thiệu trong: "Thi nhân Việt Nam: Tôi thấy trong đó những câu thơ thật đẹp..."; và có lẽ cũng chẳng phải vì cánh nhà thơ hiện đại thường hay "ăn sóng nói gió" nên muốn chơi với một ông sĩ quan Công an để cậy nhờ. Còn đối với anh Diêu cũng không phải mong mình trở thành nhà thơ mà chơi với cánh văn nghệ sĩ "bạo phổi".

Có một chi tiết mà nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng kể cho tôi nghe về Lê Văn Diêu, khắc họa phần nào tâm tính của người sĩ quan Công an này. Dạo đó, quãng thập niên 90 của thế kỷ trước, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tiễn một nhà báo Việt kiều ở Pháp vào thăm danh lam thắng cảnh Núi Ấn, Sông Trà. Việc ấy có báo trước cho nhà thơ Thanh Thảo để đón khách văn. Tại Quảng Ngãi, khách có nhờ người bạn vong niên của nhà thơ Thanh Thảo photocopy giúp một số trang báo để dành tặng bạn bè. Anh em Công an thấy lạ đã dò hỏi người đi photocopy để làm rõ. Đó thực ra là một thủ tục hành chính bình thường. Thế nhưng, sợ phiền lòng khách, từ Hà Nội, Nguyễn Trọng Tạo “cấp báo” tới Phó Giám đốc Lê Văn Diêu. Anh Mười Diêu nói qua điện thoại: "Công an chúng tôi là người có văn hoá, hiểu văn hoá lắm chứ"! Một tiếng sau, nhà thơ Thanh Thảo đã đón anh em Công an "mang" trả người bạn kèm thêm một thùng bia, chủ và khách cụng li với nhau rồi thân nhau cho đến tận bây giờ... Câu chuyện của cánh văn nghệ chẳng rõ thật đến bao nhiêu phần trăm, nhưng có thể cho thấy rõ một anh Mười Diêu, một sĩ quan Công an sống giản dị, hiểu nghệ thuật, gần gũi và tin cậy anh em làm văn nghệ.

Điều đó là có nguyên do bởi theo nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, ngay từ những năm 1965, 1966, chiến sĩ điệp báo trẻ Lê Văn Diêu đã sống chung hầm với nhiều nhà báo, nhà thơ chi viện từ miền Bắc vào. Có lần, Lê Văn Diêu phải kéo tay một nhà thơ có tiếng thời đó (nay ở Đà Lạt), ngăn không cho ra khỏi hầm lúc địch đang càn dữ: "Các anh là nhà thơ, chết thì tiếc lắm". Cũng do hoạt động chỉ đạo phong trào học sinh, sinh viên mà Lê Văn Diêu biết tiếng Hoàng Phủ Ngọc Tường những lần anh Tường từ Huế bí mật vào công tác... Sống gần nhau thì ảnh hưởng tốt tới nhau, âu cũng là điều dễ hiểu. Và cũng không lấy gì làm lạ, khi có một người thuần khiết làm nghề Công an trên 40 năm, cuối đời binh nghiệp bỗng cho xuất bản một tập thơ. Hồi ký cuộc đời của một sĩ quan An ninh đầy ắp những sự kiện buồn vui... lại là một tập thơ, quả thật cũng là điều đáng nói.

Dĩ nhiên, không ai nỡ yêu cầu tập thơ ấy phải hay, phải chuyên nghiệp. Nhưng làm sao mà cầm lòng được trước bài thơ “Nhớ dòng sông” của anh Diêu viết tặng người anh liệt sĩ Lê La, nguyên Trưởng ban An ninh huyện Tư Nghĩa hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước: "Đất nước thanh bình. Anh về lại sông quê. Tất cả đều là bất chợt. Chỉ xíu thôi. Quyện giọt sương vương  đọng".

Những câu thơ này nếu bạn được nghe anh Diêu đọc bằng giọng xứ Quảng líu ra líu ríu mới thấu hiểu cõi lòng một người có tâm hồn thi nhân, ngỡ như nghe tiếng nấc khóc thương anh trai mình đang khắc khoải ở cõi hư vô: "Tắm ánh trăng sương mờ Cổ Luỹ. Tiếng chuông Chùa Hang vọng mãi. Khắc khoải tên làng mang vết tích chiến tranh…".--PageBreak--

Rất lạ là những câu thơ hay nhất mà anh Mười Diêu sáng tác bất chợt đều viết về đồng đội, về những người thân đã khuất, về cái thời xa xăm của cuộc chiến "Cuộc trường chinh người còn người mất. Khải hoàn ca vẫn đầm giọt lệ…". Hay ví như những vần thơ anh viết tưởng nhớ liệt sĩ CAND Nguyễn Trung Quới hi sinh năm 1967 mãi  năm 2004 mới tìm thấy hài cốt: "Bạn bè tìm anh, tìm mãi. Anh vẫn nằm đợi mẹ gọi anh. "Túc túc", "chíp chíp" con về. Mái nhà mình giờ không còn mẹ…". Người liệt sĩ không thể trả lời câu hỏi của đồng đội, anh chờ mẹ mình gọi mới có thể cất tiếng, nhưng người mẹ ấy đã mất lâu rồi. Vì thế mà anh mãi nằm trong lòng đất xa xăm... Cảm nhận ấy của người viết là tinh tế, sâu sắc lắm, như cứa vào trách nhiệm sống của người đương thời.

