Tuyệt lộ đời cầm quân

Thứ Năm, 02/04/2015, 17:57
Đời cầm quân của một ông thầy luôn có những giai đoạn, những khoảnh khắc tuyệt lộ cực kỳ nguy nan. Vượt qua tuyệt lộ, một ông thầy có thể trở thành người hùng; đầu hàng trước tuyệt lộ, một ông thầy có thể trở thành tội đồ. Nhiều người nhận định HLV trưởng ĐT U.23 Việt Nam Toshiya Miura có vẻ đang rơi vào một tuyệt lộ của riêng mình.


Nói thế là bởi nếu năm 2014 với Miura là một năm màu hồng khi ĐT Olympic Việt Nam do ông dẫn dắt bất ngờ lọt vào tứ kết Asiad 17 và ĐTVN cũng do ông dẫn dắt lọt vào tứ kết AFF Suzuki Cup thì đến năm 2015, hàng loạt gam màu xám đang ập đến với ông.

Thoạt tiên VFF giao cho ông ĐT U.23 Quốc gia với mục đích luyện quân, cọ xát cho những mục tiêu phát triển lâu dài, thế mà đùng một cái, Tổng cục TDTT lại muốn ông giúp ĐT có thành tích ngay tức khắc. Và để chuẩn bị cho vòng loại giải U.23 châu Á được tổ chức ở Malaysia vào cuối tháng này (cũng đồng thời là giai đoạn 1 trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 28 diễn ra vào tháng 6) ông đã “ép” các học trò vào những bài khổ luyện cường độ cao với mục đích nâng nền thể lực. Vẫn với bài khổ luyện ấy, các cầu thủ Olympic và ĐTQG năm ngoái đã có sự tiến bộ rõ rệt nhưng do sự tích lũy của cầu thủ Olympic và ĐTQG với cầu thủ thuộc lứa U.23 là rất khác nhau nên ở ĐT U.23 lúc này lại đang có tới 1/3 quân số chấn thương.

Vì nạn chấn thương mà ông cứ mất dần những cầu thủ mình kỳ vọng, trong đó đau nhất là mất Xuân Trường ở hàng tiền vệ và Tuấn Tài ở hàng tiền đạo. Vì nạn chấn thương mà ông buộc phải gọi bổ sung gấp 3 cầu thủ mới cho dù trước đó ông từng nhiều lần khẳng định là “không muốn gọi thêm người nào”. Và cũng vì nạn chấn thương, không thể có được một đội hình ưng ý mà cho đến sát ngày lên đường sang Malaysia, những mảng miếng phối hợp của ĐT vẫn chệch choạc, thất thường.

Những phóng viên có mặt trong trận giao hữu mới đây của ĐT với CLB Đồng Nai (hoà 1-1) kể rằng ông Miura không giấu được phong thái lặng lẽ cùng những khoảnh khắc trầm tư khó hiểu sau khi tiếng còi kết trận vang lên. Rõ ràng, với Miura, giai đoạn trăng mật màu hồng đã qua - cái giai đoạn mà ông may mắn cầm quân trong bối cảnh cả làng đều bị “hút” vào lứa U.19, cái giai đoạn mà các học trò của ông cũng muốn làm tất cả để chứng tỏ mình không thua kém gì U.19, và bây giờ đang là một giai đoạn tuyệt lộ không như ý mình. 

Nhiều người bảo, phải từ giai đoạn tuyệt lộ này, chứ không phải giai đoạn trăng mật hồi năm ngoái mới có thể kiểm nghiệm xem Miura có đích thị là một HLV giỏi nghề hay không. Câu trả lời bước đầu sẽ có sau khi U.23 Việt Nam đá xong 3 trận vòng loại giải U.23 châu Á vào cuối tháng này.

Nhưng vào lúc này ít ra người ta cũng nhìn thấy một tín hiệu ứng xử với hoàn cảnh khá tích cực ở ông. Đó là thay vì kêu ca, than vãn, thậm chí không ngại chê bai các học trò (điều đã từng xảy ra với một vài đời thầy ngoại trước đây), Miura nói cứng với truyền thông: “Bóng đá cũng như cuộc sống: vốn không phải lúc nào cũng dễ dàng, và lúc nào mọi thứ cũng đi theo ý bạn. Vấn đề là bạn phải giữ được sự kiểm soát đối với tình hình chung”. Những câu nói này cộng với những thể hiện trước đây cho thấy có vẻ vũ khí để Miura đối phó với tuyệt lộ chính là nghị lực và sự sắt thép, kỷ luật của một công dân Nhật Bản điển hình.

Cũng giống như Miura, trước thềm Tiger Cup năm 2004 (tiền thân của AFF Suzuki Cup bây giờ), HLV trưởng ĐTVN Tavares cũng ở vào một giai đoạn tuyệt lộ sống còn. Thời ấy ông thầy người Brazil vừa tỏ ra khó chịu với phong cách tập luyện của các học trò vừa tỏ ra bất mãn với những ứng xử từ VFF. Và cách ông ứng phó với tuyệt lộ là không ngừng than vãn, kêu ca mọi điều, trong đó có cả việc thừa nhận, “tôi đã sai lầm khi quyết định tới đây làm việc” hay “Nếu lần sau anh gọi điện mà không thấy nghe máy là tôi đã ra đi rồi” trên một tờ báo thể thao. Chuyện kể rằng bệnh stress của Tavares tăng cao tới độ ông đã phải vào bệnh viện truyền nước trước trận đánh sống còn của ĐTVN với Indonesia trên sân Mỹ Đình.

