Viết tản văn theo kiểu Ngô Tất Tố

Thứ Sáu, 16/07/2010, 15:09
Cách đây 70-80 năm, hồi chữ quốc ngữ vừa mới "nhất sơ thành lập", giữa lúc "văn học và báo chí còn bất phân", bạn đọc đòi hỏi cần phải có lối viết mới cho chữ quốc ngữ. Sau những năm tháng sinh sống thật sự bằng làm báo ở Nam Kỳ, trở ra Bắc, Ngô Tất Tố đã đột phá, mở đường phát triển mạnh mẽ tản văn, một thể loại mới của báo chí đương thời.

Kết quả biệt tài "công phu chọn bút danh, hóm hỉnh mở chuyên mục, sắc sảo viết tản văn" suốt 15 năm trời của tác giả đã tạo nên "sân chơi hấp dẫn, sàn đấu sôi động" trên mặt báo, đã đem lại "kho tản văn Ngô Tất Tố" phong phú độc đáo, giữ vai trò hàng đầu góp phần định hình và đưa "thể loại tản văn" lên vị trí ngang hàng với các thể loại khác trong lịch sử văn chương báo chí nước nhà.

Ủy quyền cho Miệng Sắt "Gặp đâu nói đấy"  

Năm 1928, xác định "đề mục trên mặt báo như con mắt trên mặt người", hai năm sau, Ngô Tất Tố mở chuyên mục "Gặp đâu nói đấy" trên báo Phổ thông và ra "lời tuyên ngôn nhận chức hay là một câu ra viết báo". Để thoả mãn tâm lý của bạn đọc là không ưa đọc bài dài và để thể hiện trách nhiệm cao của người viết "Gặp đâu nói đấy", Ngô Tất Tố cho xuất hiện Thiết Khẩu Nhi (tức Miệng Sắt - chữ "nhi" chỉ là một trợ từ dùng để nhấn mạnh) với "cái thiên chức chỉ có già nửa hay non nửa cột báo là hết".

Những bài tản văn (theo đúng chữ dùng của tác giả, sau này mới có ý gọi là tiểu phẩm) ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động của Thiết Khẩu Nhi, ngay lập tức đã cuốn hút bạn đọc: Nên cho mắm tôm mẻ ngấu sang dự đấu xảo thuộc địa, Tiếc rằng mình chẳng làm trai làng Ước Lễ, Hội Vạn quốc cấm tiếng ghe, Sau lưng cụ Bùi Quang Chiêu hai ông Quỳnh Vĩnh đuổi nhau xồng xộc, Chú Khán ngốc nói chuyện ông Phạm Quỳnh, Thông Reo tiên sinh thật lắm giọng reo, Ông Nguyễn Khắc Hiếu bị bìm bìm leo

Giao cho Thục Điểu và Dân Chơi "Nói mà chơi"

Năm 1931, mở chuyên mục "Nói mà chơi" trên báo Đông Phương, Ngô Tất Tố viết: "Cuộc đời chỉ là chỗ "trò chơi" của các đấng siêu việt, người đời chỉ là "kẻ làm đồ chơi" cho các đấng ấy… Thục Điểu sinh ra ở cái bầu chơi này, lẽ tất nhiên phải chơi, mà chơi bằng lời nói, ai chẳng chơi với Thục Điểu thì thôi, còn ai thích chơi với Thục Điểu từ mai giở đi, nó sẽ nói cho nghe".

Ngô Tất Tố lấy Thục Điểu (tức Chim nước Thục) làm bút danh. Thục Điểu làm tổ rất công phu, đi kiếm ăn, dù gần xa hay gặp mưa to gió lớn, đều lần tìm bằng được đường quay về tổ. Chẳng may mất tổ lạc đất, tiếc tổ nhớ đất, Thục Điểu đã kêu gào thảm thiết đến bật máu ra khỏi mỏ cho tới chết.    

Với ước nguyện thầm kín, da diết với cội nguồn, khi "Nói mà chơi", Thục Điểu đã lên tiếng bảo vệ tất cả những gì tốt đẹp của truyền thống, quyết liệt công kích mọi thói hư tật xấu trái ngược với đạo lý, xa lạ với cuộc sống đời thường.

