Mối quan hệ Miura, VFF và sự phát triển của bóng đá Việt Nam

Ai dẫn ai đi?

Thứ Hai, 27/04/2015, 20:46
Muốn trả lời câu hỏi này cần phải trở lại bối cảnh VFF chọn thầy Nhật Toshiya Miura vào ghế thuyền trưởng ĐTQG. Tại sao lại là thầy Nhật chứ không phải là thầy Anh, Pháp, Đức? Và tại sao lại là Miura chứ không phải một ông thầy Nhật A, B, C, D, E nào khác?

AFF Suzuki Cup 2012, khi ĐTVN của thầy nội Phan Thanh Hùng bị loại ngay sau vòng bảng còn ĐT Lào dưới sự dẫn dắt của một nhà cầm quân người Nhật đã tạo nên một sức sống đầy hứng khởi thì ông Lê Hùng Dũng - khi đó mới chỉ là PCT tài chính VFF đã bắt đầu nói về chiến lược dùng thầy Nhật. Trong nhiều cuộc họp thường trực VFF, ngoại trừ việc dẫn lại sự thành công bước đầu của thầy Nhật ở ĐTQG Lào, ông Dũng còn khẳng định: “Nhật Bản cũng là một quốc gia châu Á, nên có nền văn hóa gần gũi với chúng ta hơn những quốc gia châu Âu”.

Hai năm sau, khi đắc cử chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII thì cái ý tưởng mời thầy Nhật sang dẫn dắt ĐTQG nói riêng và hợp tác chiến lược với bóng đá Nhật Bản nói chung của ông Dũng đã thành hiện thực. Và như thế, việc chúng ta mời Miura bắt nguồn từ sự gần gũi về mặt văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Còn xét ở khía cạnh bóng đá đơn thuần, không thể không nói đến yếu tố kĩ thuật cùng một lối chơi dựa nhiều vào những đường ban chuyền ngắn của bóng đá Nhật - một lối chơi  mà những người làm bóng đá Việt Nam tin rằng cũng rất gần gũi, phù hợp với cầu thủ Việt Nam. Thực tế thì ĐTVN dưới thời Calisto đã thành công rực rỡ với lối chơi này ở AFF Suzuki Cup 2008.

Nhưng thực tế trên dưới một năm làm việc ở Việt Nam, người Nhật Miura lại không cho thấy quá nhiều những đặc điểm mà chúng ta từng tin tưởng và dự đoán. Nhìn cái cách Miura nhồi thể lực các cầu thủ Việt Nam, rồi cái cách ông tổ chức lối chơi dựa trên quan điểm “nhanh - gọn - đơn giản” không khó thấy nó mang hình ảnh của bóng đá Đức điển hình. Thế mới có chuyện những người từng làm việc với cựu thuyền trưởng ĐTVN, thầy Đức Falko Geotz đều cùng đưa ra nhận xét: phương pháp Miura rất gần với phương pháp Falko Goetz.

Kể cả cách quản quân cũng vậy, cả hai ông thầy này đều đi theo trường phái quản quân sắt thép, khác với kiểu “lạt mềm buộc chặt” thời Riedl, Calisto ngày trước. Cũng chẳng có gì là khó hiểu vì Miura có một thời gian dài tu nghiệp bóng đá tại Đức, và như thừa nhận của chính ông thì bóng đá Đức có một ảnh hưởng mãnh liệt đến nhân sinh quan nghề nghiệp của ông.

Tới đây có thể đưa ra kết luận ban đầu: chúng ta mời thầy Nhật với hy vọng sẽ được tiếp nhận những ưu điểm của chất Nhật, nhưng bất ngờ thay lại được tiếp nhận những ưu điểm của chất Đức. Dĩ nhiên còn quá sớm để khẳng định “chất Đức Miura” sẽ thành công mĩ mãn, nhưng chắc chắn là so với “chất Đức Falko Goetz” - một chất Đức “xịn” 100% thì chất Đức Miura bây giờ đang thành công hơn hẳn. Thế thì chẳng phải là chúng ta đang dẫn Miura đi theo định hướng của mình, mà trái lại chính Miura với cái chất Đức trong một cơ thể Nhật lại đang dẫn chúng ta đi, và bất ngờ giúp chúng ta gặt được những kết quả ngoài mong muốn.

HLV Miura (trái) có phương pháp cầm quân khôn lường hơn những gì người ta tưởng.

Sẽ có người bảo: ai dẫn ai không quá quan trọng, mà quan trọng là chất lượng và hiệu quả công việc. Vậy thì xin nhắc lại, cái chất lượng ban đầu  mà Miura tạo ra với ĐT Olympic, ĐTQG hay ĐT U.23 tại các giải đấu vừa qua chỉ mang tính ngắt ngọn. Ngay cả cuộc cách mạng thể lực mà ông tạo ra cho các tuyển thủ cũng chỉ là một cuộc cách mạng trên ngọn. Nếu thấy cuộc cách mạng trên ngọn ấy là chính xác và cần thiết thì bộ phận chuyên môn VFF cần phải nhân rộng nó tới cấp độ CLB để tạo ra những thay đổi mang tính nền tảng, bền vững.

