Y Ban đời vui vì bớt nghiêm trọng

Thứ Ba, 30/05/2017, 21:27
Y Ban là người nhẹ lòng hơn nhiều đàn bà khác. Chị có buồn, nhưng không u uất. Và chị vượt qua những thời khắc khó khăn, những biến cố của đời sống tốt hơn. 

Y Ban bảo: "Danh tiếng đối với tôi là phù du. Tôi không quan tâm danh tiếng. Nó đến, kệ nó thôi". Và chị quyết không sửa soạn lại mình, thu xếp lại mình theo danh tiếng. Cơm áo, chợ đời, khó chịu, bực dọc từ cơ quan tới gia đình, chị có thể hành xử như một người đàn bà bình thường, chứ không phải như cách một nhà văn nổi tiếng mà mọi người thường hay trông đợi, phán xét. 

Chuyện chồng chuyện con, khi cần, chị lôi tất lên Facebook. Chỉ để xả cho vơi cảm xúc khó chịu trong lòng. Và có thể bạn bè đọc chị được một bữa cười no vì tính hồn nhiên, hài hước, chân thật của nữ nhà văn.

Vừa đi lấy visa cho chuyến đi Pháp sắp tới về, mồ hôi hãy còn nhễ nhại trên má, Y Ban cười như "địa chủ được mùa", hồn nhiên khoe, sẽ ở Pháp đến giữa tháng 6. Đọc thơ tại cuộc thi slam thơ quốc tế xong, chị sẽ dành thời gian cho con gái, đã học tập và sinh sống ở Pháp hơn 10 năm nay.

Y Ban viết văn xuôi thì cả nước biết rồi. Sách chị chất đầy giá các hiệu sách. Đếm sơ sơ cũng vài chục đầu sách, được tái bản nhiều lần. Nhưng Y Ban làm thơ thì chỉ bạn Facebook của chị là không ngỡ ngàng mấy, còn lại độc giả nói chung cũng hơi... choáng.

Hôm tham gia chương trình slam thơ tại Trung tâm văn minh Pháp cuối tháng 4 vừa rồi, nghe kể, một thành viên trong ban tổ chức đã rất sốc khi thấy Y Ban giành giải nhất, trong đó có 2 lượt đọc thơ chị giành điểm tuyệt đối của giám khảo (là những người được chọn ngẫu nhiên). 

Y Ban cười hì hì, bảo, đến mình còn sốc nữa là. Đến đọc thơ đêm đó là đến cho vui thôi, xem như tham gia vào một cuộc chơi cho đỡ buồn, mình về hưu già rồi có mấy việc phải lo nữa. Hơn thế, mình dân viết văn xuôi, "kiếm cơm" chính là văn xuôi, thơ thì cứ tức cảnh sinh tình, gặp chuyện gì viết chuyện đó, đáp ứng cơn cảm xúc nhất thời đang trào dâng. Tuyệt nhiên chả nghĩ ngợi gì nhiều chuyện làm thơ phải thế này phải thế kia. 

Đôi khi đau mà viết, đôi khi buồn mà viết. Và cũng toàn viết những vấn đề thời sự, những điều mắt thấy tai nghe hằng ngày qua thông tin truyền thông, báo chí. Mà viết mỗi bài thơ thì cũng chừng dăm phút, phục vụ bạn đọc Facebook là chính.

Y Ban kể, con gái chị ở Pháp rất vui khi biết mẹ sắp được đài thọ sang Pháp vừa tham quan vừa đọc thơ một chuyến dài ngày. Con gái chị có nói chuyện với một người bạn lớn tuổi người Pháp về mẹ mình, họ hỏi, mẹ cô là nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam, sao lại tham gia một cuộc thi dành cho người nghiệp dư vậy. Con gái chị trả lời, bởi vì mẹ tôi chỉ xem đó là một cuộc chơi thôi.

Tôi rất muốn hiểu thêm những điều Y Ban nghĩ, hay quan niệm về thơ. Bởi chị không phải là một nhà thơ chuyên nghiệp. Và cho dù bạn có nói chuyện rất nhiều lần với Y Ban đi nữa, bạn cũng sẽ luôn thừa nhận một điều rằng, Y Ban là con người của văn xuôi. Chị sắc, lạnh, gai góc, thẳng tưng, đôi khi còn ghê gớm nữa. Mọi chi tiết cuộc sống, mọi câu chuyện thường ngày xung quanh đều được chị thâu nhặt để làm đầy cái túi chữ của mình, và phần lớn nó không vứt đi đâu chút nào cả. 

