Anh Cả Nguyễn Lương Bằng: Một tấm gương liêm chính

Thứ Hai, 08/01/2007, 14:00

Là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ nhưng đồng chí Nguyễn Lương Bằng cho tới cuối đời vẫn sống trong những điều kiện cực kỳ giản dị. Ngôi nhà đồng chí chọn cho gia đình mình không lớn so với tiêu chuẩn, ở trong một phố nhỏ thời bao cấp bị coi là "heo hút" của Hà Nội.

Lão Tử có câu: "Tấm gương sáng, bụi bặm chẳng làm dơ được. Tinh thần trong, lòng ham muốn chẳng dính vô được". Tôi đã nhớ lại câu nói này khi thu thập tư liệu để viết về đồng chí Nguyễn Lương Bằng, "một học trò xuất sắc, một cộng sự đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là bạn chiến đấu gần gũi của nhiều đồng chí cách mạng tiền bối sáng lập và lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta", như lời giới thiệu tập sách "Anh Cả Nguyễn Lương Bằng" do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành.

Một trong những điều quý giá nhất mà đồng chí Nguyễn Lương Bằng để lại cho đời sau chính là phẩm chất cần kiệm liêm chính, chí công vô tư hiếm thấy, trong bất luận hoàn cảnh nào cũng không hề bị phôi pha. GS Hoàng Như Mai từng viết tặng đồng chí Nguyễn Lương Bằng một bài thơ thấm thía, trong đó có câu: "Dù ở Trung ương hay Đại sứ, Con người cốt cách vẫn công nhân".

Cũng như nhiều nhân vật xuất sắc khác, sinh thời, đồng chí Nguyễn Lương Bằng ít nói về mình. Ngay cả trong các tập hồi ký hiếm hoi được viết và xuất bản theo yêu cầu của tổ chức khi đồng chí còn sống cũng chủ yếu để cung cấp tư liệu về sự phát triển của phong trào cách mạng chung.

Có lần Anh Cả Sao Đỏ tâm sự: "Theo yêu cầu của báo Đảng, tôi đã kể lại một vài mẩu chuyện về bước đường vào Đảng và theo Đảng hoạt động của tôi... Nghĩ đến những việc đã qua, tôi nhớ đến bao nhiêu đồng chí và anh em đã cùng nhau phấn đấu cho lý tưởng của Đảng, đã dìu dắt tôi, giúp đỡ tôi, chia bùi sẻ ngọt, đã yêu thương đùm bọc nhau trong những ngày gian khó...".

Người viết bài này không nghĩ rằng các đoạn đường hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng lúc nào cũng suôn sẻ và thuận buồm xuôi gió. Tuy nhiên, đối với một con người tử tế và đầy nhân văn như Anh Cả Sao Đỏ, viết hồi ký là để tri ân đồng chí, đồng bào, chứ không phải để có thêm một dịp giải tỏa những ấm ức nhất thời trong đời thường mà bất cứ một con người nào cũng có thể từng vấp phải. Viết hồi ký là để thêm yêu người yêu đời chứ không phải để nói tốt cho riêng mình.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng chưa bao giờ tự nói tốt về mình nhưng, những cán bộ hoạt động đồng thời và những thế hệ đi sau từng có thời gian cùng công tác với đồng chí Nguyễn Lương Bằng thì lại luôn nhớ nhiều điều chân thực và cảm động về nhà cách mạng hiếm có này.

Đọc các bài viết của họ về Anh Cả Sao Đỏ, có thể thấy rõ hình ảnh một con người nhất quán vì nước quên thân, vì dân phục vụ, làm việc vì cái chung chứ không vì danh lợi cho riêng mình. Phẩm chất này của đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bộc lộ từ rất sớm nên ngay từ những năm 40 của thế kỷ trước, khi Đảng ta còn phải hoạt động trong vòng bí mật, các đồng chí lãnh đạo đã phân công đồng chí Nguyễn Lương Bằng lo toan cho công tác tài chính của Đảng. Và đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ này một cách xuất sắc với nhiều sáng kiến, giúp Đảng có thêm tiền bạc cho cuộc chiến đấu giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Cho tới thời điểm bùng nổ Cách mạng Mùa thu năm 1945, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã là Bộ trưởng Tài chính của Tổng bộ Việt Minh.

Sau Ngày Độc lập 2/9/1945, theo lẽ thường, những cán bộ cốt cán như đồng chí Nguyễn Lương Bằng hoàn toàn có thể giữ những cương vị nổi bật trong chính quyền mới nhưng đồng chí đã tự xin rút lui để nhường chỗ cho những nhân sĩ ngoài Đảng, thực hiện đúng phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra: Chúng ta làm cách mạng giải phóng dân tộc là phải đem sức lực phục vụ nhân dân chứ không để lên "ông nọ, bà kia".

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (ngoài cùng bên phải) tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây ngày 16/2/1969.                                 Ảnh: TL

Về sau, cũng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học". Và đấy không phải là lần duy nhất mà đồng chí Nguyễn Lương Bằng có hành động như vậy.

Nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ, sau khi Bác Hồ từ trần, trong phiên họp đặc biệt của mình, BCH TW Đảng đã bầu hai người vào chức Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch là Bác Tôn Đức Thắng và đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Cả hai bậc cao nhân cách mạng này đều đề nghị cử người khác, buộc Trung ương phải bỏ phiếu...

