Đại tá - Tiến sỹ Lưu Hồng Hải:

Yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu

Thứ Hai, 22/07/2013, 15:48
Chúng tôi xin được lấy lời bài hát “Yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ để làm tên gọi cho bài viết này về Đại tá – Tiến sĩ – Thầy thuốc ưu tú Lưu Hồng Hải, Viện trưởng Viện Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bởi vì sự so sánh này với ông không hề khiên cưỡng. Cùng với các đồng nghiệp, ông vừa tham gia khám chữa bệnh cho bệnh nhân, lại cùng nhau vừa say mê nghiên cứu khoa học vừa dành nhiệt huyết đào tạo những đội ngũ y bác sĩ kế cận trong ngành Y.

Lần nào “đột kích”, chúng tôi cũng thấy Đại tá – Tiến sĩ – Thầy thuốc Ưu tú Lưu Hồng Hải đang bận bịu với bệnh nhân. Khi thì ông đang thăm bệnh nhân tại giường bệnh. Có lúc bệnh nhân đến tận phòng nhờ ông tư vấn thêm, hoặc những lúc trao đổi nghiệp vụ với các đồng nghiệp đã chiếm khá nhiều thời gian của ông. Qua nhiều lần hẹn, ông mới thu xếp được thời gian dành cho chúng tôi nửa giờ trò chuyện.

Nghề chọn người

Anh thanh niên quê xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, xứ Thanh chẳng hề có một chút kiến thức “i-tờ” nào về ngành Y, thậm chí anh cũng không hề có suy nghĩ trong đầu phải tìm hiểu về ngành này. 17 tuổi, anh nhập ngũ, qua huấn luyện tân binh, được cử đi học y tá, rồi học Trường Trung cấp Quân y Hữu ngạn – Quân khu 3. Những kiến thức ban đầu được vỡ vạc, anh biết sơ bộ các thuật ngữ của y tế trong phục vụ chiến đấu cứu chữa thương bệnh binh như kỹ thuật cấp cứu, chăm sóc thương binh phục vụ chiến trường.

Từ thực tế tham gia quân đội những năm chiến tranh, với những kiến thức ban đầu, như mưa dầm thấm lâu, cộng với tinh thần ham học hỏi, những kiến thức về y khoa dần được bồi lấp trong lòng người thanh niên cần cù ham học. Từ tháng 10/1975 đến tháng 1/1982, Lưu Hồng Hải đi học ở Học viện Quân y.

Trong quá trình học, anh đã cùng với các thầy tham gia cứu chữa cho nhiều thương, bệnh binh nặng trong chiến tranh năm 1975 và chiến tranh biên giới năm 1979 được đưa về Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Chính nơi đây, Lưu Hồng Hải đã học được nhiều kinh nghiệm xử lý vết thương.

“Trong hơn 6 năm đào tạo chính quy, được học nội trú về Ngoại khoa, tôi đặc biệt ham thích về ngành Chấn thương chỉnh hình”. Được sự dìu dắt của những chuyên gia đầu ngành về Chấn thương - Chỉnh hình của Quân đội là PGS Bùi Trung và PGS.TS Nguyễn Ngọc Liêm (nguyên Chủ nhiệm Khoa Chấn thương - Chỉnh hình), Lưu Hồng Hải rất tích cực hăng say học tập và làm việc. Ông tâm sự rằng chính phong cách giảng dạy vừa nghiêm túc vừa khắt khe của các thầy đã khiến ông mau chóng trưởng thành. Và không biết tự lúc nào, lòng đam mê nghề nghiệp đã khiến Lưu Hồng Hải trở thành “môn đệ” của các thầy.

Người “môn đệ” ấy từng bước trưởng thành, trở thành Bác sĩ, Chủ nhiệm khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Viện Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ông còn bảo vệ thành công học vị Tiến sĩ, được Nhà nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Đại tá Lưu Hồng Hải còn cùng các đồng nghiệp tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn như: Nghiên cứu một số chi tiết ứng sử dụng trong chấn thương chỉnh hình bằng thép không gỉ sản xuất trong nước (Đề tài cấp Nhà nước; đã nghiệm thu); Ứng dụng nội soi trong chẩn đoán và điều trị tổn thương khớp gối (Đề tài cấp Bộ; đã nghiệm thu); Ứng dụng vi phẫu thuật trong điều trị khuyết hổng lớn ở chi thể (Đề tài cấp Bộ; đã nghiệm thu)...

Càng gần người bệnh lòng yêu nghề càng tăng lên

Bác sĩ Lưu Hồng Hải chia sẻ: “Lòng đam mê ngành Y xuất phát từ thực tế công việc, sự đòi hỏi của nghề nghiệp cho nên càng được tôi luyện theo thời gian, lòng đam mê cứu chữa người bệnh, yêu nghề ngày càng tăng lên”.

