Vòng đời Tiger Cup

Thứ Ba, 23/12/2014, 14:58
Bởi từ chính cái vạch xuất phát Tiger Cup mà họ được trình diện làng bóng, và dẫu cho người thăng, người trầm thì cái vạch xuất phát ấy cũng mở ra cả một chu kỳ, một vòng đời mà cho đến lúc này thì cả hai đều có thể tự hào khi ngoảnh đầu nhìn lại.

1. “Ông đang thiếu một cầu thủ chạy cánh có thể lực. Vậy hãy thử nghiệm cậu ấy đi. Cậu ấy khá lắm”, đó là câu giới thiệu của HLV trưởng Khánh Hoà Luciano - một người Brazil với HLV trưởng ĐTVN Taveres - một người Brazil khác. Và sau cuộc đối thoại của hai ông thầy Brazil thì Tấn Tài lần đầu tiên khăn gói lên ĐT, chuẩn bị cho kỳ Tiger Cup 2004 trên sân Mỹ Đình.

Mà quả nhiên là trong những buổi tập đầu tiên của ĐT, Tấn Tài tạo ấn tượng bởi nền tảng thể lực sung mãn cùng khả năng thi đấu máu lửa, nhưng dần dần, cái tâm lý tủi thân của một “tân binh tỉnh lẻ” cộng thêm những tác động của người lớn ở CLB, Tấn Tài đã làm một việc mà sau này, khi hiểu rõ tính cách và tâm lý của Tài, người ta không sốc, nhưng ở thời điểm ấy thì nó là việc cực sốc: quỳ lạy HLV Tavares để xin rời ĐT, về CLB.

Nhiều năm sau sự cố này, khi trở nên tiếng tăm hơn và được một bộ phận báo chí chăm sóc chu đáo hơn thì trên những mặt báo này nọ thi thoảng lại xuất hiện những thông tin và những quan điểm mang tính thanh minh, bênh vực cho hành động của Tấn Tài hồi đó. Nhưng cần phải sòng phẳng thừa nhận: đó là một hành động không đáng xảy ra. Dĩ nhiên nó không đến mức “là hành động làm nhục quốc thể” như sự qui kết của một quan chức ĐT ngày ấy, để rồi từ đó vị này đưa ra tuyên bố xanh rờn: “Tôi còn ở ĐT thì kiên quyết không có Tấn Tài”, nhưng đấy là một sự cố khiến cho cuộc đời ĐT của Tài khởi đầu trục trặc.

Năm 2004, liệu có ai tưởng tượng rằng cái người từng có khởi đầu trục trặc ấy lại có ngày trở thành đầu tàu của ĐTQG như bây giờ? Liệu có ai tưởng tượng rằng một Tấn Tài chỉ chuyên chạy cánh và chỉ nổi tiếng ở khả năng máu lửa, nhiệt tình giờ thi thoảng lại có những pha “bắn tỉa” thông minh ở vị trí tiền vệ trung tâm? Liệu ai có thể tưởng tượng rằng một Tấn Tài mà từ hình thức đến nội tâm đều toát lên cái vẻ thuần nông thứ thiệt giờ lại trở thành một trong những cầu thủ có cuộc sống ngoài bóng đá an toàn, sung túc nhất trong giới cầu thủ Việt Nam?

10 năm, rõ ràng Tấn Tài đã đi lên, đã trưởng thành và đã gặt hái được những thành quả to lớn mà có lẽ chính Tấn Tài của cái ngày quỳ lạy HLV Tavares cũng không thể nào tưởng tượng.

Và có lẽ nhìn lại 10 năm của Tấn Tài, bắt đầu từ Tiger Cup 2004 không ít các cầu thủ 9X hiện nay - những người cũng đang có khởi đầu không như ý ở ĐTQG đều thầm ước ao: ước gì 10 năm sau mình cũng được như anh ấy?!   

Mong cho Tấn Tài và Công Vinh có một kỳ AFF Cup cuối đời ấn tượng. Ảnh: H.M.

2. Tiger Cup năm 2004, một Lê Công Vinh, 19 tuổi (tuổi trên giấy tờ) cũng lần đầu tiên lên đội tuyển. Và cho đến giờ, cái ký ức của lần đầu tiên rụt rè, bẽn lẽn, lần đầu tiên được đá bên cạnh những thần tượng bóng đá bấy lâu của mình vẫn in đậm trong ký ức Công Vinh. Hồi ấy, ông Tavares xây dựng ĐTVN vận hành theo sơ đồ 4-3-3, và trong sơ đồ ấy Công Vinh thi thoảng được ra sân đá bên cạnh Bảo Khanh, Huỳnh Đức.

Khác so với Tấn Tài - người chợt đến rồi chợt đi, Công Vinh lại đi đến tận cùng hành trình Tiger Cup năm ấy cùng ĐT. Nhưng tiếc thay, đấy lại là một Tiger Cup mà chúng ta để thua tan nát Indonesia 0-3 trên sân nhà rồi bị loại ngay sau vòng bảng. Là một cầu thủ trẻ, rất trẻ, nhưng Vinh vẫn rất thấm thía nỗi đau và những biến động gắn liền với “thầy điên” Tavares sau trận thua tan nát ấy.

10 năm sau Công Vinh là ai, đã trải qua những thăng trầm như thế nào trong cuộc đời cầu thủ là điều mà cả làng bóng đá đều thấy. Nhưng cũng có những điều mà nếu chỉ là người hâm mộ thông thường người ta cũng chưa thể thấy hết về Vinh: đó là khả năng toan tính rất thực dụng, hiệu quả trong từng bước đi của mình ở cấp độ CLB và khả năng ứng xử trôi chảy, logic với ngay cả những câu hỏi rất khó của giới truyền thông - những điều mà thoạt nghe thì thật đơn giản nhưng lại là điều cực kỳ nan giải với phần lớn các cầu thủ Việt Nam vốn không được học hành tử tế.

