Ấn tượng Xuân Thủy

Thứ Ba, 27/11/2012, 16:15
Thực tế gần 5 năm ở hội nghị Pari, với tài năng của một nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm trong công tác mặt trận, công tác ngoại giao; một nhà báo giỏi, anh Xuân Thuỷ đã chỉ đạo thành công nhiều hoạt động ở bên ngoài hội nghị. Anh không những cố gắng để tiếp xúc với nhiều đoàn và các cá nhân muốn gặp đoàn ta mà còn trực tiếp trả lời phỏng vấn của rất nhiều nhà báo Pháp và quốc tế có chính kiến khác nhau.

Tháng 5/1968, khi tôi đang giữ trách nhiệm Trưởng phòng Biên tập Tin miền Nam và đấu tranh thống nhất của Thông tấn xã Việt Nam thì được cử làm thành viên Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pari về Việt Nam. Lúc đầu, Đoàn nước ta cả thảy có 37 người nên gọi tắt là Đoàn 37. Bộ trưởng Xuân Thủy là thủ trưởng của chúng tôi. Ngoài nhiệm vụ Trưởng Đoàn bộn bề với bao công việc nặng nề, phức tạp, phải trực diện đấu tranh với đối phương tại bàn đàm phán, anh còn phải lo rất nhiều việc quan trọng khác nữa. Vậy mà việc nào anh cũng giải quyết chu đáo, đạt kết quả cao. Chúng tôi rất thương anh, vì hồi đó anh đang bị hen nặng, ảnh hưởng tới sức khỏe. Tôi nhớ có lần đến một địa phương, đang đi bộ anh phải dừng lại để thở và xịt thuốc vào họng, nhằm đối phó với cơn hen đang hành hạ anh. Thế rồi, sau đó không lâu, anh nở nụ cười, cố gắng trở lại bình thường, tiếp tục đi, người ngoài cuộc khó mà biết được anh vừa trải qua những giây phút mệt mỏi.

Điều khiến anh chị em trong Đoàn thêm nể trọng, tâm phục, khẩu phục anh Xuân (chúng tôi thường gọi anh Xuân Thủy bằng cái tên thân mật đó) là anh rất khiêm tốn và có tác phong quần chúng, sâu sát, chan hòa với mọi người, tuyệt đối không hề quan cách trong quan hệ công tác cũng như trong đối xử với cán bộ cấp dưới. Thường xuyên anh tranh thủ thời gian xuống thăm các tổ, các bộ phận chuyên môn của Đoàn để tìm hiểu tình hình công việc cụ thể và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nắm chắc hoàn cảnh gia đình của nhiều đồng chí. Anh thực sự quý mến và cư xử bình đẳng với tất cả anh chị em, từ các đồng chí cố vấn, chuyên viên nghiên cứu đến các nhân viên nghiệp vụ.

Chính tác phong quần chúng một cách tự nhiên, chân thành ấy đã giúp anh nhanh chóng chiếm được tình cảm và sự tin tưởng của bà con Việt kiều, các tầng lớp nhân dân Pháp và bạn bè quốc tế ở Pari. Một lần, đi bộ trên đường phố, gặp một số trẻ em đang chơi đùa, anh Xuân dừng lại, trò chuyện và âu yếm bế một cháu bé. Một phóng viên đã nhanh chóng giơ máy ảnh chụp được cảnh này. Thế là sáng hôm sau, báo đã đăng tấm ảnh anh Xuân trìu mến bế cháu bé trên tay. Lần khác, vào khoảng tháng 6-1968, sau khi đi thăm khu vườn bách thảo Luxembourg, nhìn thấy mấy bà già Pháp đang đứng chờ anh ở cổng, anh nhanh nhẹn bước tới chuyện trò thân mật với các bà. Thế là khi chia tay, họ nắm chặt tay anh Xuân và nói: “Chúng tôi ủng hộ Việt Nam. Chúc Việt Nam thắng lợi”.

Bạn bè quốc tế do quý mến vị Trưởng Đoàn Việt Nam nên càng yêu quý nhân dân ta và tin tưởng vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai.

Đối với anh Xuân Thuỷ, ngoài công việc đấu lý với các nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu nhiều mưu mẹo trên bàn hội nghị công khai và trong họp bàn bí mật, anh còn hết sức coi trọng các hoạt động bên ngoài hội nghị. Sau nhiều lần tranh cãi về địa điểm họp, Mỹ đã phải đồng ý với ta họp ở Pari. Nơi đây là một trong những trung tâm giao lưu, thông tin quốc tế thuận lợi. Các chính khách từ khắp các nước dễ dàng qua lại Pari. Các nhà báo Pháp và nước ngoài có thể thường xuyên đến đây để đưa tin về hội nghị.

