Trời say trời cũng đỏ gay ai cười?

Chủ Nhật, 08/01/2017, 10:24
Sực nghĩ tâm trạng mỗi người trong một ngày cũng tựa bức tranh nhiều màu sắc. Có trắng u ám cõi chiều. Có đen chói ngời nắng mai. Có xanh, hồng, tím, đỏ những buồn vui đến lúc này và ra đi lúc khác.

Vì thế, khó có thể suốt một ngày chỉ một tâm trạng. Mà nó thay đổi nhiều chiều, nhiều hướng khác nhau. Sự việc gì cũng thoáng qua nhanh. Đời sống nhanh và vội. Cuối cùng, đâu là nơi chốn mà con người ta quay về và lấy đó làm điểm tựa? Chỉ có thể trả lời là chính lòng mình. Chỉ có mình mới thấu hiểu, cảm thông và an ủi lấy mình thiện chí nhất mà cũng công bằng nhất.

Nói thì nói thế, chẳng ai có thể suốt đời chui vào trong vỏ ốc của lòng mình. Phải mở lòng ra, dù muốn dù không. Vì thế, làm sao tránh được những cuộc đối ẩm cùng bè bạn. Vậy, thế nào là đối ẩm rượu?

Hãy khoan trả lời câu hỏi đó. Hôm qua, họp cả ngày. Tranh thủ đọc tập sách Thi cử, học vị, học hàm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam (NXB Lao động) của nhà nghiên cứu Đinh Văn Niêm. 

Thích thú với đoạn này: "Canh Thìn, niên hiệu Thánh Nguyên 1 (1400), mùa thu, tháng 8, Hồ Quý Ly mở khoa thi Thái học sinh. Đầu đề thi bài phú là "Linh kim (kiếm) tàng" (Kho chứa gươm thiêng) lấy điển Lưu Bang dùng gươm chém rắn khi mới nổi lên chống nhà Tần. Các học trò xin giảng nghĩa đề thi. Quan trường hỏi: "Có lệ cũ như vậy không?". Duy có Bùi Ứng Đẩu trả lời rằng triều Tống có Tôn Hà Khoa đã hỏi nghĩa đề thi "Chi ngôn nhật xuất". Cho nên quan trường đã giảng nghĩa đề này" (Tr. 61).

Tra lại Đại Việt sử ký toàn thư, có ghi lại sự kiện và chi tiết như trên. Nay đọc và biết ý nghĩa: "Chi ngôn nhật xuất" (Chén rượu như câu nói mỗi lúc một khác) là câu trong sách Trang Tử: "Chi là chân của chén uống rượu, để không thì đứng, rót đầy thì nghiêng, tùy theo thức chứa trong chén mà thay đổi tư thế. Cũng ví như lời nói, tùy theo sự vật mà thay đổi".

Phép ứng xử khôn ngoan ở đời đấy ư?

Có thể là thế, nhưng với bè bạn chơi thân tình chí cốt, lúc đối ẩm quyết không thể "tùy theo thức chứa trong chén mà thay đổi tư thế".

Người Việt biết sáng chế nhiều loại rượu ngon. Ngon đến độ chỉ cần ngửi qua, hương men xộc lên óc cũng đủ tê tái tâm thần. Thế nhưng vẫn mấy ai lịch lãm, từng trải có thể bàn về "ra môn, ra khoai" về nghệ thuật uống rượu. 

Mà cũng chưa có loại rượu nào tạo nên huyền thoại như rượu Thiệu Hưng (Trung Quốc): Khi đẻ ra con gái, bố mẹ tự tay làm hũ rượu, để dành chừng hai mươi năm sau khi con gái xuất giá thì tặng cho nó như một báu vật. 

Hũ rượu này, ngoài bình vẽ bức tranh tuyệt đẹp, thường vẽ hoa. Do hũ rượu có tranh vẽ hoa nên còn gọi "hoa điêu". Vì sao vẽ hoa? Suy diễn rằng, do hoa thường sánh đôi với rượu, "uống rượu thưởng hoa" là thú vui tao nhã chứ không phải đi đôi với... thịt chó!

Lâu nay, thiên hạ vẫn khen quyển Một quan niệm về sống đẹp của Lâm Ngữ Đường là tinh tế, diệu vợi khi bàn về thú chơi, hưởng thụ thiên nhiên, uống trà, tâm tình... của người Trung Hoa. Thế nhưng theo y, chương hay nhất trong tập sách đó, bàn về uống rượu là hay, tuyệt hay bởi... không phải Lâm Ngữ Đường viết. Ông chỉ trích dẫn những đoạn văn hay nhất bàn về nghệ thuật uống rượu của chính người Trung Hoa.

