Đồi mộng mơ

Thứ Hai, 07/12/2015, 09:56
Quả đồi mộng mơ của tôi có tên là Đồi Cháy, ở ấp Cầu Đen, Nhã Nam, Yên Thế, Bắc Giang. Đồi nằm cao cao trên con đường đất đỏ, lối lên đồi cũng màu đất đỏ, màu đỏ của gạch cháy và đỏ sậm gan gà. Tôi cứ thắc mắc, sao đồi lại tên là “Đồi Cháy”, nhưng khi nhìn màu đỏ cháy của con đường và đất ở trên đồi tôi nghĩ tên là Đồi Cháy quả thật đúng.

Gia đình tôi theo kháng chiến tản cư lên đây sống cùng gia đình các bác: nhà văn Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố; bác họa sĩ Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn - quần tụ trên đồi cùng mấy gia đình nông dân định cư ở đây từ lâu mà bây giờ trải qua bao năm, tôi chỉ còn nhớ nhà bác Gần dưới chân đồi, chỗ giếng nước trong vắt mà tất cả dân sống ở đây đều ăn nước của giếng này. Xa hơn nữa, dưới chân đồi trên đường đất đỏ là nhà bác Cả Trọ, anh ruột của mẹ tôi, và nhà cô Uyên,  em ruột của bố tôi cũng tản cư lên Bắc Giang, cạnh quả đồi này.

Phía sau đồi, suối chảy róc rách, lấp lánh bên dưới là cuội và đá màu vàng, màu đỏ sậm gan gà, thỉnh thoảng cá lia thia bơi tung tăng bên dưới, có cây cầu bắc qua, đi sang phía ruộng làng bên - cây cầu này không biết có phải tên là “Cầu Đen” không mà tên là Ấp Cầu Đen, là ngôi mộ của bác Nguyên Hồng và bác gái nằm dưới chân đồi, quay mặt về đồng ruộng xanh bát ngát. Sau này bố tôi và tôi đã về thắp hương cho hai bác nhiều lần.

Nhà tôi nằm cạnh nhà bác Nguyên Hồng, sát hàng rào, nhà đất nện màu gạch cua, tường rào đắp đất và sân nhà đều màu gạch cua, màu điển hình của đất trung du Bắc bộ - xen lẫn màu đỏ của đất, màu vàng gạch cua của nhà và tường rào là màu xanh thắm của cây cỏ, thủy tiên màu hồng, hoa mười giờ màu điều rực rỡ, hoa cúc vàng tươi, nhà tôi trồng một cây mít và cây ổi, nhà bác Nguyên Hồng có cây khế to trùm cả sân, quả sai lúc lỉu. Nhà bác Trần Văn Cẩn có khóm hồng, hoa đỏ thắm, thơm nức. Tôi và các em tôi ở với mẹ trên quả đồi này, bố tôi (Nhà văn Kim Lân, 1921 - 2007) và các bác ở tận chiến khu Việt Bắc, thường xuyên vắng nhà, thi thoảng mới về thăm.

Mỗi lần bố tôi về, thường có các cô, các chú, các bác khác về theo.  Mẹ tôi lại rộn ràng, săng sái chuẩn bị nấu ăn và có cút rượu cho các bác nhâm nhi, tiếng ngâm thơ, tiếng hát, tiếng cười nói rổn rảng vang khắp quả đồi. Tôi còn bé tí, gầy choắt, tóc đỏ cạch cũng cháy theo màu đất, cặp mắt to quá cỡ trên khuôn mặt nhỏ, hay tò mò háo hức nhìn. Nhà tôi ở trên đồi, mỗi lần xa xa phía cuối con đường đất đỏ có  làn bụi hồng bốc lên là tôi chạy tót ra đầu đường, đứng trên đỉnh đồi nhìn háo hức: ai đang đi trên con đường ấy?