Tất cả những ai từng có dịp tiếp xúc gần gụi với đồng chí Nguyễn Lương Bằng đều khâm phục nếp sống giản dị, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ của đồng chí. Khi đồng chí Nguyễn Lương Bằng sang Liên Xô cũ làm vị Đại sứ đầu tiên của nước ta tại Moskva, trụ sở Đại sứ quán ta được bạn xếp cho chỉ là một ngôi nhà đa phần một tầng và ở một góc có tầng hai. Chỗ ở của Đại sứ lúc đó cũng chỉ là một phòng xép rộng khoảng 15m2.--PageBreak--

Theo hồi ức của đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), khi bạn đề nghị tìm cho chúng ta trụ sở to lớn hơn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã từ chối. Và đồng chí về quán triệt với anh em trong cơ quan: "Chúng ta đang kháng chiến, các đồng chí trong nước đang sống và làm việc trong điều kiện rất thiếu thốn, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cũng đều sống và làm việc trong điều kiện như vậy. Chúng ta không có quyền hưởng thụ, không có quyền sống phong lưu. Chúng ta phải sống và làm việc cho xứng đáng với sự hy sinh của đồng bào và chiến sĩ trong nước...".

Nếu một vị thủ trưởng nào khác nói những lời "bônsêvích" như thế thì có thể gây nên sự hoài nghi nhất định nhưng một khi "Anh Cả Sao Đỏ" đã nói thì tất cả đều tin và tuân thủ. Vì sao? Vì đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn luôn nói như nghĩ và làm như nói. Đồng chí  Nguyễn Thọ Chân (nguyên Ủy viên TW Đảng, Trưởng ban Thi đua TW) nhớ lại một lần trong kháng chiến chống Pháp,  đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử sang Trung Quốc công tác, ngoài mặc đại cán nhưng áo sơ mi trong lại bị rách mà không có cái khác để thay.

Bữa ấy trời nắng, bạn đề nghị tất cả cùng cởi áo khoác ngoài ra cho mát nhưng đồng chí vẫn bấm bụng mặc nguyên cả bộ. Lúc đầu, bạn ngạc nhiên lắm nhưng sau tình cờ biết được rằng người cán bộ cao cấp của Việt Nam vẫn phải mặc sơ mi rách, mới thấy rưng rưng thương cảm!

Dù là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ nhưng đồng chí Nguyễn Lương Bằng cho tới cuối đời vẫn sống trong những điều kiện cực kỳ giản dị. Ngôi nhà đồng chí chọn cho gia đình mình không lớn so với tiêu chuẩn, ở trong một phố nhỏ thời bao cấp bị coi là "heo hút" của Hà Nội.

Ngay cả khi được đi nghỉ theo tiêu chuẩn an dưỡng dành cho cán bộ cao cấp ở Tam Đảo, vợ chồng Anh Cả Sao Đỏ bao giờ cũng chỉ chọn căn nhà nhỏ nằm khuất nẻo, như thể đó chỉ là một gia đình cán bộ bình thường chứ không phải là Phó Chủ tịch nước và phu nhân. Khi đi thăm con cái ở nơi sơ tán trên Sơn Tây, Anh Cả Sao Đỏ đã không lạm dụng xe công mà đi ra bến xe Kim Liên xếp hàng mua vé ôtô khách như mọi người bình thường khác... 

Làm thì nhìn lên, hưởng thụ thì nhìn xuống, đó là cách hành xử đã trở thành tính cách của Anh Cả Sao Đỏ. Và người chủ gia đình thế nào thì vợ con sẽ có cách hành xử tương ứng. Khi đồng chí Nguyễn Lương Bằng từ trần, gia đình đồng chí đã tự nguyện trả lại Nhà nước ngôi nhà tiêu chuẩn của Phó Chủ tịch nước và dọn đi ở nơi khiêm nhường hơn...

Tấm gương sáng tất yếu sẽ có người soi. Thủ trưởng làm sao thì cấp dưới "chiêm bao làm vậy". Tất cả những cán  bộ dưới quyền đồng chí Nguyễn Lương Bằng trong ngành Ngoại giao, Ngân hàng hay Kiểm tra Đảng dù chỉ trong một thời gian ngắn đều "nhiễm" tác phong liêm khiết của Anh Cả Sao Đỏ.

Nguyên Chánh Văn phòng Ban Kiểm tra TW Đào An Thái nhớ lại chuyện có lần về Hưng Yên làm việc với anh em kiểm tra tài chính ở tỉnh xứ Đông có "ong bay quanh khu nhà Tỉnh ủy" (thơ Chế Lan Viên): "Lúc về, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho mỗi người một chai nhỏ mật ong. Anh em không ai dám nhận. Đồng chí Bí thư nói, ong anh em cơ quan nuôi, không phải mua bằng tiền ngân sách đâu, anh em vẫn không nhận. Đồng chí Bí thư cười phá lên và kêu: Đúng là lính cụ Cả!.. Các cậu cứ cầm đi, gặp cụ mình sẽ nói cho, không lo cụ trách cứ đâu...".

Trong một hồi tưởng của mình, đồng chí Nguyễn Thọ Chân đã viết:

"Tôi muốn qua Nguyễn Lương Bằng nghiệm về lẽ sống ở đời. Về tiêu chuẩn đức tài của cán bộ, Bác Hồ nhấn mạnh đức là cái gốc. Tài mà không đức thì cũng hỏng. Có người trổ tài nổi đình đám nhưng vô hạnh, liền bị dân khinh thường... Có người tài làm tốt. Có người tài làm xấu. Cách sống và việc làm của người đức độ khác với kẻ thiếu đức... Chỉ có người tâm đức mới chịu dừng lại và tránh được tai họa. Người xưa nói "tri chỉ bất họa" là thế. Hãy dừng lại ở nơi không được phép bước qua.

Luận về tâm đức, ta có thể liên hệ ngay một số người mà không sợ sai như Bác Hồ, Cụ Tôn Đức Thắng, Anh Cả Nguyễn Lương Bằng..."

Những lời này thực chí lý!

Trần Thanh Tịnh
.
.