Sở dĩ, Lâm Ngữ Đường không bàn về rượu vì ông thú nhận không biết uống rượu. Bèn nghĩ rằng, đọc sách còn có cái thú là những gì đã tâm đắc, đã khoan khoái có thể chép ra cho người khác cùng thưởng thức. Ở đây, chọn trích đoạn theo bản dịch của nhà văn Nguyễn Hiến Lê bởi câu văn trong sáng, khúc chiết:

"Cái thú uống rượu, đặc biệt là cái thú "tiểu ẩm" (uống một li nhỏ) mà trong văn học Trung Hoa người ta thường nhắc tới, trước kia tôi vẫn cho là một bí mật không hiểu nổi, mãi đến khi một nữ sĩ diễm lệ ở Thượng Hải, trong lúc ngà ngà, hăng hái ca tụng mĩ đức của rượu, tôi mới chịu tin rằng lời bà ta có lí. 

Bà bảo: "Trong lúc nửa say, người ta nói huyên thuyên, nói hoài không ngừng; không có gì thú hơn, sướng hơn nữa". Người ta có cảm giác hăng hái, dương dương đắc ý, cơ hồ như trở ngại nào cũng thắng nổi, giác quan mẫn nhuệ lên, mà khả năng sáng tác, nó ở giữa ranh giới hiện thực và ảo tưởng, đạt tới một trình độ cao hơn lúc bình thường. Cơ hồ ta có thêm năng lực, thêm lòng tự tin, có ý thoát li quy củ cùng những sự trói buộc của kĩ thuật".

"Có người nói rằng những nhà độc tài ở châu Âu như Franco, Hitler, Mussolini, nguy hại cho nhân loại vì họ không biết uống rượu. Lời đó đáng gọi là có kiến giải. Tôi không ưa các nhà độc tài vì lối sống của họ có cái gì bất cận nhân tình, mà cái gì bất cận nhân tình đều là xấu cả. Một tôn giáo bất cận nhân tình không phải là một tôn giáo, chính trị bất cận nhân tình là một chính trị điên khùng, một nghệ thuật bất cận nhân tình là một nghệ thuật dở, và một lối sống bất cận nhân tình là lối sống của loài vật".

"Trà như ẩn sĩ, rượu như hào sĩ. Rượu để kết bạn, trà để hưởng tĩnh". Một tác giả Trung Hoa còn kể ra những tâm trạng và địa điểm hợp với sự uống rượu: "Trong cuộc lễ nên uống khoan thai; trong cuộc họp bàn, uống nên nhã; người đau nên uống từng chút một; người sầu muộn nên uống cho đến say. Mùa xuân nên uống ở sân, mùa hè nên uống ngoại ô một châu thành; mùa thu nên uống ở trên thuyền; mùa đông nên uống ở trong nhà; mà ban đêm nên uống dưới bóng nguyệt".

"Một tác giả khác viết: "Nên lựa lúc và nơi mà say. Say với hoa thì nên vào ban ngày để hưởng hết màu sắc, ánh sáng; say với tuyết thì nên lựa ban đêm để tâm tư được thanh tĩnh; say lúc đắc ý thì nên ca hát cho lòng được hợp cảnh; say lúc li biệt thì nên hát lúc du dương để nâng đỡ tinh thần; say với văn nhân thì nên cẩn thận, lễ độ để khỏi bị khinh nhờn; say với võ tướng thì nên dùng cái chén bằng sừng, thêm cờ xí cho thêm lẫm liệt; say trên lầu thì nên lựa mùa hè để hưởng gió mát; say trên sông nước thì nên lựa mùa thu cho thêm phóng lãng sảng khoái. Tâm trạng và cảnh phải thích nghi, không vậy thì mất thú".

"Quan trọng là cái vui chứ không phải rượu. Như vậy thì người tửu lượng kém cũng có thể hưởng thú uống rượu. Có những người không biết chữ mà biết cái thú của thơ; có những người không biết tụng kinh mà biết cái thú của tôn giáo; có những người không biết uống một giọt rượu, mà biết cái thú của rượu; có những người không biết gì về đá, mà biết cái thú của họa". Những người đó đều là tri kỉ của thi nhân, thánh hiền, ẩm giả và họa sĩ".

Điều quan trọng nhất của đối ẩm là gì? Nếu chọn lấy điều kiện duy nhất, y chỉ chọn: Uống với ai?

Đọc Chiến quốc sách - bản dịch của Nguyễn Hiến Lê - Giản Chi, mới hay Lỗ Trọng Liên, người nước Tề cho rằng: "Kẻ sĩ (quân tử) sở dĩ đáng quý ở trong thiên hạ là vì giải trừ được hoạn nạn, cởi bỏ được rối loạn mà không nhận một chút báo đáp nào. Nếu nhận sự báo đáp thì thành con buôn rồi". 

