An Đô Vương Trịnh Cương: Những vần thơ "phát chính thi nhân"

Thứ Hai, 08/03/2010, 10:50
Trong thời Lê Trung Hưng, An Đô Vương Trịnh Cương là vị chúa duy nhất trị vì trong một giai đoạn thái bình toàn phần, không hề có nạn binh đao cả ở trong nước lẫn ngoài biên ải.

Vị chúa thứ sáu của dòng họ Trịnh mặc dù chỉ là người được mặc nhiên kế vị sự nghiệp của cha ông nhưng lại rất biết tu thân dưỡng tính để xứng đáng với ngôi vị cao và lòng mong mỏi của trăm họ. Ông cũng là người hay chữ, yêu thơ, mặc dù ông biết, như chính ông đã viết, cái bút làm thơ của ông chỉ là "bút thày lay", tức là khi viết thơ, ông đã xen vào việc của người khác chứ không phải làm việc của mình. Tuy nhiên, đọc lại những bài thơ nôm của chúa Trịnh Cương, được ghi lại trong tập "Lê Triều Ngự chế Quốc âm thi", có thể thấy rõ hơn một tấm lòng và một trí tuệ của một đấng vương công luôn đau đáu nỗi niềm thương dân ái quốc.

Trịnh Cương lên nối ngôi cụ nội Trịnh Căn năm 1709, làm Nguyên soái Tổng quốc chính An Đô Vương. Trước đó 4 năm (1705), Thái tử Duy Đường nhà Lê đã lên ngôi vua, tức Lê Dụ Tông. Tới tháng 9 năm Giáp Ngọ (1714), Trịnh Cương lại được tiến phong Đại nguyên soái Tổng quốc chính Thượng sư An vương. Có thể nói là giai đoạn mà vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương cùng trị vì, nước ta đã may mắn có được một giai đoạn không ngắn thuận hòa hai cung và thiên hạ thái bình.

Để đạt được điều đó phần lớn là nhờ cách ứng xử rất phải đạo của chúa Trịnh Cương: ông biết rõ vai trò thực sự của chính trong việc an dân trị quốc nhưng lại không bao giờ tỏ ra thất thố mà luôn luôn khiêm nhường và giữ đúng lễ nghi vua tôi, tuyệt nhiên không có những cử chỉ phũ phàng... Khi được tiến phong Đại nguyên soái Tổng quốc chính Thượng sư An vương, chúa Trịnh Cương đã đích thân vào bái yết Thái Miếu và chầu vua Lê Dụ Tông. Ông cũng đã từ chối không làm theo lời khuyên của một số quần thần thân tín như Nguyễn Công Hãng hay Trịnh Quán về việc dùng y phục màu vàng để tiếp kiến bề tôi và chỉ dùng y phục màu tía cho khác các quan chút đỉnh vì ông không muốn vi phạm độc quyền của nhà vua trong việc này.

Ông nói: "Ta nối giữ cơ nghiệp chúa, giúp rập nhà vua. Về sự tôn kính nhà vua, ta luôn luôn để trong bụng. Sắc vàng là đồ mặc của thiên tử, ta đâu dám dùng. Nay phủ liêu từ quan tứ phẩm trở lên dùng áo sa hoặc đoạn, thì về phần ta chỉ nên dùng sắc tía để phân biệt mà thôi" (theo "Khâm định Việt sử Thông giám cương mục")…

Tháng Giêng năm Giáp Thìn (1724), chúa Trịnh Cương được thay mặt vua Lê bị đau chân lên tế đàn Nam Giao. Các cận thần lại khuyên ông theo như nghi lễ của nhà vua mà thân vào lễ. Thế nhưng, chúa Trịnh Cương đã lựa chọn chỗ đứng lễ ở sân điện Chiêu Sư, khác chỗ vua Lê vẫn đứng để giữ nghiêm đạo vua tôi…

Một vị chúa cẩn trọng và mực thước như thế trong việc giữ đạo vua tôi hiển nhiên là đã khiến thiên hạ thêm phần tin phục. Và có lẽ vì những thiện cảm đối với chúa Trịnh Cương nên vua Lê Dụ Tông cũng không quá lấy làm điều khi năm Kỷ Dậu (1729) đã phải nhường ngôi cho thái tử Duy Phường, cũng là cháu ngoại của chúa. Phải vì tâm thế an lành ấy nên chung cuộc, chính Lê Dụ Tông lại thọ hơn chúa Trịnh Cương.

