Xoài lắc tới Orlando

Chủ Nhật, 05/06/2016, 11:05
Bữa tối trước giờ hai thằng bạn chia tay nhau vừa có món crawfish nấu theo phong cách vùng Louisiana, vừa có xoài lắc được nước mắm, muối ớt tôm và trái ớt hiểm bạn tôi trồng được ở vuông sân mượt cỏ sau nhà dậy lên hương vị Việt...

 

Từ khi nhận được mẩu email ngắn tôi thông báo cho chuyến đi diễn ra trong đúng 15 ngày, T.C, người bạn thân nhất từ thời cuối cấp hai đang sống ở thành phố Orlando, tiểu bang Florida, cứ 2-3 hôm lại gửi tin nhắn cho tôi hỏi dồn: "Sao rồi? Plan (kế hoạch) không thay đổi gì chớ?" hoặc "lấy visa chưa?", "Ông mua vé máy bay của hãng nào?"…

Cái cách C. quan tâm khiến tôi cảm động thật sự và trong tôi dậy lên mối băn khoăn không biết phải mang cho ông bạn cũ món gì làm quà. "Mình đem nấm linh chi cho C. uống trị bệnh tiểu đường há?". "Sao cũng được mà…". "Ông muốn ăn gì?". "Ở đây đồ Việt gần như không thiếu thứ gì mà… Hey! Dạo này trên Facebook tui nghe nhiều người ở Việt Nam nhắc tới xoài lắc, là xoài gì vậy?". Tôi nghe C. hỏi vậy bụng đã khấp khởi. "C. muốn ăn món này hả? Để mình tìm đủ các thứ qua lắc cho hai vợ chồng ông ăn".

Khác với thái độ háo hức mà tôi sớm hình dung, bạn tôi lập tức bàn ra, giọng điệu nghe khá nghiêm trọng: "Thôi đừng! Hải quan Mỹ không cho đem trái cây tươi vô Mỹ đâu. Ông giấu đâu nó cũng moi ra cho bằng được. Thôi đó!".

Hải quan Mỹ có thể moi ra trái xoài keo tôi mưu toan cuộn trong mấy lớp giấy báo cũ rồi nhét ở đáy vali bằng máy soi công nghệ hiện đại, và cũng có thể chỉ bằng biển báo nhỏ dựng gần quầy kiểm tra hành lý: "Phạt đến 5.000 USD vì hành vi mang rau quả, trái cây tươi, gia cầm sống hoặc các chế phẩm từ thịt, trứng, gia cầm" cũng đủ cho mọi ý đồ "vược rào" lụi tắt.

Bên cạnh chuyện ngăn ngừa các chủng virus "du nhập" vào Mỹ qua các chế phẩm, nước Mỹ còn có chính sách cứng rắn không để lọt vào xứ họ các loại rau quả có thể làm giảm độ ưu ái của người Mỹ vốn dành cho những sản vật bản địa truyền thống.

Không phải bạn tôi thèm món ăn vặt chiều đãi khẩu vị chua-cay-mặn-ngọt của các chị em, chỉ vì bạn tôi tò mò trước sức hút của một món ăn mới xuất hiện trên hè phố quê nhà, trên xe đẩy, trên gánh hàng rong oằn mình mưu sinh; thật ra đó chỉ là phiên bản thời hiện đại của món xoài tượng xanh chấm mắm đường sền sệt giằm thêm ớt đỏ cay nồng từng xếp đầu danh sách mấy món ăn vụng trong lớp học của những cô nữ sinh Sài Gòn mấy chục năm về trước.

Còn tôi thì chỉ muốn mang cho bạn thứ quà nào đặc biệt mang đủ phong vị Việt, chứ thật ra bản thân tôi ngày ngày chạy xe qua những tấm bảng in chữ vi tính hay nguệch ngoạc viết tay mấy chữ… lắc tưng bừng trước cổng trường, vỉa hè, công viên phố thị mà cứ thản mặc, dửng dưng và chưa bao giờ có ý định nếm qua cho biết, lỡ có mang tiếng là dân Sài thành mà không biết ngoài hè phố người ta buôn bán cái gì thì cười khẩy "người ta xu thời thôi mà, có gì up lên Face là một đồn mười, mười thành trăm, rồi chẳng mấy chốc mà cơn khát thèm, những lời tung hô cũng sẽ lắng xuống như đã từng với bánh tráng nướng kiểu Đà Lạt, trà chanh chém gió, phô mai que...

Nhưng rồi cũng có ngày có người bẻ ngoặt thái độ dửng dưng của tôi - cậu phóng viên đàn em. Trưa đó nắng quái, lạt miệng, cậu ấy bâng quơ: "Phải chi có ly xoài lắc anh há!". "Anh còn không biết nó là cái gì, thôi lát nữa anh ra ngoài, về thấy thì mua ăn thử".