Do nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của vấn đề nói trên, nên anh Xuân Thuỷ đã chỉ đạo chặt chẽ việc đẩy mạnh các hoạt động ở bên ngoài hội nghị, nhằm hỗ trợ, tiếp sức cho cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán với đối phương. Anh muốn từ Pari, tiếng nói chính nghĩa của chúng ta lan toả ra nhiều nơi trên thế giới để vạch trần mưu đồ xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ và làm cho nhân dân các nước hiểu về cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam; tiếp tục đóng góp vào việc hình thành mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam.

Thực tế gần 5 năm ở hội nghị Pari, với tài năng của một nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm trong công tác mặt trận, công tác ngoại giao; một nhà báo giỏi, anh Xuân Thuỷ đã chỉ đạo thành công nhiều hoạt động ở bên ngoài hội nghị. Anh không những cố gắng để tiếp xúc với nhiều đoàn và các cá nhân muốn gặp đoàn ta mà còn trực tiếp trả lời phỏng vấn của rất nhiều nhà báo Pháp và quốc tế có chính kiến khác nhau. Nơi đâu mời Đoàn ta đến dự mít tinh hay gặp gỡ, nếu có thể đi được, anh cũng đi. Còn lại anh đã huy động nhiều anh chị em trong hai đoàn (Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam) đi nhiều địa phương để làm tốt công việc này.

Có thể nói anh Xuân Thủy là người rất hiểu và nắm chắc khả năng, trình độ chuyên môn của cán bộ nên khi anh phân công công tác rất đúng người, đúng việc, phát huy được sở trường và sự sáng tạo của anh chị em, góp phần làm cho guồng máy công việc chung chạy đều. Ai cũng cảm thấy mình được đóng góp vào thành tích của toàn Đoàn.

Bộ trưởng Xuân Thủy trả lời phỏng vấn báo chí tại Hội nghị Pari năm 1968.

Tôi đoán là do anh biết rõ trình độ ngoại ngữ (tiếng Pháp, tiếng Anh) và khả năng diễn thuyết trước đông người của tôi nên anh đã phân công tôi tiếp các đoàn quần chúng, nhất là phụ nữ của nước Pháp và các nước khác, các phóng viên báo chí đến trụ sở Đoàn ta ở thị trấn Choisy le Roi để tìm hiểu quan điểm, lập trường của Việt Nam. Chính tại đây, tôi đã tiếp một số nhân vật nổi tiếng như: bà Caselli Dalila, Thư ký Bác Hồ tại Hội nghị Phôngtennơblô, năm 1946; bác sĩ Mỹ Benjamin Spock, nữ nghệ sĩ Mỹ Giên Phônđa v.v… Cô diễn viên điện ảnh tài sắc này đến Pari để nắm thực chất về tình hình Việt Nam, về cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam mà cô cho là phi nghĩa. Tôi đã phân tích cho cô biết rõ đây là cuộc chiến tranh mà nhân dân Việt Nam phải bắt buộc tiến hành để tự bảo vệ nền độc lập, tự do của mình. Nếu Mỹ cứ ngoan cố tiếp tục cuộc chiến tranh thì nhất định họ sẽ chuốc lấy thất bại thảm hại. Việt Nam muốn kết thúc chiến tranh, Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Cuối năm 1972, Giên Phônđa đã sang Việt Nam, gặp một số “giặc lái” Mỹ bị ta bắt sống, khi về nước cô đã trở thành một trong những nhân vật tích cực hoạt động đòi ký kết Hiệp định, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Tôi còn được cử đi cùng với anh Trần Công Tường, luật sư, xuống một số địa phương dự mít tinh và nói chuyện để nhân dân Pháp nắm được lập trường của Việt Nam và thái độ của Hoa Kỳ đối với việc giải quyết hòa bình ở Việt Nam.

