Truyền thông đòi nợ

Thứ Sáu, 02/11/2012, 10:50
Sự vụ ầm ĩ liên quan đến ông bầu nghệ thuật Phước Sang và món nợ với doanh nhân Chung Minh để lại nhiều suy nghĩ. Hiển nhiên, không phải là nghĩ về món nợ hiện kim hay xe xịn giữa hai đối tác có thể là làm ăn, có thể là vay mượn.Vấn đề chính là có vẻ như trong vụ việc này, truyền thông đóng vai trò là quan tòa phân xử. Ai nắm được truyền thông, người đó có cơ may nằm “kèo trên”. Phước Sang rõ ràng bị động hoàn toàn.

Thế nhưng, mọi chuyện không dừng lại ở đó. Điểm xuyết các vụ việc liên quan đến những khoản vay mượn trong giới nghệ sĩ, cảm giác rằng truyền thông đang tự cho mình thực hiện hành vi của các công ty chuyên thu nợ mướn.

Với cách làm báo hiện tại, thì bất cứ ai trong chúng ta đều dễ dàng rơi vào một vòng thị phi đầy luẩn quẩn. Cái vòng thị phi ấy do truyền thông mang lại.

Khi tôi sử dụng danh từ truyền thông, tức là tôi chỉ nói về báo mạng.

1. Sự phát triển ào ạt của các trang báo mạng, chuyên trang thông tin tổng hợp, có vẻ như chỉ gói gọn trong hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP HCM. Do tính tương tác của loại hình báo chí này, nên giới nghệ sĩ đang có xu hướng thích xuất hiện trên các trang báo mạng hơn là báo giấy hoặc báo hình.

Tất tần tật những gì liên quan đến nghệ sĩ đều được báo mạng dễ dàng cho chuyển tải. Từ nghi vấn ngực lép trở nên đầy, mặt tròn trở nên dài, lộ nhẫn kim cương vài nghìn USD, hẹn hò với người đàn ông lạ mặt trong hẻm sâu, hot girl bước cùng Tây vào khách sạn lúc nửa khuya… cho đến vòng 3 to bất thường, những bức hình nóng bỏng hậu trường của loạt ảnh chụp bikini… Nâng cấp hơn, nghệ sĩ yêu đương chụp ảnh cưới, khoe con trai, con gái, sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi, đám hỏi, ma chay… đều được thoải mái tung tăng trên báo mạng.

Rõ ràng, những thông tin, hình ảnh dạng đó cũng phục vụ được cho một nhóm độc giả luôn tò mò xem, nghệ sĩ dạo này như thế nào, ăn cùng ai, ở cùng ai, chơi gì, chơi ra sao…

Chính từ đây, dẫu muốn dẫu không thì cái bắt tay ban đầu hờ hững giữa nghệ sĩ và báo mạng ngày càng siết chặt.

Báo mạng thoải mái khai thác nghệ sĩ kiểu muốn đưa gì cũng được, muốn nói gì cũng xong. Thậm chí, một thông tin dạng “chém gió” trên facebook của một vài nhân vật trong làng giải trí nhanh chóng biến thành một vấn đề thời sự của báo mạng.

Nghệ sĩ chơi với báo mạng cũng như chơi với dao, không phải khi nào họ cũng nắm đằng chuôi.

Cho đến tận thời điểm này, vẫn không có bất kỳ ai làm một trang báo mạng bị nghệ sĩ “đấu tố” trước pháp luật cho đến nơi đến chốn. Vụ việc đầy căng thẳng như nữ diễn viên Ngân Khánh tố trang này, trang kia… thản nhiên rơi vào lặng im.

Thuê luật sư kiện truyền thông lắm tiền và rất cù nhầy về thời gian. Nghệ sĩ lắm việc, tuyệt không thể vì cái chuyện “để lâu hóa bùn” mà làm ảnh hưởng.

Hơn nữa, báo mạng đưa tin dễ, lột tin cũng dễ. Cùng lắm thì cho xuất hiện một mẩu cải chính thông tin vài phút, rồi nhét sâu mẩu cải chính đó xuống tận đẩu tận đâu trong một chuyên mục bất kỳ, đố độc giả có thể lần tìm ra.

