Ý niệm gần dân

Thứ Hai, 10/04/2017, 16:14
Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mở kênh trực tiếp lắng nghe ý kiến của dân, Thủ tướng cũng nhiều lần phát đi thông điệp gần dân. 

Ở miền Tây, dân khen lắm ông Bí thư Tỉnh ủy cũng hay lang thang bầu bạn với dân, nghe dân nói, trải lòng với dân. Cái câu “Dân dĩ vi bản” vốn dĩ xưa nay Ngô tôi nghe đã nhiều, nhưng biết dân là vi bản, hiểu dân là vi bản để thấm nhuần “Nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” e chừng không mấy người hiểu thấu.

1. Ở Đồng Tháp có quán cà phê có một không hai, quán cà phê ở đâu thì dĩ nhiên chắc cũng như nhau ngoại trừ cách bài trí. Nhưng ở đây có thứ không nơi nào có, nghĩa là có lãnh đạo Tỉnh ngồi với doanh nghiệp cà phê chuyện trò.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hồi giữa năm hai nghìn không trăm mười sáu có về làm việc với tỉnh, Thủ tướng khuyên lãnh đạo tỉnh nên có kênh để lắng nghe những câu chuyện của doanh nghiệp, trước là tạo điều kiện cho doanh nghiệp gỡ khó, sau là phía tỉnh từ thực tế ấy mà điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Một quốc gia muốn phát triển thì chắc chắn các doanh nghiệp phải là xương sống, các doanh nghiệp khỏe mạnh thì nền kinh tế khỏe mạnh, các doanh nghiệp hắt hơi hắt xì thì nền kinh tế chắc chắn cũng cảm mạo sốt li bì.

Sau lời khuyên của Thủ tướng, lãnh đạo Tỉnh Đồng Tháp mở ngay quán cà phê trong khuôn viên của Ủy ban Tỉnh, cạnh nhà ăn của văn phòng. Quán cũng không phải bày biện nhiều, vài cái bàn ghế, thêm mấy giò phong lan cho có lá có hoa. Quan trọng nhất vẫn là câu chuyện.

Sớm trước khi đến giờ làm việc, bất chấp nắng mưa giông bão, lãnh đạo đều có mặt để lắng nghe doanh nghiệp. Doanh nghiệp miền Tây cái chất cũng như người dân miền Tây, có gì nói đó. Chỗ nào khó thì nhờ lãnh đạo gỡ, chỗ nào bất cập thì phản ánh để lãnh đạo xem xét.

Lãnh đạo miền Tây cũng là người con của miền Tây, sảng khoái chân tình, một là một hai là hai. Chuyện gì giải quyết được thì giải quyết ngay tại chỗ, chuyện gì phải nghiên cứu trình tập thể thì hẹn lại trả lời sau.

Từ hồi có quán cà phê này, doanh nhân Đồng Tháp yên tâm làm ăn lắm, mà lãnh đạo tỉnh cũng như được cởi tấm lòng mình với doanh nhân. Báo giới khen rần trời, mà không khen không được, vì hay quá phải khen thôi.

Đơn cử như, “Chi nhánh Công ty Mai Linh tại Đồng Tháp “tố” gặp khó trong việc xin cấp lại phù hiệu để đầu tư phương tiện mới khiến không đủ xe phục vụ hành khách và ảnh hưởng đến đời sống của anh em lái xe taxi. Nghe xong, ông Chủ tịch chỉ đạo cấp ngay phù hiệu cho công ty này vì người dân được đi bằng xe mới, an toàn hơn, giải quyết công ăn việc làm cho lái xe. Còn khi kiểm tra, thanh tra nếu công ty này có sai sót gì thì xử lý, khắc phục sau.

Hay Ngân hàng TMCP B. chi nhánh Đồng Tháp xin hủy quyết định phạt 4,2 triệu đồng của cục thuế tỉnh do chậm nộp thuế GTGT hơn 65.00 đồng; thuế TNDN hơn 244.000 đồng. Dù tiền phạt không nhiều nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng. Khi biết nguyên nhân việc nộp thuế chậm là do sử dụng không đúng biểu mẫu, UBND tỉnh yêu cầu hủy quyết định xử phạt này.

Minh họa: Dũng Choai.

Công ty Mỹ Phú Hưng ở TP Cao Lãnh tìm đến quán cà phê chỉ để góp ý, hiến kế. Công ty này cho rằng quyết định về lệ phí trước bạ đối với ô tô, mô tô của UBND tỉnh Đồng Tháp đang áp dụng là không phù hợp, thường cao hơn các tỉnh lân cận. 

Điều này khiến người dân bất bình và một số người nhờ người quen mua xe và đăng ký ở tỉnh bạn sau đó đem về Đồng Tháp sử dụng gây thất thoát nguồn thu. Nghe xong, ông Chủ tịch chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với cục Thuế tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung ngay quy định này cho phù hợp với thực tế. 

“Cái gì có lợi cho dân, cho doanh nghiệp mà đúng quy định của pháp luật thì phải làm ngay”. (trích từ Báo Tuổi Trẻ).

Rõ ràng, chuyện này không có gì khó, chuyện này bất cứ UBND tỉnh nào làm cũng được. Bởi doanh nghiệp mà không được gỡ khó, doanh nghiệp mà không được xem là chủ lực quân trong phát triển kinh tế địa phương nói riêng và quốc gia nói chung thì còn gì mà bàn nữa.

