A.Rield: Một chữ “tình” đa diện

Thứ Hai, 30/10/2006, 14:00

"Sống giữa cuộc đời để yêu thương nhau. Đó là hồng ân mà Thiên Chúa ban tặng cho mỗi con người". Là một người kính Chúa, chắc hẳn Riedl không thiếu đức tin về tình yêu và lòng bác ái giữa người với người, nhất là khi ông tìm thấy những minh chứng sống động trên đất nước Việt Nam.

Trong những ngày dư luận ồn ào suy diễn xung quanh chuyện đi hay ở của A.Riedl, thì "bệnh nhân người Áo" làm gì? Cũng có trả lời phỏng vấn báo chí, cũng có phản ứng với các chức sắc LĐBĐVN (VFF), nhưng vẫn là một Riedl cẩn thận và chuyên nghiệp khi tận tay đi chọn mua từng chiếc đĩa CD trắng về sang lại băng ghi hình các trận đấu đội tuyển (mà Đài truyền hình cho mượn), để làm tư liệu cho giáo án huấn luyện trong đợt tập trung tới đây…

Lật ngược trái tim để thành ngọn lửa

"Trời, có thấy ông ấy lo lắng gì đâu. Kể từ khi ở Sài Gòn ra, mấy hôm rồi, cứ rảnh rỗi lúc nào là chú toàn chở ông ấy đi mua đĩa trắng về làm băng tư liệu", người lái xe cho A.Riedl kể, "mà cũng lạ cho cái sự kỹ tính của ông ấy, đi xe từ nhà lên tận siêu thị Vincom để chọn mua từng chiếc đĩa". Thậm chí, theo lời kể của ông chú "cán bộ đường lối" này, thì Riedl biết cái tin VFF tính thay ông đăng trên báo cũng trong một buổi chiều đi mua đĩa.

Ông lái xe kêu "Trời", mà người viết cũng muốn… kêu theo. Giữa lúc "thập diện mai phục", ghế HLV thì bị nguời ta ý vào ý ra, người hiến thận phù hợp thì chưa tìm thấy, hằng tuần vẫn phải thuốc men điều trị, vậy mà "người Áo trầm lặng" vẫn có thể giữ cho mình cái tâm yên ả hồ thu đến thế sao.

Làm được thế, có lẽ ông Riedl tin rằng, thiện tâm và tình yêu của mình với bóng đá Việt Nam sẽ chẳng bị phụ bạc như tin vào chính sức khoẻ của mình vẫn có thể đảm đương được cái cương vị "cầm quân đánh trận" ở đội tuyển chăng?

Chẳng bù cho ông lái xe. Mấy ngày gần đây, ông trở nên chăm mua và chăm xin báo cánh phóng viên quen để xem tình hình Riedl ra sao. Gặp chỗ thân tình, ông chú lại thăm hỏi xem ai viết cái bài thay Riedl mà chẳng thấy ký bút danh. Hỏi cũng chỉ để hỏi chứ chẳng trách cứ chi, nhưng quả là ông lo cho "sếp" Riedl như là lo cho… bạn, chứ không như cái thời "cầm lái" cho ông thầy người Brazil Tavares. Là nhân viên của VFF ông chẳng sợ mất việc khi Riedl ra đi, nhưng "gì thì gì chứ Rít-đèn cũng là người chuyên nghiệp trong công việc và có tình người trong đời thường" như lời ông nói.

Ai đó đã ví von rất đúng rằng, khi ta lật ngược trái tim mình thì nó sẽ biến thành ngọn lửa - ngọn lửa của tình yêu thương và lòng nhân ái. Một ngọn lửa sẻ chia là một ngọn lửa lan toả, một tấm lòng cho đi là nhiều tấm lòng nhận lại.

Vâng, cho là nhận! Ở Việt Nam, Riedl từng nhiều lần làm việc thiện. Thỉnh thoảng, ông lại tìm đến ngôi nhà nhỏ của một người gặp hoàn cảnh không may ở tít tắp đâu đó bên mạn cầu Chui để giúp gia đình ít tiền. Hoặc giả căng đầu viết bài World Cup 2006 cho một tờ báo, tất cả thu nhập có được từ nghề "tay trái" Riedl đều dành để ủng hộ cho những người bị bão lũ.

