Trong những ngày buồn

Thứ Hai, 17/08/2015, 18:06
Ngô tài hèn sức mọn, phúc mỏng phận kém, chưa bao giờ dám tự nhận mình là kẻ sĩ hay trí thức. Ngô chỉ nghĩ rằng, quốc gia hưng vong thì thất phu phải hữu trách.

Thế nên, thấy những chuyện trước mắt, nghĩ về những nguy cơ tương lai, Ngô không thể nào im lặng.

Đây là những ngày trong Ngô chỉ ăm ắp nỗi buồn.

1. Ngô đọc sách sử, thấy có chép một đoạn về Đức Thánh Trần, Hưng Đạo Vương như sau, “Hưng Đạo Vương làm quan đến đời vua Anh Tông thì xin về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Khi ngài sắp mất, vua Anh Tông có ngự giá đến thăm, nhận thấy ngài bệnh nặng. Được mấy hôm thì ngài mất, vua cùng các quan ai nấy đều cảm thương lắm. Hưng Đạo Vương thực là hết lòng với vua, với nước, tuy rằng uy quyền lừng lẫy, mà vẫn giữ chức phận làm tôi, không dám điều gì kiêu ngạo. Đang khi quân Nguyên quấy nhiễu, ngài cầm binh quyền, Thánh Tông, Nhân Tông cho ngài được chuyên quyền phong tước: trừ ra tự tước hầu trở xuống, cho ngài được phong trước rồi mới tâu sau. Thế mà ngài không dám tự tiện phong thưởng cho ai cả; phàm những nhà giàu mà ngài có quyên tiền gạo để cấp cho quân ăn, ngài chỉ phong cho làm Giả lan tướng mà thôi, nghĩa là tướng cho vay lương. Ngài cẩn thận như thế và ở với ai cũng thật là công chính cho nên đến khi ngài mất, tự vua cho chí bách tính ai cũng thương tiếc. Nhân dân nhiều nơi lập đền thờ phụng để ghi nhớ cái công đức của ngài”. (Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim - có giản lược bớt).

Ngoài Đức Hưng Đạo Vương, nhân dân còn thờ phụng rất nhiều bậc hiền tài khác. Một trong những truyền thống tốt đẹp nhất của xứ mình là “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đối với những bậc tiên hiền, khai quốc công thần, có nhiều ơn huệ với quốc gia, vì xã tắc là phụng hiến, người dân xứ mình vĩnh viễn không quên.

Đấy là cái tâm của người xưa mà người nay vĩnh viễn không được phép quên. Đáng tiếc là, hiện tại đang có nhiều biến chuyển theo chiều hướng không tích cực.

2. Ngô gờn gợn thấy xứ mình ở thời điểm này đang có một trào lưu xây dựng tượng đài hay quảng trường. Đâu đâu cũng thấy quảng trường và tượng đài, đâu đâu cũng thấy phù điêu tích tượng.

Đi kèm với tượng đài và quảng trường, là những trụ sở hành chính hoành tráng, kiêu hãnh đứng cao vời vợi.

Ngay một tỉnh nghèo, quanh năm túng thiếu như tỉnh Sơn La cũng đang rất quyết tâm để xây quảng trường, tượng đài và trung tâm hành chính với số tiền là 1.400 tỷ đồng.

Tri phủ của Sơn La lý giải, “1.400 tỷ đồng là con số khái toán của quy hoạch xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Dự án này gồm 8 hạng mục công trình. Trong dự án có cả bảo tàng của tỉnh Sơn La, sau năm 2020 mới xây dựng. Cụm công trình này gồm 8 hạng mục: Tượng đài Bác Hồ, quảng trường, trung tâm hành chính tỉnh, đền thờ Bác Hồ, bảo tàng tỉnh, hạng mục cây cảnh, hệ thống điện nước, chiếu sáng, kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng và khu tái định cư”.

Một trong những nguyên tắc cơ bản về xây dựng các công trình công cộng mà Ngô từng chứng kiến, đó chính là bao giờ số kinh phí thực cũng cao hơn số kinh phí khái toán. Giả như có tượng đài ở tỉnh Quảng Nam, khái toán ban đầu là 55 tỷ, sau đội lên đến 120 tỷ đồng vẫn chưa xong. Cuối cùng, phải xuất thêm ngân sách 330 tỷ để bổ sung. Thật là một con số không tưởng. Rồi sau đó, tượng đài này nhanh chóng bị phản ánh có vấn đề về xây dựng.

Không chỉ có tượng đài ở Quảng Nam, rất nhiều tượng đài ở các phủ, huyện khác tiêu tốn hàng tỷ đồng tiền ngân sách rồi sau đó xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Tại phủ Điện Biên, tri phủ về vườn sau đã phải chịu sự truy tố vì thiếu trách nhiệm trong vụ rút ruột tượng đài. Tất nhiên, Ngô hiểu rằng với những giá trị mà lịch sử để lại, nhất thiết phải có những biểu tượng ghi công xứng tầm. Thế nhưng, Ngô hồ nghi có rất nhiều quan đầu tỉnh lợi dụng biểu trưng lịch sử để làm cái cớ nhằm có thể vinh thân phì gia.

Đau đớn nhất, đang có cả một công cuộc xin xây dựng tượng đài của Lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại. Kèm theo tượng đài của Lãnh tụ là nhiều công trình khác đi kèm, đây chính là cách mà tỉnh Sơn La đang thực hiện.