Chỉ trích "Kiểu đất phố Hàng Trống", vạch rõ "Đại hiền nói dối", ái ngại "Thảm thay cuộc tàn của chữ Hán Hà Nội"… Thục Điểu đã có "Mấy lời nhắn nhủ các ông Đồ". Thục Điểu tự ý thức cao về nghề báo, đấu tranh không khoan nhượng bảo vệ "vườn quốc văn", chống lại những "rơm rác, cỏ dại" và tiến hành phê bình (trên gần 20 số báo) lối văn "lù mù lờ mờ, quay cuồng lộn ngược" của một đồng nghiệp làm báo.

Quý trọng đức thật thà, ghét bỏ thói điêu ngoa, lường gạt… nên "sân chơi hấp dẫn" trên mặt báo của Ngô Tất Tố nhanh chóng trở thành "sàn đấu sôi động" với bút pháp "xác chỉ", linh hoạt: Không phải đánh bốc đánh bài Tây đấy, Cô Nguyễn Thị Khang sang Tây làm gì, Sao ông Bùi Thế Mỹ nỡ giấu chúng tôi, Chực sang tân thế giới mà thoát à!, Có mà kiện lên thiên đình, Báo hay nhà thổ… 

Đến tháng 8/1931, Ngô Tất Tố "tuyên bố rõ ràng, chớ không đổi ngầm đổi lén như mấy ông văn sĩ bị án với dư luận", tác giả đã cho Thục Điểu "bay về nước Thục" và thay thế bằng Dân Chơi (Người sành điệu thưởng ngoạn) là một bút hiệu là lạ, ngang ngang. Dân Chơi đã thuật lại chuyện Ngô Tất Tố vào Nam theo đường tàu biển. Dân Chơi đã kế tiếp xứng đáng công việc viết tản văn của Thục Điểu và kết thúc thời kỳ làm báo Đông Phương của Ngô Tất Tố.--PageBreak--

Phân công Phó Chi "Nói giữa giời" và "Ném bùn sang ao"

 Năm 1933, Ngô Tất Tố viết: "Từ khi Phó Chi xuất hiện trong cột "Nói giữa giời" đến nay nhiều người thường hay đồ non đồ già. Lạ thay! Có mỗi một tên Phó Chi mà người ta gán cho rất nhiều vai".

"Phó Chi tiên sinh không biết là người chi chi. Chỉ vì dưới con mắt tiên sinh, việc đời hầu hết đáng phó cho trận cười, nên tự hiệu là Phó Chi. Phó Chi không ưa những kẻ giả dối và những kẻ dốt mà cứ làm nghề viết báo. Bởi vậy, tiên sinh hay mời họ vào cột "Nói giữa giời".

Luận về "người đời", Phó Chi viết: Một lũ mất dạy, Người Nhật nói xằng, Cách làm giàu của người Hà Nội, Cờ bạc rượu chè và đàn bà An Nam… Bàn về "sự đời", Phó Chi có các bài: Ăn nói dân biểu, Nghề khóc, Cái trôn quang của làng báo nước mình, An Nam với vấn đề tài binh, Đàn ông còn từ bi hơn đàn bà… Bình về lý do "từ chức Thượng thư Bộ Lại", Phó Chi tiên đoán về tư cách của nhân vật Ngô Đình Diệm…

Phó Chi chủ trì cuộc tranh luận kéo dài nhiều kỳ báo giữa Thực nghiệp Dân báo với báo Đông Phương, viết các bài trao đổi với Trần Huy Liệu, Nguyễn Khắc Hiếu, Đào Duy Anh, Phan Khôi…

Trên báo "cánh tả" Tương Lai (1937), Phó Chi được giao việc công khai chỉ trích giới chóp bu thực dân: Ông thống sứ với trận ma hôm nọ, Ông Pagès chắc có đọc qua Trang Tử, Mời ông Godard thăm mấy nơi này… và các quan lại phong kiến: Ông Phủ Hoài Đức muốn giữ vẻ đẹp cho tỉnh Hà Đông,  Bãi nước bọt trên mặt một ông tuần phủ, Thuế ngày Tết hay là một dịp quan bóc lột quan, Mấy ông lớn với báo Tương Lai… Ngô Tất Tố còn điều chuyển Phó Chi sang báo Con ong viết chuyên mục "Ném bùn sang ao"(1940).

