Vân gỗ

Chủ Nhật, 27/06/2010, 14:42
Đêm khuya. Chúng tôi đi dạo trong làng Trang Liệt, chợt hiện trước mặt mái đình cong vút như mũi thuyền rồng bơi lượn dưới ánh trăng. Tôi đứng ngắm say mê như ngắm một cung điện thời cổ đại. Ở vùng Nghệ Tĩnh quê tôi, đình chùa bị san bằng từ hồi tiêu thổ kháng chiến, cho nên tôi sung sướng đến run lên khi thấy mái đình Trang Liệt.

Làng của Vũ Từ Trang chính là làng Trang Liệt, một làng quê nằm giữa đất Bắc Ninh cổ kính, cánh cò trắng muốt như dải lụa thấm đậm lời ca quan họ tắm gội những công trình kiến trúc còn giữ nguyên nét bình dị và đầm ấm từ xa xưa.

Sau Tết Nguyên đán năm nào, chúng tôi cũng đạp xe từ Hà Nội vượt 30 cây số về chơi làng Trang Liệt và dự hội quan họ ở đồi Lim. Trong không khí trữ tình của ngày hội cổ truyền, tôi chợt nhớ đến câu thơ của Vũ Từ Trang: Muốn cắt trời xanh may áo cho em/ Khoác đám mây kia lên mái tóc lành (Lời ngỏ). Ý thơ thật là lãng mạn. Thật ra, cũng có nhà thơ đã từng nói đem tặng người yêu bằng cái áo may bằng trời xanh và cái trâm bằng mảnh trăng liềm. Nhưng cái thú vị ở đây là mới hôm qua hôm kia tôi nghe câu hát dân dã vọng lên bên bờ sông Tiêu Tương: "Thương em, anh kéo trời xanh/ Cắt ra làm áo may lành đôi vai". Thì ra, từ lâu các nhà thơ đã chịu ảnh hưởng của dân ca.

Đi lang thang trong ngày hội mùa xuân, chúng tôi đến chiêm ngưỡng làng tranh Đông Hồ, bất chợt Vũ Từ Trang hưng phấn nảy ra bài thơ đăng báo Tết Văn nghệ Canh Thân 1980: "Cảm ơn người nghệ sĩ/ Mở tiếp những mùa xuân/ Mở mùa vui đất nước/ Lòng ta là giấy điệp/ Đời đẹp đến in tranh (Người in tranh làng Hồ) chứng tỏ sự nhạy cảm của hồn thơ phải bắt nguồn từ trong bào thai.

Có khi bắt được con bướm trong giấc mơ, nhưng phải dày công mệt nhọc mới có được giấc mơ bất ngờ. Từ thời thơ ấu, Trang được cái may mắn tắm gội trong phong tục và lời ca của một làng quê cổ kính để tạo cho mình một tâm hồn thi nhân. Nhưng suốt thời trai trẻ, Trang đã dày công rèn luyện để nuôi dưỡng tâm hồn thi nhân ngày một phong phú. Khởi đầu anh làm nghề xây dựng, rồi suốt hai mươi năm chuyển sang làm biên tập và phóng viên Báo Tiểu công nghiệp thủ công nghiệp (nay là Báo Doanh nghiệp). Hồi đó, có người bạn dè bỉu Trang: "Sao không xin về làm việc ở một cơ quan văn học? Sao lại xin về làm việc ở một tờ báo ngành, chẳng dính líu gì với văn học?". Dè đâu đó là một ý đồ có tính chất chiến lược của Trang trong cuộc sống và trong sáng tác văn học.

Vùng quê anh, có nhiều làng làm nghề thủ công truyền thống, trong đó có những làng làm đồ gỗ mỹ nghệ. Anh tiếp thu được cái vốn của cha ông. Đồng thời, có nhiều người sống bằng nghề tiểu thương, bản thân cụ thân sinh cũng là một tiểu thương. Cả hai nghề đó hòa hợp lại, tạo ra thế mạnh cho bản thân anh.

Trong thời gian làm phóng viên, anh đi đến nhiều làng ở Trung - Nam - Bắc làm nghề thủ công truyền thống. Ngoài việc viết bài cho báo, anh còn sưu tầm được nhiều tài liệu quý về quá trình phát triển của các làng nghề. Tích góp tư liệu, kiến tha lâu cũng đầy tổ, anh đã viết được cuốn "Nghề đẹp tỉnh Bắc" (Bắc Ninh và Bắc Giang hợp lại thành tỉnh Hà Bắc). Sau một thời gian, anh lại viết được cuốn "Nghề cổ nước Nam" bao gồm những làng thủ công nổi tiếng trong nước. Hai cuốn sách, trước hết rất có giá trị về tư liệu. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đánh giá đây là cuốn sách quý đối với các nhà sử học và các nhà dân tộc học.

