Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac: Quá khứ bám theo chân

Thứ Năm, 07/10/2010, 16:00
Rốt cuộc thì có lẽ cựu Tổng thống  Pháp Jacques Chirac cũng không thể thoát được khỏi việc phải đối mặt với một án tù. Sau rất nhiều lình xình và hư đoán, cuối cùng ngày 21/9/2010, luật sư riêng Jean Veli của ông cũng đã phải tiêt lộ cho công luận biết rằng, tới tháng giêng hoặc tháng hai năm 2011, cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac sẽ phải ra tòa để đối diện với lời buộc tội đã lãng phí công quỹ.

Có lẽ đã không ngẫu nhiên mà năm 2007, trong bài phát biểu giữa từ Điện Élysée, ông Chirac đã gọi người Pháp là "một dân tộc có đòi hỏi cao nhất thế giới". Ông Chirac là vị Tổng thống duy nhất trong lịch sử nước Pháp hiện đại phải chịu hình thức "kỷ luật" này.

Không có gì bị quên lãng

Lời buộc tội đối với nhà chính trị gia lão thành đã ở tuổi 78 (ông sinh ngày 29/11/1932) này của nước Pháp không liên quan tới giai đoạn ông làm Tổng thống mà là giai đoạn ông còn làm Thị trưởng Paris. Theo đó, từ năm 1992 tới năm 1995 (những năm cuối cùng trên cương vị "anh cả thủ đô"), ông Thị trưởng Chirac đã 21 lần ký thanh toán những hóa đơn ngụy tạo cho những người thân cận của mình thuộc giới bảo thủ vì những công việc "ma", không được hoàn thành trong thực tế. Trong vụ việc này cùng bị buộc tội với ông Chirac còn có 9 người nữa.

Cáo trạng cho biết, chính trong khoảng thời gian trên, để củng cố vị thế chính trị của mình trong cuộc chạy đua tới chức Tổng thống, Thị trưởng Chirac đã sử dụng ngân sách thành phố vào các hoạt động chính trị cá nhân. Các chi phí này đã được ghi nhận như tiền thù lao và lương cho  21 nhân viên của tòa thị chính, mặc dầu trong thực tế những người này không hề làm những việc gì đáng được nhận tiền công quỹ. Hơn thế nữa, một số đồng chí cùng đảng với ông Chirac còn được thăng chức một cách không xác đáng trong ngạch nhà nước…

Theo tờ báo Anh The Daily Telegraph, số tiền mà ông Chirac đã thanh toán cho thuộc hạ theo những hóa đơn giả mạo tương đương với khoảng 2,2 triệu euro. Cũng tờ báo này cho biết, đương kim Thị trưởng Paris, Bertrand Delanoe, đã đồng ý hủy giấy gọi của tòa án nếu ông Chirac chấp nhận đền bù cho công quỹ thủ đô Pháp số tiền đã bị lãng phí.

Đảng cầm quyền Liên minh vì phong trào nhân dân (Union pour un Mouvement Populaire, viết tắt là UMP) hữu khuynh đã chấp nhận thanh toán phần lớn số tiền trên thay cho cựu Tổng thống, nhưng bản thân ông Chirac vẫn cần phải tự thanh toán số tiền còn lại vào khoảng 550 nghìn euro… Thế nhưng, như The Daily Telegraph nhận định, ngay cả trong trường hợp toàn bộ số tiền đã bị coi là lãng phí được bồi hoàn thì ông Chirac vẫn không thể thoát khỏi cảnh phải ra tòa…

Theo dự kiến, phiên tòa có sự tham gia của cựu Tổng thống Pháp lẽ ra sẽ được tiến hành vào tháng 11 năm nay.  Tuy nhiên, theo lời của luật sư Veli, phiên tòa chỉ có thể bắt đầu vào đầu năm 2011 vì hiện nay, tòa án thành phố Nanterre vẫn chưa kết thúc xem xét một vụ việc khác mà ông Chirac cũng bị dính líu.

