Trên phố đông ngẩng đầu nhìn cây

Thứ Sáu, 06/11/2015, 08:12
Tôi chẳng nhớ đã quen ông kĩ sư lâm nghiệp Nguyễn Trịnh Kiểm từ bao giờ, nhưng mỗi lần nhìn ông chạy xe chầm chậm giữa phố đông Sài Gòn mà cứ ngẩng đầu nhìn cây, bỗng dưng thấy cũng ngồ ngộ và cũng hay hay. Phải yêu thiên nhiên lắm, và phải có một chút máu nghệ sĩ thì mới có thể làm được công việc chăm sóc cây xanh tưởng như đơn giản mà phức tạp!

Chơi với nhau nhiều năm tôi nhận ra kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm còn nghệ sĩ hơn nhiều nghệ sĩ mà tôi biết. Căn phòng làm việc của ông thoạt nhìn như nơi “trước tác” của một người làm công việc sáng tạo. Quanh chỗ ngồi treo rất nhiều tranh, bên cạnh ghế có cây đàn guitar, còn dưới chân bàn có… 4 đôi giày mà không có đôi tất nào. Ông giải thích: “Cho nó tiện, chỉ cần tháo giày ra là có thể… leo cây rồi!”. 

Chưa hết, ông có bộ sưu tập những ca khúc tiền chiến in lần đầu tiên với chữ ký của khá nhiều nhạc sĩ thời đó. Tuy nhiên, có một bản nhạc ông Nguyễn Trịnh Kiểm ít khoe nhất và cũng kiên quyết không cho ai mượn là tình khúc bất hủ Thiên thai in lần đầu tiên vào cuối năm 1944, do chính tay Văn Cao vẽ bìa. Hai lần hầu rượu nhạc sĩ Văn Cao năm 1965 và năm 1993, ông Kiểm đều “năn nỉ” được Văn Cao lưu bút vào bản nhạc, nên bây giờ trở thành một tài sản dễ khiến giới sưu tầm ganh tỵ.

Khi kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm còn công tác ở Công ty Công viên Cây xanh TP HCM, tôi đã nhiều lần ghé thăm công ở phòng làm việc trong không khí Sài Gòn hầm hập nắng. Sau mấy hồi chuông điện thoại, kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm (chức vụ cao nhất trước khi về hưu là Đội phó Đội Quản lý cây xanh. May mắn thay, ông nhận sổ hưu vẫn được tiếp tục ký hợp đồng lao động vì hình như kinh nghiệm của ông vẫn còn giúp ích được cho những người đương nhiệm) miệng phì phèo điếu thuốc chạy chiếc xe ga về…

Tôi đùa: “Sự nghiệp “phủ trọc đường xanh” của ông đến đâu rồi?”. Kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm cười khề khề: “Phủ xanh đường trọc cũng kha khá. Nói cho mà biết nhá, hôm qua Đài Truyền hình Hàn Quốc vừa phỏng vấn tớ về những hàng me Sài Gòn. Vài hôm nữa Đài Truyền hình TP HCM lại mời tớ đóng phim Chuyện những cây cổ thụ. Kế hoạch quay phim hai ngày lận… Phen này “nhà ngươi” sắp được chơi với người nổi tiếng rồi nhá!”.

Kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm và vợ - nữ sĩ Đặng Tuyết Nhung.

Dù kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm tếu táo “tớ sắp nổi tiếng rồi”, nhưng ông vẫn cặm cụi với công việc của một người vô danh. Mỗi ngày ông đều có thói quen chạy xe dọc các con phố Sài Gòn để… ngó cây xanh. Ông thuộc từng hàng cây, ông thuộc từng chủng loại cây. Cái cách ông quan tâm đến cây xanh không khác gì tình cảm của một tình nhân dành cho một tình nhân. Lúc nào trong túi của kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm cũng có một chiếc bút và một cuốn sổ nhỏ, trông giống như… nhà thơ. 