Tháng 10 năm Kỷ Dậu (1729), chúa Trịnh Cương sau khi đi chơi chùa Phật Tích, trên đường đi Như Kinh (cũng ở vùng Kinh Bắc), đã đổ bệnh và đột ngột qua đời ở tuổi 44, sau hai thập niên cầm quyền. Hai năm sau, tháng giêng năm Tân Hợi (1731), Lê Dụ Tông, lúc này là Thái Thượng Hoàng, đã qua đời ở cung Kiều Thọ. Hình như ông vua này và vị chúa này đã không thể chịu được âm dương cách trở nhau lâu hơn nữa!

Thế hệ hậu sinh thực ra không dễ đánh giá rành rẽ được tình cảm thật giữa chúa Trịnh Cương và vua Lê Dụ Tông. Duy có một điều có thể khẳng định chắc chắn: ở trong thái độ kính cẩn tới mực thước của chúa Trịnh Cương đối với vua Lê Dụ Tông thể hiện lớn hơn cả là ham muốn nhờ thế để giữ yên thiên hạ và chăm lo tốt nhất cho các thần dân. Ham muốn này đã được nhất quán thể hiện trong toàn bộ các hành xử cầm quyền của chúa Trịnh Cương. Ham muốn này cũng được thể hiện ở nhiều bài thơ nôm mà chúa Trịnh Cương đã viết trong những lần đi tới các miền đất nước… 

Dẫu biết đất nước đang trong thời "đỉnh thịnh", tức là rất thịnh vượng, chúa Trịnh Cương vẫn không thể xao nhãng tới gần hơn với các thần dân và phải "giữ lề tuần tỉnh" để biết tường tận hơn "phương thổ giang san". Bởi có như thế thì mới có thể tiếp tục ban hành những chính sách nhân đức cho dân, cho nước ("phát chính thi nhân"). Thực tế là, trong trên dưới 20 năm ngồi trên ngôi chúa, An Đô Vương đã tiến hành được khá nhiều cải cách tiến bộ giúp cho nước ta trở nên an lành hơn, dân ta được sống đỡ khốn khó hơn.  Ngay ở những dòng đầu tiên trong bài "Tuần tỉnh ký trình khúc" (khúc ca ghi việc đi tuần tỉnh), chúa Trịnh Cương đã nói rất rõ ràng:

"Vận trùng quang đương dương đỉnh thịnh
Phủ trị lành quốc chính dân an.
Vạn cơ trong thuở dư nhàn,
Muốn cho phương thổ giang san chu tường

Tuân Tiên vương giữ lề tuần tỉnh,
Mặc tiện đường phát chính thi nhân
…"

Tức cảnh sinh tình, những lúc đi tuần thú, chúa Trịnh Cương đã viết được khá nhiều thơ. Những bài thơ này đã được ghi vào sách "Lê triều ngự chế quốc âm thi". Và đây là một trong những mảng di sản văn học và lịch sử còn chưa được nghiên cứu kỹ càng. Ở đây chúng tôi chỉ muốn lưu ý tới những câu thơ thể hiện tâm niệm ái quốc an dân luôn luôn được đeo đẳng trong lòng vị chúa hiền minh của nhà Trịnh.--PageBreak--

Trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời, chúa Trịnh Cương cũng đều biết cách để gần dân, ít ra là qua những lần, nói theo ngôn ngữ hiện nay, đi thực địa. Không đi được quá xa cách kinh thành Thăng Long nhưng chúa Trịnh Cương vẫn được người đương thời đánh giá là đi nhiều biết nhiều. Đặc biệt là trong giai đoạn cuối đời, ông đã thường xuyên đi tuần du vãn cảnh. Ông đã từng tới vùng Kinh Bắc, Hải Dương hay Đông Bắc, các trấn Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ…  Tới đâu ông cũng có thơ, dù không hẳn đã là những tâm sự thi sĩ thoát tục nhưng vẫn chất chứa ưu tư về cuộc đời, đặc biệt là khi ông tới thăm các ngôi chùa. Những câu thơ tả cảnh của chúa Trịnh Cương luôn chan chứa tình. Đây là thơ của ông khi viết về chùa Nhạn Tháp, chắc là ở gần Thăng Long:

"Ghẽ ghẽ danh thành áng trí nhân
Nơi nơi tĩnh cảnh lạt hồng trần
Mấy lần bảo thụ oanh kim giới
Một áng liên đài áng thụy vân.
Chấp chới yên hà in thức gấm,
Đầm hâm hoa thảo đượm hơi xuân.
Tiết lành vây hợp thênh thênh bước,
Phới phới cùng vui cõi Diệu Chân
…".

Còn đây là thơ về chùa Tiên Tích, ở cửa Nam thành Thăng Long, được xây trong thời Lê làm nơi lễ Phật cho các phi tần:

"Băng trông bỡ ngỡ tượng thiên nhiên
Trong thế chu tuyền vẫn vẹn toàn.
Tháp Nhạn chữ bày câu ứng phúc,
Cửa từ đường chật kẻ cầu duyên.
Chăm chăm lão hạc ngong kinh bối,
Thảo thảo thần long lãng giáo thần.
Khắp trần gian danh lợi khách,
Răn lòng vật ngã mới nên khen
".

