Ăn mà thương cả tấm lòng

Thứ Hai, 18/05/2015, 09:34
Đêm hôm rồi, đá xong một trận cầu, cả đội banh Những thằng đá dở ẹc rủ nhau về quán lề đường của một người em cà kê dê ngỗng.

Đã mấy năm rồi, đội banh ấy chơi với nhau và chuyện tìm về góc phố Sài Gòn nào đó để uống với nhau dăm bảy lon đã thành cái lệ. Nhưng đêm hôm rồi là một đêm khác, thằng Trọng từ miền Tây lên mang theo chút quà.

Kể từ khi nó lấy vợ, cha mẹ nó không cho nó lên Sài Gòn sống nữa mà muốn hai vợ chồng son ở lại quê nhà coi sóc việc bán buôn. Thế nên, có dịp ghé lên Sài Gòn chơi là y như rằng nó mang theo quà quê, quà quê kèm thêm cả chút bùi ngùi. Nó nhớ anh em, nó thèm cảm giác của những ngày độc thân cùng anh em sum vầy. Thế là đêm hôm rồi, một đêm khác, nó xách theo vài ký chuột đồng, ít gỏi sầu đâu khô lóc, ghé vào quán quen, anh em ngồi uống với nhau mà ngỡ như mình đang ngồi ở sông nước miền Tây.

Ngồi giữa màn đêm quanh đám bằng hữu anh em, xé miếng chuột nướng mà tự dưng lại nhớ những ngày mười năm trước, một buổi chiều mùa Hạ, nơi khoảnh sân gian nhà người bạn ở miệt Đồng Tháp, cũng xé miếng chuột nướng bùi bùi, thơm ngọt mà nhấm với rượu đế quê nhà nấu. Cái không gian thôn dã ấy dường như sống lại trong tôi; cái cảm giác mang mang của một vùng quê yên tĩnh ấy dường như sống lại trong tôi đầy bạo-liệt. Rồi tự nhiên thừ người, khẽ mỉm cười, mặc cho có vài ánh mắt nhìn mình tưởng mình say say, tê tê nên khìn khìn ngồi cười một mình. Ừ nhỉ, tại sao bao nhiêu năm rồi mình mới kịp nhận ra rằng muốn kiếm được một cảm giác của bất kỳ vùng miền nào, địa phương nào ở giữa Sài Gòn náo nhiệt này thực ra chẳng phải là việc khó.

Những ngày mới vô Sài Gòn lập nghiệp, thèm ăn đồ Bắc đến lạ. Thế là từ cái thèm ấy, những lối đi về mới đã thành quen. Này là quán cơm Hà Nội ở đường Lê Quý Đôn (nay đã dời qua Trương Định); này là cơm Tuấn&Tú; này là Cốm Xanh; này là cả một dải miến lươn, phở, xôi xéo, bún thang, bún mọc, bún riêu, bún chả ở những con đường bao quanh khu sân bay. Khu ấy người Bắc nhiều, nên đồ ăn kiểu Bắc cũng lắm hàng, chật quán. Rồi khi đã quá đủ đầy với đồ ăn Bắc, chợt nổi cơn thèm những món quê ngoại xưa, xứ Quảng, lại thêm được những địa chỉ quen khác nữa. Kiếm cá nục chiên; mì Quảng; gà lên mâm hóa ra là việc quá dễ.

Những quán bán đồ Quảng ấy cũng rải khắp thành phố như một-dõng-dạc-định-danh rằng “Chúng tôi đang ở đây, người Quảng”. Và thế là qua luôn cả những cơn mê man với những món ăn hai quê nội, ngoại, tôi thấm mình luôn vào cả những nơi bán đồ ăn của bao nhiêu vùng miền khác nữa, từ Nha Trang cho tới Huế; từ miền Đông tới miền Tây; từ Tây Nguyên tới Tây Bắc. Sài Gòn chẳng thiếu thức gì, chẳng thiếu món gì, chẳng thiếu vị gì khiến người ta phải thèm khát đau đáu như những ngày việc đi lại còn khó khăn nữa.

