Ơ hay, nghe cũng được đấy chứ?

Thứ Bảy, 05/12/2015, 12:07
Ngày chủ nhật. Ngày của sự náo nức. Cắm cúi viết bài, càng nhanh, càng tốt. Khép lại mọi việc. Tất thảy bỏ lại đàng sau. Không vướng bận gì. Phóng xe ra khỏi nhà. Một chỗ ngồi. Rượu đỏ. Thời gian trôi qua. Không bận tâm. Ngấu nghiến từng giây phút. Một ngày. Hoan lạc. Mê đắm. Rã rời. Rồi chìm vào mộng mị tan hoang như lạc bến xa bờ mưa nguồn trút gió.

Mấy chủ nhật rồi? Đã không còn cảm giác ấy. Từng ngày lầm lũi với con chữ. Không một thúc giục gì. Không một náo nức gì. Một ngày ngắn ngủi. Một ngày dài thăm thẳm. Cũng là ngày. Cũng hình bóng của chính y hiện diện trong đời sống này. Một hình bóng. Nhạt nhẽo quá. Một cá tính không rõ nét. Không chính kiến. Giữa muôn trùng đời sống, y chỉ lướt qua như ảo ảnh.

Sáng nay, nhận điện thoại của anh Trần Thanh Phương - nhà sưu tập lớn nhất của Việt Nam về nhiều thể loại báo chí. Các bài báo, vợ chồng anh cắt, dán và lưu trữ theo từng chủ đề. Cả hàng trăm tập chất đầy trong nhà. Kho tài liệu này, nếu có người biết khai thác sẽ hữu ích biết bao nhiêu. Ròng rã mấy chục năm trời, từ năm 1973 lúc còn ở Hà Nội, vợ chồng anh đã bền bỉ với công việc lặng lẽ. 

Nhà thơ Chế Lan Viên khen: “Trên đời mình thích nhất hai loại người: người có tài và người có tài liệu. Phương có tài hay không mình chưa biết nhưng Phương có tài liệu”. Từ khi tư liệu này, anh đã nghiên cứu viết nhiều tập sách, đáng lưu ý nhất là bộ bút tích, chữ ký, chân dung các nhà văn Việt Nam.

Nhìn hình ảnh nhà văn, tự nó đã hấp dẫn, bởi làm nên diện mạo ấy, đàng sau còn là bề dày của tác phẩm. Mỗi thời mỗi khác. Nhiều tay nhiếp ảnh hàng đầu hiện nay quan tâm, “săn” hình ảnh khác hơn là gương mặt nhà văn. Nghĩ cũng đáng tiếc.

Có những người bạn, có khi vài năm trời chẳng gặp nhau, chỉ thỉnh thoảng điện thoại lúc cần thiết. Trong số đó có anh Trần Thanh Phương. Anh bảo: “Sáng nay, anh Phương đã đọc bài thơ Ngày mới An May của Q trên Thanh Niên. Anh Phương thích lắm. Cho anh Phương hỏi, Q lấy từ điển tích, điển cố gì?”. Ủa, tại sao anh nghĩ vậy nhỉ? “Thì Q hay nghiên cứu nên anh nghĩ thế”. Bèn cười xòa: “Chẳng phải đâu anh, đó là tên đứa cháu. Viết cho nó, mong muốn nó giữ niềm đam mê vẽ vời”. Anh cười ha hả và lại nói lắp như mọi lần: “Vậy à! Vậy à!”.

Trong sáng tạo nghệ thuật, khi xây dựng hình tượng nhân vật, dù vẽ về ai, viết về ai thì cuối cùng sâu thẳm nhất trong tâm hồn vẫn là sự gửi gắm nỗi niềm của chính mình. Nguyễn Du bùi ngùi xót thương thân phận nàng Kiều: Khi sao phong gấm rũ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường cũng chính nói về mình. 

Nghệ thuật có sức hấp dẫn, ma mị, quyến rũ bởi ở đó dấu ấn cá nhân để lại nhiều nhất. Hầu hết con người ta khi sinh ra đời không đi trọn vẹn con đường trên mặt đất. Chỉ là một bóng mờ nhạt, Không tăm tích. Không dấu vết. Sự có mặt của đám đông, về sau, chẳng có một ý nghĩa gì. Chúng ta lẫn lộn, mờ nhạt, heo hút trong đám đông đó. Ngược lại, có những con người ngay từ lúc đồng hành, hiện diện trong cõi người, họ đã hoàn thành sứ mệnh đời người. Vì lẽ đó, họ không mất đi. Vẫn còn hiện diện mãi trong cõi Vô Danh này.

Ngày chủ nhật. Ngoài trời nắng đẹp quá. Mà trong lòng lại trống rỗng như tiếng kèn đồng đã chấm dứt tiếng reo vui. Chẳng còn một náo nức gì để chạy đua với thời gian. Chẳng còn một một hẹn hò sẽ mở ra thăm thẳm một con đường hoa trái hoan lạc. Vì lẽ đó, đôi lúc cảm thấy đời sống tẻ nhạt quá. Sự tẻ nhạt lớn nhất là lúc con người ta không tha thiết chờ đợi một điều gì. Ấy thế, tại sao lúc nào cũng chẳng có thời gian dành cho bạn bè, cho chính mình? Vô lý quá.

Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp vừa từ Hà Nội vào, đã hẹn một cuộc gặp mặt nhưng rồi cũng không thể. Ngay với nhà biên kịch Đoàn Tuấn cũng thế, chỉ là buổi cà phê sáng. Ai cũng vội. Mà chẳng rõ vội vì cái lẽ gì nữa. Phải chăng nhịp sống hiện đại, tự nó đã cuốn người ta trôi đi, trôi đi không gì cưỡng lại được?

Có lẽ, Trần Tuấn Hiệp là người trước nhất (?) và cũng thành công nhất khi thực hiện lối làm phim tài liệu: đạo diễn xuất hiện cùng nhân vật với tư cách là người dẫn chuyện. Hầu hết phim của Hiệp không có kịch bản trước, anh thể hiện như sự việc đang diễn ra, không sắp xếp, chuẩn bị trước mà lúc xem cực kỳ hấp dẫn. Anh đã làm Ký sự Đăk Lăk (12 tập), Sài Gòn du ký (20 tập), Ký sự biên phòng (25 tập), Đà Lạt ký, Ký sự biển đảo, Ký sự mùa thu vàng (nhiều tập)… 

Lúc sang Campuchia thực hiện Ký sự biên phòng của VTV, y đã là nhân vật của Hiệp. Ngồi dưới vòm cây thốt nốt, anh tỉ tê tâm sự: “Nếu kịch bản phim truyện đòi hỏi phải rành mạch cụ thể, rõ ràng tới từng chi tiết, từng cảnh quay, thì làm phim tài liệu là một quá trình sáng tạo liên tục. Bọn tớ thường làm một bộ phim tài liệu như thế này: Đầu tiên là một kịch bản ý tưởng. Sau đó, ý tưởng được phát triển trong quá trình quay. Dựa trên những gì đã quay được, mới bắt đầu làm kịch bản dựng - đây mới là kịch bản chi tiết. Chưa hết, quá trình sáng tạo còn được tiếp tục trên bàn dựng phim. Nếu kịch bản phim tài liệu được xây dựng chi tiết ngay từ đầu sẽ khiến quá trình đi quay bị lệ thuộc vào những gì đã định sẵn. Như vậy, bộ phim sẽ mất đi sức sống và sự chân thực”.

Cũng là một quan điểm về cách làm phim tài liệu.

Mà phim làm về lịch sử, về tài liệu ở nước nình, không dễ, chắc chắn không dễ dàng gì. Cái chính là tư liệu thiếu sót nhiều quá. Rồi phục trang, rồi hàng ngàn, hàng ngàn chi tiết khác. Vừa đọc quyển sách nọ, thấy viết “bà Triệu Ẩu” (!?). Viết như thế đúng hay sai? Sai đứt đuôi con nòng nọc. 

Chỉ có sử Trung Quốc do khiếp vía cuộc khởi nghĩa của bà nên mới viết lếu láo đến thế. Ẩu: mụ già. Bà Triệu - Triệu Thị Trinh khởi binh “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng là tì thiếp người ta” lúc mới hai mươi xuân xanh, cớ gì gọi “mụ già”? Đã thế, lại còn cho rằng bà “vú dài ba thước”?

Vô lý hết sức.

Sử sách nước nhà qua bao đời, giặc phương Bắc đốt hết sạch, về sau các nhà sử học khi viết sử nước nhà căn cứ vào sách của chúng; hoặc do thiếu thốn tài liệu mà ít chịu suy xét thêm nên mới ra nông nỗi ấy. Thật ra, từ thập niên 1930, các nhà sử học đã phản bác những bôi nhọ về Bà Triệu. Chẳng hạn, có thể tìm đọc ở quyển Quốc sử đính ngoa (1941) của học giả Lê Văn Hòe (1911-1968). Ấy mà, sách mới in gần đây cũng ghi rành rành “Triệu Ẩu”. Chán thật! À, hồi nhỏ đọc Phổ thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ, còn nhớ có bài viết nói về thất bại của Hai Bà Trưng. Chẳng nhớ tác giả là ai. 

Chỉ nhớ đại khái, bọn Mã Viện không làm sao đánh thắng được quân Hai Bà, chúng bèn láu cá nghĩ ra cách… cởi truồng khi xông trận. Nữ nhi nước Việt nhìn thấy hình ảnh quái đản ấy nên đã buông gươm giáo! Chi tiết này chắc bịa.

