Và lùa theo không biết mấy là hương

Thứ Sáu, 19/02/2016, 16:15
Những ngày này, mỗi sáng thức dậy cảm thấy trời lành lạnh. Rất Tết. Thèm một chút nghỉ ngơi. Nhưng rồi cũng khó. Đã phải chuẩn bị bài vở cho số Tân niên. Bận rộn.

Chiều qua, đã lên phim trường VTV9 cùng nghệ sĩ Quế Trân, Quyền Linh trao đổi về vấn đề liên quan đến phụ nữ. Chương trình sẽ phát sóng vào ngày 8-3 tới! Ấy là “lương khô”, “bài nằm” - tức những tiết mục, bài viết đã chuẩn bị chu đáo, chỉ chờ tới dịp là phát sóng, in báo.

Vị chủ báo viết “bài nằm” nhiều nhất có lẽ là cụ Huỳnh Thúc Kháng thời làm báo Tiếng Dân. Do thói quen ngày nào cũng viết và nhất là sợ thiếu bài, nên cụ viết liên tục, hết bài này đến bài khác để dành sử dụng dần. Cụ đã viết hàng ngàn bài báo trên Tiếng Dân, ký nhiều bút hiệu như Sử Bình Tử, Mính Viên, Tha Sơn Thạch, Khỉ Ưu Sinh, Xà Túc Tử, Ưu Thời Khách, Ngu Sơn, Hải Âu, Điền Dân, Thức Tự Dân, Tiếng Dân…

Gần Tết là khoảng thời gian chạy ngược gió. Chạy hết tốc lực. Hào hứng say mê. Rồi chắc chắn chỉ khoảng thời gian ngắn nữa là chạm đến giao thừa. Cuộc nghỉ ngơi dài ngày. Với y, lại quay về Đà Nẵng. Lại bãi bờ. Lại những tiếng sóng ầm vang chiều xuân. Lại đón nhận thêm tuổi mới. Một tuổi của quê nhà.

Sực nghĩ, những người sống xa quê, dịp này, tâm trạng như thế nào?

Tình cờ hôm nọ, lang thang hiệu sách cũ mua được tập bản thảo song ngữ, chừng 100 trang, in vi tính. Tựa tiếng Hà Lan West En Oost Ontmoeten Elkaar (Việt Âu Á gặp nhau) của Trương Thị Diệu Đế. Cái tên nghe là lạ. Ngộ nghĩnh. Những gì đã viết, phổ biến dưới hình thức nào cũng không quan trọng, nếu có “duyên” ắt có người tìm đọc. Bằng không, chỉ là nước chảy hoa trôi. Lỡ làng duyên phận. Đọc và biết tác giả sinh tại Đà Lạt, đậu Tú tài vào tháng 5-1972, sang Hà Lan năm 1980. Cô viết lại những cảm nhận vào thời gian mới đến xứ người.

Đọc và thích câu chuyện này: Ngày nọ vì trễ chuyến xe lửa đi Leerdam, nên cô thả bộ từ nhà ga Dordrecht đến chiếc cầu gần đó, như một cách giết thời gian, đợi chuyến sau. Ở đó, cô thấy một con mèo bị thương nằm trong bụi cây. Bỗng nhiên có xe cứu thương cho súc vật chạy đến và đem con mèo đi. Chứng kiến cảnh kỳ lạ ấy, cô thầm nhớ về quê nhà.

Nghĩ đến cảnh ngộ đồng bào mình nghèo khó, tàn tật, ăn xin lê lết ngoài phố nhưng nào có ai thèm đoái hoài đến. Trong khi đó, ở xứ này một con mèo bị thương lại được chăm sóc rất đỗi tận tình, chu đáo, vì thế: “Nước mắt tôi trào ra và tôi không nín khóc được. Bỗng nhiên tôi cảm thấy một bàn tay đặt lên vai mình. Có một bà cụ đang cố gắng an ủi tôi”.

Xin dừng một chút để nói rằng, một truyện ngắn hay là có thể phút cuối có một vài chi tiết tạo ra sự bất ngờ cho bạn đọc. Chuyện con mèo bị thương không là truyện ngắn. Ấy thế, lời an ủi của bà cụ cũng bất ngờ không kém. Bà cụ đã nói gì?

Có lúc nghĩ rằng, có phải người Việt đều hiểu tiếng Việt? Không ai dám ưỡn ngực gật đầu cả. Nếu ai đó bảo giải thích tường tận những địa thế đất đai, sông rạch đại loại như bàu, trảng, giồng, vàm, gò, rú, xẻo, gành, phá, truông, trủng, trủn, rộc, rạch, vũng, hóc, đụn… thì y xin chào thua. Chẳng hạn, ở Nha Trang, có địa danh Chụt! Nghe lạ tai quá. Ắt nhiều người cũng lần đầu tiên biết chăng?

Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (1895) của Huình Tịnh Paulus Của, Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, Tự Điển Việt Nam của Lê Ngọc Trụ và Lê Văn Đức, Việt Ngữ Chính tả tự vị đều giải thích: Chụt là vũng nước nhỏ ở dựa ghềnh biển có thể cho ghe thuyền núp gió. Vè thủy trình từ Huế vô Sài Gòn có đoạn: “Nha Trang xuống Chụt bao xa/ Kẻ vô mua đệm, người ra mua chằng/ Anh em mừng rỡ lăng xăng/ Người hỏi thăm vào, kẻ hỏi thăm ra/ Anh em chè rượu hỉ ha…". Nói tắt một lời: “Chụt là vũng nước nhỏ ở dựa ghềnh biển có thể cho ghe thuyền núp gió”.

Từ cũ, ít sử dụng phổ biến, ít người biết đã đành. Mà nhiều lúc nghe quen, nghe mãi nhưng bảo giải thích cũng khó. Thử hỏi “dỡ mắm” nghĩa là gì? Đọc Di cảo Dỡ mắm của cụ Vương Hồng Sển. Tóm tắt vài ý của cụ Sển, đại khái mắm gài từ mấy năm trước, nay lấy ra ăn gọi là “dỡ mắm”. Trước đó, “mót vài ba con cá hôi trong ao bùn, thêm muối và gài vào lu hũ, chờ qua năm sau, cá muối thành mắm, dù lua hột cơm cho qua bữa”. Nếu chỉ có thế, chẳng gì đáng bận tâm, oái oăm chính là ở chỗ khi dỡ nắp mái ra chỉ thấy những giòi!

Ngồi buồn dỡ mắm nhau ra
Mắm ông thì thúi, mắm bà không thơm.

Lần đầu tiên đọc được câu này. Ngày còn nhỏ, ở ngoài Trung, mẹ y cũng thường xuyên làm mắm cá cơm. Những lúc có giòi, mẹ thường đùa mà rằng: “Giòi mẹ thì ngon, giòi con thì béo”. Nói thế thôi, chỉ cần vớt giòi bỏ ra ngoài chén mắm là xong. Lại nghe câu tục ngữ: “Ăn mắm mút giòi”. Mút sạch chất mắm trên con giòi rồi mới bỏ đi. Sự hà tiện, tằn tiện ấy đố ai có cách nói hay hơn? Có phải người Việt học ở người Chiêm Thành về cách làm mắm?

Bằng chứng, phía ngoài Bắc chỉ rành về tương. “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”. Suy nghĩ này có đúng không? Sự cách biệt văn hóa thể hiện rất rõ nét trong nghệ thuật ẩm thực. Không rõ ông Tây bà đầm nếu chứng kiến cái cảnh người dân quê y “ăn mắm mút giòi”, họ sẽ có ấn tượng gì? Nhân đây ghi lại cho nhớ vài câu tục ngữ có liên qua đến mắm: Lỉnh kỉnh như chỉnh mắm thối. Ăn mắm thì ngắm về sau. Liệu cơm gắp mắm, liệu con gả chồng… Không ngoa một chút nào, khi nói rằng “mắm” cũng thuộc hạng “quốc hồn quốc túy” của người Việt.

Thế đấy, lời ăn tiếng nói rõ ràng, còn khó giải thích, chứ huống gì thơ.

Chiều hôm kia tham dự chương trình bình thơ Tết cho HTV9. Có mấy ý kiến cần ghi lại. Về bài thơ Gái xuân của Nguyễn Bính, tựa bài thơ đã là một sự táo bạo, cách tân cách đây hơn 50 năm. Thời Lê Thánh Tôn mới dừng lại ở Đề miếu bà Trương, thời Hồ Xuân Hương cũng chỉ Thiếu nữ ngủ ngày. Chẳng ai nói sỗ sàng là “gái”.

Đến thời Thơ mới, đã thấy đàng hoàng xuất hiện, cụ thể Gái xuân. Bẵng đi thời gian dài, gần đây mới thấy Miền gái đẹp (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Gái đẹp trong tôi (Lê Minh Quốc)… “Gái xuân giũ lụa trên sông Vân”. Sông Vân ở đâu? Tra tự điển biết rằng con sông này ở Ninh Bình; nhiều tư liệu khác cho rằng sông Vân ở làng quê Nguyễn Bính tại Nam Định. Điều này không quan trọng. Có thể, Vân là tên của một người đẹp thì sao? Ai dám bảo nhà thơ không gài “mật mã” ngay chính trong câu thơ của mình?

Nhớ khi xưa ta là chim Phượng Hoàng
Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất
Bay từ Đao Lỵ đến trời Đâu Suất
Và lùa theo không biết mấy là hương.

