Trọc phú nhân danh

Thứ Tư, 11/05/2016, 16:16
Với 1,2 tấn gạo nếp, 3 tạ đỗ xanh, 2 tạ thịt lợn, 3 tạ lá chuối cùng 50 nhân công vận dụng hết cả tay lẫn chân thì cuối cùng công viên văn hóa Đầm Sen (TP HCM) đã hoàn tất chiếc bánh chưng nặng 2,5 tấn để cúng giỗ vua Hùng trong dịp Giỗ Tổ vừa rồi.

Khói nhang thành kính, gạo nếp thơm lừng, tấm lòng tri ân của ban lãnh đạo công viên này không biết có đánh động anh linh của các đức Hùng Vương hay không? Chỉ biết rằng dư luận chửi hành động ngông nghênh, trọc phú, tục tằn, cẩu thả này quá mức.

Vừa rồi Ngô xem hình ảnh nhân viên của công viên, dùng tay vốc từng vốc bánh chưng chia cho du khách thụ lộc, nhìn chẳng ra làm sao.

Khốn khổ vua Hùng!

1. Cái bánh chưng của công viên văn hóa Đầm Sen chưa phải là cái bánh đầu tiên cũng như duy nhất mà hậu thế muốn dâng cho vua Hùng. Tương lai, lãnh đạo của công viên này còn làm bánh to nữa, nhất là khi họ tuyên bố, "Sắp đến, chúng tôi dự kiến vẫn tiếp tục thực hiện hoạt động này, như làm bánh trung thu khổng lồ vào dịp Tết Trung thu, làm bánh chưng khổng lồ vào dịp giỗ Tổ năm sau". Ngô chịu hẳn rồi, Giỗ Tổ là giỗ chung, con cháu cũng dăm ba loại, Ngô biết là làm sao.

Cách đây mấy năm, có doanh nghiệp ở TP.HCM lên cơn động cỡn cũng dâng cặp bánh chưng bánh dày nặng mấy tấn cho vua Hùng. Để kính cẩn dâng tận hương án của vua, công ty này thuê hẳn xe đông lạnh để đưa bánh về đến nơi vua Hùng ngự. Cặp bánh này được làm từ 1 tấn nếp, 1 tạ thịt lợn, 2 tạ đậu, mấy tạ lá chuối kẹp lá dong. Cặp bánh này oanh oanh liệt liệt xô vỡ kỷ lục cũ của chiếc bánh chưng có trọng lượng 1,4 tấn của làng Ước Lễ (Hà Tây).

Thật không may hay là bởi vua Hùng còn linh thiêng, nên cặp bánh chở từ TP HCM ra đến Phú Thọ, cúng bái xong xuôi đến lúc cắt bánh thì phát hiện bánh ôi thiu, đầy nấm mốc. Không biết vua Hùng có quở hay không mà từ lúc đấy cho đến giờ Ngô không nghe tên cái công ty dở hơi kia nữa.

Song song với bánh chưng bánh dày to đùng, người ta còn dâng cho vua Hùng ly cà phê to nhất thế giới. Con đường di chuyển của ly cà phê này đến vua Hùng mới quái đản làm sao, Nhân "Tuần lễ Cà phê Thế giới", một hãng cà phê trong nước đã giới thiệu đến khách tham quan một kỷ lục quốc gia mới, đó là chiếc ly có thể chứa được hơn 3.500 lít cà phê. 

Sau khi biểu diễn ở Tuần lễ Cà phê Thế giới, ly cà phê này tiếp tục trình diễn tại Festival Hoa ở Đà Lạt, và cuối cùng người ta quyết định mang ly cà phê ấy ra Đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì (Phú Thọ)… tiến cống Vua Hùng.

Một vài cơ quan truyền thông viết về sự kiện này với những mỹ từ, "Ly cà phê đã được Guiness công nhận, ngoài việc thể hiện tấm lòng của con cháu làm cà phê đất Việt dâng lên tổ tiên, sự có mặt của ly cà phê lớn nhất thế giới tại Lễ hội Đền Hùng năm nay đã làm cho ngày Quốc giỗ thêm nhiều ý nghĩa. Con cháu mọi miền đất nước quy tụ về đây và du khách nước ngoài đến lễ hội đều rất ấn tượng với ly cà phê này". 