Không vì mình mới đáng được khen (Răn lòng vật ngã mới nên khen), cảnh chùa chỉ gợi cho chúa Trịnh Cương những nỗi niềm hỉ xả… Có lẽ càng lớn tuổi, chúa Trịnh Cương càng mơ về một nơi như chùa Yên Tử:

"Tượng còn nẻo trước dấu khai thành,
Riêng chiếm yên hà mấy bức tranh.
Sương tạnh am thông mầu điểm bạc,
Nguyệt nhòm cửa trúc vẻ phi xanh.
Nền xây bàn thạch cao ngàn đạo,
Đỉnh quải vân tiêu rợp án kinh.
Ngẫm sức an bài bao xiết ngợi,
Nơi nơi đích thực chốn tu hành…
"

Thực sự, ngay cả nếu như ta chưa hiểu rõ lắm nghĩa của các từ Nôm trong bài thơ này, ta vẫn thấm thía được sự nồng nàn trong tâm tình của Chúa đối với nơi "đích thực chốn tu hành"…

Có rất nhiều địa danh khác nữa được ghi trong các bài thơ Nôm của ông, trong đó có không ít địa danh mà bây giờ chúng ta khó có thể biết cụ thể là ở đâu. Thí dụ như Lã Côi chẳng hạn. Chúa Trịnh Cương đã viết khá nhiều thơ về Lã Côi, địa danh mà chúng ta chỉ có thể mơ hồ đoán là ở đâu đó quanh quanh sông Đuống, gần Kinh Bắc và Gia Lâm. Trong bài thơ vịnh cảnh Bồ Đề (đồng dao về thời Lê Lợi: "Nhong nhong ngựa Ông đã về, Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa Ông ăn"), chúa Trịnh Cương cũng đã nhắc tới Lã Côi:

"Tắt qua nẻo ngạc sông Đào,
Luận công trị thủy xiết sao công trình.
Hướng thần kinh triều tông cuộn cuộn,
Vững âu vàng nguyên vốn đặt an,
Châu cơ xá lạ thiên ban,
Bãi nhạn thớn thớn, triện nhàn thưa thưa,
Dùng gió đưa tưng bừng dóng dả.
Này bãi thù, kia ngã sông Dâu
Những màng đón hỏi trước sau,
Nọ duềnh Thiên Đức bởi đâu ngang vào,
Gạt hung đào thuận dòng thẳng duổi,
Đến Yên Thường vừa đội nghỉ ngơi,
Tiểu hoa lâm xã Lã Côi,
Hứng thừa ngụ ý thuật chơi câu tài
".

Với độc giả hôm nay, những câu thơ Nôm này có thể không dễ hiểu do sự lỗi thời của một số từ cổ. Tuy nhiên, với những nhà nghiên cứu tư liệu cổ, đây là nguồn thông tin vô cùng quý giá để chúng ta có thể hình dung ra gương mặt chưa quá xa của vùng quanh sông Thiên Đức (tức sông Đuống). Và cũng hiểu thêm tấm lòng can trường của một vị Chúa không ngại "gạt hung đào" trong sứ mệnh yên dân trị quốc của mình…

Cũng phải nói rằng, thơ của chúa Trịnh Cương, mặc dù chỉ là thơ tức cảnh, nhưng cũng chứa rất nhiều bài học về lý lẽ làm người, đạo lý làm quan. Xin dẫn ra đây một số thí dụ:

"Yên vui bởi dân thuần cổ
Ý xưa sau sở thích cầu".
(Thơ vịnh thắng cảnh Bồ Đề)

"Có danh ắt thể công nên,
Gấm lại thêm hoa rất sẵn nền.
Lý xử đắc trung càng tử tế
Dịch dùng hợp thích khéo tinh nghiên".
(Thơ đáp lại nỗi hoài vọng)

"Khắp trần gian danh lợi khách,
Răn lòng vật ngã mới nên khen".
(Thơ chùa Tiên Tích)

"Vui thay nhân quảng ân thi,
Nhu hoài vốn những vỗ về gần xa
".
(Thơ chùa Hưng Long)…

Những ví dụ như thế còn khá nhiều trong các bài thơ của chúa Trịnh Cương, được tập hợp trong sách "Lê triều Ngự chế Quốc âm thi". Và đây chắc chắn sẽ là nguồn tư liệu quý cho các nghiên cứu trong tương lai về sự nghiệp và thân thế của một trong những vị Chúa có ấn tượng nhất của thời Lê Trung Hưng

Khánh Hạ
.
.