“Làm phim lịch sử, tài liệu phải cẩn trọng”, nhiều đạo diễn đã tâm niệm như thế. Cẩn trọng là phải rồi. Cần học lối viết sử ngày trước. Cực kỳ cẩn trọng. Từng dòng, từng chữ. Trong quyển Nho giáo (Bộ Giáo dục - Trung tâm học liệu miền Nam tái bản năm 1971), nhà sử học Trần Trọng Kim viết: “Xem kinh Xuân Thu thì phải biết cái ý nghĩa và vị trí của từng chữ. Mỗi chữ là để định rõ người tà người chánh, như Thiên tử chết thì chép là băng, vua Chư hầu chết thì chép là hoăng, ông vua đã cướp ngôi làm sự tiếm đoạt mà chết thì chép là tồ, người làm quan ngay chánh chết thì chép chữ tốt, làm quan gian nịnh chết thì chép chữ tử. Người nào có danh phận chánh đáng thì chép rõ chức phẩm và tên tự, người nào mà danh phận không chánh đáng thì dầu có chức phẩm gì cũng chỉ chép có một tên tục mà thôi. Sự khen chê của Ngài (Khổng Tử) cốt ở những chữ Ngài dùng. Có khi chỉ vì một chữ chê mà thành ra tiếng xấu muôn đời, một chữ khen mà được tiếng thơm thiên cổ. 

Bởi thế, người đời sau bàn kinh Xuân Thu nói rằng: “Nhứt tự chi bao, vinh ư hoa cổn; nhứt tự chi biếm, nhục ư phủ việt”: “Một chữ khen thì vinh như cái áo hoa cổn của vua ban cho, một chữ chê thì nhục như bị tội rìu búa” (tr.160 - 162).

Lại nhớ, trước năm 1975, Giáo sư Nguyễn Phương giảng dạy tại Viện Đại học Huế, viết tập sách Phương pháp sử học. Trong đó, có đoạn quan trọng chứng minh chồng của Bà Trưng tên “Thi”, chứ không phải “Thi Sách”. 

Ông tìm lại nguyên văn trong Thủy kinh chí, và nhận xét: “Vì thói đời xưa khi chép chữ Hán, ít khi người ta ghi rõ chấm phẩy, lại chữ Hán không có lối chữ hoa và chữ thường để phân biệt tên riêng và tên chung như cách viết của tiếng Việt chúng ta ngày nay, chẳng hạn, nên rất khó phân biệt”. Ai muốn tìm hiểu kỹ nên đọc quyển sách đó. Sau này, trên Kiến thức ngày nay cũng có bài nghiên cứu tán thành quan điểm của ông Nguyễn Phương.

Người Việt ít có tư duy phản biện chăng? Những gì đời trước đã chép, đã ghi thì đời sau cứ thế tin theo, chẳng suy xét gì thêm.

Về nhân vật Chu Văn An, các sách đều chép chi tiết quan trọng: Năm 1325 vua Trần Minh Tông đã vời Chu Văn An ra kinh đô giữ chức Tư nghiệp. Chức Tư nghiệp có thể hiểu: Đời Trần là quan đứng đầu Quốc Tử Giám; đời Lê - Nguyễn là chức quan đứng đầu hàng thứ hai, sau chức Tế tửu ở trường Quốc Tử Giám, là người đứng đầu ban giáo huấn, mang hàm tòng tứ phẩm, có thể xem như Phó hiệu trưởng chuyên môn; hoặc trưởng phòng Giáo vụ (Đào tạo) ở trường đại học ngày nay. Lúc đó, Trần Nguyên Đán - ông ngoại Nguyễn Trãi có bài thơ mừng Chu Văn An. 

Lâu nay, ai ai cũng tin thế, chép thế, chẳng nghi ngờ gì: Trần Nguyên Đán sinh năm 1325 (có tài liệu ghi 1326) thì làm sao có thơ mừng Chu Văn An? Khi viết kịch bản cho bộ truyện tranh Hào khí Đông A, phát hiện ra chi tiết này bèn truy lại Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cũng thấy ghi: “Lúc ông làm chức Tư nghiệp, Băng Hồ Trần (Nguyên Đán) có bài thơ mừng”. Rõ ràng sự việc đó có thật, bài thơ hàm xúc, rất hay nhưng chắc chắn không phải viết trong thời điểm đó.

Những câu chuyện thế này còn dài. Quay lại với đạo diễn Trần Tuấn Hiệp, anh cũng cùng tuổi Kỷ Hợi. Cái tuổi cực kỳ mê gái. Rất mê gái. Có lần anh tâm sự: “Một phụ nữ đẹp là phải... rất đẹp. “Cái nết đánh chết cái đẹp” là câu nói an ủi, động viên thôi. Còn thực tế thì chả cái nào đánh chết cái nào cả. Giống như mọi người đàn ông, tôi cũng rất thích phụ nữ đẹp. Nhưng còn chuyện đưa họ vào phim, phải xem thế nào đã. Chẳng lẽ để lấy lòng người đẹp, chỉ có mỗi một cách là đưa họ vào phim thôi sao?”.

Ơ hay, nghe cũng được đấy chứ?

Lê Minh Quốc
.
.