Do yêu cầu công tác, tôi đã được đặt chân tới rất nhiều địa phương trong nước Pháp, từ đông sang tây, từ bắc xuống nam và sang cả các nước lân cận như: Bỉ, Italia, Thụy Điển, CHDC Đức…Anh Xuân thường dặn dò tôi chu đáo, trước khi tôi đi diễn thuyết ở các nơi. Nhưng lần tôi chuẩn bị đi diễn thuyết ở Italia (12-1969), tôi được anh dặn dò kỹ nhất. Anh nói đại ý: Các tầng lớp nhân dân Italia còn ít hiểu biết về Việt Nam. Vì vậy ta cần trình bày rõ ràng để bạn hiểu nhân dân Việt Nam rất tha thiết với hòa bình, nhưng nền hòa bình đó phải bảo đảm độc lập và chủ quyền dân tộc của Việt Nam. Ta cố gắng tranh thủ để nhân dân nước bạn đồng tình, ủng hộ Việt Nam chiến đấu, chiến thắng quân xâm lược.

Qua các cuộc diễn thuyết này mà tầm nhìn, kiến thức chính trị, văn hóa, sự hiểu biết về nhiều mặt của tôi được nâng lên rõ rệt. Tôi đã thu thập được nhiều tư liệu thông tin quý về phong trào ủng hộ Việt Nam ở các nước để viết tin, bài gửi về nước đăng và phát trên các báo, đài. Thế là “một công đôi ba việc”. Tôi vừa tác nghiệp, làm tốt nhiệm vụ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một thành viên Đoàn Việt Nam tại Hội nghị Pari do Trưởng đoàn giao cho.

Anh Xuân là người sống rất ân tình, tế nhị, luôn quan tâm đến đời sống tình cảm của anh chị em trong Đoàn, nhất là các đồng chí nữ. Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 đến, anh đều có thiếp chúc mừng mấy chị em nữ. Anh còn hóm hỉnh, dí dỏm làm bài thơ vui Ba cô để tặng tôi, Đạt (lễ tân) và Nga (điện vụ). Tôi vẫn còn nhớ những câu thơ ấy:

Một cô tròn trĩnh hạt bầu,
Một cô mắt sắc dao cau phượng hoàng.
Một cô cành liễu dịu dàng,
Ba cô áo tím, áo vàng, áo xanh.
Ai về nhắn với ba anh,
Rằng ba cô vẫn thắm tình nhớ thương…

Anh Xuân rất thông cảm với các cán bộ trong Đoàn xa nhà lâu, chưa biết bao giờ hội nghị kết thúc, mà đất nước lại nghèo, không thể có chế độ cho mọi người được về phép. Đặc biệt anh thông cảm với hoàn cảnh của chị em chúng tôi phải xa nhà đằng đẵng ở nơi đất khách quê người, không có điều kiện chăm sóc chồng, con. Vì thế, sang năm 1970, anh đề xuất chủ trương “thay quân”, đưa các đồng chí mới từ trong nước sang để thay cho các đồng chí cũ về nước công tác và gần gũi gia đình. Mùa thu năm 1970 tôi được trở về Hà Nội tiếp tục làm việc ở cơ quan cũ, sau 2 năm công tác ở Pari. Chủ trương này của anh Xuân Thủy rất hợp lý, hợp tình nên được mọi người trong Đoàn rất hoan nghênh.

40 năm đã trôi qua, kể từ khi Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết (27/1/1973). Mặc cho bao biến động chuyển vần, mặc cho lớp bụi thời gian phủ trên ký ức, nhưng tôi vẫn rất nhớ những kỷ niệm sâu sắc trong thời gian tôi công tác ở Pari, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Xuân Thủy. Anh đã để lại những ấn tượng rất đẹp về tình đồng chí, tình người đằm thắm, chứa chan trong mỗi chúng tôi. Năm nay tôi 84 tuổi rồi, trí nhớ đã giảm nhiều, nhưng tôi vẫn không quên những ngày tôi được góp phần nhỏ bé của mình vào thành công của Hội nghị Pari về Việt Nam.

Chúng tôi nghĩ có được một vị thủ trưởng đức độ, tài năng như anh Xuân Thủy: sắc sảo, thông minh, chủ động giữ vững nguyên tắc trong đấu tranh; mềm dẻo, linh hoạt ứng phó với mọi tình huống xảy ra; lại có tác phong quần chúng, gắn bó với cán bộ, nhân viên trong Đoàn thì thật là quý giá vô cùng. Không phải vị thủ trưởng nào cũng được mọi người kính nể, yêu mến, bởi có những đức tính và tác phong sống đẹp như anh

Nhà báo Dương Thị Duyên kể, nhà văn Nguyễn Huy Thông ghi
.
.