Xem “hộ chiếu” của Vili: Sống là sáng tạo

Thứ Bảy, 12/09/2015, 08:59
Vi Thuỳ Linh đã viết, chủ trương đòi hỏi và đầy hứng khởi như thế khi viết Hộ chiếu tâm hồn (NXB Kim Đồng 2014, tái bản tháng 8/2015). Để nâng sự sống lên, hối thúc tha nhân sống thật ý nghĩa trong quỹ thời gian hữu hạn đời người, đánh thức ham muốn sáng tạo không ngừng, hứng thú tìm tòi, đổi mới cách nghĩ, cách cảm ở mỗi chủ thể, vẫn giọng táo bạo, đầy tin tưởng, Linh quả quyết: “Ý nghĩa đó không chỉ dành cho các nghệ sĩ, một đòi hỏi của nghệ thuật, mà cho tất cả nhân quần”.  

Sáng tạo không chỉ là một phẩm chất, yêu cầu về nghề của nghệ sĩ, hơn thế: một lẽ sống, niềm vui sống, quan niệm nhân sinh đẹp đẽ. Sống như sáng tạo, sáng tạo để sống, sống bằng cách sáng tạo, cấp cho chữ đời sống riêng, sáng tạo ra các đời sống độc đáo, khác lạ để cảm nhận trọn vẹn, sâu sắc hơn, phong phú hơn những cung bậc, sắc thái khác nhau của trần thế này.

Làm thơ, với Vi Thuỳ Linh, chỉ là một nhánh của hành trình sáng tạo, phô diễn cá tính, một cách trải nghiệm, khảo nghiệm. Công chúng không lấy làm lạ khi thấy Linh hiện diện ở tuỳ bút, mở rộng đường biên cho sự sáng tạo của mình. Linh không ở yên chỗ nào, tâm hồn Linh luôn xao động, chếnh choáng, khác thường; cuộc sống - sáng tạo của Linh là những chuyến đi. Chuyến đi-thơ hay chuyến đi-tuỳ bút đều bộc lộ tự nhiên thế mạnh tư duy, cái sắc sảo, cái cách sống đầy mê đắm của Linh. Tuỳ bút là cuộc phiêu lưu của cảm xúc, cảm nhận, đồng thời như một chứng từ cho thấy năng lực sáng tạo dồi dào của tác giả.

Linh có bản lĩnh để dấn thân; có sự tự tin, can đảm để đối diện với thử thách và theo đuổi đến cùng những khát vọng cao đẹp; có cái căn bản, tâm hồn phóng khoáng và cuộc sống sôi động để nhạo cái nhạt, cái bình lặng và sáo mòn; có năng lực để viết đa dạng, có lòng tự tôn và tự trọng nghề nghiệp cao để cho ra đời những tác phẩm - đêm diễn công phu; có đóng góp thực sự cho nghệ thuật, mỹ cảm cho đời sống văn học đương đại để phô bày và đòi hỏi được định vị; ViLi có “công chúng riêng” để trụ bền và được ghi nhận.

Sau thơ, gần thơ là tuỳ bút - chặng sáng tác được Vi Thuỳ Linh chăm chút kĩ lưỡng như thơ. Tuỳ bút là khởi đầu khác khi  Linh đủ chín nhiệt lượng thanh tân. Đó là khu vực mà Vi Thuỳ Linh vừa muốn chứng minh năng lực viết đa dạng, bền bỉ, vừa để độc giả chứng nghiệm tài năng. Tuỳ bút Hộ chiếu tâm hồn là một sinh thể nghệ thuật đặc sắc của chặng thứ hai, nó chứa đựng nhiều sự sống, tập trung sự sống cao độ. Hộ chiếu tâm hồn phục hưng nhiều xúc cảm vừa giản dị vừa thiêng liêng tưởng đã bị che lấp đi vì mọi đảo điên gấp gáp bề bộn.

