U.19 trong vòng tay thầy Nhật

Thứ Hai, 16/03/2015, 16:58
Trong vòng tay thầy Nhật, trong lần đầu tiên được thả vào một thế giới khác hẳn cái thế giới mà mình gắn bó trước đây, mong là những hạt mầm U.19 sẽ được vun bón thành cây, và sẽ có ngày đâm chồi nảy lộc thay vì bị bẻ gãy bằng những định kiến và những suy nghĩ ích kỷ của chính những người... trồng cây!

U.19 ở đây là một khái niệm, ám chỉ lứa cầu thủ đầu tiên của học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG, và chắc chắn khái niệm này sẽ còn trở đi trở lại trong trí nhớ nhiều người bất luận việc các cầu thủ rồi sẽ trở thành U.20, U.22, U.23. Hiện tại, khi U.19 đang rơi vào toạ độ U.20 thì nó đang đối diện với một cột mốc, một ngã rẽ mà chắc chắn sẽ có những tác động ghê gớm lên quá trình trưởng thành của mình mai sau: Lần đầu tiên được làm việc cùng thầy Nhật Toshiya Miura ở Đội tuyển Olympic Việt Nam.

Lứa U.19 của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường có xa lạ với thầy Nhật không? Câu trả lời là không, vì năm ngoái, khi họ đang đá giải U.22 Đông Nam Á ở Brunei thì thầy Nhật Miura cũng từng có một chuyến bay nhanh từ Việt Nam qua Brunei xem xét binh tình.

Trong tư cách HLV trưởng ĐTQG Việt Nam và ĐT Olympic Việt Nam, ông Miura hồi ấy tế nhị khước từ mọi đánh giá về lứa U.19 dưới trướng của ông thầy người Pháp Guillaume Graechen, nhưng không biết vô tình hay hữu ý mà trong một buổi tập của U.19, Miura lại xỏ giày chạy vài chục vòng quanh sân rồi giải thích với giới phóng viên: “Tôi có thói quen tập luyện, duy trì thể lực cá nhân ấy mà”.

Chuyện kể rằng khi thấy một ông thầy trên 50 tuổi chạy bền bỉ, khoẻ khoắn như thế, nhiều cầu thủ U.19 đã mắt tròn mắt dẹt, và trong câu chuyện trên bàn ăn buổi tối hôm đó nhiều cầu thủ đã cùng lao vào bàn tán một chủ đề: “Điều gì đã khiến ông Miura có thể lực phi thường?”. Và đấy cũng có thể coi là sự hiện diện đầu tiên - một sự hiện diện đầy tính trực quan sinh động của thầy Nhật Miura trong lòng các cầu thủ U.19.

Vài tháng sau, khi Miura cầm ĐTQG Việt Nam tham dự AFF Suzuki Cup thì nghe đâu ông cũng đã có ý định gọi một vài cầu thủ U.19 tài năng vào ĐT nhưng được cha đẻ của lứa cầu thủ này - ông bầu Đoàn Nguyên Đức khuyên không nên thực hiện vì “môi trường ĐT phức tạp, dễ làm hỏng lũ trẻ với tâm hồn trắng trong như tờ giấy”. Sau này chúng tôi nhiều lần gặng hỏi cá nhân ông Miura xem chuyện này có thật không thì ông đều không trả lời thẳng vào câu hỏi. Nhưng bây giờ thì mọi thứ đã thành sự thật - thật 100%: Có tới 9 cầu thủ thuộc lứa U.19 Hoàng Anh Gia Lai được Miura gọi vào ĐT Olympic, chuẩn bị tham dự vòng loại U.23 châu Á vào tháng 3 này.

Dưới trướng Miura, hy vọng Công Phượng sẽ lớn lên nhiều.

Câu hỏi đặt ra: Miura đã ứng xử như thế nào với những hạt giống U.19?

Về phương diện tâm lý, dễ thấy Miura đang cố bình thường hoá một thế hệ cầu thủ mà truyền thông, dư luận và cả những người sinh ra lứa cầu thủ này không ngừng ngợi ca. Bằng chứng là cái băng đội trưởng của ĐT Olympic không được trao cho Công Phượng hay Tuấn Anh - những cái tên U.19 cực kỳ tiêu biểu, mà được trao cho một cái tên lặng thầm khác. Rồi ông tách 9 cầu thủ U.19 thành từng nhóm nhỏ, buộc mỗi nhóm phải ăn, phải ở, phải sát cánh bên cạnh những cầu thủ đến từ những CLB khác - những người mà lần đầu tiên họ được tiếp xúc.