Năm 2009, thẩm phán điều tra Xaviere Simeoni đã yêu cầu ông Chirac phải hầu tòa bằng lời buộc tội chiếm đoạt công quỹ và lạm dụng tín nhiệm. Vụ việc này cộng với lời buộc tội của tòa thị chính Paris đòi ông Chirac bồi thường 2,2 triệu euro hiện đã được hợp nhất thành một tiến trình kiện tụng hình sự và dân sự.

Theo lời luật sư Veli, ông Chirac sẵn sàng ra trước tòa để biện minh cho sự vô tội của mình. Và việc đảng cầm quyền Liên minh vì phong trào nhân dân đồng ý bồi hoàn lại cho tòa thị chính Paris tiền không có nghĩa là công nhận rằng ông Chirac đã phạm tội tham nhũng...

Vụ điều tra về những lãng phí của ông Chirac đã được bắt đầu từ năm 2007, sau khi ông rời khỏi điện Élysée và không còn quyền bất khả xâm phạm nữa. Và như thế, ông Chirac sẽ trở thành Tổng thống đầu tiên của nước Pháp bị lôi ra tòa vì những sơ sảy trong quá khứ. Nếu tòa án chứng minh được tội của ông thì ông có thể sẽ bị kết án tới 10 năm tù và phải nộp tiền phạt tới 150 nghìn euro…

Thực ra, vụ việc lạm dụng công quỹ đang gây ầm ĩ hiện nay không phải là sự cố đầu tiên mà ông Chirac đã buộc phải dính líu. Ngay cả khi còn ngồi trong Điện Élysée, ông Chirac cũng đã phải đối mặt với những lời buộc tội tương tự.

Tuy nhiên, với vị thế nguyên thủ quốc gia, ông Chirac lúc đó đã gạt được ra ngoài mọi nguy cơ. Mọi sự đã đổi khác khi ông Nikolas Sarkozy đã bước vào Điện Élysée mà theo dư luận nói, không có sự hỗ trợ tích cực của ông Chirac, một người cùng đứng trong đảng UMP.

Họa vô đơn chí, không chỉ riêng ông Chirac mà cả vợ và con gái của ông đều đã bị bêu tên trên báo chí về những liên quan tới các vụ xử án tham nhũng dưới thời ông cầm quyền. Và mặc dù ông Chirac đã tránh khỏi không bị liên can trực tiếp đến những vụ xử án đó, nhưng một số cựu đồng minh và cộng sự của ông đã bị kết án vì tội tham nhũng…

Một nhân vật lớn

Muốn nói gì thì nói, trong lịch sử hiện đại của nước Pháp, ông Chirac vẫn là một trong những nhân vật gây được ấn tượng mạnh mẽ nhất. Đứng ở bất cứ góc độ nào thì cũng phải công nhận, đây là một chính trị gia có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX.

Ông Chirac đã có tổng cộng 18 năm làm Thị trưởng Paris, từ năm 1977 tới năm 1995. Thị trưởng Chirac, nói một cách công bằng, đã làm được rất nhiều việc để phát triển "kinh đô ánh sáng". Chính trong những năm ông làm thị trưởng, Paris đã từ chỗ là một trong những thủ đô bẩn nhất châu Âu trở thành một thành phố xanh, sạch, đẹp, rất tiện nghi đối với mọi người.

Thị trưởng Chirac đã thực hiện được một chương trình cho phép xây dựng hàng trăm, hàng nghìn ngôi nhà mới đầy đủ tiện nghi hiện đại nhưng lại rất hài hòa với hình ảnh lịch sử truyền thống của Paris.  Ông đã mở ra hàng nghìn việc làm cho các cư dân ở thủ đô.