Nhà thơ Vi Thùy Linh (bìa trái) cùng MC Diễm Quỳnh sau buổi tham gia với tư cách là giám khảo chương trình Cầu vồng VTV6 (Tháng 7/2015). Ảnh: Phan Lê Đức.

Đọc ViLi hệ thống, chúng tôi nhận ra: mỗi cuốn sách đều là những trang hộ chiếu tâm hồn chị, hộ chiếu dày và đầy liên tục được bổ sung như bài thơ đẹp không kết, vừa có sự tinh tế, chân thành, đằm thắm, vừa có cái mơ mộng, chất men bốc lên trong tâm hồn, cái ào ạt trong mỗi trang viết.

Linh viết: “Văn chương là hộ chiếu tâm hồn tôi, tôi gửi tới độc giả, mong khi cầm hộ chiếu này, bạn đọc sẽ có thêm một trang trong hộ chiếu tâm hồn mình... khi sở hữu Hộ chiếu tâm hồn đẹp đẽ, là lúc bạn biết sống một cuộc đời với tinh thần phù sa, một cuộc đời ý nghĩa”. Linh ý thức rất cao về bản thân, về giá trị trang viết của mình, mà còn muốn độc giả phải chấp nhận những giá trị ấy.

Trong số những người viết trẻ có cá tính sáng tạo hiện nay, Vi Thuỳ Linh thuộc số ít tác giả khiến người khác bị ám ảnh, thậm chí rất khó chịu khi thấy chữ nghĩa cứ sôi ào lên, nhưng chỉ Linh mới có khẩu khí liên tài lấn át mọi thứ, khiến cảm giác khó chịu của độc giả nhường chỗ cho sự thân ái, chỉ Linh mới có “thẩm quyền” buộc người ta phải thừa nhận, chấp nhận hoặc thỏa hiệp với cá tính ấy. Linh yêu và buộc người khác phải chấp nhận tình yêu, cách yêu riêng có. Linh coi cái gì đó là giá trị, là đẹp, là có ý nghĩa và bằng mọi cách khiến người đọc phải ngả về phía này - nhìn đời, cảm nhận đời theo con mắt, trái tim Linh. 

Linh viết không nệ giới tính, chỉ bằng tâm thế nghệ sĩ, khắt khe buộc mình phải mới, khác, làm những việc khó, chưa ai làm - biểu hiện của tự nguyện dấn thân. Đặc thù dễ nhận ra: mỗi lần xuất bản, chị vất vả dồn hết sức đem đến cho ai chờ đón, tin cậy chị - quà mới - sách của ViLi không bao giờ in “độn” bài cũ, mỗi cuốn đều khác nhau với loạt tác phẩm in lần đầu. Từ chiêu mộ, dụ dỗ, chinh phục, Linh đi đến “sáng tạo” ra người đọc của mình, cho mình.

Từ chỗ là “mồi” cho truyền thông thuở đầu khi là hiện tượng văn học, bị bút chiến, đố kị kéo dài vì cá tính và tuyên ngôn táo bạo, Linh khiến truyền thông thành phương tiện hỗ trợ để thu hút sự chú ý cho văn chương. Sự hứng khởi của những khán giả tinh hoa là doping cho những ý tưởng sự kiện mà duy nhất ở Việt Nam cho đến giờ, chỉ có ViLi làm được những liveshow văn chương sang trọng từ người biểu diễn đến người xem, đánh dấu đậm nét sự tồn tại của đứa con tinh thần mà chị chăm chút, nâng niu, mê đắm. 

Được ráp nối bởi ba phần: Liên Xuân, Link và Visa của ViLi, Hộ chiếu tâm hồn là giai phẩm hội tụ 7 họa sĩ nổi tiếng minh họa dành riêng. Bao trùm là nhiều tình cảm đẹp. Mở đầu, Linh làm cho mùa Xuân ngân vang lên giai điệu của riêng nó, buộc chúng ta phải lắng nghe, chậm lại để cảm nhận các giá trị sống. ViLi tuỳ bút có phần sâu lắng hơn ViLi thơ, chị khẽ đánh thức tình cảm giản dị thiêng liêng ở mỗi người đọc, làm chúng ta xao xuyến, rạo rực trước những gì quá đỗi thân thuộc. Chị viết bằng thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh, đầy ắp cảm xúc. 

