Đi câu

Thứ Tư, 18/11/2015, 15:02
Tắc tị. Truyện ngắn tắc, truyện dài tắc, báo cũng tắc luôn. Mở máy ra ở một đoạn viết dở, ra ghế bố nằm suy nghĩ để viết tiếp, không ngờ thiếp đi mất. Giật mình tỉnh dậy, ngơ ngác không biết mình đang ở chỗ nào.

Mãi sau nhìn lên cái đồng hồ treo tường, hình chữ nhật, màu đen, mới nhớ ra là mình đang nằm trong phòng khách nhà mình.

Mới lưng lửng buổi sáng. Phố rất tĩnh. Lại có cả tiếng gà gáy bên kia đường. Bà xã nằm “nghiên cứu” mấy tờ báo ở phòng dưới. Nắng soi qua cửa sổ sưởi ấm hai ống chân. Bỗng nhiên thấy khoan khoái. Lâu lắm mới có một buổi sáng được thư giãn như thế này. Sao quanh năm mình cứ phải túi bụi vì công việc, vì lo nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác nhỉ? Đã thế, hôm nay nghỉ! Cho phép mình sống chậm một ngày.

Có gì thích hợp hơn cho việc sống chậm bằng đi câu?

Ảnh: LG.

Một lần xem ti vi thấy có bộ phim kể chuyện câu cá ở bên Nhật. Dân Nhật khoái câu cá. Cũng đủ các kiểu câu tương tự bên mình: câu sông, câu suối, câu biển; câu thả phao, câu quăng, câu chùm… Cũng dây ấy, lưỡi ấy, mồi ấy. Nhưng cái cành câu thì hơi lạ. Cành tre cành trúc nhưng lại được tỉa tót, chạm khắc hoa văn lên đó rất đẹp. Lạ hơn là trúc tre mà cũng có thể tháo rời ra làm nhiều đoạn, mang đi xa cho tiện, lúc câu thì ghép lại với nhau thành cành, giống như cành kim loại. Nhưng mình khoái nhất khi thấy một anh bụng phệ, tự nuôi lấy cá để câu trong nhà. Cái bể cá anh ta nuôi có lẽ chỉ nhỉnh hơn cái chậu rửa mặt.

Ở giữa đặt hòn non bộ bằng cái nắm tay. Những con cá bằng đầu tăm (trong phim gọi là cá cơm), dài chừng 1 - 2 cm. Cá tăm mà ngửa đầu nhìn núi nắm tay thì đương nhiên cũng phải thấy rất là hùng vĩ, chót vót. Anh chàng bụng phệ cởi trần, ngồi bệt trên sàn cả tiếng đồng hồ, dùng cái cành dài cỡ gang tay, chăm chú câu, thỉnh thoảng nhấc lên được chú cá bé xíu thì cười ngoác miệng, sảng khoái hết cỡ.

Rời làng ra thành phố từ năm mười bảy tuổi, đi học, đi làm, lấy vợ, sinh con, ngoảnh đi ngoảnh lại tóc trên đầu đã bạc quá nửa, chừng ấy năm chưa khi nào động đến chiếc cần câu. Bây giờ muốn đi câu, chỉ có thể đến các điểm câu giải trí. Mua vé vào cửa, cành câu mồi câu có sẵn, ngồi câu tính giờ, bắt được cá bé thì thả, cá lớn muốn lấy thì… bỏ tiền ra mua! Thôi cũng được. Cốt lấy cái thú được chìm đắm trong nghỉ ngơi yên tĩnh.

Mất năm phút phóng xe máy trên đường. Đến nơi, một cái hồ rộng, nước xanh ngắt, cá quẫy đuôi, đớp mồi chòm chọp khắp mặt hồ. Có vẻ như nhiều cá lắm, lại toàn giống háu ăn. Xung quanh bờ sẵn những chiếc ghế nhựa. Lại có cả võng mắc rải rác dưới những tán cây. Cái quán nhậu có sẵn nhà bếp, bàn ghế, bia rượu…

Vừa chạm tay vào những chiếc cần câu dựng thành dãy, máu “nghề nghiệp” từ hồi niên thiếu đùng đùng nổi lên: cần này, cước này, lưỡi này mà cũng đòi câu được cá à? Lại còn cái thứ mồi chế biến sẵn bằng cơm nghiền, cám nghiền này nữa. Chỉ tổ cho cá ăn dỗ mồi. Sao không câu bằng giun nhỉ? Có con giun nào không?… Chủ hồ câu cười cười: “Cái lũ cá dưới kia dễ câu lắm. Cái gì quẳng xuống cũng xơi. Bác cứ câu đi thì biết”.

Ngồi ngót hai tiếng đồng hồ, giật lên mấy con vừa tai tượng vừa chép, không kể chục con còn bú mẹ phải vội thả xuống ngay. Dặn nhà bếp chọn mấy con lớn nhất, chiên xù và nấu dấm. Khoan khoái rửa tay, lấy điện thoại gọi cho bạn. Mồi dọn lên, bia mang ra, bạn bè cười nói hể hả. Cái con cá do tay mình câu có vẻ cũng ngọt, cũng thơm hơn thật.

Cuối bữa, ngà ngà đưa mắt nhìn ra xung quanh. Sao không đứa trẻ nào đến câu nhỉ? Bỗng dưng thấy hiện về trong đầu hình ảnh một thằng trẻ con đầu trần, tóc râu ngô, da cháy nắng, cần câu trên tay, lang thang dọc cánh đồng nước ngập mênh mông hay bó gối ngồi bên vệ ao tù, cả buổi mỏi mắt chờ chiếc phao nhấp nháy…

Trần Đức Tiến
.
.