Ông cũng đã thiết lập lại trật tự, bằng bàn tay sắt trấn áp được những đốm lửa khủng bố nhập khẩu từ bên ngoài vào thủ đô Pháp. Và ông đã đạt được mục tiêu chính yếu: thuyết phục các cử tri Pháp trong việc bầu Thị trưởng Paris (là ông!) làm Tổng thống Pháp…

Đắc cử Tổng thống lần đầu vào năm 1995 và tái đắc cử lần 2 vào năm 2001, ông Chirac đã tiến hành chính sách theo chủ nghĩa De Gaulle (Gaullisme), nâng cao vị thế của nước Pháp trên vũ đài châu Âu, duy trì khoảng cách hợp lý trong các mối quan hệ với Washington…

Paris dưới thời Tổng thống Chirac đã từ chối ủng hộ chiến dịch quân sự do Mỹ phát động ở Iraq. Cùng với Thủ tướng Đức lúc đó là ông Gerhard Schroeder, ông Chirac đã là một trong những lãnh đạo hàng đầu lên tiếng phản đối cách hành xử "ông kễnh" và quan phương của Nhà Trắng với Tổng thống George Bush trong quan hệ với đất nước Iraq dưới chính thể của Tổng thống Hussein.

Ông đã phê phán quan điểm trong một nghị quyết được đưa ra trình Hội đồng Bảo an LHQ dưới sức ép khổng lồ từ phía Washington, cho phép dùng vũ lực để loại bỏ cái gọi là vũ khí hủy diệt hàng loạt mà phương Tây cho rằng đang được Iraq sở hữu. Ngày 18/3/1003, với tư cách Tổng thống Pháp, ông Chirac đã thẳng thừng tuyên bố: "Iraq ngày nay không phải là một mối đe dọa trước mắt khiến cần phải có một cuộc chiến lập tức"…

Tất nhiên, Paris không phải sức mạnh có thể cản trở được Washington tiến bước trong những tham vọng siêu cường của họ nhưng dẫu sao, một thái độ cứng cỏi như vậy của người đứng đầu nước Pháp khi đó cũng làm gia tăng thêm sự tôn trọng đối với họ từ phía cộng đồng quốc tế…

Trong Điện Élysée, Tổng thống Chirac không chú trọng nhiều tới những bữa tiệc chính thức xa hoa, mà thích duy trì mối liên hệ với xã hội bằng những hoạt động thân mật, ấm cúng hơn. Một nhà báo Pháp đã từng đưa ra thống kê, trong 15 tháng đầu tiên sau khi trở thành nguyên thủ quốc gia, ông Chirac chỉ tổ chức 4 buổi tiếp tân lớn và một số bữa trưa chính thức tiếp các nhà lãnh đạo quốc gia.

Thế nhưng, ông đã tham gia rất nhiều "cuộc gặp thính phòng" với các văn nghệ sĩ và đại diện giới trí thức Pháp và quốc tế. Theo ông, gặp họ thú vị hơn vì họ giúp ông thấu hiểu được không khí nghệ thuật trí thức đương đại…

Sau khi rời khỏi chính trường năm 2007, ông Chirac vẫn là một nhân vật thu hút được sự chú ý cao ở Pháp. Theo một cuộc điều tra xã hội do Viện Quốc gia  IFOP tiến hành, ông Chirac đã được bình chọn là chính trị gia được yêu thích nhất năm 2009 với 78% số phiếu ủng hộ giữa những người được hỏi ý kiến. Trong khi đó đương kim Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy chỉ được xếp ở vị trí 29.

Cho tới hôm nay, các cuốn hồi ký của ông Chirac vẫn là một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý nồng nhiệt của xã hội Pháp. Các đồng minh chính trị của ông cũng đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Thí dụ, chính trị gia Fransois Baroin, một nhân vật rất trung thành với ông Chirac và hiện đang giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong nội các của Tổng thống Sarcozy, theo nhiều nhà quan sát, đang có triển vọng lớn để trở thành vị Tổng thống tiếp theo của nước Pháp…

Theo các nhà quan sát, mặc dầu việc ông Chirac sẽ phải ra tòa vào đầu năm 2010, nhưng khả năng ông bị kết án tù là rất nhỏ

Hoàng Oanh
.
.