Tiếp đến nữa là, "Thế giới sẽ biết đến một phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, biết đến truyền thống lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam. Và ly cà phê lớn nhất thế giới là cách mà con cháu Vua Hùng đã khiến thế giới nghiêng mình trước các vị anh linh của dân tộc mình", lời của một đại diện trong đoàn dâng ly cà phê lên Vua Hùng.

Minh họa: Lê Phương.

Sau khi vua Hùng có ly cà phê to nhất thế giới, ông lãnh đạo công ty rượu bèn tiến cống cho vua Hùng thêm chai rượu vodka hoành tráng nhất khu vực. Công ty sản xuất rượu này đã dâng lên Vua Hùng chai vodka cao 5,2m, đường kính 1,17m, chứa khoảng 4 nghìn lít rượu và sau đó tự hào, "Nối gót tiền nhân, Lang Liêu dâng bánh chưng bánh dày, An Tiêm dâng dưa hấu, tất cả các sản vật đặc biệt đều dâng lên các Vua Hùng. 

Để thể hiện lòng thành kính và tưởng nhớ các Vua Hùng có công ngàn năm dựng và giữ nước, chúng tôi dâng cúng một món quà đặc biệt, đó chính là chai rượu này, như các cụ đã nói "Phi tửu bất thành lễ". Đây là chai rượu lớn nhất thế giới sẽ là điểm nhấn trong dịp đại lễ năm nay" (Cái lão lãnh đạo công ty rượu tăng động hưng phấn trình bày như vậy. Ngô đồ rằng, khả năng lão này uống quá nhiều rượu được nấu bằng men Trung Quốc nên bất bình thường về thần kinh).

2. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp giỗ Tổ thì không xảy ra chuyện này sẽ xảy ra chuyện khác. Năm nay, chẳng hiểu vui sướng thế nào mà mấy triệu người bồng bế rồng rắn chen chúc thắp nhang khấn Quốc Tổ. 

Chẳng hiểu xin gì, chỉ biết ùn ùn người chen chân, ngất xỉu, gào khóc, trẻ con lạc cha mẹ, cha mẹ lạc ông bà. Còn cư dân mạng thì chế đoạn clip mô phỏng theo bộ phim chiếu rạp bom tấn "Luân Đôn thất thủ" thành "Đền Hùng thất thủ".

Có bạn đọc tin cẩn Ngô quá khiến Ngô xấu hổ tận tâm can, bạn đọc gọi đề nghị, Ngô viết gì phản ứng với mấy triệu người chen lấn ở Đền Hùng trong dịp giỗ Tổ vừa qua đi. Ngô thật, dân mình bây giờ đã khổ lắm rồi.

Há miệng ăn thì thực phẩm bẩn, hít khí trời thì ô nhiễm môi trường, chạy xe ngoài đường thì vướng tai nạn giao thông, vào cơ quan công quyền thì gặp phải quan liêu hạch sách, thuế ngày càng tăng, phí ngày càng nhiều, an sinh xã hội lại không thấy đâu. Thêm nỗi, mỗi người tự dưng chịu mấy chục triệu tiền nợ công. Bảo nói nặng nhau nữa thì Ngô đành lòng nào mà nói.

Với lại, chân là của mọi người, thời gian là của mọi người, trẻ con là con em của mọi người, mọi người có trách nhiệm tự mà lo lấy, tự mà chăm sóc, tự mà giữ gìn thôi. Hơn nữa, ngày lễ ngày nghỉ, còn sức thì cứ đến mấy điểm vui chơi mà giải trí, tái tạo năng lượng để làm việc. Vấn đề cốt yếu nhất vẫn là cách thức tổ chức của ban tổ chức lễ hội Đền Hùng.

Như ở thánh địa Mecca, ở bờ sông linh thiêng của Ấn Độ, ở những quảng trường trung tâm của các thành phố lớn trên thế giới, ở các địa điểm văn hóa tín ngưỡng lâu đời… cứ thi thoảng lại đọc được tin rất buồn về tình trạng giẫm đạp nhau đến tử vong. 