Minh họa: Lê Phương.

Trong Di chúc của Bác Hồ, được Bác lập vào ngày 10/5/1969, đoạn “Về việc riêng”, Bác viết “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế. Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Mỗi lần đọc lại Di chúc của Bác, đến đoạn này bao giờ Ngô cũng bật khóc.

Cố nhà thơ Tố Hữu đã viết về Bác trong bài Bác ơi, như sau: “Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.

Cả cuộc đời của Bác chỉ có một ham muốn tột bậc, đó là ham muốn ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được đến trường. Bác có mưu cầu gì cho cá nhân Bác đâu.

Vậy mà, mọi thứ đang diễn ra theo cách này đây. Nói như nhân sĩ Lê Văn Cuông thì, “Tôi nghĩ Bác còn sống, Bác không bao giờ đồng tình cho việc làm này. Nếu có tình cảm đích thực với Bác thì học Bác, việc gì có lợi cho dân dù nhỏ thì hãy cố gắng mà làm”.

Lúc sinh thời, không phải Bác từng thừa nhận, “Nước ta còn chưa giàu, dân ta còn khổ, chưa đủ nhà ở. Bác ở như thế này là tốt lắm rồi”. Bác nói điều này vào năm 1958, khi Trung ương quyết định xây nhà cho Bác, nhưng Bác đề nghị chỉ nên làm một căn nhà nho nhỏ theo kiểu nhà đồng bào dân tộc ở Việt Bắc, giống như ngôi nhà Bác đã từng ở trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngay cả trong sinh hoạt thường ngày, Bác cũng lấy sự đơn giản làm trọng, Bác hết sức tránh những chuyện cầu kỳ có thể gây lãng phí, tốn sức người sức của.

Khi Bác mất, vì lòng thương kính dành cho Bác, cũng là nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là đồng bào miền Nam, chúng ta dựng lăng để Bác yên nghỉ, chúng ta dựng tượng đài để mọi người có thể chiêm ngưỡng Bác nhằm an ủi nỗi nhớ thương. Thế nhưng, nếu chỉ vin vào lý do này để liên tục xây tượng Bác thì chúng ta đã khiến anh linh của Bác không được vui mất rồi, nhất là trong thời điểm hiện nay.

3. Nợ công nước ta đang rất nhiều, nền kinh tế thì như người cảm mạo, nay ho mai sụt sùi, tệ tham nhũng vẫn còn tràn lan, phong hóa thì bất ổn. Thêm nỗi, ngoài biển Đông chưa yên, trên đất liền chưa ổn. Tỉ lệ lạm phát rồi thất nghiệp chưa có dấu hiệu được cải thiện. Cán cân thu chi đang mất cân đối, đến mức Bộ Tài chính phải vay nợ Ngân hàng Nhà nước. 

Trong bối cảnh ấy, biết bao nhiêu thứ chúng ta phải lo. Trước là để vãn hồi cục diện, sau là còn tính đến chuyện phát triển để quốc thái dân an. Nay, nếu chỉ chăm chăm vào quảng trường, trụ sở, tượng đài thì không chỉ là bỏ việc lớn làm việc nhỏ, bỏ qua mối nguy nan chỉ lo việc viển vông. Mà đâu phải, nước ta thiếu những tượng đài hay quảng trường đâu. Nếu không muốn viết là, chúng ta đã có rất nhiều. Thay vì bỏ tiền để làm quảng trường, khu hành chính, tượng đài, sao chúng ta không dùng tiền đó cho những mục tiêu có lợi hơn vào thời điểm này. Chúng ta đang là con nợ, phải hết sức dè sẻn, tiết kiệm để trả nợ. Muốn làm gì thì làm, muốn ra sao thì ra, phải hết nợ thì mình mới có thể làm chủ được mình. Không cần vĩ mô tầm quốc gia, chỉ là một cá nhân đi vay nợ rồi khất nợ thì đã thấy xấu hổ đến mức nào rồi.

Mà nợ đời nào thì đời đó phải giải quyết cho xong, bắt buộc không thể để đến đời con cháu phải nhận lãnh. Khi chúng ta chưa có điều kiện để con cháu được thụ hưởng tài sản, ngân khố tích lũy, thì chúng ta cũng không được phép gây thêm khó khăn cho cháu con.

Ngô lại nghĩ, làm quan đầu tỉnh thì phải đêm hôm gắng sức vì nhân dân phục vụ, phải làm sao để dân thoát nghèo, phải làm sao để tỉnh phát triển. Đó chính là đạo làm quan, đó chính là danh dự của người làm quan, đó chính là công việc của người làm quan. Chứ công việc của người làm quan, danh dự của người làm quan, đạo của người làm quan không phải là ngày đêm tính kế làm sao khiến tỉnh mình có được quảng trường to đẹp, có tượng đài long lanh, có trung tâm hành chính sang trọng.

Mấy điều này, cho dù phạm húy, cho dù khiến quan nhân không vui thì Ngô cũng xin được người trên hoài đoái mà xem xét. Bao giờ nước chúng ta đủ giàu, đủ mạnh, chúng ta muốn xây quảng trường, dựng tượng đài thì cũng đâu đã muộn màng.

Nguyệt Ngô
.
.