Quan trọng đơn, thái độ muốn gần doanh nghiệp, muốn chứng tỏ sự thân thiện của lãnh đạo tỉnh hoàn toàn không khiến vị trí hay uy tín lẫn sự tôn nghiêm của lãnh đạo tỉnh mất đi, chắc chắn không mất gì cả mà chỉ được thôi. Cái được đó là sự yên tâm của doanh nghiệp đang làm ăn chân chính, rồi kế đến tiếng lành đồn xa, nhà đầu tư này nhà đầu tư kia cũng sẽ tìm về. Đất nào lành mà chim lại không chọn cách để đậu.

Doanh nghiệp gặp được lãnh đạo tỉnh thông qua những buổi cà phê hàn huyên thân mật, thì dân trong tỉnh cũng đâu phải là ngoại lệ.

Cách làm của Đồng Tháp hay vô cùng, đúng đắn vô cùng mà xem chừng còn là cảm động vô cùng nữa. Ngô tôi chỉ không biết là khi nào mô hình vừa văn minh vừa có ý nghĩa này được nhân rộng thôi. Nếu mô hình này trên toàn quốc đều có thì tốt quá, cần gì khẩu hiệu một cửa một dấu, cứ trò chuyện trên tinh thần tôn trọng nhau vì cái chung để cùng nhau giải quyết những khúc mắc thì có chuyện gì lại không thể tìm được tiếng nói chung.

2. Nhớ quán cà phê ở Đồng Tháp, Ngô tôi nghĩ về cái cổng an ninh vừa nảy sinh, dành cho cá nhân khi ra vào trụ sở ủy ban nhân dân một thành phố phía Nam.

Sau sự cố đáng tiếc và đau lòng ở Yên Bái, nhà quản lý đã tính chuyện có hàng rào an ninh với các trang thiết bị kiểm tra vũ khí, phát hiện bom mìn. Công tác an ninh cho cán bộ lãnh đạo là một công tác quan trọng, không ai lại thiển cận đến mức phủ định điều này. Nhưng có một thứ còn quan trọng và bền vững hơn cả công tác an ninh chính là lòng dân, thành trì của một thể chế.

Sẽ thật khó để tin rằng cán bộ lãnh đạo sẽ gần dân khi ngồi trong những hàng rào an ninh và chờ nghe báo cáo, chờ tra cứu đơn hay thương thảo những quyết sách phụng sự cho nhân dân. Ngay từ hình thức đã thấy một trời một vực cách xa tưởng chừng chỉ có trong những thời đại hỗn quan hỗn quân vua Lê chúa Trịnh năm nào mà chính sử đã từng chép lại.

Lãnh đạo mà xa dân thì sao, lãnh đạo mà xa dân thì sẽ giống như điển tích mà Ngô tôi kể ra dưới đây. Trong bài “Lạm bàn về tư cách”, Ngô tôi đã có nhắc đến điển tích này, nay chỉ lấy ra để nhắc lại.

“Tấn Huệ Đế là người kế vị triều Tây Tấn, Tây Tấn cũng mất trong tay của kẻ này. Tấn Huệ Đế được miêu tả là kẻ trí óc không bình thường, khi lên ngôi nhân nghe ếch kêu, từng hỏi triều thần rất thành thật, “Con ếch nó kêu là vì việc công hay việc tư đấy?”.

Đế như vậy, nên quan nhân trong triều mặc sức ăn thịt hút máu người dân, bòn rút tận xương tủy. Không đừng lại ở đây, Tấn Huệ Đế khi thấy người dân nhà Tấn chết đói đầy đường đã cất miệng nói một câu vô cùng “vĩ đại”, “Bọn họ không có gạo ăn, sao không đi ăn yến sào. Lại để chết đói thế này, nhỉ?””.

Thêm thông tin khác, “Nếu như năm 2011 ở TP HCM mức tiền hối lộ dẫn tới việc người dân tố cáo hành vi đòi hối lộ trung bình là 5,8 triệu đồng, thì năm 2015 người dân chỉ tố cáo khi mức tiền đòi hối lộ trung bình lên tới 34,8 triệu đồng.

Năm 2015, chỉ có gần 2,3% người bị vòi vĩnh cho biết đã tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ chính quyền, trong khi năm 2011 tỉ lệ này là 12,5%. Ở Hà Nội, tỉ lệ người tố cáo tham nhũng hầu như không có: chiếm 0% năm 2015 và 0,2% năm 2011”, đó là kết quả khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) xoay quanh nội dung cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI) được vừa công bố.

Trong bối cảnh ấy, liệu có cần thiết thêm một cổng an ninh hiện đại, đầy lạnh lùng và phân biệt tại một trụ sở ủy ban hay không?.

3. Trong lúc toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị đang học tập tấm gương đạo đức của lãnh tụ Hồ Chí Minh mà Người thì luôn gần dân, chạm đến đời sống của nhân dân, lại nêu cao tinh thần chống 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức-lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương IV với biểu hiện “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”, thì liệu có cần một cổng an ninh trong trụ sở hay không?

Mấy tháng trước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đi bộ đến chợ đầu mối ở Hà Nội để thị sát, Thủ tướng Chính phủ cũng ra đồng để thăm hỏi người nông dân. Không lẽ những cá nhân thật sự do dân vì dân, luôn muốn gần gũi với nhân dân lại có thể mắc một nguy cơ nào đó về sự an toàn cá nhân hay sao? Ngô tôi tuyệt đối không tin nhân dân lại hồ đồ đến vậy, vĩnh viễn không tin.

Bảo vệ cho trụ sở ủy ban đã có bảo vệ, có cảnh vệ vũ trang nên có lẽ không cần thiết có thêm một sự ngăn cách với nhân dân như cái cách đang hiện hữu.

Lời bàn không biết có thấu không, chỉ là một tấc lòng trung, quyết lòng can gián.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.