"Đừng kể tên tôi", làm sao kể hết "Nỗi buồn chiến tranh"

Thứ Hai, 29/01/2018, 20:14
Tự bỏ tiền túi để đi thực tế, gặp gỡ các nhân vật. Tự bỏ tiền túi để in sách và tự bán sách trên Facebook. Trong vòng 2 tháng, Phan Thúy Hà đã bán gần hết 2.000 cuốn “Đừng kể tên tôi” (NXB Phụ nữ). Đây quả là một hiện tượng xuất bản của năm 2017…

1. Tôi sinh năm 1979, lớn lên đã nhìn thấy các chú các bác và ông bà mình sớm trưa chiều tối trên cánh đồng. Câu chuyện họ nói với nhau là mùa vụ. Sát khu vườn nhà tôi đang ở từng là một kho đạn lớn. Một quả bom từ trường đã rơi xuống giữa nhà bà Nhin ở bên cạnh kho đạn, giết chết 4 người. 

Trong giấc ngủ em thơ thời cha mẹ tôi là chập chờn hình ảnh máy bay thả bom rơi là là trên cánh đồng, trên đường làng, trên nương bãi. Đi làm đồng ban đêm ngụy trang ngang thắt lưng, ngụy trang trên đầu. Hôm nay kể tới sự kiện nào, nói tới ngôi nhà ai, nhắc chuyện quá khứ một người làng...; tôi như người từ nơi xa đến tìm hiểu...”.

Đó là một đoạn tự sự trong cuốn sách Đừng kể tên tôi của Phan Thúy Hà.

Phan Thúy Hà sinh năm 1979, quê Hương Khê (Hà Tĩnh). Học hết cấp 3, Hà thi vào Khoa Văn trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, tốt nghiệp thì xin về làm biên tập tại NXB Phụ nữ chuyên mảng sách văn học trong nước. 

Hà là một biên tập viên trẻ cần mẫn, cuộc sống dường như đã định vị như là một công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Nhưng, dù an phận, Hà vẫn không giấu được điều này: “Cuộc sống và công việc tẻ nhạt quá, mòn mỏi quá”.

Để “thay đổi không khí”, thỉnh thoảng Hà lại làm một chuyến xê dịch nho nhỏ, thực ra đó là những chuyến về quê thăm cha mẹ và “khám phá” trở lại quê hương tuổi thơ mình.

Là một biên tập, nghề của cô là “bà đỡ” cho những cuốn sách, đứng trong “hậu trường làng sách”, chứ không phải là người viết để thành tác giả. Cứ mặc định vậy. 

Cho đến khi Hà xin nghỉ việc ở NXB Phụ nữ. Câu chuyện viết “để đời bớt tẻ nhạt” bắt đầu manh nha từ đây. Tôi nghĩ vậy. Không biết là đúng không. Bởi trong thực tế, Hà cũng từng viết bài cộng tác, từng có truyện ngắn đăng rải rác trên các báo.

Cựu chiến binh Nguyễn Kim Trung - nhân vật trong bài “Bay mất hai bàn tay tôi tiếc không được đi đánh tiếp”.

Nhưng, như Hà nói với tôi là cô tự nhận biết mình không có năng lực sáng tác hư cấu (fiction). Hà như “bắt lửa” và “tỏa nhiệt” mạnh hơn khi đụng vào những câu chuyện có thật trong đời. Và, như thế, Hà nghĩ nếu viết mình sẽ dấn sâu vào thể loại không hư cấu (non-fiction). Nhưng tại sao là câu chuyện chiến tranh? 

Hà trả lời: “Có nhiều chuyện tôi muốn viết, nhưng tôi viết chuyện chiến tranh trước vì tranh thủ nhân chứng, chứ để họ chết đi rồi thì còn ai kể nữa...”.

Câu trả lời có vẻ nhẹ nhõm. Nhưng tôi biết là không dễ dàng gì. Tôi nhớ, lần đó khi biết tôi vừa có một chuyến đến Hương Khê, Hà đã hỏi là đường tôi đi có gặp người dân tộc Chứt không? Hồi bé, cô từng nghe nói tới người dân tộc này, nhưng chưa biết họ ở đâu, giờ tự nhiên gợi một cảm giác rất tò mò, muốn trở về quê tìm gặp họ.