Không cần đi đâu xa, xe trái cây trốn nắng núp dưới tàn cây thưa ngay trước cổng cơ quan, bên mấy thứ trái cây giải nhiệt là tấm bảng báo đây có món ăn thời thượng: "Xoài lắc". Tôi mua 2 ly nhựa có nắp đậy, đưa cho cậu phóng viên, vừa quay lưng đã nghe tiếng nhai rồm rộp.

Xiên que tre vót nhọn vào miếng xoài xắt vuông, dầy như con cờ, áo một lớp nước mắm đường và lấm tấm ớt đỏ, cậu ấy tặc lưỡi "ăn đỡ ghiền thôi anh chứ đây bán dở, thua mấy xe đẩy trước trường học khu quận 8 nhà em...".

*

*     *

Thuở lên cấp 3, lớp tôi xếp cứ một bàn toàn nam sinh ngồi xen kẽ với một bàn toàn nữ. Bạn tôi hơi thấp người nên ngồi bàn thứ hai, tôi cao hơn chút, thêm vào mặc cảm là con nhà bán bánh mì nên quá bằng lòng với dãy ghế cuối cùng, ngồi như muốn lủi vào góc lớp.

Trong giờ học, đám nữ sinh ăn vụng chuyền từ bàn trên xuống bàn dưới miếng xoài xanh đã quẹt mắm đường qua vai, qua đầu mấy thằng con trai đang gồng mình giả như không đếm xỉa tới trò nhí nhố. Tụi con gái chọc thêm tức bằng câu: "Nghe mùi cho đỡ ghiền nha".

Thầy cô nghe tiếng lao xao quay xuống, "xóm nhà lá" im bặt, vừa quay lên bảng, bàn tay đứa đầu têu tức thì thò xuống hộc bàn ngoáy nhanh lát xoài vào hũ chao đựng nước mắm tuồn xuống cho "đồng minh", giọt nước mắm rơi lên lưng áo bạn tôi, anh chàng chỉ nhận ra chuyện kinh khủng khi nghe mấy đứa con gái rú lên "Chết cha!..." cùng hai ba bàn tay xé giấy quèn quẹt chùi nhanh chỗ dây nước nắm.

Bạn tôi xấu hổ, máu dồn lên mặt đỏ tới mang tai, đỏ tới khi chuông reng hết tiết. Mấy đứa lại xúm vô, đứa chùi đứa đẩy, nhưng cái dòng nước mắm pha đường kẹo sệt, rớt lên áo dính còn ác hơn kẹo cao su, lại có mùi nồng gắt. T.C lúc đầu còn cười cười nửa miệng, rồi cười như mếu, sau cuối nổi cộc: "Thôi mấy bà đừng chùi nữa, rách áo tui bây giờ!".

Tôi thuộc nhóm học trò nhà gần trường nhất nên ngày ngày đi bộ, nhà T.C lui lủi trong dãy nhà gỗ lụp xụp dựng bên bờ kênh Nhiêu Lộc, 4 anh chị em xài chung cái xe đạp; hai anh em học buổi sáng xong cuốc về giao xe cho hai anh chị học buổi chiều.

Tôi đang cắm cúi đi, nghe tiếng T.C ơi ới phía sau: "Quê quá T. ơi, nhưng ghê hơn là về ba mẹ tui đánh chết!". "Nhưng mà có phải ông ăn đâu...". "Áo hôm nay mới thay, mai kia mới được giặt". Tôi với T.C là hai thằng nghèo nhất lớp A1 ngày đó.

Mỗi thằng nghèo một kiểu; tôi thì từ năm lớp 6 đi học mặc quần luôn có hai cái tivi gắn hai bên mông (là hai lỗ thủng được khép miệng bằng cách khâu chỉ theo hình chữ nhật, lúc đầu lỗ thủng nhỏ thì tivi nhỏ, lâu ngày vải bục khiến lỗ thủng toác to ra thì đường chỉ dằn quanh cái tivi to rộng thêm).

T.C thì quanh năm suốt tháng đi học luân phiên hai cái áo màu nâu và trắng, cái bị nước mắm đường rớt trên lưng áo là cái nâu, thớ vải rạn thưa đến nỗi mặc trên người, ngày nay có thể được gọi là mô-đen "xuyên thấu".

Tôi biết T.C mong chờ ở tôi điều gì nên nói luôn: "C. về nhà mình giặt chỗ nước mắm đó đi!". Giấc trưa ở nhà tôi chỉ có mẹ tôi bị tai biến liệt nửa người đã hơn nửa năm và hai đứa em chờ ăn xong thì lên trường buổi chiều. Phăm phăm kéo C. vô sàn nước dưới bếp.