Bìa tập Hộ chiếu tâm hồn. Ảnh: Phùng Hà.

Nói về một mùa Đông chưa hết, tác giả vẫn thấy lòng chợt ấm lên; nói về quỹ sống có hạn của phận kiếp mà câu chữ vẫn ươm mầm hy vọng; kể về ông bà nội đã mất mà không thấy cách ngăn, nói về trắc trở xa cách mà câu chữ vẫn vẽ ra tổ ấm, cuộc sống chung, điệu hát chung gắn bó các thành viên trong gia đình. Nguyễn Quang Thiều thật tinh tế khi viết: “Vi Thuỳ Linh thường đi rất xa cái khởi đầu của mỗi tuỳ bút, đi rất xa mà không ra ngoài. Nó vẫn ở trong vùng cảm xúc, vùng tư duy, thậm chí là đề tài chị lựa chọn”. Đặc trưng tuỳ bút đó của Linh thể hiện rõ rệt ở tuỳ bút mở đầu và quán xuyến thành một nét của dấu ấn phong cách.

Hộ chiếu tâm hồn gồm ba phần. Tôi xem đó là ba khúc hát đặc sắc. Nhờ giao thiệp rộng với giới trí thức, nghệ sĩ, có kiến văn âm nhạc, Vi Thuỳ Linh đưa vào tuỳ bút ngôn ngữ âm nhạc mềm mại, uyển chuyển. Người nghe hát, hát thầm, hát theo giai điệu, khúc tình ấn tượng nào đó trong tuỳ bút Hộ chiếu tâm hồn là ViLi. ViLi quan sát mùa đi, cảm nhận mùa mới đang về, bước thời gian… Từ ngân vang giai âm, chị “quay” những thành phố, mùa mình thích, về lính đảo xa, người mẹ anh hùng, về Tổ quốc, xứ sở hạt dẻ Trùng Khánh, Cao Bằng… bằng ngôn ngữ điện ảnh âm nhạc.

Trọng âm của khúc thứ nhất, Linh sáng tạo rất nhiều từ ngữ riêng để định danh mùa Xuân, sức Xuân, nhịp Xuân theo cách cảm nhận, phát hiện của mình. Hộ chiếu tâm hồn là ví dụ tiêu biểu cho thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, bằng chứng sinh động cho sự tìm tòi những cách nói đậm chất văn chương. Chị chủ trương tìm/ tạo từ mới, cách nói, khái niệm mới để tiếng Việt thành sinh ngữ. Từ của ViLi “được dùng” lại ở nhiều nơi. Đọc Linh, người ta muốn sống chậm lại để yêu tin, trân trọng từng giây khắc yêu sống. Trọng âm của khúc hai là thế giới đẹp, quê hương và con người đẹp. Văn của Linh tràn hơi thở cuộc sống, gắn bó với chủ quyền, với nhiều mảnh đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử. 

Đọc Linh, người ta thêm yêu Việt Nam, tự hào và biết ơn những thế hệ dâng hiến tuổi trẻ cho lý tưởng sống cao đẹp, thêm nghĩ suy về trách nhiệm công dân toàn cầu, tình yêu nước bộc lộ qua việc gìn giữ di sản vật thể, phi vật thể, tinh thần, xác lập - bảo vệ cương giới quốc gia. Trọng âm của khúc thứ ba là giá trị cá nhân. Tư duy của Linh, dù nói gì đi nữa, mở rộng liên tưởng tạt ngang thoải mái, vẫn quy tụ về giá trị cá nhân, cá tính, căn cước, năng lực, sự cống hiến…. Nếu ở khúc hát đầu tiên, Linh tự khách quan hóa đời sống tâm hồn cá nhân; ở khúc hát thứ hai, ViLi tự ý thức về mình qua sự nhận diện người khác, qua mối quan hệ văn hóa xã hội khác; thì ở khúc thứ ba, ViLi đòi hỏi mình cao hơn qua việc mở rộng hiểu biết.

