Mặt mộc Nguyên Hà

Thứ Hai, 28/08/2017, 16:13
Có một dạo, cứ cách vài ba tuần, tôi lại qua Open Share - một quán café nhỏ thường tổ chức các đêm nhạc acoustic ở quận Phú Nhuận để nghe Nguyên Hà hát.

Giữa một đám nhạc công trông rất “nghệ”, Hà có vẻ lạc lõng với mái tóc tomboy, khuôn mặt hầu như không trang điểm, quần áo chẳng có gì nổi bật.

Hà cũng không biết cách giao lưu với khán giả. Hà mà lên sân khấu là “vào mic” luôn, hiếm khi thưa gửi, giới thiệu về mình. Khi hát, Hà không nhảy, không múa, ít khi nhìn thẳng xuống khán giả và nói chuyện với những người ngồi bên dưới bằng mắt. Có đôi lúc, tôi còn nghĩ, chắc Hà ngượng nên thế. Ngoài hát ra, Hà không biết gì hết về nghệ thuật trình diễn trên sân khấu.

Đôi khi, Hà còn hơi “bất động” nữa. Thế nhưng chẳng hiểu vì lí do gì mà khi cô gái này cất lời, lại dễ khiến người ta chìm vào một vùng địa đàng yên lành đến thế. Mấy năm trôi qua, kể từ lần đầu bắt gặp, Nguyên Hà vẫn là giọng hát xoa dịu, chữa lành như những ngày đầu.

Cho tới bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi cảm giác lần đầu tiên nghe Nguyên Hà hát Tàn phai, Địa đàng, Độc thoại, Có lúc... ở một góc Open Share. Trong không gian nhỏ và ấm, ánh đèn điện hắt xuống cũng vừa đủ để người ca sỹ không bị chìm vào bóng tối, Hà hát về những bài tình ca của Quốc Bảo. Hà hát như kể chuyện, như thủ thỉ.

Nghe xôn xao đâu đó vừa kết, nghe đâu đó thứ tình vui vừa hết, nghe đâu đó tàn mùa vừa ngưng. “Thế thôi em sau một đêm xuân/ Tình thưa vắng ta thôi ân cần/ Thế thôi em sau nụ hôn thơm là bay hết hương trầm”. Và cũng có lúc, giọng hát ấy như đông đặc lại, “nghe đời không trôi nữa”. “Có lúc nằm dài ngó lên trời/ Kìa mây ơi, làm sao ta với/ Nếu bùi ngùi cũng qua một ngày/ Thôi đâu cần học đắm say?”.

Quốc Bảo gặp Nguyên Hà vào năm 2010. Khi đó, Hà còn là một ca sỹ hát quán café, chưa có nghệ danh cố định, lúc thì gọi là Thanh Hà, lúc lại là Nguyễn Hà. Nguyên Hà là nghệ danh mà anh đặt cho cô. Mới đây, trong cuốn hồi ký tuổi 50 của mình, bên cạnh Ngô Thanh Vân, Mỹ Tâm thì Nguyên Hà chính là cái tên còn lại được anh viết trong chương Học trò yêu dù rằng danh sách này lẽ ra phải dài hơn nữa.

Theo Quốc Bảo, đây là ba người tác động đến những giai đoạn sự nghiệp khác nhau trong quá trình làm nhạc của mình. Anh nói thêm: “Hai đĩa nhạc ra liên tục từ năm 2011 tới 2014 là Địa đàng 1, Địa đàng 2 cộng với những bài lẻ khác nữa, đã chứng tỏ một điều đó là, Nguyên Hà là một nàng thơ, là người gây cảm hứng rất lớn cho tôi trong một giai đoạn dài”.

Với hình tượng cảm hứng mới, âm nhạc Quốc Bảo đầu những năm 2010, 2011 trở về với thời xinh - trầm - ngoan trước đây trong sáng tác của mình sau thời kỳ đầy màu cay đắng, xót xa sau những biến cố hồi 2004; tất nhiên ở một trạng thái xinh - trầm - ngoan khác.