Và nếu VFF thực hiện công việc đó thì ông Miura cũng cần phải được dẫn dắt ngược trở lại trong vai trò của một nhà tư vấn, chứ không đơn thuần chỉ là một nhà cầm quân đánh trận. Tiếc là sau khi nhìn thấy những thành công ban đầu của Miura, đặc biệt là thành công trong việc tạo ra những thay đổi về phương diện thể lực ở các ĐTQG, điều duy nhất mà các quan chức VFF thực hiện chỉ là vỗ tay tán tụng Miura, chứ không thực hiện những việc cần thực hiện tiếp theo.

Điều này cho người ta một cảm giác những nhà làm chính sách của nền bóng đá này rất bị động trong mối quan hệ với ông thầy ngoại. Bị động từ việc chọn thầy theo một đằng nhưng lại nhận được sản phẩm theo một nẻo, và khi cái sản phẩm bất ngờ ấy (có nhà báo gọi rất hình ảnh là “món quà bất ngờ”) lại giúp chúng ta thành công thì tất cả chỉ dừng lại ở việc đứng đó tán tụng, ca ngợi rồi chấm hết.

Vẫn liên quan tới câu chuyện về sự bị động, có một chi tiết mà các quan chức VFF không ngại nhắc đi nhắc lại, đó là khi thực hiện chính sách mời thầy Nhật dẫn dắt ĐTVN. Thoạt tiên họ rất muốn có được bản hợp đồng của cựu HLV trưởng ĐTQG Nhật Bản Takesi Okada, nhưng sau đó buộc phải chọn Miura, vì đơn giản là giá của Miura rẻ hơn và phù hợp với túi tiền của chúng ta hơn. Câu hỏi đặt ra: trong cuộc đời, có phải lúc nào chúng ta cũng may mắn có được hàng rẻ chất lượng cao - lại cao theo một cách khác hẳn so với suy nghĩ ban đầu của mình như thế?

Ông Miura thuộc mẫu HLV “hét ra lửa” trên sân tập.

Bây giờ lại phải bàn tới một khía cạnh khác, vẫn là chất Đức, nhưng tại sao chất Đức “xịn” của Falko Goetz lại thất bại một cách thảm hại còn chất Đức trong một bộ não Nhật, một cơ thể Nhật như Miura lại bước đầu phát sáng?

Những người gần gũi với cả Goetz và Miura từng đưa ra nhận xét: “Sau những trận đấu và những buổi tập, cả Geotz lẫn Miura đều giữ một khoảng cách nhất định với các học trò, nhưng có lẽ vẫn nhờ điểm chung “châu Á” mà cái khoảng cách của Miura ngắn hơn, nên ông cũng  gặp ít lực cản hơn”.

Ở đây phải đề cập tới cụm từ “ít lực cản” để thấy rằng trong suốt quá trình chung sống với các tuyển thủ không phải Miura không gặp những sự chống đối. Nên nhớ, trước khi ông mang ĐT U.23 sang Malaysia đá vòng loại giải U.23 châu Á đã có hơn một mặt báo “đánh” phương pháp huấn luyện thể lực của ông, và theo những thông tin mà chúng tôi biết thì cũng có một bộ phận các cầu thủ “rỉ tai” cánh phóng viên về những điều mà họ cho là “không thật phù hợp” của Miura với thể hình, thể trạng của cầu thủ Việt. Điều tương tự cũng từng xảy ra dưới thời Falko Goetz, và vì thế mới có người bảo Goetz đã chết trên mặt báo trước khi chính thức chết tại chiến trường SEA Games.

Nhưng cấp độ phản ứng dưới thời Miura nhẹ hơn so với thời Goetz rất nhiều, vì một mặt thế hệ cầu thủ dưới tay Miura được đánh giá là lành hơn so với thế hệ cầu thủ dưới thời Goetz, và mặt quan trọng khác: Miura cầm quân trong thời điểm cả làng đang hút vào lứa U.19, nên các tuyển thủ cũng muốn quyết tâm thể hiện mình không thua kém gì các đàn em U.19. Tới đây, có thể thấy rằng thành công bước đầu của Miura đến từ chính tài năng của con người này nhưng cũng có sự cộng hưởng không nhỏ bởi yếu tố hoàn cảnh của bóng đá Việt Nam.

Vấn đề đáng nói bây giờ là sau khi ngộ ra những thành công ban đầu của Miura thì VFF cần phải có những mổ xẻ, kết luận chính xác về “hiện tượng Miura”, từ đó dẫn dắt Miura đi theo một lộ trình có ích nhất, tạo ra những sự tác động căn bản, nền móng nhất với nền bóng đá của mình.

Còn cứ đứng đó vỗ tay tán tụng một ông thầy được ví von như một “món quà bất ngờ” thì quá dễ!

Phan Đăng
.
.