Quán 81 Trần Quốc Thảo ở TP HCM:

Từ nay vắng bặt một chỗ đi về

Chủ Nhật, 08/01/2012, 16:00
Quán chẳng có gì đặc biệt, chỉ đơn giản có bia, đồ nhắm rất tệ và những câu chuyện ồn ào của giới văn chương Sài Gòn. Quán như điểm hẹn, như hoài niệm từ bao năm nay. Rồi quán bị đập bỏ, để nhường đất cho một công trình xây dựng cao ốc. Quán mất, nhiều ký ức cũng nhạt nhòa.

Nhớ trưa ngồi với nhau, nhà văn Hà Đình Nguyên nói như mếu: “Quán đập rồi, tao cũng không biết đi đâu. Trưa chạy nháo nhào ở quận 1, may là mày gọi”. Không còn quán 81, giới cầm bút có tuổi ở Sài Gòn mất cả một chỗ đi về.

1. Nằm ở góc đường Trần Quốc Thảo - Tú Xương, địa chỉ 81 vừa chính thức bị dỡ bỏ để xây cao ốc sau rất nhiều năm định đập, rồi lại ngưng. Có thể nói, đây là địa chỉ thân quen bậc nhất của người làm văn nghệ tại TP.HCM, từ những chàng diễn viên, cô ca sĩ, anh nhà thơ, chị nhà báo… mới vào nghề đến những lão làng nức danh trong giới đều ít nhất một lần đến đây.

Khi tôi viết những dòng này thì hay tin 81 lại bị tạm ngưng tháo dỡ vì một lý do rất trời ơi, đất hỡi. Trong quá trình tháo dỡ 81, nhà thầu dùng máy xúc làm sập bức tường phía sau vốn là Văn phòng của Hội Âm nhạc TP. HCM. Kề bên bức tường bị đổ lại là nhà của một nguyên lãnh đạo cấp trung ương, khiến nhà bếp của đồng chí này cũng bị sập theo. Thế là gói thầu tháo dỡ 81 bị ách lại, nhà thầu thì méo mặt. Nhiều người cho rằng muốn đập 81 phải rước thầy phong thủy về cúng, vì trước đó nhiều người đã chết vì dám đập 81 - một địa chỉ được trấn yểm vô cùng huyền bí (?!).

Ngôi biệt thự 81 Trần Quốc Thảo được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. HCM sở hữu sử dụng, trong khuôn viên này ngoài các Hội Âm nhạc TP. HCM, Văn phòng đại diện Hội Nhạc sĩ Việt Nam, báo Văn nghệ TP. HCM, Hội Điện ảnh TP. HCM… còn có một quán nhậu mang tên 81, quán cà phê, chơi bi-da. Nhưng trước đó, lý lịch của ngôi biệt thự này gắn với tên tuổi của những người nổi tiếng, đầy quyền lực một thời.

Nhiều người cho rằng biệt thự 81 Trần Quốc Thảo nguyên là của mẹ vợ Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu. Trong khuôn viên 81 đã được vợ chồng Nguyễn Văn Thiệu mời thầy phong thủy về trấn yểm rất kỹ. Nhiều người lại nói, biệt thự 81 nguyên là của tỷ phú Nguyễn Tấn Đời - một nhà tài phiệt miền Nam trước 1975 - bị Nguyễn Văn Thiệu “tịch thu”. Tỷ phú Nguyễn Tấn Đời cũng là một tay rất tin vào phong thủy, nên ông đã cho trấn yểm khiến những ai động đến bất kỳ hạng mục nào, kể cả các cây cổ thụ trong khuôn viên 81, đều gặp nạn.

Màu sắc hư ảo của 81 được huyền hoặc thêm bởi những cái chết có liên quan. Ở 81 lúc trước có 5 cây đèn đá xung quanh tòa biệt thự chính. Khi đó một số văn nghệ sĩ nổi tiếng đang lãnh đạo “Liên hiệp hội” vì không mê tín đã chỉ đạo đập hết 4 cây, những người ra lệnh đập đèn đá này tự nhiên “đột tử”. Ngay cả những người thừa hành đập đèn đá cũng bị vạ lây.

Có chuyện rằng, một nhà thầu cho công nhân nhổ đèn, 5 anh công nhận lực lưỡng cộng với phương tiện cơ giới thế mà vẫn bị đèn đá đè gãy chân. Chủ nhà thầu thấy vậy “rất bực” nên tự tay dùng máy xúc nhổ đèn. Thế nhưng khi vừa lái xe máy chạy ra khỏi cổng 81, chủ nhà thầu này bị xe tông chết tại chỗ. Trước khi 81 chính thức dỡ bỏ, trong khuôn viên này còn sót một cây đèn đá nằm cạnh quán nhậu 81, do không ai dám nhổ bỏ cây đèn này sau các “tai nạn” chết người nữa.