Cái thôi thúc trở về quê nhà, tìm lại tuổi thơ, nhưng không phải để “ầu ơ ví dầu”, mà để hiểu biết thêm, là cái thôi thúc mãnh liệt nơi Hà. Nhưng cũng đâu dễ dàng gì với một phụ nữ khi hằng ngày phải “làm nhiệm vụ” đưa đón con đi học, lo chợ búa, cơm nước, giặt giũ(!).

Thế rồi Hà đã thu xếp được. Tranh thủ những ngày con nghỉ học và những đợt nghỉ hè, Hà “khăn gói quả mướp” cho mấy mẹ con cùng về quê. Hằng ngày ra đồng ruộng cùng nhân vật, cùng xuống bếp nấu cơm, cùng thức dậy khi họ bị cơn đau hành hạ. Và ngồi nghe, ghi âm cẩn thận những khi họ nhớ ra và muốn kể lại. Không có một kịch bản định sẵn. Những câu hỏi không như phỏng vấn mà như một đứa cháu tò mò chuyện ngày xưa của cha chú ông bà.

“Tôi chưa biết sẽ viết như thế nào cho đến khi gặp nhân vật. Nhân vật tạo ra giọng điệu, tạo ra cốt truyện. Nhân vật dẫn dắt tôi đúng theo nghĩa đen. Mỗi khi đi gặp nhân vật tôi khá hồi hộp, không biết hôm nay mình được nghe chuyện gì. Tôi hoàn toàn không hình dung ra được”, Hà bộc bạch.

2. Đừng kể tên tôi là những câu chuyện chiến tranh. Các nhân vật trong cuốn sách này là những người lính Bắc Việt (hầu hết là quê Hương Khê, Hà Tĩnh) đi vào chiến trường miền Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Hầu hết họ, sau chiến tranh là trở về với quê hương, với ruộng đồng, trở về với đời thường, dù trong họ có người được phong anh hùng.

Chuyện chiến tranh, qua lâu rồi họ không muốn kể. Kể để làm gì? Giờ có viết về họ thì số phận của họ cũng không thay đổi, chỉ là xới lên những nỗi đau. Nhưng nhu cầu được kể lại là nhu cầu có thật. Những câu chuyện chiến tranh dù cố quên cũng không thể nào quên, bởi chiến tranh là một phần đời, không chỉ là trong ký ức, mà trong thân thể với những vết thương, mảnh đạn. 

Họ đồng ý kể, chỉ với một điều kiện: “Đừng kể tên tôi”, tức đừng nhắc tên của họ làm gì. Tôi phần nào hiểu được lời yêu cầu đó. Họ chỉ là những người lính trong chiến tranh. Còn biết bao nhiêu người như họ, làm sao kể hết những “nỗi buồn chiến tranh”? Nhưng cuối cùng rồi, sau khi kể ra tất cả, họ lại đồng ý để tên của mình. Không phải vì muốn nhắc nhớ mà họ muốn gánh lấy trách nhiệm. Chiến tranh là vậy đó. Tôi là như thế đó.

Tôi trong cuốn sách này, ngày ấy là những chàng trai cô gái hồn nhiên, lý tưởng. Họ thật sự không mường tượng chiến tranh là gì cho đến khi bước vào cuộc chiến ác liệt. 

Để được vào bộ đội, họ phải lén giấu những cục đá vào túi quần túi áo cho đủ cân. Họ đi bộ đội vì không thể quanh quẩn ở làng quê, mặc dù ở làng quê thì vẫn bị dội bom, vẫn trốn hầm mỗi ngày. Đi để chiến đấu. Đi để có ngày hòa bình. Chiến tranh mãi sao được?

Tác giả chụp hình với cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngọc - nhân vật trong bài “Người bên sông Ngàn Sâu”.

Trận đánh nào dường như cũng giống trận đánh nào. Chỉ số phận từng người lính là khác nhau. Làng quê nào dường như cũng giống nhau. Chỉ có hoàn cảnh từng người lính sau chiến tranh là khác nhau. 