Có phải bố hay các bác đang về đồi nhà mình không? Bác nào nhỉ? Bác Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, cụ Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, bác Tú Mỡ, bác họa sỹ Trần Duy, Nguyễn Tư Nghiêm hay cô Anh Thơ, chú Phùng Cung, Phùng Quán, hay chú Lê Đạt, bác Trần Dần, bác Đỗ Nhuận và cả dàn quân nhạc của bác kéo về… Tôi cứ háo hức đứng trên đồi ngóng chờ, nếu thấy đúng là bố và các bác, thể nào cũng chạy ào xuống hét ầm lên: “A thầy đã về, các bác đã về!”.

Lúc thì bố tôi, lúc thì bác Nguyên Hồng, bác Tô Hoài, bác Nguyễn Huy Tưởng, hay bất kỳ cô chú nào bế thốc tôi lên khen tôi đã lớn lên chút xíu, rồi tôi tụt xuống lon ton chạy phía trước dắt các bác, các cô, chú về nhà mình, cứ như chỉ sợ mọi người lạc đường, không biết đường về nhà mình vậy. Nếu đám bụi hồng ở trên đường ấy không rẽ lên đồi, tôi tần ngần đứng đó rất lâu nhìn theo, đứa bé trong tôi tự hỏi, những người ấy đi về đâu, phía xa tít cuối con đường sau đám bụi đường ấy là gì? Tôi thắc mắc lắm và nguyện khi nào lớn lên, thế nào tôi cũng xuống chân đồi, theo đám bụi hồng đó, đi theo mãi, xem phía chân trời xa ấy có gì. 

Trung du (Sơn mài khổ 80x60cm của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền).

Và đêm ấy, thế nào tôi cũng thao thức không ngủ, ra sau hè ngồi, ngước mặt nhìn trời sao lấp lánh mà hứa rằng: thế nào khi lớn lên tôi sẽ đi thật xa, xa tít cuối con đường đất đỏ có đám bụi hồng kia xem còn có những con đường nào mở ra đi tiếp và thế giới có bao nhiêu quả đồi đất đỏ như tôi đang sống?

Bố mẹ tôi sinh được 4 chị em tôi trên quả đồi này. Sau giải phóng Thủ đô, bố mẹ tôi sinh thêm 3 đứa em nữa, vậy là nhà tôi có cả thẩy 7 chị em. Tôi lớn nhất, bố đặt tên là Hiền, rồi đến Thành Chương, Hạnh, Mạnh Đức, Tiến Dũng, Từ Ninh, Việt Tuấn. Riêng tôi được sinh ở làng mình, tức là quê của bố mẹ tôi, làng Chợ Giầu, Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh. Đồi Cháy, ấp Cầu Đen về sau được gọi thêm tên là “Đồi Văn Nghệ”.

Có cái tên này vì trong kháng chiến, các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, điện ảnh, nhiếp ảnh, diễn viên, đạo diễn,… dập dìu qua lại. Tôi đã may mắn được gặp các cô chú, các bác, những cây đa, cây đề, những người đã đặt nền móng cho nền văn học nghệ thuật của nước nhà trên quả đồi tuổi thơ này.

Những chuyện cổ tích của bác Nguyễn Huy Tưởng, bác Tô Hoài tôi thường được các bác kể cho nghe cũng từ những ngày này. Thằng Nhà, con Gạo của bác Tưởng làm tôi sụt sùi mãi, chỉ cầu cho thằng Nhà con Gạo có nhà để ở, có gạo để ăn. Dế Mèn phiêu lưu ký của bác Tô Hoài làm tôi ước sao mình cũng đi chu du thiên hạ, thấy chuyện bất bình không tha của chú Dế Mèn hùng dũng, tôi đã mang những câu chuyện từ thuở ấy trong lòng đến bây giờ.

Trên quả Đồi Cháy này, bố mẹ tôi tăng gia nuôi lợn, gà, trồng rau, ngô, khoai, sắn. Bố giao cho tôi trách nhiệm nuôi con gà mái, Chương nuôi con gà trống. Chúng tôi thích lắm, tự nhận trách nhiệm chăm sóc con vật của mình. Một hôm, bác Tưởng, bác Tô Hoài, bác Nguyễn Đình Thi đến nhà chơi, đang ngồi nghe các bác nói chuyện với bố, bỗng Chương em tôi nói: “Cháu muốn lấy vợ!”.