Rồi anh viết tặng Liệt sĩ Anh hùng Đặng Thuỳ Trâm, người con gái Hà Nội mà anh tiếc là chưa được gặp mặt dẫu cùng chiến đấu trên một mảnh đất Quảng Ngãi: "Rực cháy trong tim. Tình lứa đôi quyện tình đất nước. Dâng hiến cho đời. Sáng mãi tuổi hai mươi". Ngay cả khi anh viết về các bậc tiền nhân thi sĩ như Hàn Mặc Tử, Bích Khê cũng hiện về một tấm lòng da diết, đồng điệu với những lời thơ chân thành: "Ước mong trăng, mây, biển cả bao quanh Người. Để hồn Mộng Cầm, Bích Khê luôn quấn quýt" (Viếng mộ Hàn Mặc Tử). Hay khi anh trải lòng mình dâng bài thơ “Vòng xoáy” lên thi nhân Bích Khê: "Giờ thế nhân rước thi nhân về. Nhấp trà sen nơi trần tục. Tìm mạch thơ Cao Bá Quát, Tản Đà. Xuôi Trà Giang chén li bôi chưa cạn". Lê Văn Diêu kết bài thơ bằng hai câu khá tài hoa "Cảm cây ngô đồng rơi rơi lệ. Chín chín vàng, thi nhân thi nhân...". Dường như anh mượn cuộc đời tài hoa, lận đận của nhà thơ Bích Khê để trải lòng mình, một tấm lòng còn nặng với đời lắm, dẫu có được nghỉ ngơi an nhàn đi nữa thì lòng vẫn chưa yên bởi còn ngổn ngang thế sự. Đó dường như là cảm thái của một ý thức trách nhiệm thường là của những người giàu đức hi sinh. Cuộc đời nếu "hạch toán" ra thì mấy ai thấy hài lòng khi bước chân từ biệt nhiệm sở, không dám ngoảnh lại bởi sau lưng còn đầy ắp ngổn ngang bao việc chưa làm.

Tôi càng hiểu được tâm trạng nặng lòng ấy khi đọc bài thơ "Viếng mộ cụ Huỳnh". Có thể ai đó lên núi Thiên Ấn viếng cụ Huỳnh Thúc Kháng, biết đâu có thể sẽ cảm thán về lẽ khác, nhưng Lê Văn Diêu tâm sự với nhà chí sĩ ở đức hi sinh, dâng hiến cũng là cách bày tỏ một quan niệm sống: "Cụ đã sống với lòng son sắt. Lo cho dân đến phút cuối cùng". Tôi hiểu hơn anh Mười Diêu khi đọc một số bài thơ anh mới viết về thu Hà Nội trong đợt chuẩn bị đón Hội nghị APEC 14, những câu thơ còn mộc mạc, hình như anh không muốn trau chuốt vì có lẽ lòng anh cũng chân thật, giản dị như thế. Hiện lên sau dòng chữ là băn khoăn, là lo lắng, nghĩ suy cho một ngày mai tốt đẹp hơn, như lời chào của anh với cô gái bên hồ mà thấy đầy thêm nỗi buồn: "Chào em, em gái quê. Đến Hà thành gieo miền đất hứa".

Gần 100 bài thơ đang còn là bản thảo, chủ yếu sáng tác một vài năm trở lại đây, phải chăng như một cách để Đại tá điệp báo Lê Văn Diêu tìm "cõi riêng" hạ cánh sau bao giông bão. Tôi từng đọc truyện ngắn "Về lại bức tranh xưa" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đoạt giải nhất Giải Cây bút vàng (Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an cùng Báo ANTG tổ chức 1996 - 1998) kể về một sĩ quan Công an suốt đời giúp người, giúp các văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm hay, đến lúc về hưu mới đi học làm họa sĩ để tìm về bức tranh vẽ dở thời trai trẻ. Thì ra cuộc chiến tranh vừa qua, dường như mỗi người đều tự nguyện nhận một nhiệm vụ, họ đành gác lại một niềm đam mê, một năng khiếu thiên bẩm. Chẳng hiểu trường hợp anh Mười Diêu đang tập làm thơ có phải là nguyên mẫu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng hay không?

Người tốt lúc nào cũng tự "cháy hết mình cánh phượng nhẹ nhàng rơi" như lời một bài hát. Làm nghề điệp báo luôn phải chấp nhận rủi ro, phải "sống dưới hai làn đạn", Đại tá Lê Văn Diêu cũng từng có thời gian bị ai đó cáo giác thời chiến tranh "dính líu" với kẻ phản bội. Vợ anh, chị Phạm Thị Thông, một cơ sở của Tiểu ban điệp báo hoạt động trong phong trào học sinh thị xã Quảng Ngãi từng bị địch bắt giam tra tấn dã man, vậy mà sau giải phóng cũng có người vu là “nhân viên chiêu hồi” không trung thành với cách mạng. Những ngày bão tố đó, tôi có mặt ở Quảng Ngãi, từng bắt gặp anh Mười Diêu ôm đàn guitare hát nghêu ngao. Mà khổ nỗi, anh có biết đánh đàn đâu. Chuyện buồn ấy cũng đã qua hơn 10 năm rồi. Chị Thông rời bục giảng, anh thanh thản về với đời thường, chỉ tiếc hai người con trai thành đạt không ai nối nghiệp mà người cha từng dấn thân.

41 năm chỉ làm một nghề liên quan mật thiết đến số phận con người, không thể nói Đại tá Lê Văn Diêu không có chuyện buồn với bao tâm tư, nghĩ suy ngổn ngang. Chẳng biết thơ văn có làm dịu đi trong anh những sóng cả? Nhưng luôn tin ở cuộc đời, vị tha và đến với thơ, đó có lẽ là điều hạnh phúc của anh, như câu thơ anh vừa viết răn mình trong tháng 11 này: "Gió cứ thổi, cát cứ bay/ Đọng sóng thuyền - cát trắng"

.
.