Năm nay giẫm đạp khóc lóc thảm thương thì năm sau lại đi tiếp, năm sau nữa lại đi tiếp nữa. Cái này chịu thôi, chỉ có thể giảm tải bằng một phương pháp bảo vệ có tổ chức, có khoa học. Quan trọng nhất vẫn là hết sức tránh tình trạng ngăn barie dồn người tham gia lễ hội như xây đập ngăn nước, để khi nhấc barie lên thì  làm gì mà không loạn.

Dân còn đến Đền Hùng là còn mừng, chứ cứ tưởng tượng mồng Mười tháng Ba mà đền Hùng vắng hoe như miếu mạo vùng sâu vùng xa còn chán đời hơn gấp triệu triệu lần ấy.

Nói thiệt, Ngô rất nghi ngờ vào thuyết đến đền Hùng là để tưởng nhớ các Vua Hùng. Hình mẫu Quốc Tổ của chúng ta vẫn chưa được xây dựng đúng tầm thông qua văn học hoặc truyền thông, cái này Ngô nói bằng sự hiểu biết thiển cận của cá nhân, mọi người đừng trách Ngô làm gì, tội nghiệp. 

Chẳng qua là dân Việt có thói quen ham vui, lại rất sợ hãi khói nhang, lại cực kỳ tin vào khói nhang. Thế nên ngày lễ leo núi thắp hương không được cái này cũng được cái khác, chẳng mất đi đâu mà lo. 

Kiểu như có bãi đất trống bị vứt rác chất đống, chủ đất đặt mấy chữ tàu viết trên tấm kính, thắp thêm mấy cây nhang thì có cho thêm tiền cũng chẳng ai dám vứt rác nữa. Điều này vốn vẫn thường thấy trong cuộc sống rồi, không cần gì phải lạm bàn thêm cho tốn chữ (gõ mỏi tay).

Cũng phải kể thêm chi tiết này, Lễ hội Đền Hùng thường diễn ra trong vài ngày, như năm nay là từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 3 (Âm lịch). Nghe ngóng thì không thấy có chuyện chặt chém du khách, ẩu đả đánh nhau mặc cho tiếp hàng triệu lượt khách. 

Cũng không có chuyện nhậu say bật nhạc vũ trường cởi trần nhảy điên cuồng cũng là điều cố gắng rất nhiều của Ban tổ chức rồi. Nên chăng cho trọn vẹn hơn là năm sau Ban tổ chức nghiên cứu kỹ về các dự án dự phòng tình trạng du khách nhiều hơn tiên liệu vào ngày kết thúc lễ hội mà thôi.

3. Mấy ông mấy bà làm doanh nghiệp thích dâng những vật thực to đùng lên Vua Hùng nhân ngày giỗ Tổ bất chấp sự phản cảm hay nỗi khó chịu ấy mà, đó chỉ là trò quảng bá thương hiệu thôi. 

Một cách tổ chức ăn theo sự kiện rất cẩu thả, kém tư duy. Nếu Ngô là ông chủ (là giả dụ thôi, chứ đến Ngô còn là ông chủ được thì nước mình phải bỏ xa nước Mỹ đến mấy trăm năm về độ phát triển rồi), Ngô ngay lập tức đuổi việc cái tay nào đưa ra ý tưởng đu dây điện một cách tào lao bí đao như thế nào.

Để đối phó với tình trạng này có dễ dàng không, chắc chắn là quá dễ luôn. Bởi mục đích cuối cùng của những cái bánh mấy tấn ấy chỉ là thu hút sự quan tâm của đám đông qua truyền thông. Và nếu truyền thông phản ứng bằng cách không đưa tin nữa thì tẽn tò không làm nữa. Thôi, ai rảnh để tạo nên một thứ dị hợm mà không kích thích được sự quan tâm của người khác.

Mà Ngô nghĩ, truyền thông cũng nên can đảm một lần, đám đông cũng nên giả vờ bỏ qua một lần. Đừng để cái bọn trọc phú khệnh khạng nhân danh tình cảm với quốc tổ để hết lần này đến lần khác sỗ sàng thực hiện những hành động thô thiển đến vậy. 

Ngô Nguyệt Hữu
.
.