Tôi lên 6, em tôi lên 4. Các bác nghe Chương nói tròn xoe mắt nhìn.  Bác Tưởng, bác Tô Hoài hỏi: “Cháu muốn lấy vợ thật à, cháu định lấy ai?”. Chương đáp ngay: “Cháu muốn lấy chị Lan con bác Ngô Tất Tố”. Mọi người ồ lên: “Chị Lan 18 tuổi rồi, cháu mới lên 4, làm sao cháu lấy được chị”. - “Cháu nhất định lấy”. Bác Tưởng, bác Tô Hoài, bác Thi nhất loạt bảo: “Cháu muốn lấy vợ cháu phải có 10 voi, 10 hổ, 10 trâu, 10 bò, phải có 1 thuyền gạo, phải có nhà. Cháu có gì mà dám đòi lấy vợ?”. Chương dõng dạc: “Cháu có con gà”.

Thế rồi, em tôi mặc quần sịp, áo may ô, chân đi đôi giày săng đá to tướng, nặng trịch của bác Nguyễn Đăng Bẩy (nhà quay phim, NSND, 1923 -2007) anh ruột mẹ tôi, tay ôm con gà sang nhà bác Ngô Tất Tố hỏi vợ. Em tôi đứng từ sáng đến trưa ở cổng nhà bác Ngô Tất Tố, nhất định không về, cuối cùng vợ bác Tố phải bảo chị Lan ra gặp em tôi, chị hứa sẽ làm vợ Chương. Em tôi gật đầu đồng ý, xong lại khệ nệ đi đôi giày to gộc, mang con gà về nhà cho vào chuồng của mình, hí hửng lắm. “Chị Lan đồng ý lấy cháu rồi”.

Các bác và bố tôi cứ mồm chữ O mắt chữ A nhìn nhau kinh ngạc quá. Bác Tô Hoài gần như là lớp người cuối cùng trên quả đồi này cũng đã ra đi hè 2014.

Có hai đám cưới trên quả đồi mà tôi không bao giờ quên, một là đám cưới cô Uyên tôi lấy chú Nam, lúc đó tôi còn nhỏ lắm không nhớ được, nhưng thường được nghe bố mẹ tôi cùng cô tôi kể lại, đám cưới tổ chức trên đồi có bác Văn Cao hát bài Sông Lô, bác Nguyễn Đình Thi hát bài Người Hà Nội. Chắc đó là lần đầu tiên 2 bác biểu diễn, tự hát bài hát của mình cho các bạn nghe, trước đám đông.

Rồi hát chèo, hát tuồng, lại còn diễn kịch, ngâm thơ của bác Hoàng Cầm nữa. Bố tôi cũng đóng một vai trong vở kịch của bác Hoàng Cầm để mừng em gái đi lấy chồng.

Đám cưới thứ hai là đám cưới của nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922 - 1991) và cô Túc. Mẹ tôi là “bà mối”, làm mối cô Túc là em gái vợ bác Nguyên Hồng cho bác Đỗ Nhuận. Cô Túc da trắng lắm, có lẽ xinh nhất trên quả đồi này, cô thường chăm nom chúng tôi lúc mẹ tôi cùng bác Hồng gái và bác Tạ Thúc Bình gái đi nhận, hay trả hàng quân nhu, ở đồi chỉ còn cô và lũ trẻ con. Cô cho ăn, không cho chúng tôi nghịch bẩn, hoặc đánh nhau; kể chuyện cổ tích dạy chúng tôi hát, múa; tính cô nhẹ nhàng, cười rất có duyên. Tôi yêu cô lắm, thấy mẹ làm mối cô cho bác Đỗ Nhuận, ghen quá, không đồng ý, chỉ sợ mất cô thôi.