Quán 81.

Trước khi TP HCM xây dựng Nhà tang lễ trên đường Lê Quý Đôn, thì 81 Trần Quốc Thảo là nơi thực hiện các nghi thức lễ tang dành cho các văn nghệ sĩ nổi tiếng. Thời đó có một khung cảnh thật trái ngược diễn ra ở đây mỗi khi có lễ tang. Ấy là trong sảnh lớn ngôi biệt thự chính, diễn ra cảnh đau buồn tiễn đưa người quá cố, thì cách vài bước chân là quán nhậu 81 vẫn “dô trăm phần trăm” kêu vang trời đất đầy khoái hoạt. Những người đi viếng tang với bộ mặt đưa đám ít phút trước, bỗng cười rạng rỡ kéo nhau ra quán 81 làm vài ly bia tiễn “bạn hiền”. Thời đó, có người “nhại” thơ của Chế Lan Viên về khung cảnh này, rằng: “Người chết đã chết rồi/ Người sống bận… nâng ly”. Nhiều người cho rằng linh hồn của các văn nghệ sĩ quá cố nhưng ham vui vẫn còn ở 81 để được gần bè bạn, chính họ không muốn nơi đây bị đập để xây cao ốc (?!), dù là xây cao ốc cũng để dành cho giới văn nghệ có nơi chốn đẹp hơn, sang trọng hơn.

2. Giới văn nghệ sĩ vốn được xem như những người có đôi nét dị biệt. Đến 81 sẽ càng thấy nét dị biệt này thật rõ ràng được thể hiện qua khá nhiều dị nhân thường trực quanh năm ở đây. Chẳng hạn như nhà thơ - nhà giáo Đoàn Vy. Ông là một người lớn tuổi hiền lành, mái tóc gần như bạc trắng, trông rất “tiên phong đạo cốt”. Đoàn Vy thường ngồi một mình đối diện với ly bia. Khi đã uống đủ “cơ số” bia, ông bắt đầu đọc thơ với đôi mắt xa xăm và rưng rưng sầu, mặc cho xung quanh ồn như vỡ chợ. Giọng đọc thơ của Đoàn Vy cứ vang vang, còn người khác cứ nâng ly vô trăm phần trăm chẳng ảnh hưởng gì đến nhau cả.

Khi Đoàn Vy đang đọc thơ thì bàn bên cạnh có một người ngồi hát. Người này được gọi là anh Sáu Đậu, cũng ngồi một mình, uống bao nhiêu chai thì xếp hàng ngang vỏ chai trên bàn. Đoàn Vy cứ đọc thơ, Sáu Đậu cứ hát cũng chẳng ảnh hưởng gì đến nền “hòa bình” của quán nhậu 81 hết. Một lần, lão nhạc sĩ Phan Nhân đội nón bảo hiểm vô quán làm vài ly với bạn bè. Chẳng hiểu sao từ ngày đội nón bảo hiểm khi đi xe máy, nhạc sĩ Phan Nhân vô quán ngồi nhậu cũng đội luôn nón bảo hiểm thay vì móc ở trên xe? Dường như thấy nhạc sĩ Phan Nhân, Sáu Đậu liền hát bài Hà Nội niềm tin và hy vọng vang như sấm rền. Nhạc sĩ Phan Nhân nghe mà nhăn mặt lắc đầu, vì giọng hát của Sáu Đậu không ăn nhập gì đến bản nhạc của ông.

Quán nhậu 81 khá bình dân, ai cũng có thể vào uống vài chai bia gặp bạn bè không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, địa vị… Do vậy quán này tụ họp rất đông dân văn nghệ. Chỉ có điều phiền phức là, giới văn nghệ thường như “loài gà tức nhau tiếng gáy”. Nếu có một người đọc thơ thì quán 81 sẽ loạn, bàn nhậu sẽ tiêu tan. Vì bước chân vô 81 dường như ai cũng thủ sẵn vài bài thơ như một thứ vũ khí lận lưng. Không biết một số nhà thơ nổi tiếng ở xứ ta, đi giao lưu đọc thơ ở những đâu được trả tiền thù lao, chứ đến 81 thì đừng hòng nhận được đồng nào. Ngược lại, muốn đọc thơ trong bàn nhậu ở 81 thì người đọc phải trả “nhuận nghe” cho khán giả bằng bia, mỗi khán giả trong bàn một chai. Có lần, một ông nhà giàu “mắc đọc thơ” lắm rồi, cứ như không được đọc thơ khoảng vài phút nữa thì ông bị “nghẹn thơ” mà chết. Ông nhà giàu này “phá giá” kêu luôn “một bài thơ một thùng bia”. Ông đọc liền tù tì 10 bài khiến đám khán giả trong bàn khoảng 5 người say bia muốn ngất chứ không phải say thơ.