Tự bản thân báo mạng không thể tự tác nghiệp, xuất bản tin ảnh theo cách dễ dãi ấy được nếu như nghệ sĩ khó tính. Đằng này, nhận được sự đồng lõa tích cực từ phía đối phương, ngại gì mà báo mạng không làm cho ngô biến thành sắn, gạo biến thành cám…

2. Một nghệ sĩ xuất hiện trên báo mạng, lắm khi chỉ cần thông qua trang mạng xã hội facebook cá nhân. Một nghệ sĩ lại càng xuất hiện trên báo mạng dễ dàng hơn, nếu xung phong chĩa tay chỉ mặt bảo người này là đồng tính, người kia là les, người họ hát như vịt kêu, kẻ kia khóc như cá sấu…

Thủ thuật gây kích động giữa các cá nhân trong làng giải trí, không phải là không được báo mạng sử dụng. Thế nhưng, trên hết là nhân vật trong làng giải trí có nhu cầu “tổng xỉ vả” nhau trước dư luận, như đoạn tình tuyệt nghĩa, có mày thì không có tao, có tao thì không có nó. Báo in, tuyệt không thể làm chuyện này vì nhiều yếu tố khác nhau. Đặc biệt là trong những vụ việc tào lao.

Trở lại chuyện của Phước Sang và Chung Minh.

Chung Minh chỉ có trong tay đoạn băng ghi âm và lá đơn tố cáo. Mà theo Chung Minh là ông đã gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết. Việc gửi đơn đến cơ quan chức năng là việc mà bất cứ cá nhân nào đang sinh sống tại Việt Nam đều có thể thực hiện.

Vấn đề là đơn khiếu nại đó có được cơ quan chức năng chấp thuận vì tính hợp lý, khả năng xảy ra đúng theo nội dung tố cáo, khiếu nại?

Thế nhưng, báo mạng đã bất chấp điều đó.

Ông Chung Minh bảo, ông có trong tay đoạn băng ghi âm nội dung cuộc trò chuyện giữa ông và Phước Sang.

Rất nhanh chóng, đoạn băng ghi âm ấy được “xả băng”, cho chuyển đầy lên các trang báo mạng.

Những người làm nội dung trên báo mạng quên rằng, xét về tính pháp lý thì giọng nói trong băng ghi âm cần được kiểm định từ cơ quan chức năng được phân công để xem đó có phải xác thực là giọng của Phước Sang hay không.

Hơn nữa, băng ghi âm chưa bao giờ là bằng chứng cụ thể. Đó chỉ là yếu tố bổ trợ cho việc điều tra, xét hỏi.

Thế nhưng, đoạn băng ghi âm ấy được ông Chung Minh và dân làm báo mạng xem như là bảo bối để “tẩn” Phước Sang trong vụ việc này.

Tiếc là, Phước Sang đã không tỉnh đòn. Mà cũng có thể, nghệ sĩ tính đã không cho phép Phước Sang tỉnh táo.

Chung Minh sau khi đòi được xe, Phước Sang gật đầu thừa nhận nợ đã lập tức trở lại trạng thái “Tôi và Phước Sang vẫn là anh em tốt. Nếu Phước Sang có khó khăn gì, tôi sẵn sàng hỗ trợ”.

Cái loại, nắm được báo mạng trong tay, đánh người ta ngã ngửa. Rồi loại xoa tay chép miệng nhắc tình nghĩa xưa, tôi không cho rằng đây là người đàng hoàng.

Không ai đồng loại lại đi bêu riếu “anh em tốt” trên báo nhằm thu lại được một món hoạnh tại, để rồi sau đó, khẳng định “vẫn là anh em tốt”. Tốt như thế thì có mà… đốt nhà nhau.

Trong câu chuyện Phước Sang - Chung Minh, phần thắng đã nghiêng về Chung Minh. Nhưng, cái thắng lợi cao hơn số tiền mà Chung Minh đòi được từ Phước Sang chính là thắng lợi của báo mạng.

Báo mạng đã thực hiện được quyền uy tối thượng của truyền thông chính là làm cho Phước Sang phá sản toàn bộ về danh vọng, cuộc sống mà đám đông tưởng là vương giả, mối quan hệ gia đình giữa anh và diễn viên Kim Thư.

Báo mạng cũng đã hoàn thành rất tốt vai trò của một kẻ… đi đòi nợ mướn đầy chuyên nghiệp.