Cần phải nhắc lại một chi tiết: Năm 1995, Tavares đã đến Việt Nam và đã gây ấn tượng mạnh mẽ với giới mộ điệu khi thực hiện cả một cuộc cách mạng về thể lực cũng như lối chơi của ĐTVN tại cúp Độc Lập - TP HCM, trước khi vội vã ra đi vì những mâu thuẫn với nhà tài trợ đội tuyển. Chính vì những ấn tượng ghê gớm ấy mà ông đã được mời trở lại dẫn dắt ĐTVN, thực hiện kế hoạch vô địch Tiger Cup trên sân nhà.

Không ai ngờ một Tavares ấn tượng thuở ban đầu lại biến dạng thành một Tavares tràn trề thất vọng ngày trở lại. Và sẽ không quá lời nếu bảo chính cái tuyệt lộ LG Cup 2004 đã khiến hình ảnh Tavares bị bôi đen nghiêm trọng trong lịch sử các đời thầy ngoại ĐTVN kể từ ngày hội nhập đến giờ.

Hy vọng nhà cầm quân người Nhật Bản sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Nếu Tavares không thể vượt qua tuyệt lộ 2004 thì 4 năm sau Henrique Calisto lại xuất sắc vượt qua giai đoạn nhạy cảm này. Người ta chưa quên sau khi ĐTVN của Calisto trải qua một loạt các trận đấu giao hữu thất vọng, khiến niềm tin vào kỳ AFF Cup 2008 bị đẩy xuống cùng cực thì Calisto đã bị báo giới, người hâm mộ và cả một bộ phận các học trò của mình “đánh” te tua.

Theo lời kể của tuyển thủ Phạm Thành Lương thì giai đoạn ấy, có một buổi tối anh vô tình đi qua phòng Calisto và nhận thấy ông đã ngồi trầm ngâm, đau khổ, đốt không biết bao nhiêu điếu thuốc lá. Lúc ấy Calisto cũng từng chia sẻ trong một buổi họp báo: “Tôi thừa nhận việc ĐT đá mãi không thắng khiến cuộc sống hiện tại của tôi gặp khó khăn”.

Rơi vào tận cùng tuyệt lộ, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha đã làm gì? Ông đã đề nghị các tuyển thủ bỏ phiếu kín, bày tỏ quan điểm cá nhân về vai trò của HLV trưởng và khẳng định: “Nếu có quá nửa số phiếu đề nghị tôi từ chức, tôi sẽ từ chức ngay”. Thật không ngờ cái hành động không khác gì của một người sắp phá sản, dồn tất cả vào canh bạc cuối cùng lại giúp ông nhận được tình cảm của các học trò. Phần lớn các tuyển thủ đều bỏ phiếu thuận, và thế là tất cả cùng siết tay nhau quyết vượt qua giai đoạn khó khăn.

Sau này khi ĐTVN bất ngờ giật cúp vàng Đông Nam Á, người viết đã ngồi nói chuyện với ông “Tô” rất nhiều về giai đoạn tuyệt lộ nói trên. Và ông chia sẻ: “Lúc ấy anh biết tôi nghĩ gì không? Tôi nghĩ tới những con người đau khổ ở châu Phi mà mình từng gặp. Và tôi tự an ủi mình rằng: trong bất luận hoàn cảnh gian khó nào mình cũng không đau khổ như họ, nên không được yếu đuối, đầu hàng”. Và như thế Calisto đã đi qua tuyệt lộ để trở thành một người anh hùng của bóng đá Việt Nam bằng một nghị lực mạnh mẽ cùng những chiêu độc trong phương pháp dụng binh của mình.

So với Calisto hay Tavares, HLV trưởng ĐT U.23 Việt Nam Toshiya Miura hiện tại trẻ hơn cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. So với hai nhà cầm quân tiền nhiệm, cho đến trước khi nhận nhiệm vụ, HLV Miura cũng không hiểu thật nhiều về bóng đá Việt Nam. Nhưng với những thể hiện hồi năm ngoái, ông Miura bước đầu cũng được nhìn nhận là một nhà cầm quân kỷ luật, sắt thép, giàu bản lĩnh.

Mong là ông Miura sẽ chiến thắng tuyệt lộ như Calisto, chứ không chết chìm trong tuyệt lộ như Tavares.

Vẫn không ngừng mơ mộng

Mặc dù đang phải đối diện với quá nhiều vấn đề gian khó, nhưng trước khi lên đường tham dự vòng loại giải U.23 châu Á tại Malaysia (diễn ra từ 26 đến 31 tháng 3), HLV trưởng Toshiya Miura vẫn không ngừng mơ đến một kết quả bay bổng. Một mặt ông xác định chủ nhà Malaysia sẽ là đối thủ trực tiếp, đối thủ sống còn - đối thủ mà U.23 Việt Nam buộc phải thắng ngay trong trận ra quân để có thể giành vị trí thứ 2 trong bảng, nhưng mặt khác ông cũng cho biết là: “Ở trận đấu sau đó, tôi mơ U.23 Việt Nam thắng  U.23 Nhật Bản”. Ông thậm chí còn bảo: “Nếu mơ ước của tôi thành hiện thực thì có lẽ tôi sẽ “không còn đường về quê”.

Ngọc Anh 

Phan Đăng
.
.