Về phương diện chuyên môn, một tuần đầu tiên hội quân, ông Miura đã tiếp tục áp dụng cái phương pháp huấn luyện vốn được coi là “đặc sản” Miura: tập không bóng, tập nặng, thậm chí là cực nặng để nâng cao thể lực học trò. Chính những cầu thủ U.19 như Văn Toàn, Tuấn Anh đã thừa nhận với báo giới là ở ĐT U.19 trước đây và CLB Hoàng Anh Gia Lai hiện nay, dưới trào thầy Pháp Guillaume Graechen, họ không tập không bóng nhiều như thế, và không phải chịu một cường động vận động khủng khiếp như thế.

Khi phải thực hiện những bài tập chạy rất nặng của Miura, chắc chắn các cầu thủ U.19 sẽ nhớ lại cái lần đầu tiên được nhìn Miura - một Miura 50 tuổi - một Miura mà thời còn làm cầu thủ chỉ là một cầu thủ hạng trung bình Nhật Bản chạy bền bỉ, khoẻ khoắn vài chục vòng sân trên đất Brunei năm ngoái. Và đến lúc này thì có lẽ họ đã lờ mờ trả lời được câu hỏi mà mình từng đặt ra: Vì sao ông Miura khoẻ thế?

Sẽ là không thừa nếu nhắc lại rằng thể lực chính là một trong những điểm yếu căn cốt, điểm yếu chí mạng của lứa U.19 kể từ ngày trình làng ở giải U.19 Đông Nam Á 2013 tới nay. Vì yếu thể lực nên những Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh... chỉ thường đá hăng say trong khoảng 60 phút rồi cứ thế vỡ dần trong khoảng 30 phút cuối trận.

Điều ấy lý giải vì sao ĐT U.19 trước đây và CLB Hoàng Anh Gia Lai hiện nay thường xuyên thua bàn quyết định trong khoảng thời gian cuối các trận đấu, trong đó có những trận thua khiến cơ trưởng Guillaume Graechen tức tối đến mức đấm thẳng tay vào cabin huấn luyện, mà trận chung kết U.19 Đông Nam Á mở rộng 2014 bại binh trước U.19 Nhật Bản ngay trên sân Mỹ Đình là một dẫn chứng điển hình.

Vẫn ở giải đấu này, khi cánh báo giới đề cập tới điểm yếu thể lực của cầu thủ U.19, Guillaume Graechen tỏ ý không vừa lòng, nhưng sau đó thì cấp trên của Graechen - ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã phải cấp tốc ký hợp đồng với một chuyên gia thể lực người Pháp.

Nghe đâu bản hợp đồng giữa bầu Đức với chuyên gia này có điều khoản qui định ông phải giúp các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai chạy được từ 10 đến 12 Km/ trận  để đảm bảo đúng chỉ số bình quân của các cầu thủ châu Á hiện nay (chỉ số bình quân ở V.League chỉ là 5-6 Km/ trận).

Trong khi cuộc cách mạng thể lực của chuyên gia Pháp ở Hoàng Anh Gia Lai chưa cho ra đáp số cuối cùng thì lại có 9 cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai đang bất đắc dĩ đi theo kiểu huấn luyện thể lực theo... phong cách Miura. Và người ta sẽ đợi những trận đấu ở vòng loại giải U.23 châu Á vào tháng 3 này để xem phương pháp thể lực Miura có giúp lứa U.19 và cả cấp trên của lứa U.19 sáng ra những ý tưởng mới mẻ nào không.

Bên cạnh những khác biệt về vấn đề huấn luyện thể lực, trong vòng tay của thầy Nhật Miura, những cầu thủ U.19 cũng bước đầu phải làm quen với một triết lý chơi bóng mới. Không còn một thứ bóng đá mang nặng màu sắc kĩ thuật, nơi mà những cánh chim đầu đàn như Công Phượng luôn được khuyến khích thực hiện những pha đi bóng cá nhân như dưới trào thầy Pháp Graechen, dưới trào Miura tất cả các cầu thủ đều bị “ép” phải đá nhanh, thậm chí là chỉ đá 1-2 chạm  và phải di chuyển rộng khắp mặt sân.