Đối với người viết văn, tư liệu nào cũng có tác dụng hỗ trợ cho ngòi bút của mình.

Ngay từ hồi đó, với tư cách là biên tập viên, anh đã tập hợp được xung quanh tòa soạn nhiều nhà văn, nhà thơ yêu mến nghề thủ công truyền thống của dân tộc. Anh hăm hở hướng dẫn họ về thăm các làng nghề ở quanh Hà Nội và ở các tỉnh xa. Làng nghề bây giờ đã phục hồi tưng bừng, nhưng một thời gian trước đây hầu như đã tàn lụi, buồn tẻ; nhưng các nhà văn, nhà thơ cũng phát hiện được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân vẫn tồn tại và phát huy trong nỗi lam lũ, cực nhọc.

Họ mang gạo và thức ăn về ở trong nhà các xã viên hợp tác xã, nhờ gia đình nấu cơm và cùng ăn chung. Vũ Từ Trang vừa đạp xe vừa nghĩ thơ vừa ghi chép bên sân của hợp tác xã, bên bếp lửa của xã viên: "Tôi đắm đuối, người cùng tôi đắm đuối/ Dốc nhỏ, lối về sỏi đá chơi vơi/ Mặc gió thổi như lời tiếc nuối/ Mặc câu thơ như tiếng thở dài… (Mai Châu). Anh đồng cảm sâu sắc với nỗi hai sương một nắng với người nông dân: "Những câu thơ cày lên nặng nhọc/ Những đám mây ngồn ngộn chân trời" (Nhớ Đào Ngọc Vĩnh). Trong cuốn truyện "Chiều dài mùa hạ", anh dựng lên một hình ảnh thật là khắc khổ với những dòng viết đầy cảm thông: Cây rau muống cạn cứ như ngọn đèn tụt bấc, dồn bao nhiêu công sức chẳng kéo nó lên được… Đây là ký ức về sự tàn khốc của bom đạn Mỹ: Khẩu đội trưởng hy sinh vào giữa chiều hè/ Gốc phượng già rắc hoa như máu/ Sông cồn cào đỏ máu chẳng muốn đi/ Cả xóm bãi rưng rưng đưa tiễn/ Đám tang đi trong ráng đỏ rùng rùng/ Cô gái khóc người thương như mưa bão (Ụ pháo năm xưa)…

Tâm hồn nhà thơ như tờ giấy thấm bao nhiêu buồn vui của cuộc đời, để rồi cất lên lời ca của lòng nhân ái của niềm tin. Phải hàng tấn quặng mới tạo ra được một cân kim cương. Bản thân nhà thơ cũng phải trải qua bao nhiêu thử thách, bao nhiêu thể nghiệm mới định hướng chính xác cho cuộc đời mình. Vũ Từ Trang đã phải tạm thời nghiến răng, chịu đau đớn, ngừng sáng tác thơ một thời gian mặc cho những lời bàn tán của bạn bè không hay về mình - Có ai biết đâu anh tạm ngừng sáng tác để chuẩn bị mở xưởng gỗ làm đồ thủ công mỹ nghệ…

Sau một thời gian im lặng, anh cho xuất bản mấy tập thơ Thời trai trẻ, Ngược dốc, Lẻ và không lẻ và tập bút ký khảo cứu nghề cổ nước Nam. Đồng thời ở số nhà 378 Bạch Mai treo tấm biển "Cửa hàng Bắc Hà".

Tiếp thu nghề truyền thống quê hương, anh tuyển thợ làm đồ mộc thô ở làng quê và làm đồ mộc tinh xảo ở Hà Nội.

Không ai nghi ngờ gì nữa, rõ ràng Vũ Từ Trang vừa là một nhà thơ vừa là một doanh nhân. Tại số nhà 378 Bạch Mai, tấp nập khách văn chương và khách mua hàng. Thật là vất vả, nhưng cũng tràn đầy niềm vui. Như người đẩy xe bò vượt dốc, vượt qua được dốc rồi, thở phào nhẹ nhõm. Hạnh phúc nào chẳng phải qua đau thương. Cái đẹp hình thành trong nắng nôi, mưa lũ. Hay nói cách khác: Trong gian khổ, tạo ra cái đẹp. Anh đã phát hiện ra điều đó. Ta lại nghe anh đọc thơ với giọng hổn hển như thói quen anh thường đọc giữa đám đông bạn bè: Gỗ trắc, gỗ mun/ Giáng hương, kiền kiền/ Vân gỗ xoắn tít như đời cây bão lốc (Vân gỗ chìm). Ta thử trả lời câu hỏi: Nếu nhà thơ không đồng thời là nhà doanh nghiệp, không mở xưởng gỗ, không thường xuyên sống gần gũi thân thiết với gỗ, liệu có làm được câu thơ này?

Võ Văn Trực
.
.