Minh họa của Lê Tâm.

Để Xuân Trào đặc trách bàn chuyện "Thật hay bỡn"

Bản lĩnh, tâm huyết và trí tuệ của Ngô Tất Tố đạt tới đỉnh cao và hào hùng nhất trong các năm 1937-1940. Chỉ trong khoảng ba năm, tác giả liên tiếp cho đăng báo các tác phẩm nổi tiếng, góp phần đắc lực sáng lập dòng văn mới, văn học hiện thực trong lịch sử văn học nước nhà: Tắt đèn, Lều chõng, Tập án cái đình, Việc làng. Cũng trong thời gian này, Ngô Tất Tố còn "điều binh khiển tướng", giao việc cụ thể cho hơn 10 bút danh liên tiếp viết hơn 300 bài trên 7 tờ báo, tạp chí.   

Xuân Trào (Giỡn cười lớn) là bút danh mới ra đời trên báo Thời vụ (1938-1939) được giao đặc trách viết hơn 100 bài trên chuyên mục "Thật hay bỡn". Xuân Trào đã vạch trần thủ đoạn trấn áp của ngoại bang với các bài: Kêu thay cho mấy con chó Bắc Ninh, Vậy thì An Nam cũng phải có thuộc địa chứ, Phải chữa lại số người làm cu li…, mỉa mai những chuyện không hay trong làng báo: Bà già đã tám mươi tư, ngồi trong cửa sổ đưa thư kén chồng, Trận đại náo trong động Sài Gòn, Khổ cho ông thần Bạch Mã, Sao không hỏi Tự Lực Văn Đoàn… và không quên chỉ trích các nhà chức trách: Nước bạc cuối cùng của cụ Bùi Quang Chiêu, Ông Trần Bá Vân mới làm một việc xứng với chức của mình

Hy Cừ kể "Chuyện hàng ngày" trong 5 năm

Hy Cừ (Lời kêu lớn, Cuộc cười lớn) là bút danh nhiều năm nhất, "Chuyện hàng ngày" là chuyên mục đứng lâu nhất trên mặt báo của Ngô Tất Tố. Suốt 5 năm, Hy Cừ để lại hơn 650 bài tản văn trên báo Đông Pháp (sau tháng 3/1945 đổi tên là Đông Phát).

Với sức viết mỗi ngày một bài, với tài viết mỗi bài một chuyện, với cách viết mỗi chuyện một kiểu, Hy Cừ đã lấy viết tản văn làm lẽ sống. Thực tế "muôn mặt cuôc đời" diễn ra trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội đương thời là nguồn vô tận gây cảm hứng cho Hy Cừ viết “Chuyện hàng ngày”.

Hy Cừ đã dẻo dai trả bài cho toà soạn như trả nợ đời: Trong hoàn cảnh "mỗi trang giấy là một bát nước, mỗi giọt mực là một giọt bồ hôi", nhiều chuyện vừa xảy ra chiều hôm nay, sáng mai đã thấy bài viết về việc đó của tác giả, vừa viết xong bài cho số báo hôm nay lại phải thảo ngay bài cho số báo ngày mai.

Tản văn của Ngô Tất Tố đã tinh nhanh, nhạy bén và rất kịp thời đề cập tới mọi mặt việc đời sự đời, tản văn Ngô Tất Tố không gây cười một cách thông thường mà ý nhị giễu cợt rất thâm thuý, sâu sắc các thói hư tật xấu trong xã hội, đặc biệt là rất mực sành sỏi, tai quái khi chỉ trích chính diện các bộ mặt thiếu nhân cách trong cõi người.

Tản văn của Ngô Tất Tố không chịu ảnh hưởng của một xu hướng nào, không sao chép lối viết tản văn của tác giả nào, mà là tài năng tại chỗ, hoàn toàn Việt Nam, với cách nghĩ, cách viết của người Việt Nam, rất thân thiết gần gũi với người Việt Nam

Cao Đắc Điểm
.
.