Với Y Ban, mọi thứ đều có thể được chị đưa vào tác phẩm. Văn xuôi của chị giàu tính đời sống là vậy. Người ta ngỡ như nhà văn là người chứng kiến đời sống, rồi đợi cho bề mặt ồn ào của đời sống trôi qua, những gì lắng xuống như mật, như phù sa sẽ được chưng cất, nhào nặn để tạo ra tác phẩm cùng với trí tưởng tượng của anh ta. 

Nhưng Y Ban thực sự không cần nhiều thời gian đến thế. Chị không đợi lâu đến thế. Đời sống có thể ngay lập tức phả vào trang viết của chị. Đôi khi chúng ngồn ngộn và thực đến nỗi người ta có thể suy đoán được chính xác các nguyên mẫu nhân vật ngoài đời. 

Chị có biệt tài chế biến đời sống ở dạng "tươi sống", không nhất thiết cần qua các khâu ủ hay lên men. Cái gì ở Y Ban cũng trực diện. Con người chị luôn "động". Thực sự mà nói, không "động" không phải Y Ban. Khác hẳn với một số nhà văn khác mà tôi biết, họ "tĩnh" và luôn có xu hướng để mọi sự trở nên "tĩnh" rồi mới bắt đầu sáng tạo.

Mỗi người một tạng, miễn sao nhà văn phải mang đến cho bạn đọc một niềm hứng khởi, một sự thú vị đủ để họ chờ đợi các trang viết của mình. Y Ban đi con đường của chị, một cách bản năng, không cần phải quá so đo, tính toán nhìn lên trông xuống. 

Viết theo cách chị muốn, không phải giữ gìn hay lịch sự, nghiêm trang. Nói thế là bởi chúng ta vẫn thường gặp những nhà văn dường như mất quá nhiều thời gian để suy ngẫm về vai trò, trách nhiệm của người cầm bút. Họ tự xếp nghề văn vào bậc danh giá và cách viết của họ mực thước theo kiểu nhà giáo. 

Họ ngại đụng vào những vùng cấm chữ nghĩa, chẳng hạn những ngôn từ thô, tục, đời thường quá họ sẽ hạn chế hay cắt bỏ. Y Ban thì không vậy. Chị tự do hơn trong biểu đạt. Mọi ngôn từ của đời sống được chị trưng dụng vào tác phẩm, và tất nhiên, cả trong đời sống giao tiếp thường ngày, trên Facebook... Thực sự mà nói, không phải ai cũng "chịu được" ngôn ngữ Y Ban đâu. Có người còn sẵn sàng block Facebook Y Ban. 

Nhưng Y Ban chưa bao giờ ngại câu chuyện đó. Chị không có ý định thay đổi. Với chị, những người còn lại bên Y Ban, đọc Y Ban, là những người có khả năng mò sâu dưới tầng ngôn ngữ chị bộc lộ. 

Họ phải là những người hiểu rằng, sau cái vỏ ngôn từ khác biệt của Y Ban, còn có nỗi đau, có tấm lòng, có tình yêu lớn của người cầm bút với cuộc đời. Người ta không thể trở thành nhà văn nếu thiếu đi tình yêu lớn đó. Những giễu nhại, hài hước, châm biếm tưởng chừng thô kệch đôi khi là phía bên kia của nỗi buồn, nỗi đau.

Trên trang cá nhân, có lần Y Ban kể chuyện: "Hôm Chủ nhật vừa rồi bạn mời mình đến Vinhomes Long Biên chơi. Ăn uống trong một không gian đẹp, sạch sẽ và nắng trong veo. Rồi về biệt thự tham quan nhà bạn. Vui ơi là vui. Rồi bạn kể, ban sáng đến nhà cô bạn học cùng trường bên trời Tây chơi, cô giữ lại ăn cơm nhưng bạn nói phải về vì đã hẹn với nhà văn Y Ban. Cô kia nói, sao chị chơi với bà ta à? Viết kinh bla bla bla... chắc ngoài cuộc sống cũng thế". 