Bác Đỗ Nhuận về Đồi Cháy ít ngày phép. Bác cùng cô Túc ngồi nói chuyện trong nhà tôi; tôi tụ tập các bạn, anh Hà, Giang, Sơn con bác Nguyên Hồng; chị Huyền, chị Tâm, Hương con bác Tạ Thúc Bình, tôi cùng 2 em tôi - Chương và Hạnh đứng sắp hàng bên ngoài sân miệng kêu to: “Cô Túc ơi ra trông chúng cháu!”. Cứ gào đến lúc cô Túc phải bước ra mới thôi.

Đám cưới vẫn diễn ra không tránh khỏi trong sự lo lắng sợ bác Đỗ Nhuận lấy mất cô Túc của tôi.  Bác Nhuận đi về, cùng đoàn quân nhạc hùng dũng. Tôi không còn khư khư giữ cô Túc nữa, mắt tôi tròn xoe, mồm há hốc. Bác Đỗ Nhuận đứng phía trước, dàn quân nhạc đứng sau, tất cả mặc đồng phục màu xanh bộ đội, quân hàm sao vàng lấp lánh. Tiếng nhạc cất lên, bác Nhuận chơi đàn violon réo rắt, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy cây đàn này, những chiếc kèn đồng này, và dàn nhạc công, ca sĩ cất lời ca hùng dũng.

Không nhớ nổi bài gì, vì mắt cứ dán vào bác Đỗ Nhuận, hình như bác chơi bài Du kích sông Thao, chỉ nghe âm thanh rầm rập, trầm trầm, âm vang, rồi lại réo rắt bay vút lên, tít ra đồng ruộng, lại bay tới trời xanh. Cằm tựa vào đàn, một tay đỡ đàn, ngón tay bấm nốt rung rung, tay kia cầm ácsê đưa lên, đưa xuống, tiếng đàn réo rắt, vút ra từ cây đàn, từ người chơi là bác Đỗ Nhuận. Thôi tôi đồng ý để cô Túc lấy bác Đỗ Nhuận rồi, không sợ mất cô Túc nữa, lại thấy yên tâm, hãnh diện vì từ nay cô Túc đã là vợ của bác Đỗ Nhuận, mà là mẹ tôi làm mối cho hai người lấy nhau đấy nhé! Và như vậy, tôi sẽ được nghe bác kéo violon, thổi kèn cùng dàn quân nhạc thường xuyên trên Đồi Văn Nghệ này.

Nhớ hôm 5-1-2012, chúng tôi làm lễ khánh thành Nhà lưu niệm cho bố tôi tại ngõ 424 phố Trần Khát Chân - Hà Nội, Đỗ Hồng Quân,  con trai bác Đỗ Nhuận đã lên phát biểu, trong đó Quân đã nói một câu tôi nhớ mãi, là: “Cảm ơn bác Kim Lân gái đã làm mối cho bố tôi lấy mẹ tôi, để có được tôi ngày hôm nay”.

Đỗ Hồng Quân đã là Phó GS-TS, nhạc sĩ nổi tiếng, còn đóng phim. Em Quân ngày xưa giờ làm Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam như bác Đỗ Nhuận. Quân dáng thấp lùn, to con như bố, nụ cười duyên dáng, đẹp như cô Túc của tôi thuở nào. Quân có người vợ đẹp là NSƯT Chiều Xuân cùng hai con gái đều được học nhạc, đều giống bố; cháu lớn du học Pháp như bố mẹ. Những đứa trẻ ngày ấy giờ đã tuổi trên dưới 60, 70, cùng chung một phần kí ức tuổi thơ trên Đồi Cháy.

Với chị em tôi, bài thơ, đoạn văn, bức tranh, nốt nhạc đầu tiên được nghe, được học chính từ quả đồi này. Không phép lạ nào để có thể đoàn tụ được tất cả những đứa trẻ trên quả đồi ngày ấy cùng những người thầy đầu tiên của chúng tôi - những nghệ sĩ tài danh của nền văn nghệ Việt Nam. Chỉ nỗi nhớ tiếc và mộng mơ có thể đưa ước mơ ấy thành hiện thực trong tâm tưởng.

Nguyễn Thị Hiền
.
.