Hai mươi mốt nhân vật chính được viết trong cuốn sách này, làm sao kể hết. Nhưng tôi muốn kể lại câu chuyện này. Chuyện “Hầm tránh bom Mỹ, và giờ hầm là nơi tôi trốn chạy khi chồng lên cơn”.

Đó là chuyện về một người lính, mười bốn tuổi bị cướp công bắn rớt máy bay và bắt được phi công Mỹ. Sau đó thì đi bộ đội. Trong trận đánh đêm mồng 2 tết Mậu Thân 1968, anh bị một mảnh đạn ghim sâu vào thái dương, khiến ảnh hưởng đến thần kinh sau này. Hòa bình rồi, thỉnh thoảng anh lại lên cơn, cứ hô xung phong rồi chạy, thấy vợ con là đánh, có khi đốt luôn cả nhà mình.

Trớ trêu, người con trai của hai vợ chồng cũng mắc bệnh như anh. Đứa con dâu lại gánh nỗi cay cực như người mẹ. Và, căn hầm ngày xưa tránh bom Mỹ giờ là nơi hai người đàn bà ôm con ẩn nấp mỗi khi chồng họ lên cơn.

3. Đọc xong Đừng kể tên tôi, một trong những điều mà tôi quan tâm nhất, đó là cảm nghĩ của những người lính Bắc Việt về đối phương của họ?

Họ trong trẻo. Nếu thời gian quay ngược lại họ vẫn hành động như thế. Họ tuyệt đối không có sự định kiến gì về đối phương. Họ rất thương. Như chú Ngọc (nhân vật trong bài Người bên sông Ngàn Sâu), chú nói, giờ mà có cách gì gặp được hai thằng lính dìu mình trong trận Đồng Dù thì quý biết bao. Sẽ lên tàu xe đi thăm nhau ngay. Chú cũng mong gặp được gia đình bác sĩ đã truyền máu kịp thời cho chú. Và gia đình bác sĩ ở Bệnh viện 175 điều trị, chăm sóc và yêu thương chú khi nằm viện”, Hà cho tôi biết như vậy.

Điều thú vị là sau khi cuốn sách ra đời, tác giả lại tiếp tục gặp nhiều nhân vật nữa, chất liệu ngồn ngộn đủ để viết cuốn Đừng kể tên tôi tập 2. Chuyện đi ship sách (bán sách) cũng lắm “ly kỳ” không kể hết. 

Sau khi sách ra có một số bạn đọc gửi tiền nhờ tôi hỗ trợ chút ít cho các nhân vật. Có ba bạn hứa rằng mỗi tháng sẽ chuyển cho cô (cô Hán - nhân vật trong Nếu mẹ còn sống...) mỗi tháng 2 trăm nghìn. Ba bạn là 6 trăm. Cô đã nhận được tháng đầu tiên. Họ hứa sẽ nuôi cô như thế đến hết đời. Khi tôi chụp ảnh căn nhà cô, một bạn nói nếu sửa nhà cho cô bạn sẽ hỗ trợ 5 triệu. Thấy giường cô nằm không chăn, không đệm, một người bạn đã mua cho cô bộ chăn ga gối đệm. Cô khóc òa lên khi nhận quà. Cô xúc động mạnh. Cô khóc suốt ngày hôm đó”, Hà kể.

Điều tôi lấy làm tiếc nuối nhất trong cuốn sách này, là tác giả không viết về người cha của mình, dù ông cũng là một người lính. Năm 1970, bố của Hà khi đó là sinh viên năm thứ hai Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp đã lên đường nhập ngũ. Sau năm 1975, ông không trở lại trường mà theo nghiệp lính đến năm 1990 thì nghỉ hưu, về làng làm nông dân.

Hỏi ra thì biết Hà để dành câu chuyện người cha trong một cuốn sách khác: “Tôi không viết về cha, nhưng có thể nói là từ hình ảnh của cha mà thôi thúc tôi viết cuốn sách này. Còn hình ảnh về cha, tôi đã viết trong cuốn Qua khỏi dốc là nhà, nếu không có gì trục trặc thì sẽ xuất bản vào năm sau”.

Và, như vậy, chúng ta lại tiếp tục chờ đón những tác phẩm mới của Phan Thúy Hà.

Thụy Trần
.
.