Trong hình dung của người nhạc sỹ nổi tiếng khó tính này, Nguyên Hà là một hình tượng nghệ sỹ độc lập và không muốn nổi tiếng thành một biểu tượng của văn hóa đại chúng. Khi kết hợp với Nguyên Hà trong dự án âm nhạc của mình, cả hai hướng tới một đối tượng công chúng hẹp và có chọn lọc.

Khi hỏi Quốc Bảo về Nguyên Hà, anh nói rằng đó là một trong những ca sỹ có giọng hát tự nhiên nhất. Hà hát không vì gì cả, không mưu cầu gì khi hát. Hát vì lỡ yêu một giai điệu này, lời lẽ này, một đẹp đẽ này. Quốc Bảo cho rằng, chính sự tự nhiên đó mà Hà sẽ đi được lâu dù có thể, Hà không bao giờ xuất hiện như một ngôi sao.

Hà có muốn trở thành người nổi tiếng, thành một ngôi sao không? Hà hỏi lại, thật ra nổi tiếng để làm gì, có phải nổi tiếng để rồi kiếm được nhiều tiền hơn không? Tôi hỏi, nhiều người giàu có rồi, người ta vẫn thích nổi tiếng đấy thôi? Thế chắc vì họ thích ánh đèn sân khấu, thích được nhiều người biết đến rồi. Hà nói, nghệ sỹ ai mà chẳng mong muốn được nhiều người biết đến.

Nổi tiếng cũng thích đấy nhưng nổi tiếng vì cái gì? Scandal? Hát hay? Nhảy đẹp? Hay vì nhan sắc? Hà tự nhận mình không đẹp, nhảy cũng không đẹp. Hà chỉ có giọng hát là tài sản, để thỉnh thoảng “thở dài một hơi nhớ ra/ mộng dài một cơn thiết tha”, để đi qua những ngày lao xao này mà thôi.

Với Nguyên Hà, âm nhạc là một nguồn vui sống. Âm nhạc mang lại cho Hà những cảm xúc mới mẻ khi mà mọi thứ xung quanh mình mòn vẹt, lặp đi lặp lại từ ngày này qua tháng khác. Những bóng mây mơ hồ, những điều nhỏ nhoi, mái tóc nào bay tung hoàng hôn, một chút mưa qua cũng đủ “xót tình”. Rồi Hà hát, để buồn, để vui, để tan tan trong mây trời lãng đãng ấy. Giọng hát ấy, đôi khi “nghe ra giọng tình”.

Không chỉ là hình tượng cảm hứng của Quốc Bảo, Nguyên Hà cũng là hình tượng cảm hứng, “nàng thơ” của Hồ Tiến Đạt. Có một lần ngồi nói chuyện với Đạt, anh bảo, lần đầu tiên nghe Hà, anh đã nghĩ rằng một lúc nào đó mình phải viết nhạc cho cô gái này hát. Anh gọi đó là một mong ước viển vông.

Và rồi sau mấy năm kể từ ngày Đạt và Hà gặp nhau, người nghe nhạc có album Điều vô lí thứ nhất, sản phẩm âm nhạc mới ra mắt hồi tháng 5 được kết hợp bởi ba cái tên có phần lạ lùng của nhạc Việt là Hồ Tiến Đạt, Phạm Hải Âu và Nguyên Hà.

Đạt chia sẻ, anh cần một người kể câu chuyện âm nhạc của mình và không ai có thể thích hợp hơn Nguyên Hà. Hà có một giọng hát “thẳng”, không phải kiểu luyến láy, ưa trưng trổ, khoe kĩ thuật như nhiều ca sỹ trẻ hiện nay. Giọng hát của Hà không có âm vực rộng, nhưng điểm mạnh của Hà là hát như kể chuyện. Mà Đạt chỉ cần một người như thế, điềm tĩnh, tinh tế hát nhạc của mình.

Để rồi, tan trong nhiều nỗi buồn thơm, tan trong một vùng bóng âm, Hà đến với âm nhạc, chỉ để hát về những điều vô lí chất ngất ấy. Điều vô lí thứ nhất, điều vô lí thứ hai, điều vô lí thường ngày đã hòa trong tiếng hát tràn đầy mộc tính của Nguyên Hà.