Đến 81 cốt để tìm bè bạn khoe thơ khoe văn, nhưng cũng có nhiều người đến đây để khoe sự giàu có. Văn nghệ sĩ vốn nghèo, nên gặp mấy tay trọc phú như vầy họ rất ghét và nhất định phải “thịt” nó. Thời kinh tế mới khá giả sau nhiều năm bao cấp đói dài, một tay trọc phú phất lên nhờ buôn phế liệu chiến tranh, vào 81 với xủng xẻng những vàng trên cổ. Tay này chơi trội bằng cách dùng một cọng dây chuối to tướng xỏ vào những khoen vàng đeo chơi. Lần đó, gã trọc phú này gặp nhóm bạn của nhà thơ V. đang nhậu.

Hắn thách đố bằng cách chỉ tay vào cái cổ đeo đầy khoen vàng của mình, nói: “Mấy ông xưng là nhà thơ, vậy mấy ông có thuộc thơ mình không? Nếu thuộc, cứ đọc một bài thật diễn cảm thì tui tặng một chỉ vàng”. Không ngờ nhà thơ V. rất nổi tiếng vì V. không bao giờ thuộc thơ người khác, nhưng thơ mình thì “rành sáu câu”. Nói theo ngôn ngữ bây giờ, thì “chưa đầy 5 nốt nhạc”, V. đọc liền một bài thơ dài dằng thòng lên bổng xuống trầm. Đến bài thứ hai thì tay nhà giàu kia liền đánh bài chuồn. Đúng là, “dọa” ai thì được chứ đừng “dọa” nhà thơ, nhất là gãi đúng chuyên môn đọc thơ của hắn.

3. Có những người ghiền địa chỉ 81 này hơn nhà mình. Ngày nào không đến quán nhậu 81 hít thở cái không khí ấy, nhìn những mặt quen thuộc ấy là thấy khó ở trong người. Giờ 81 đóng cửa rồi, xây dựng cơ sở mới không biết khi nào xong, những gương mặt ấy về đâu lúc này? 81 không chỉ là cõi ta bà, nơi đây có thể được xem như một địa chỉ văn hóa với rất nhiều tên tuổi nghệ sĩ danh tiếng, tài năng từng gắn bó với chốn này. Biết bao kỷ niệm và kỷ vật của các văn nghệ sĩ đủ để hình thành nên một bảo tàng. Thế nhưng, trong xu thế phát triển chung, nơi đây cần có “ngoại hình” mới cũng là quy luật tất yếu, vấn vương cũng chỉ là vấn vương.

Chợt nhớ bầy mèo hoang trong sân 81 được nhà thơ P.N. Thường Đoan cho ăn hàng ngày. Người thương vật thì vật tìm về, nhà thơ Thường Đoan thương mèo vô cùng. Mèo lớn, mèo con đều được chị dốc tiền túi mua thức ăn về nuôi. Đi dự tiệc hễ thấy Thường Đoan xin cái bịch ni-lon đựng thức ăn thừa, nhiều người không biết cho là kỳ quặc, nhưng thực chất chị mang về cho mèo.

Từ ngày nhà thơ Thường Đoan theo báo Văn nghệ TP. HCM về đóng quân ở 81, thì mèo ở đâu cứ tụ về. Nhìn cảnh nữ nhà thơ cho mèo ăn, ông hề già Mạc Can đã xin phép Thường Đoan mượn hình ảnh của chị và bầy mèo để viết thành truyện Bầy mèo vô sinh. Trong những ngày 81 bị đập, chiều nào Thường Đoan cũng về lại địa chỉ này để cho mèo ăn và “hối lộ” công nhân đang đập 81 để họ không biến những con mèo ốm đói, tội nghiệp thành món “tiểu hổ”.

Ở 81, thỉnh thoảng có đánh nhau do các văn nghệ sĩ tranh luận về văn chương nghệ thuật bằng miệng không xong thì dùng tay chân. Nhưng nói gì thì nói, các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, diễn viên… chốn này tốt tính lắm. Xung quanh các văn nghệ sĩ ở đây, một đội ngũ bán báo dạo, vé số, đậu phộng, thuốc lá, đánh giày… cũng sống được. Vì hôm nào mới nhận nhuận bút một cuốn sách hay bài báo, thế nào cũng có một ông nhà văn đánh giày mà không cần lấy tiền thừa lại còn “boa” thêm. Mượn hình ảnh của những con mèo trong 81 không ai cho ăn sáng trưa chiều, người viết chợt nghĩ mông lung, rằng các văn nghệ sĩ thường trực ở “cõi trần gian 81” này đang phiêu dạt chốn nào?

Trần Phú Yên
.
.