Thậm chí, có những tay “cao bồi già” Hà Nội còn chơi cả việc vận chuyển bia hơi Hà Nội vào bán ở thành phố bằng đường hàng không, ngày nào cũng như ngày nào, cũng có đủ đầy bia mới. Thế là lũ “cao bồi trẻ” mới gia nhập đội ngũ tha hương với niềm hân hoan vui sống ở Sài Gòn lại có chỗ mà xuýt xoa rằng “hay nhỉ, giữa Sài Gòn mà được uống bia hơi Hà Nội” trong khi những người bạn tếu táo thì trêu chọc lại rằng “Trời ơi, thèm bia Hà Nội thì uống hẳn bia Hà Nội chứ mắc gì phải uống bia ‘hơi’ Hà Nội nữa”.

Câu chữ có cái hay của nó ở chỗ đa nghĩa ấy. Hơi bia và hơi có vẻ là bia khác nhau một trời một vực nhưng lại có thể đứng cùng nhau trong một định dạng bia hơi Hà Nội, đứng cùng nhau đúng theo cái kiểu tếu táo của chúng tôi rằng “trông mặt khó bắt hình dong, nhìn thế thôi mà lại nửa hồng quân, nửa thổ phỉ”.

Thế rồi từ cái chỗ nhận thấy Sài Gòn là một tập hợp rất rộng, và đủ đầy, các món ngon mọi địa phương, tôi mới nhận thấy rằng Sài Gòn cởi mở vòng tay đến nhường nào. Nhiều người vẫn hay bóng bẩy nói rằng “Sài Gòn bao dung” để ám chỉ việc Sài Gòn sẵn sàng đón nhận mọi sự khác biệt của các địa phương khác, sẵn sàng chấp nhận những tự do riêng của mọi vùng miền khác nhưng tôi thì chỉ đơn giản nhận thấy cái sự thương của Sài Gòn với những con người đến với thành phố nằm ở chính sự chân thành, thư thái mà thành phố đã tạo ra để các vùng miền, địa phương có thể dễ dàng định danh giữa lòng phố lớn.

Hãy thử một sớm mai, treo lên trước cửa nhà mình tấm biển “Bún chả Hà Nội” hay “Chả mực Hạ Long”, “nem cua bể Hải Phòng”, “phở Nam Định”, “bún nước lèo Sóc Trăng”, “hủ tíu Nam Vang”, “bánh khọt Vũng Tàu”, “bún chả cá Nha Trang”… hay gì gì đi nữa, sẽ chẳng có ai ngạc nhiên vì bạn “dám” trưng biển hư trương thanh thế quê nhà của mình cả.

Ở Sài Gòn, chỉ có con người với con người, không kèm thêm bất kỳ một hậu tố người ABC (địa danh) nào khác cả. Đơn giản thế thôi. Đơn giản bởi Sài Gòn là thành phố mở, nó mở cho tất cả các cộng đồng đến từ nơi khác tề tựu lại để tạo ra một nhóm riêng của mình. Và mỗi cộng đồng đó đều có quyền tự do khẳng định sự tồn tại của mình một cách bình đẳng như một công dân Sài Gòn bất chấp họ có hộ khẩu, có đăng ký tạm trú dài hạn hay không. Từng nhóm cộng đồng đó mới cùng tạo nên cái đa sắc của diện mạo thành phố, một thành phố mà cư dân của nó mới tạo nên tinh thần của nó chứ không phải là người bản địa có gốc gác vài đời mới là những người cầm nắm yếu quyết sinh tồn của tinh thần phố xá.

Có thể cũng sẽ có người bảo rằng “Ừ thì Sài Gòn như vậy, nơi khác không vậy bởi Sài Gòn là thành phố trẻ, lịch sử mới hơn 300 năm nên chưa định hình tầng lớp bản địa đủ nắm yếu quyết tinh thần sinh tồn kia”. Điều đó cũng có vẻ có lý nhưng thực tế, 300 năm là số năm cũng chỉ ở vào tầm của nhiều thành phố nước Mỹ mà thôi. Nhưng chưa chắc gì những thành phố tre trẻ của nước Mỹ cũng tre trẻ kia dễ dàng đón nhận những địa phương khác biệt một cách dễ dàng như thế. Cái tự ái lớn quá của một cộng đồng sẽ thường ít chấp nhận sự khẳng định của một cộng đồng mới, một cộng đồng khác thiểu số hơn trong lòng chính mình.