"Thiên Chúa là tình yêu, ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy. Sống giữa cuộc đời để yêu thương nhau. Đó là hồng ân mà Thiên Chúa ban tặng cho mỗi con người". Là một người kính Chúa, chắc hẳn Riedl không thiếu đức tin về tình yêu và lòng bác ái giữa người với người, nhất là khi ông tìm thấy những minh chứng sống động trên đất nước Việt Nam.

Thì đây, khi Riedl gặp hoạn nạn. Lời kêu gọi của ông ngay lập tức được người hâm mộ hưởng ứng bằng sự chân tình. Các CĐV Việt Nam đã mở lòng, mang ngọn lửa-trái tim đối đãi với Riedl và chắc hẳn vị HLV người Áo cũng thấu hiểu điều đó khi mà hàng chục CĐV sẵn sàng hiến thận để giúp ông chữa bệnh.

Một chữ "tình" nặng đầy…

Nói về nghĩa cử của những trái tim Việt với Riedl, người viết lại nhớ tới bản tin ảnh được phát ra vào ngày 22/8 của hãng thông tấn quốc tế Reuters: "Đã có hàng chục CĐV Việt Nam sẵn sàng hiến thận chữa bệnh cho HLV trưởng A.Riedl để giúp ông tránh khỏi nguy cơ bị sa thải".

Một bản tin ngắn gọn, vỏn vẹn đâu chừng 100 chữ, kèm theo một serie ảnh chụp nhà cầm quân người Áo trong một buổi tập của đội tuyển QG ở Hà Nội vào tháng 5/2005, nhưng mang theo chữ "tình" của người Việt vượt qua biên giới của mảnh đất hình chữ S xinh đẹp và bình yên.

Mà đúng quả là người Việt mình nặng tình thật với Riedl. Đó chính là điều mà người viết "ngộ" ra khi bị "sư phụ" mắng vào một sớm mai bên bàn trà, sau ngày Riedl "họp báo" công bố bệnh trạng: "Lũ phóng viên trẻ chúng mày ngày thường đầu óc nhanh nhẹn lắm, cớ sao trong cả buổi họp báo hôm qua, chẳng thấy ai hỏi ông Riedl một câu thật "đắt": "Là HLV chuyên nghiệp, lại biết mình mắc bệnh từ khá lâu, vậy khi đàm phán hợp đồng làm HLV trưởng đội tuyển QG với LĐBĐVN, ông có cho họ biết chính xác tình trạng sức khoẻ của mình không?"".

Nghe "thầy" trách mà giật mình sực tỉnh thấy có lỗi trước bổn phận làm nghề, nhưng sao lòng lại tự an ủi lòng là mình và các bạn nghề đã làm đúng với tiếng gọi của một chữ "tình" lung linh trong trái tim CĐV Việt Nam. Bởi có lẽ chẳng ai nỡ làm khó một A.Riedl thân mang trọng bệnh bằng một câu hỏi "sắc lẹm" đến vậy kể cả với "sư phụ" đang bắt lỗi "học trò" kia.

Tất nhiên đó chỉ là chuyện "nội bộ" của cánh phóng viên, còn với Riedl, để chứng minh mình không "ôm" ghế ở Việt Nam là vì tiền, hôm rồi, ông thầy người Áo đã in cho các quan chức Liên đoàn xem những bức thư mời ông làm HLV trưởng với mức lương cao hơn VFF đang trả cho ông.

Tại sao Riedl lại từ chối những "đề nghị hấp dẫn" ấy để ở lại Việt Nam? Cái cách hành xử đó có vẻ như không giống một HLV chuyên nghiệp dễ chừng có tới 30 năm bôn ba "ăn bát cơm thiên hạ". Và nó càng không giống với tính cách của một người phương Tây trọng lý và đề cao cái “tôi” cá nhân.--PageBreak--

Phải chăng vì chữ "lý" trong ông đã bị lấn bởi một chữ "tình" mà ông dành cho Việt Nam? Một chữ "tình" nồng ấm mà những năm tháng sống ở đây, trên mảnh đất Việt thanh bình và xinh đẹp này, ông đã sống và thở với nó hàng ngày, kể cả lúc bình thường hay khi ốm đau? Một chữ "tình" mà ông cảm thấy "mắc nợ" với các CĐV Việt Nam, "món nợ tình" mà bao năm qua ông chưa trả nổi bằng một chiếc HCV. Vậy nên ông ở lại?