Còn kẻ sĩ (tiểu nhân) thì sao? "Nằm thì nằm cùng, dậy thì cùng dậy, đi thì đi cùng, ngừng thì cùng ngừng, không cắn nhau. Nhưng ném cho chúng một khúc xương thì chúng vùng dậy mà nhe răng ra cắn nhau. Tại sao vậy? Tại tranh ăn".

Thử hỏi, hai hạng người ấy, có thể ngồi chung chiếu?

Uống với bạn hữu là cái thú, đã đành. Nhưng uống lúc tiễn biệt "một đi không trở lại" thì sao? Lúc tráng sĩ Kinh Kha sang Tần, tới bờ sông Dịch, người bạn nối khố là Cao Tiệm Li - tay bán thịt chó chuyên nghiệp nhưng chơi đàn trúc rất tuyệt đã gảy đàn họa theo tiếng ca bùi ngùi nhỏ lệ: "Gió vi vút chừ sông Dịch lạnh tê/ Tráng sĩ một đi chừ không về"

Điệu ca khảng khái bi tráng, ai nấy đều trợn mắt, tóc dựng đứng, đâm lên mão. Cái tình ấy sâu đậm làm sao. Tri kỷ làm sao. Rượu uống ngàn ly cũng không say chăng? Lại thoáng nghĩ thêm:

Từ 20 đến 30 tuổi: Nhậu càng đông càng thích, càng hào sảng. Tưởng như Kinh Kha sang Tần. Một đi không trở lại. Sáng dậy tỉnh queo. Như chưa từng có giọt nào. Quên tuốt luốt những lộng ngôn trời trăng mây nước huếnh hoáng sáo rỗng.

Từ 30 đến 40: Nhậu bất kể thời gian. Bất kể loại bia rượu gì. Có là uống. Ép nhậu đến "ngất trên cành quất" mới thôi. Tranh nhau đọc thơ cứ như đứng trước quảng trường đang oang oang cho hàng triệu công chúng từng lời vàng, ý ngọc. Tự sướng, tự khen là thơ của thiên tài, dù không tờ báo nào thèm đăng. Nhậu từ sáng hôm nay qua sáng hôm sau. Vẫn thơ thới, tỉnh táo.

Từ 40 đến 50: Không thích nhậu quán quen. Quán lạ vẫn thích hơn. Bởi quán lạ có nữ tiếp tân lạ. Tàn cuộc nhậu luôn ngoác mồm hỏi một cách nghiêm túc, đứng đắn: Tăng 2 ở đâu? Quán nào? Dù không còn một xu dính túi.

Từ 50 đến 60: Nhậu cần có thêm siêu mẫu, người mẫu vây quanh. Mới vui. Hay kể bàn chuyện phòng the. Luôn tự nhận là số một. Số dzách. Bách chiến bách thắng. Tự trấn an cho sức khỏe. Quan tâm đến các loại cường dương bổ thận. Sáng mai, dậy rất sớm, mở mắt ra đã 12 giờ trưa.

Từ 60 đến 70: Kén bạn nhậu lúc ngồi chung bàn. Thấy có người không hợp gu, đùng đùng đứng dậy, bỏ về ngay. Uống có chừng mực hơn. Không nhất thiết phải có chân dài chân ngắn. Ai muốn đọc thơ, phải đóng tiền vì đã tra tấn bạn nhậu một cách quá khốc liệt. Thích nhất vẫn là nhậu chỉ có hai người. Một nam, một nữ. Người nữ đó không phải vợ mình. Bởi lúc đó có thể tha hồ đọc thơ mà không phải đóng lệ phí!

Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thì hư vậy say thời cứ say
Đất say đất cũng lăn quay,
Trời say trời cũng đỏ gay ai cười.

(Tản Đà)

Mấy đêm nay, hầu như đêm nào cũng đọc quyển Một quan niệm về sống đẹp của Lâm Ngữ Đường. Đọc chậm rãi. Đọc tùy hứng. Đọc nhẩn nha. Khi đọc đến dòng cuối cùng mới tặc lưỡi, tiếc: "Sao hết nhanh thế?".

Sáng nay, thức dậy sớm, còn hào hứng với quyển sách hay nên viết những dòng này:

Ngày mai, ừ nhé. Mềm môi
Một góc phố. Một chỗ ngồi. Nến thơm
Nghiêng ly. Rượu đỏ như son
Thướt tha váy mỏng chập chờn nắng xanh
Đường dài đi đứng loanh quanh
Chẳng mấy chốc dốc bộ hành bước qua
Nhìn trong bốn cõi ta bà
Hương từ ngày cũ tà tà dậy men
Ngước nhìn bươm bướm bay lên
Nhụy hương in dấu rất mềm khó phai
Ừ thì, một chút lai rai
Một giọt rượu đỏ nguôi ngoay một ngày...

Lê Minh Quốc
.
.