Trả lời báo chí, mặc dù Miura đã bảo vệ Công Phượng bằng câu nói  “Không thể nói cậu ấy không phù hợp với triết lý của tôi” nhưng tất cả những ai chứng kiến những buổi tập chiến thuật và cả những trận giao hữu mới đây của ĐT Olympic Việt Nam đều không khó nhận ra Công Phượng đang phải đối diện với cả một núi vấn đề.

Sẽ là không quá lời nếu bảo từ vòng tay thầy Pháp Graechen đến vòng tay thầy Nhật Miura, từ màu áo ĐT U.19 Quốc gia và CLB Hoàng Anh Gia Lai đến màu áo ĐT Olympic Việt Nam, những cầu thủ U.19 giống như những người đang đi từ một thế giới này tới một thế giới khác.

Và trong sự dịch chuyển giữa hai thế giới, chắc chắn sẽ xảy ra hai khả năng: 1- Những cầu thủ U.19 sẽ không thể phù hợp với thế giới mới nên ngấm ngầm tìm mọi cách để quay trở lại thế giới của mình, và từ giờ đến cuối đời cầu thủ có thể họ chỉ sống được và thở được ở cái thế giới đặc trưng này thôi. 2- Họ sẽ “vỡ” ra hàng loạt những điều mà trước đó họ chưa bao giờ nghĩ tới, từ đó nhìn thấy mình đang thực sự thiếu gì, khủng hoảng gì, cần phải tiếp tục trau dồi những gì để phát triển một cách lành mạnh và đột biến.

Trong cả hai trường hợp này, ở cuộc dịch chuyển thế giới mang tính chất nhạy cảm, bản lề này, vai trò tự nhận thức của các cầu thủ là điều rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém còn là vai trò tư vấn, hướng đạo của những người ruột rà với cầu thủ cả ở góc độ chuyên môn lẫn góc độ tình cảm. Bởi nói gì thì nói, với quy trình đào tạo đặc biệt trong gần 10 năm qua thì bây giờ họ mới chỉ là những sản phẩm tối ưu của một lò xay lý thuyết, mà đòi hỏi những sản phẩm đi ra từ lò xay lý thuyết có thể tự nó hiểu và ngấm được những vấn đề mang tính đời sống điển hình là một đòi hỏi có phần ảo tưởng.

Trong vòng tay thầy Nhật, trong lần đầu tiên được thả vào một thế giới khác hẳn cái thế giới mà mình gắn bó trước đây, mong là những hạt mầm U.19 sẽ được vun bón thành cây, và sẽ có ngày đâm chồi nảy lộc thay vì bị bẻ gãy bằng những định kiến và những suy nghĩ ích kỷ của chính những người... trồng cây!

“Chúng tôi muốn đá thứ bóng đá của mình...”

Khi ngồi cùng thầy ruột của lứa U.19 - HLV Guillaume Graechen, người viết bài này từng đặt câu hỏi: “Ông nghĩ gì nếu một ngày những học trò của mình phải sống trong một môi trường huấn luyện khác xa so với môi trường ông đã tạo ra?”.

Câu trả lời của ông Graechen lúc đó: Đấy cũng là chuyện bình thường thôi mà. Rồi họ sẽ lớn lên, và sẽ phải va đập, làm quen với nhiều triết lý bóng đá khác nhau. Sau khi trải qua một quá trình va đập như thế, họ sẽ chỉ thực sự trưởng thành nếu đến một lúc nào đó có thể tự tin nói với chính những người huấn luyện mình rằng: “Chúng tôi muốn đá theo cách của chúng tôi. Chúng tôi muốn đá thứ bóng đá của chúng tôi”.

Mới đây, trả lời phỏng vấn báo giới, ông Graechen cũng tỏ ra rất tự hào khi CLB Hoàng Anh Gia Lai của mình đóng góp tới 9 cầu thủ cho ĐT Olympic Quốc gia, qua đó những trò cưng của ông cũng sẽ có cơ hội làm quen, cọ xát mà theo đánh giá của ông là “cực kỳ bổ ích”. 

Phan Đăng
.
.