Rồi Y Ban nhắn nhủ: "Hỡi trăm ngàn bạn đọc của tớ ơi, tớ nói thật nhá là tớ không có ý định viết để bằng lòng các cậu đâu nhé. Vậy nên cân nhắc kỹ trước khi đọc của tớ, kể cả những kẻ hay rình mò vào trang của tớ để đọc "trộm", kẻo không có đọc xong thì tức giận. Các cụ lại có câu, tức đấm ngực mà "chít" đấy". Văn phong nhí nhảnh kiểu Facebook, nhưng thông điệp của Y Ban thì rất rõ, viết không phải để chiều lòng bạn đọc.

Để hiểu được Y Ban, chắc chắn bạn phải vứt bỏ định kiến ngoài cánh cửa. Khi không còn định kiến, bạn sẽ chấp nhận chị ấy như vốn có. Và bạn chợt nhận ra rằng, Y Ban là người sống thật. Chị không có ý định xây dựng hình ảnh mình cho đẹp, cho long lanh, cho nức tiếng thơm. 

Chị không có khuôn mặt cố định. Vì chị luôn biến ảo. Lúc vui lúc buồn lúc thịnh nộ lúc lãng mạn lúc dở hơi. Lúc làm thơ lúc viết văn xuôi lúc hát hò lúc chém gió đủ mọi đề tài trên truyền hình. Không có gì sang cũng không có gì hèn. Không có gì thấp cũng không có gì cao. Đơn giản thích thì chơi một cuộc. 

Có thể lúc trước vừa đứng chân vào một đội hình nào đó, đôi khi cũng chỉ vì "lòng ham hố tí ti" nhưng rồi chán lại nhảy ra luôn, không ý tứ rào trước đón sau. Tự nhiên, bản năng, không bận lòng quá nhiều việc người khác nhìn mình ra sao hay nghĩ về mình thế nào. Ngẫm kỹ thì đấy là một kiểu sống "Được". Được cho chính chủ nhân - người dám sống theo cách đó.

Bởi cách đó, toàn bộ sự phong phú của đời sống được bộc lộ qua họ. Chẳng phải hầu hết chúng ta thường không dám sống thật theo cảm xúc của mình đó sao. Chúng ta đôi khi cần một khuôn mặt cố định để lấp liếm những sai sót, thiếu hụt, thậm chí tự ti. 

Chúng ta cần một khuôn mặt hoàn hảo để tô vẽ, và giữ nó ổn định trong cộng đồng của mình. Xét đến cùng, cách đó không hề có lợi với một người sáng tạo. Vì bản thân sáng tạo có nghĩa là tự do, là ở ngoài những cái khuôn. Ở ngoài định kiến.

Một vài người nói, chơi lâu với Y Ban sẽ thấy chị không có bí mật. Dường như mọi chuyện trong ngôi nhà của chị, đôi khi trong lòng chị, được giãi bày hết. Tôi thì không nghĩ vậy. Y Ban đơn giản là mở lòng. Chị đã không để mọi giá trị cao hơn nó, không làm mọi thứ trở nên xa và ảo, như cách "thông minh" mà nhiều đàn bà khác hay làm. 

Chính vì vậy, chị là người nhẹ lòng hơn nhiều đàn bà khác. Chị có buồn, nhưng không u uất. Và chị vượt qua những thời khắc khó khăn, những biến cố của đời sống tốt hơn. Hình như với cách sống đó, chị cũng có nhiều bạn bè hơn.

Dăm câu ba điều rồi Y Ban lại tất tả về lại ngôi nhà bên kia bờ sông Hồng của mình. Từ dạo nghỉ hưu, công việc thường ngày của chị là chăm con gà con chó nhà nuôi, chăm hoa chăm cây tự trồng, rồi để mắt cậu con trai đang học trung học, cá tính đến mức hay gây nhiều chuyện phiền lòng để mẹ phải lo lắng. 

Chị bảo: "Đời sống được bao nhiêu nữa mà không buông bỏ. Ai chơi với mình thì mình chơi, ai không chơi cũng không sao. Không có ai thì mình "chơi" với cây, với hoa. Thậm chí là "chơi" một mình. Ở tuổi của tôi, có điều gì là nghiêm trọng nữa. Cứ hồn nhiên với đời mà sống thôi".

Bình Nguyên Trang
.
.