Và có lẽ đó chính là lý do vì sao mà trong những cuộc trà dư tửu hậu, khi người viết hỏi các cầu thủ thuộc lứa Công Vinh và cả lứa đàn em của Công Vinh rằng “có thích một cuộc đời bóng đá giống Công Vinh không?” thì phần lớn đều trả lời là “không!”, nhưng nếu hỏi “có khâm phục nghị lực vươn lên và khả năng xây dựng hình ảnh bản thân của Công Vinh không?” thì phần lớn các câu trả lời là “có”.

3. Xét ở góc độ con người, rõ ràng Công Vinh và Tấn Tài thuộc hai tuýp hoàn toàn khác nhau: một người bóng bẩy, một người chất phác, một người luôn nói theo kiểu “uốn lưỡi bảy lần” còn một người luôn rơi vào trạng thái: “ruột để ngoài da”. Xét ở góc độ lấp lánh và tiếng vang của  một sự nghiệp cầu thủ, hai con người này cũng rất khác: một người luôn bay cao bay xa trên một bộ phận truyền thông theo đúng tính chất “vừa có miếng vừa có tiếng”, một người thì âm thầm, bền bỉ, và chỉ cần sung túc cái bụng, chứ không nghĩ đến việc biến cái bụng thành cái trống - nơi có khả năng phát tác âm thanh.

Nhưng hai con người này lại trùng nhau ở cùng một vạch xuất phát (Tiger Cup 2004) và trùng nhau ở cùng một cái đỉnh (AFF Cup 2008).  Chung kết lượt về AFF Cup 2008 trên sân Mỹ Đình, khi Công Vinh hất ngược quả bóng vào lưới Thái Lan ở phút 90+3, giúp ĐTVN đoạt cúp vàng trong gang tấc thì không lâu sau đó Tấn Tài ôm trầm lấy HLV trưởng Henrique Calisto rồi khóc ngất lên vì hạnh phúc.

Trận chung kết ấy nói riêng và giải đấu ấy nói chung, nếu Công Vinh là một trong những cầu thủ luôn ghi được những bàn thắng mang tính quyết định nhất thì Tấn Tài lại là một trong những cầu thủ thi đấu hăng say, miệt mài nhất. Và một điều cần lưu ý: cả hai đều đã được HLV Calisto “nâng cấp” một cách bất ngờ, từ đó giúp cho ĐT có một cách thức vận động bất ngờ, và đã thể hiện được những giá trị bất ngờ, không ai nghĩ đến. Ví dụ điển hình diễn ra ở trận chung kết lượt đi trên sân Rajamangala ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) - trận đấu mà ông “Tô” không để Công Vinh đá đỉnh đầu hàng công mà lại kéo xuống vị trí tiền vệ cánh, rồi cũng không để Tấn Tài đá cánh mà lại kéo vào đá tiền vệ trung tâm. Phải nói, chính những đường binh sáng tạo đó đã khiến ĐT giành chiến thắng và cuộc đời cầu thủ của cả Công Vinh lẫn Tấn Tài có một phen lên đỉnh.

Sau này, khi được hỏi “Ai là ông thầy có dấu ấn lớn nhất trong sự nghiệp của mình?”, cả Tấn Tài lẫn Công Vinh đều không cần suy nghĩ mà trả lời ngay: Calisto!

4. Bây giờ thì HLV trưởng ĐTVN là thầy Nhật Toshiya Miura, một người trẻ hơn ông “Tô”, theo đuổi một triết lý bóng đá khác ông “Tô” nhưng lại rất giống ông “Tô” ở việc đề cao kỷ luật và phát huy tối đa yếu tố sức mạnh tinh thần trong bóng đá.

Dưới thời Miura, Tấn Tài được xác định là một thủ lĩnh không thể thiếu ở hàng tiền vệ, người vừa có nhiệm vụ dẫn dắt lối chơi của toàn đội, vừa phải dìu dắt những cầu thủ trẻ quanh mình có thể thi đấu một cách tự tin. Công Vinh thì không còn được ưu ái “book” sẵn trên hàng công như trước nữa, mà phải cạnh tranh sòng phẳng với những cầu thủ đàn em trẻ khoẻ, giàu khát vọng. Nhưng nói gì thì nói, kinh nghiệm và những khoảnh khắc loé sáng bất ngờ của Công Vinh (điều đã được thể hiện rất rõ ở AFF Cup 2008) vẫn rất cần cho ĐT.

Mong là hai con người này sẽ có một AFF Cup cuối đời ấn tượng. Một AFF Cup mà dẫu không thể cùng ĐTVN giương cao chiếc cúp vàng như mong muốn của thầy Miura (so sánh binh tình ĐTVN với các đối thủ cứng cựa như Thái Lan, Singapore, Philipines ở giải năm nay, đòi hỏi họ phải đoạt cúp e là quá khó) thì cũng để lại những dấu ấn nhất định để khép lại một chu kỳ 10 năm đáng nhớ.

10 năm, từ Tiger Cup đến AFF Cup.

10 năm, bắt đầu từ cái ngày lần đầu tiên rụt rè ăn cơm Tuyển

10 năm để va vấp, để lớn lên, để trưởng thành.

10 năm, một vòng quay số phận!

Phan Đăng
.
.