Sự khác biệt và độ lượng của Sài Gòn nằm ở chính điểm đó. Nó chính là dấu hiệu của đất lành. Đất có lành thì mới rủ chim về tề tựu và mỗi cộng đồng tề tựu giữa Sài Gòn hôm qua, hôm nay, và ngày mai nữa cũng đã và đang góp tạo dựng nên hình phố, tình phố, tinh thần phố của Sài Gòn. Chính sự tồn tại danh chính ngôn thuận của họ đã là một điểm xuyết để cái từ tâm của Sài Gòn ngày một mạnh mẽ hơn, trở thành hấp lực hơn và biến Sài Gòn thành một thành phố không hề có đường biên, không hề có ranh giới, không hề có sự phân biệt đến kỳ thị.

Người nước ngoài có cách dùng từ khá hay để phân biệt cái nhà để ở (house) với cái nhà mang ý nghĩa tinh thần (home). Cũng là nhà đấy nhưng một cái hoàn toàn thể lý, vô hồn, mang tính địa điểm còn một cái thì hàm chứa cả sự an toàn, thuận tiện, tự do và ấm cúng. Sẽ ra sao nếu ta lập nghiệp tại Sài Gòn, làm giàu được giữa Sài Gòn nhưng ta vẫn thấy đau đáu về một nơi ta có ‘căn nhà tinh thần’ và chỉ nhìn nhận Sài Gòn như một căn nhà thể lý? Nếu điều đó xảy ra, chắc hẳn ta sẽ nghĩ đến việc rời bỏ Sài Gòn khi đã hòm hòm trong tay một gia tài, một sản nghiệp.

Nhưng may cho đời và may cho chính ta là Sài Gòn lại đủ sức để ai đã tới, đã thấy và đã sống cảm nhận rằng mình đang ở chính trong một ngôi nhà tinh thần đúng nghĩa. Một phần tạo nên ngôi nhà tinh thần đó chính là sự đa dạng của những món ăn xa, những món ăn được trân trọng bằng chính cái tên địa phương của nó, những món ăn được bán ở những quán hàng đủ kiểu, đủ giá, nơi mà khi một người con xa đặt chân vào đó, họ sẽ thấy mình đang sống giữa quê nhà với đủ những thanh âm quê hương bản quán, từ giọng Huế hiền hiền đến giọng Quảng chắc nịch, từ giọng Hải Phòng lanh lảnh cho đến giọng Nam Định mươn mướt nhưng chân thành… Lúc đã chìm vào không gian quê nhà đó, nỗi nhớ sẽ chỉ làm họ càng mạnh mẽ hơn chứ không còn làm họ đau đáu thương quê mà muốn rời bỏ phố xá nơi này.

Đêm hôm rồi, ngồi ngẩn người bên lề phố đông người, ngồi thừ người giữa những nói cười, tay xé miếng chuột nướng mà thấy lòng xôn xao đến lạ. Thương miếng ngon người quê mang lên đãi đằng, thương cái tình “của một đồng công một nén” một thì lại thương Sài Gòn đến ngàn lần.

Sài Gòn như một “ma soeur” rộng lòng thương-yêu đón nhận hết mọi lữ khách tá túc lại nơi thánh đường của mình dù là họ chỉ dừng lại một đêm, hay vài đêm, để tham quan từng viên đá, gốc cây, khoảng sân, nhà nguyện hoặc là họ quyết định ở lại mãi với nơi thánh đường đó để mỗi ngày đắp thêm một viên gạch, một tảng đá, trồng thêm một tàn cây, bờ cỏ… nhằm xây dựng thánh đường của “ma soeur” mỗi ngày một lớn hơn, rộng cửa hơn cho những lữ-khách-tương-lai, ở một đêm đông nào, chợt ghé ngang, và, gõ cửa…

Hà Quang Minh
.
.