Chắc chắn, không phải tờ báo mạng nào tham gia vụ việc này cũng đều đi đòi nợ mướn. Bởi đây là vụ thời sự văn hóa nóng, nên khi có tờ báo châm ngòi, lập tức các tờ khác nháo nhào nhảy vào khai thác thông tin.

Bằng kinh nghiệm làm báo của mình, tôi hoàn toàn không tin vào yếu tố, tác nghiệp không vụ lợi liên quan đến vụ Chung Minh - Phước Sang của một vài tờ báo mạng.

3. Như tôi đã nói ở phần đầu bài viết, với cách làm của các trang báo mạng như hiện tại, tất cả chúng ta đều có thể vướng vào thị phi.

Ví dụ, tôi ghét X, chỉ cần làm một cái đơn tố cáo X đã tống tình, tống tiền tôi đưa cho giới làm báo mạng kèm theo một món lợi gì đó. Ngay lập tức, báo mạng sẽ cho xuất bản thông tin “Nghi án nữ ca sĩ X bị tố giật tiền, lừa tình”.

Cái không may chính là, không phải độc giả nào cũng đủ kiên nhẫn để đọc toàn bộ nội dung thông tin. Họ chỉ cần lướt qua cái tít là lập tức bàn luận, tán như đúng rồi.

Đa phần bản thân nghệ sĩ đã tạo nên sự ganh ghét. Họ sống vương giả đầy danh vọng, chỉ sơ sểnh gì đó, họ lập tức bị áp đặt bởi tư duy của đám đông: “Nó sống xa hoa như vậy, không đi bán thân, lừa đảo… thì lấy tiền đâu mà xài”.

Trên thực tế, đã từng xảy ra những vụ việc đáng xấu hổ đối với những ai được khoác lên danh hiệu nghệ sĩ. Nên đám đông hồ nghi, có lý do của đám đông.

Nghi án là thứ tác nghiệp báo chí dễ dàng nhất. Đã là hồ nghi, thì không cần xác thực. Cứ viết thoải mái theo nội dung tố cáo, cứ mặc sức viết đảo điên thế sự.

Rồi đến khi liên lạc được với nghệ sĩ, thì lại làm một bài khác theo hướng “Thông tin bài sau vỗ mặt vào thông tin bài trước”.

Không có lửa hiển nhiên không có khói, nghệ sĩ lợi dụng báo mạng để quảng bá theo ý muốn của chính mình, thì cũng sẽ có lúc, nghệ sĩ phải trả giá vì báo mạng.

Nếu không có thái độ ỡm ờ thông tin của báo mạng, làm sao có những nghệ sĩ xuất hiện trên báo hằng ngày chỉ vì vài cái túi xách hàng hiệu, một lô một lốc kim cương, cái xe siêu sang, câu chuyện về giới tính…

Tôi không cực đoan đến mức cho rằng, những thông tin ngoài lề là phù phiếm, bởi dẫu sao thì đó cũng là một khía cạnh đời sống văn hóa được ít nhiều chú ý.

Nhưng, tần suất xuất hiện dày đặc các bản tin ấy tạo nên sự xầm xì ở các tờ báo mạng đối với đời sống giải trí.

Một bức ảnh lộ hàng nóng hơn một dự án âm nhạc. Một câu chuyện tố tình cũ thích hơn một album được đầu tư chăm chút… Biết là làm sao, khi mà dư luận đã hoàn toàn mất hết niềm tin vào nghệ sĩ bởi những câu chuyện do chính nghệ sĩ và báo mạng bắt tay tạo nên.

Và nảy nòi ở thời điểm này, tham gia trên báo mạng còn có những bậc phụ huynh đầy khả kính của các nhân vật trong làng giải trí, nhào vào truyền thông để khen con mình, trách con người.

Y như bà mẹ của cô Cam Lộ Lộ gì bên Trung Quốc ấy.

Có vậy thôi, một ấn phẩm báo chí không được thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm, thì việc ấn phẩm ấy biến thành một công cụ để đòi nợ mướn hay được một ai đó sử dụng như một thứ vũ khí để tấn công đối tượng mình mong muốn là điều hết sức dễ hiểu

Nguyệt Lãng
.
.