…Và một chữ "tình" đa diện

Trước hết và hơn ai hết, chính những quan chức cao cấp của Liên đoàn là người phải lo nghĩ hơn cả về chuyện chiếc ghế của A.Riedl. Bởi dù sao đi chăng nữa thì "sinh mạng chính trị" của họ gắn khá chặt nếu không muốn nói là chịu tác động trực tiếp từ thành tích của đội tuyển QG, cũng như đội U.23 QG mà ông A.Riedl đang chèo lái.

Thế nhưng, người viết tin rằng, những người nắm trong tay "số phận" chiếc ghế của A.Riedl không phải là những mẫu người quá lụy tình hoặc thuần lý để rồi đưa ra một quyết định quá tả hoặc quá hữu. Đơn giản vì một lẽ để có thể đảm nhận cương vị hiện tại trong ngôi nhà Liên đoàn, họ cũng đã phải trải qua không ít những tình huống tương tự, thậm chí là những lựa chọn khắc nghiệt giữa đôi bờ tình và lý hơn cả vấn đề Riedl ở hiện tại. (Tất nhiên, ở đây chúng ta không đề cập tới trường hợp của ông Tổng thư ký trẻ Trần Quốc Tuấn vì xem ra con đường "quan lộ" của ông quá hanh thông, cũng như ở thời điểm hiện tại, ông đang dưỡng bệnh sau tai nạn giao thông nên khó thể ngay một lúc mà đề ra quyết sách tỉnh táo).

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ là một con người như thế. Có lẽ với ông thời khắc "buốt lòng" nhất chính là lúc ông trong cương vị một lãnh đạo của Ủy ban TDTT, ký quyết định kỷ luật đối với Phó Chủ tịch LĐBĐVN nhiệm kỳ 4 Trần Duy Ly và Tổng thư ký Phạm Ngọc Viễn vì những sai lầm trong công tác điều hành, dẫn tới thất bại của đội tuyển QG tại Tiger Cup 2004. Trong một dịp hiếm hoi được ngồi nghe ông kể lại chuyện này, người viết mới thấy ông không phải là một con người thuần lý, nhưng rất rạch ròi chuyện công-tư. "Tôi biết anh Ly, anh Viễn có thể rất giận tôi vì chuyện kỷ luật. Nhưng công việc là vấn đề khác, các anh ấy có sai thì phải có kỷ luật", ông nói.

Hoặc giả Phó Chủ tịch Vũ Quang Vinh, người mà gần đây một số dư luận đã "diễn dịch" tuyên bố của ông để cho rằng "duyên tình" giữa VFF và A.Riedl sắp đến hồi chia ly, cũng không phải là một con người "vô tình".

Còn nhớ, ở thời điểm vụ án "bán độ" của một số tuyển thủ U.23 ở SEA Games 23 mới nổ ra, có lẽ vì cả giận mà trong một lần trả lời phỏng vấn truyền hình, ông Vinh đã nói cứng: "Tội của những cầu thủ bán độ xứng phải voi giày, ngựa xéo". Vậy mà ít ngày sau, trong một lần "lê la" quán nước vỉa hè với cánh phóng viên "săn" tin ở Liên đoàn, ông cứ trầm ngâm, bên chén trà với đôi mắt buồn thật buồn sau cặp kính cận dày mà rằng: "Tội lũ nhỏ quá. Chỉ vì chúng nó ít học. Cầu thủ của mình vì cái nền học vấn, văn hoá thấp quá mà dễ sa ngã". Một người nói được câu đầy nhân văn như thế, thì đâu phải là "mặt sắt", không tim.

Vậy nên, với những con người như ông Hỷ, ông Vinh hãy đặt ở họ niềm tin về một giải pháp hợp tình và hợp lý nhất xung quanh chiếc ghế của HLV trưởng A.Riedl.

Chẳng thế mà khi dư luận ồn ã xung quanh chuyện đi hay ở của ông thầy người Áo, thì Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ vẫn một mực ủng hộ ông Riedl về mọi mặt. Còn ông Vinh sau khi nhận thấy dư luận "dẫn" cái ý của mình đi quá xa, thay vì nguyên nghĩa là chủ động tìm phương án trong trường hợp bất khả kháng, đã tự tay chắp bút viết bản thông báo của VFF khẳng định: "A.Riedl vẫn là HLV trưởng đội tuyển Việt Nam"!

Chuyện ông Riedl đi hay ở là chuyện của tương lai. Còn vào giờ phút này, có lẽ tất cả các CĐV Việt Nam yêu mến ông đều sẽ nguyện cầu: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm"

.
.