                        (Hàn Mặc Tử)

Địa danh Đao Lỵ, Đâu Suất ở đâu? Nào ai biết nếu không am tường thuyết nhà Phật. “Tố của Hoàng ơi Tố của Hoàng”, câu thơ của Vũ Hoàng Chương đó. Ai là Hoàng? Ai là Tố? Nếu ngày xưa, các cô gái có mái tóc demi garcon, hoặc xanh đỏ tím vàng như diễn viên Hàn Quốc, đố Nguyễn Bính có thể viết được câu “Đôi tám xuân đi trên mái tóc”. 

Câu thơ ấy, có thể liên tưởng đến mái tóc mượt, dài, thậm chí dài chấm gót, có được không? Tại sao không? Hình ảnh người mẹ, người chị ngồi bên giếng nước gội tóc bằng bồ kết, hoa bưởi, hoa chanh thời buổi này chắc không còn nữa. Có lẽ nhiều người vẫn còn xao xuyến khi đọc lại câu thơ này của Nguyễn Bao:

Tháng giêng được ngày nắng mới
Tóc em dài dịu mát màu xanh
Anh đưa qua rào một nắm lá chanh
Em gội tóc thơm bên hè hong nắng.

Tình cảm ấy chân thật, hiền lành, quê kiểng quá đi mất. Bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp cũng có nhiều điều để bàn. Chẳng hạn, thơ phải Mộng, Hư ảo nhưng ở đây lại Thật, Cụ thể đến từng chi tiết:

Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.

Có thể nói, các câu thơ ngũ ngôn, cụ thể 136 câu trong Chùa Hương sẽ nhẹ tênh, không đủ sức trụ lại với thời gian, nếu không có câu này. Câu gì? Câu: “Nam mô A Di Đà”. Câu thơ đó cho thấy sức sống một chiều dài văn hóa truyền thống ngàn đời của người Việt. Nhờ câu đó, bài thơ còn sống thọ qua nhiều năm tháng nữa. Nó đã vượt lên chuyện tình đôi lứa mà chạm đến một điều khác, thiêng liêng hơn trong tâm linh của một dân tộc. Câu thơ ấy ngẫu nhiên hay cố ý? Nào ai biết. Bí mật của thơ đôi khi nằm ngoài trí tưởng tượng, kiểm soát của người viết ra nó.

Rồi, lại hỏi người con gái cụ thể trong bài thơ Chùa Hương là ai? Bèn cười mà rằng, đừng quan trọng chuyện đó. Hãy cứ để cô gái mười lăm ấy mãi mãi sắp trăng rằm trong tưởng tượng mỗi người. Ngày kia, ông Thế Nhật đi tìm cụ thể T.T.Kh. là ai? Đã chứng minh, đã tìm ra con người cụ thể. Đúng sai thế nào chưa rõ nhưng oái oăm, chính con người cụ thể ấy, từ Pháp, đã phản ứng dữ dội. 

Những hình bóng tình nhân, nhan sắc trong thi ca, nhạc, họa cứ nên để công chúng nghĩ theo trí tưởng tượng của họ. Cần gì phải biết đến người thật. Biết, lắm khi vỡ mộng. Ngày qua Mỹ, gặp anh bạn nhà báo Việt kiều. Anh quả quyết câu thơ này, Quang Dũng viết tặng mẹ anh và lấy làm sung sướng, hãnh diện:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Anh cho biết, mẹ anh nay đã ngoài 80, thời trẻ cũng quen biết nhiều nhà thơ và có làm thơ, ký bút danh Giáng Kiều. Anh tự hào vì, ít ra mẹ mình là phụ nữ đẹp, thời trẻ nhan sắc của bà cũng là nguồn cảm hứng cho nhà thơ nổi tiếng, chứ nào phải tầm thường. Nào ai biết cụ thể ra sao? Thôi thì, đến với câu thơ, tự người đọc mường tượng ra nhan sắc ấy theo trí tưởng tượng vậy.

Trở lại với chuyện con mèo bị thương ở Hà Lan mà cô Trương Thị Diệu Đế đã chứng kiến. Lúc cô ôm mặt nức nở vì nhớ đến thân phận người nghèo ở quê nhà thập niên 1980, có bà cụ người Hà Lan đến gần đặt tay trên vai an ủi. Bà cụ nói gì? Bà cụ nói rằng: “Maak je maar geen zorgen over de poes, hij wordt goed verzorgd en wordt vast wel weer beter” (Thôi con đừng lo lắng cho con mèo nữa, nó đã được săn sóc chu đáo và chắc chắn là nó sẽ khỏe ra).

Thế đấy! Ôi đời!

Những ngày này, mỗi sáng thức dậy cảm thấy trời lành lạnh. Rất Tết. Thèm một chút nghỉ ngơi. “Và lùa theo không biết mấy là hương”. 

Lê Minh Quốc
.
.