Tháng 10-1986, bác sĩ Lưu Hồng Hải được về công tác tại Bệnh viện 108. Chính tại Khoa Chấn thương - Chỉnh hình (Khoa B1), một lần nữa ông tiếp tục nhận được sự dìu dắt của các thầy. Chính từ tấm gương của GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân (nguyên Chủ nhiệm Khoa Chấn thương - Chỉnh hình) đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm đẹp, ấm lòng mà khi kể lại cho chúng tôi nghe, dù 20 năm đã qua, mà vẫn còn vẹn nguyên như mới hôm qua.

Năm 1993, ông tham gia đoàn phẫu thuật nhân đạo, thuộc Dự án của Ford và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tài trợ phẫu thuật cho thiếu niên nhi đồng là nạn nhân nhiễm độc chất độc da cam do Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đoàn do GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân dẫn đầu để đi xuống các bệnh viện huyện của tỉnh Quảng Bình, bệnh viện huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đến cả những bệnh viện ở giáp biên giới Camphuchia để mổ cho từng nạn nhân nhỏ tuổi này. 

Mặc dù tuổi cao, (năm ấy GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân đã 70 tuổi) người thầy khả kính ấy thường đi đến từng bệnh nhân để thăm hỏi, động viên sau khi mổ cho bệnh nhân. Không những vậy, GS còn theo dõi sát diễn biến sau phẫu thuật để đề phòng xảy ra biến chứng, có thể khắc phục kịp thời, tránh để lại hậu quả xấu hoặc những di chứng không đáng có trên thân thể người bệnh. Chính sự từ tâm của người thầy thuốc, trong đợt phẫu thuật ở 3 tỉnh với khoảng 80 bệnh nhân mà không có trường hợp nào bị tai biến hoặc biến chứng, 100% đảm bảo an toàn và có chất lượng.

Một điều bất ngờ hơn nữa là với những bệnh nhân ấy, 10 năm sau GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân vẫn giữ tài liệu để theo dõi và nghiên cứu. “Đó chính là những ấn tượng về thầy, về cách làm việc và thu thập tài liệu tổ chức nghiên cứu khoa học, phấn đấu vì sự phát triển của ngành Y. Điều này gây ấn tượng mãi đối với chúng tôi đến ngày nay”.

Ngành Chấn thương đã có lịch sử lâu năm trong ngành Quân y nước ta, trải qua rất nhiều thế hệ các giáo sư, bác sĩ có trình độ chuyên môn được thế giới ghi nhận như GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, Bác sĩ Trần Bảo, Bác sĩ Trương Công Cán, PGS.TS Nguyễn Ngọc Liêm... đến đội ngũ các bác sĩ hiện nay như GS.TS Nguyễn Tiến Bình, PGS.TS Nguyễn Việt Tiến... Riêng về sự phát triển của lĩnh vực Chỉnh hình thì phải đến những năm sau đổi mới, khi có sự giao lưu quốc tế, chúng ta mới tiếp cận được với các kỹ thuật cao như nội soi khớp, thay khớp, phẫu thuật thay khớp... vi phẫu thuật điều trị cho nhiều bệnh nhân thay khớp hằng năm.

Hiện nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, Viện Chấn thương - Chỉnh hình (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) đã áp dụng nhiều công nghệ mới, chất liệu mới vào phẫu thuật như vật liệu siêu bền áp dụng trong điều trị, phẫu thuật, thay khớp, đưa lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân.

Nhắc đến Đại tá – Tiến sĩ – Thầy thuốc Ưu tú Lưu Hồng Hải, người ta biết ngay tới một chuyên gia có “bàn tay vàng” về chỉnh hình. Khi chúng tôi hỏi ông có gặp phải trường hợp nào ông thấy khó khăn không?. Không ngần ngại, ông chia sẻ: “Trong thực tế chúng tôi đã gặp nhiều ca phẫu thuật khó với điều kiện các loại khớp nhân tạo hiện có thì chưa thể tiến hành phẫu thuật. Những ca nặng di chứng dị tật đòi hỏi vật liệu khớp đặc biệt thì ở trong nước chưa đáp ứng được. Đặc biệt những khớp chỉnh dựng cho u xương lành tính, ác tính gây mất đoạn xương lớn Việt Nam chưa có”. Chính điều này khiến ông trăn trở: “Hướng phát triển sắp tới, chúng tôi phải nghiên cứu phát triển vật liệu mới, hợp tác với các nước phát triển cũng như công ty cung ứng vật tư tạo ra sản phẩm khớp nhân tạo phục vụ bệnh nhân”.

Đại tá – Tiến sĩ – Thầy thuốc Ưu tú Lưu Hồng Hải sinh năm 1954, tại Thọ Lâm - Thọ Xuân - Thanh Hóa; Bác sĩ điều trị khoa B1- Bệnh viện TƯQĐ 108 (1985-2004); Bác sĩ Chủ nhiệm khoa B1-3, Viện Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương QĐ 108 (2004- đến nay)

Khải Đăng
.
.