“Văn chương là hộ chiếu tâm hồn”. “Hộ chiếu tâm hồn lớn hơn hộ chiếu pháp lý. Hộ chiếu tâm hồn của mỗi người do chính người đó tạo nên/cấp thị thực cho mình” (Vi Thuỳ Linh). Tập Hộ chiếu tâm hồn vừa là tuyên ngôn, vừa là căn cước sáng tạo mà Linh đã xác lập vững chắc. Đối với Vi Thuỳ Linh, nghệ sĩ chỉ có thể đi và đến khi có hành trang tinh thần phong phú. Hộ chiếu tâm hồn viết bằng trải nghiệm, kiến văn sâu sắc của Linh. 

Hơn 34 tuỳ bút ghi lại chân thực quá trình suy nghĩ, tìm tòi liên tục, sự khám phá và thể hiện có cá tính những vẻ đẹp tinh tế, quyến rũ của thiên nhiên, xứ sở, con người Việt Nam. Nét duyên riêng của tập tuỳ bút này hiển hiện qua bộ từ khóa, cái góp phần làm nên “hộ chiếu tâm hồn” của tác giả: đẹp, yêu, tin, kí ức, giao cảm, sinh sôi, mới… Con người ViLi có tài sản quý là hồi tưởng, hoài niệm, nỗi nhớ, chuyển mình theo những kết nối, sự còn mất được Linh đo bằng nỗi nhớ thường hằng hoặc lãng quên chứ không phải do sống chết quyết định. 

Con người hạnh phúc theo Linh phải không ngừng yêu, lúc nào cũng đang yêu, đang tin tưởng tuyệt đối, muốn tin vào sự tốt đẹp và tìm, nâng điều đó lên bằng nghệ thuật. Đấy không chỉ là tình yêu đôi lứa mà là nhiệt tình sống, nhân ái với đồng loại, với thiên nhiên và loài vật. Dòng chữ là suy nghiệm ào lên, cuốn đi, mải miết, mê đắm, không mảy may ngờ vực. Sống - sức sống, quyền sống, nhiệt thành sống,… ở Linh là mặc định. Linh muốn sống trọn vẹn, đủ muốn tận hưởng, khám phá.

Bổ sung cho giao tiếp thơ, Hộ chiếu tâm hồn đem lại một vẻ đẹp 3D của cảm xúc - tri thức - tưởng tượng trong các chiều không gian và suy tưởng, sâu lắng hơn các cây bút trẻ khác. Tuỳ bút của ViLi khác hẳn những tạp văn, tản văn, tạp bút được xuất bản đều đều mấy năm gần đây như một thứ thời thượng. 

Hộ chiếu tâm hồn thay vì đối lập với người khác, nhấn mạnh tới sự gián cách, đứt gãy, solo, Linh phổ hiện hơn đến sự tiếp nối, các mối quan hệ xã hội, neo buộc cá nhân vào truyền thống văn hóa lịch sử, những ký ức đẹp, hoài niệm, kỷ niệm, gắn bó người ấy với cuộc sống hiện tại trong khao khát sống, khao khát yêu thương, và tận hiến với ý thức CON NGƯỜI mãnh liệt bằng năng lượng hồng cầu chữ thường trực hối hả vì tiếc thời gian.

Vi Thuỳ Linh và tác phẩm không thể và không bao giờ cho phép mình nhạt trong kiếp sống duy nhất. Hiểu được tư tưởng này sẽ giải mã thấu đáo những “khác thường” của chị trong đời thường và nghệ thuật.

Trần Thiện Khanh
.
.