C. cởi áo, bày cho thằng con bà bán bánh mì thấy đủ thứ xương ngực, xương sườn nổi trên làn da xanh mái. C. cuộn khoanh vải áo vào ngón tay trỏ còn tôi khẩy miếng xà bông bột vào móng tay rồi miết miết lên chỗ vải bốc mùi, múc gáo nước dội từ từ. "Ông đưa tay cao lên không tui dội ướt lưng áo nè…".

Mẹ tôi không đến nỗi phải nằm liệt một chỗ, nhờ đi bó thuốc chỗ ông thầy già người Tàu phía sau chợ Bình Tây nên có thể vịn bàn ghế, vịn tường đi ra đi vào, thấy hai thằng lúi húi dưới sàn bếp, bà lần xuống dõi theo chúng tôi từ lúc nào rồi à lên: "Hai đứa bây ăn vụng như… con gái". C. lại một phen đỏ mặt tới mang tai, liến thoắng: "Dạ không có, bác. Tụi con gái ăn xoài rớt nước mắm vô người con...".

*

*     *

Ở nhà T.C 4 đêm, hai đứa chúng tôi nói đủ thứ chuyện, và mỗi khi ôn lại thời chung lớp chung trường, T.C không dưới một lần nhắc câu "hai thằng mình xưa nghèo nhất lớp A1". Dễ hiểu thôi, bạn tôi không những nghèo mà còn là con của "người thua cuộc", từ bị khinh rẻ sau lưng đến miệt thị công khai.

T.C  từng cố học thật giỏi, năng nổ hoạt động đội, đoàn và còn biết cách làm cho mình tỏa sáng trong mắt mọi người bằng ngón đàn ghi-ta và cả đánh trống trong các hội diễn văn nghệ nhưng định kiến ấu trĩ cứ luôn có cách vùi bạn tôi xuống, như quyết định cấm thi tốt nghiệp của một trường cao đẳng hướng nghiệp.

Tôi không muốn C. nhắc lại quá khứ buồn bằng cách đề ra nhiều yêu cầu thăm thú Orlando cho thằng bạn tận dụng hết 2 ngày nghỉ phép. Bầu trời thành phố của tiểu bang cực nam nước Mỹ nằm bên bờ Đại Tây Dương vời vợi một màu xanh mênh mang, khoáng đạt, nắng vàng hanh ấm áp trải miên man trên những cung đường cây lá óng ả chồi xuân.

Lúc ghé siêu thị mua crawfish, một loại tôm hùm nhỏ, cho ông bạn trổ tài bếp núc, khi đi ngang khu bán trái cây, N. vợ C. chỉ cho hai vợ chồng tôi những hộp giấy carton đựng thứ trái tròn trĩnh, vỏ xanh bóng và ở chóp đầu phơn phớt màu hồng rất đẹp.

"Mua xoài này về làm gỏi ha!". "Xoài gì đây?". "Xoài Mexico. Thứ xanh vầy làm gỏi giống gỏi xoài Việt Nam lắm". Tôi chộp ngay: "Nhà mình có nước mắm, muối ớt tôm không N.?". "Có, chợ Việt Nam có, mà ở nhà cũng sẵn nữa". "Vậy mình làm cho ông bà xoài lắc được rồi" - tôi nói cứ như đem trót lọt trái xoài keo qua hải quan Mỹ vậy.

Bữa tối trước giờ hai thằng bạn chia tay nhau vừa có món crawfish nấu theo phong cách vùng Louisiana, vừa có xoài lắc được nước mắm, muối ớt tôm và trái ớt hiểm bạn tôi trồng được ở vuông sân mượt cỏ sau nhà dậy lên hương vị Việt.

Tôi chỉ nghe nói qua cách làm, lại đã được ăn thử nên món này lắc đúng điệu, vì thế mà hai vợ chồng T.C và 2 con trai - một vừa học xong lớp 12, một đang học lớp 9 thưởng thức nồng nhiệt. Đang vừa nhai vừa hít hà, chợt nhớ lại chuyện cũ, định nhắc nhưng thôi ngay. Bạn tôi đã qua nhiều biến cố để có được cuộc sống tròn đầy như hôm nay, nhắc có vui rồi thì lại nhìn nhau cay sống mũi!

Vừa thả mình xuống băng ghế ở phòng quá cảnh sân bay Incheon, Hàn Quốc chờ nối chuyến bay về Tân Sơn Nhất, điện thoại trong túi rung lên, đó là tin nhắn T.C gửi qua Whatsapp: "Mình up lên Facebook món xoài lắc của T., mấy bạn lớp A1 mình ở Georgia, South Carolina, California..., ở Canada, Australia xôn xao và ghen tị lắm, hỏi "mấy ông làm cách nào đem được xoài lắc tới Orlando?".

Hồ Eola như viên ngọc xanh giữa trung tâm tài chính, thuơng mại Orlando.

Sỹ Tuấn
.
.