Và mừng Hà, cô gái với giọng hát tan tan vào ta bớt đắng, đã đến đây, không mưu cầu điều gì, trong những năm tháng cuối cùng của tuổi 20. Mừng Hà, với Điều vô lý thứ nhất, cũng là điều vô lý cuối cùng của khúc đời rón rén đau thương mà cũng dịu dàng quá đỗi này. Sau những ủi an bằng âm nhạc, nghe Hà hát, lòng ta chỉ “mong những ngày yên vui ở lại thật lâu”.

Ở ngoài, Hà ít nói, ít cười nhưng nghe Hà hát, thấy giọng nói, tiếng cười ấy hồn nhiên ở đâu đó trong lòng phố xá đông vui. Hỏi Hà tình yêu của Hà thế nào? Thì cũng bình thường, đơn giản, không quá phức tạp. Nhưng nghe Hà hát, ta nghe tình trong đó rất nhiều. Hà bảo, Hà thích hát tình ca vì nó dễ đến, dễ gần với bất cứ ai.

Ai mà chẳng có cho riêng mình một tình yêu, dù là một tình yêu bình thường, một tình yêu không trọn vẹn. Vì thế, nghe là thấm. Vì thế, tiếng ca sẽ lấp đầy khoảng trống ở lại đó. Và Hà hát tình ca, dù là những bài tình buồn thì vẫn thấy vui vì được hát về những thứ tình cảm đẹp đẽ mà con người dành cho nhau.

Nếu tôi nhớ không nhầm, năm 2011, Nguyên Hà từng tham gia gameshow Song ca cùng thần tượng. Chẳng nhớ năm đó, Hà có được giải gì không nhưng tôi lại rất nhớ tiết mục song ca của Nguyên Hà và Thanh Lam khi hát Cho em một ngày - một ca khúc nổi tiếng của nhạc sỹ Dương Thụ. Khi đó, giọng hát của Nguyên Hà còn thô, hơi đuối và bị ca sỹ đàn chị gần như “nuốt chửng” trên sân khấu. So với bây giờ, ta có thể thấy, giọng hát của Hà đã cải thiện rất nhiều. Mượt mà, tự nhiên và gợi.

Hà không phải là một cá tính âm nhạc của những sân khấu lớn. Hà cũng không thuộc về số đông. Không gian của Hà nhỏ, ấm, vừa đủ để Hà cất lời. Trượt khỏi đường ray đó, Hà không còn là Hà nữa, tiếng hát của Hà cũng không phải là đáy sâu của Hà nữa. Người ta chỉ có thể hát rút ruột rút gan khi người ta muốn tỏ bày. Hà lại không phải là người có thói quen tỏ bày thoải mái. Vậy nên, Hà cứ yên phận trong vùng âm nhạc, trong vùng không gian của mình. Cứ là tiếng hát ẩn dật, lâu lâu lại xuất hiện một lần với những bài tình ca cho đời là được.

Tất nhiên, khi nói điều này, sẽ có ai đó nói rằng, một nghệ sỹ thì phải chứng tỏ mình bằng cách trượt khỏi đường ray an toàn. Nhưng Nguyên Hà có nhu cầu chứng tỏ mình với ai đâu. Hà hát để vui mà. Giờ giả sử Hà thay đổi, chắc gì Hà đã hay, đã còn thú vị? 

Người ta thường dùng chữ “mặt mộc” để nói về những cô gái không son phấn. Nói “mặt mộc” trong âm nhạc là nói về một người có giọng hát mộc, tự nhiên và người ta thường dùng trong ngoặc nháy. Thế nhưng, với tiếng hát Nguyên Hà, cả nghĩa đen và nghĩa bóng đều đúng mà không cần phải đóng ngoặc nháy. Để thấy, ở cô gái này, mộc tính là tinh thần, là màu sắc, là cá tính. Mộc tính cũng là tình cảm với âm nhạc. Một thứ âm nhạc nhiều tự sự như cái nghệ danh mà nhạc sỹ Quốc Bảo đặt cho: Nguyên Hà.

Du Nguyên
.
.