Thế nhưng, tôi tò mò mượn đọc thì chẳng thấy câu thơ nào mà chỉ thấy chi chít những số liệu nghề nghiệp của ông như: “Cây số 93 đường X, cần gọt nhánh” hoặc “Cây số 78 đường Y có dấu hiệu mục thân”… Có lần tôi chở kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm đi thăm một người bạn chung, xe đang ngon trớn, ông la toáng lên: “Ngừng lại, phanh ngay, ngừng lại…” rồi nhảy tót xuống và chạy đến bên một gốc cây trên vỉa hè để săm soi và sờ nắn từng mẩu vỏ cây đang bong tróc. Hồi lâu ông mới quay ra, giọng chán nản và bực bội: “Cái cây đẹp thế, mà bọn nào láo quá, dùng vật nhọn băm nát cả một góc…”. Đấy, một chuyện lẽ ra người khác xem như không có gì đáng bàn, mà vẫn khiến ông có cảm giác chua chát suốt một buổi chiều!

Mặc dù bây giờ đã ở tuổi 72, kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm vẫn có thể nói hàng giờ về chủ đề cây xanh. Ông cứ băn khoăn rằng, so với Hà Nội thì mật độ cây xanh của Sài Gòn đã không bằng, chứ đừng so với những thành phố chú trọng môi trường thiên nhiên khác trên thế giới. 

Ông bảo: “Tính những cây đã đánh số do chúng tôi quản lý thì cả Sài Gòn có 36.399 cây, chia làm 3 loại. Riêng cây cao trên 12 mét chỉ mới dừng lại ở con số 5.332 cây. Bình quân chỉ mới 2.8m² cây xanh/người. Trong khi Hà Nội thì 4m². Trung bình mỗi năm chúng tôi đốn 50 cây thì trồng mới 100 cây. Ngoài ra việc cắt tỉa, chăm sóc là thường xuyên”.

Tôi cắc cớ: “Ông nói nghe có vẻ đội ngũ quản lý cây xanh lúc nào cũng hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Sao thỉnh thoảng dân chúng lại kêu ầm lên vì cây gây đổ?”. Kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm giãi bày: “Khó lắm! Khổ lắm! Tớ hung hăng nói lớn tiếng mấy lần rồi, nhưng ý kiến cần quan tâm đến đặc tính sinh học của cây chưa được ủng hộ. Hiện nay, cây cao cho bóng mát nhiều nhất ở Sài Gòn là cây sao. Loại này tự rụng nhánh và cứ cao thêm, rất dễ gãy nhánh. Chỉ cần gió to là cây sao bị tước ra, rơi xuống và gây tai nạn. Tớ vẫn cho rằng, giải pháp cần thiết là thay thế cây sao bằng loại cây khác! Nói thật, chúng tớ suốt ngày quần quật cũng lo không xuể. Có những cây bên ngoài còn xanh tốt, thậm chí cũng nở hoa có vẻ tươi thắm lắm, nhưng bên trong ruột rỗng hết rồi. Tai nạn bất khả kháng chúng tớ chỉ biết cúi đầu nhận lỗi…”.

Nhân chuyện cây gãy đổ, không thể không kể lại một tình huống éo le của kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm. Một cây sao trên đường Trần Quốc Thảo vì một cơn giông đã rơi ngay một nhánh vào cô gái đang đứng trên hè phố. Tất nhiên, không phải cành khô gãy, không phải tắc trách. Tuy nhiên, khi có mặt tại hiện trường thì kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm đã đưa cô gái đi cấp cứu. Lương tâm một người làm nghề khiến ông thấu hiểu và chia sẻ với cô gái  trong tình huống ngoài tiên liệu ấy. Ở cả ngày trong bệnh viện đói lả, ông mua mấy tô cháo cho mọi người cùng ăn, trong đó có đồng nghiệp của ông và gia đình của cô gái kia. Ai ngờ, người cha của nạn nhân đứng dậy hắt luôn tô cháo vào kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm khiến ông bị lấm lem từ đầu đến chân.

“Nghệ sĩ” - Kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm.

Ông thổ lộ với tôi: “Tớ giận chứ, nhưng tớ kiềm chế được. Tớ cũng là một người cha, tớ thông cảm với sự xót con nên lặng lẽ chui vào nhà vệ sinh tắm táp sạch sẽ và đi mua lại tô cháo khác!”.

Kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm người gốc Hải Phòng. Anh trai của ông là họa sĩ Trịnh Thái có những bức tranh khá ăn khách với những nét vẽ về sông Tam Bạc. Tốt nghiệp đại học ngành lâm nghiệp, kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm đã gắn bó với nghề chăm sóc cây xanh ở Sài Gòn gần 40 năm nay. Điều mà ông tâm đắc nhất là đã góp phần giữ gìn được nhiều gốc cổ thụ cho đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam: “Chính xác giữ 3 cây, nhưng bây giờ chỉ sống được hai cây. Hai cây đã 150 tuổi trong khuôn viên Bảo tàng Tôn Đức Thắng, có giấy phép đốn rồi, nhưng tớ tiếc quá, thuyết phục người ta giữ lại. Nếu chặt, chỉ tốn 10 công thợ thôi, nhưng giữ lại tốn 100 công thợ đấy! Chỉ xót cái cây 300 tuổi ở sân khấu Bách Tùng Diệp thôi… Khu đó trước kia là Chợ Cây Đa Còm, sĩ tử thường đến đó mua bút mực trước khi đi thi. Công trình bên cạnh thi công, thế là chặt cả rễ của nó. Khi tớ đến, cái cây đã bắt đầu nghiêng và “kêu” rin rít nghe thê thảm lắm. Tớ huy động 60  công thợ, cứu ròng rã cả tuần vẫn chỉ giữ được hai thân thôi. Cứ nghĩ lại là thấy đau!”.

Tôi thăm dò: “Có lẽ ông là người yêu cây nhất Sài Gòn nhỉ?”. Kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm bật cười khà khà: “Chớ còn gì nữa… Khi mở đường Nguyễn Hữu Cảnh, chính tớ năn nỉ Giám đốc Thảo Cầm Viên đừng chặt 32 cây to, mà tổ chức di dời chúng ra ven đường. Đúng ra phải trao huân chương cho tớ chứ! Nói vậy thôi, thực tế tớ thấy một người yêu cây hơn tớ nữa là anh Ba Đấu hồi trước làm nhân viên trong Thảo Cầm Viên. Khi xây Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, người ta quyết định chặt cây giáng hương gần 200 tuổi. Anh Ba Đấu không cho chặt, cứ ôm gốc cây mà khóc nức nở như đứa trẻ bị mất mẹ…”.

Đối với kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm, trên đời chỉ có hai thứ đáng để nhắc: cây xanh và âm nhạc. Cây xanh thì rõ rồi, còn âm nhạc thì sao nhỉ? Ông hé lộ: “Nhờ âm nhạc tớ mới cưới được người vợ bây giờ. Ngày xưa cô ấy xinh lắm, bao nhiêu người theo đuổi. Có hai người ngấp nghé được cô ấy chọn lựa, là tớ và một chàng thi sĩ. Các bài thơ của chàng thi sĩ kia sướt mướt lắm, tớ lấy gì mà cạnh tranh. Một hôm tớ quyết định ôm cây đàn guitar đến nhà nàng giữa đêm thanh vắng. Tớ không nói lời nào, tớ ngồi ngoài cửa hát hơn chục bài tình ca rồi lê gót về. Chà, ai dè cú ra đòn ấy hiệu quả. Cô ấy gật đầu làm vợ tớ!”. 

Vợ của kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm là nữ sĩ Đặng Tuyết Nhung. Bà yêu phẩm chất nghệ sĩ vốn có trong ông, nhưng đôi lúc cũng cằn nhằn vì cái sự yêu cây xanh của ông. Mỗi lần chở vợ đi ngoài đường, kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm thường nhờ vợ ngồi sau ghi chép cây nào ở đường nào có hiện tượng gì, lắm phen bà phải gắt lên “lái xe mà lơ ngơ kiểu đó thì có ngày bị đụng xe”. Ông không giấu giếm hạnh phúc riêng tư của mình: “Có điều vợ tớ là mẹ của 3 đứa con tớ nên thương chồng, bỏ qua hết, rồi còn làm bài thơ tặng tớ nữa kìa, trong đó tớ thích nhất hai câu: “Chỉ xin đất trời tháng ba, tháng bảy. Lối anh về đừng bão rớt mưa bay”.

Lê Thiếu Nhơn
.
.