Trên ngón tay bà nội

Thứ Ba, 01/12/2015, 23:43
“Cuộc đời vậy đấy con ơi/ Buồn vui đến mấy thì rồi cũng qua/ Yêu thương là một món quà/ Đừng vì cay đắng để mà bỏ rơi/ Yêu thương một kiếp làm người/ Ngày mai gió bụi còn lời cỏ xanh”. 


Khi viết những câu thơ này về bà nội, tôi thường nhớ hình ảnh bà ngồi sao thuốc cạnh cái bếp lò củi bập bùng lửa cháy, ngâm nga mấy câu Kiều, trong lúc tôi đang lơ mơ chìm vào giấc ngủ. Đêm mùa đông gió rít từng hồi dài ngoài cửa sổ, trên mái ngói căn nhà nhỏ đơn sơ của bà. Mùi của những vị thuốc bắc đượm trên chiếc chảo gang thơm khắp nhà, thơm vào tận giấc mơ tôi.

Mùi những vị thuốc bắc hay mùi bà nội, tôi không bao giờ phân biệt được. Mỗi khi đi ngang qua một ngôi nhà, nghe mùi thuốc bắc của ai đó đang sắc trên chiếc ấm đất tỏa ra, sống mũi tôi lại cay cay nhớ bà, thủa thiếu thời tôi được bà ấp ủ. Những buổi chiều không đi học, tôi ngồi thái giúp bà mấy thứ vỏ cây để bà làm thuốc, hay phơi giúp bà một sàng hoa cúc chi vàng ruộm thơm lựng trước hiên nhà. Bà tôi có thói quen ngâm ngợi mấy câu thơ đôi khi bà tự nghĩ ra, đôi khi là những câu thơ bố tôi viết để than thở ông nội tôi mất sớm, đôi khi là mấy câu Kiều. Và cũng có đôi khi là những câu kinh nhật tụng bà thuộc nằm lòng. 

Tôi cũng thường có thói quen sửa lại vần trong những câu thơ bà nghĩ ra. Bà thường mắng yêu: “Cha bố mày, cứ mải thơ với phú vào, rồi ế chồng thì khổ”. Cái mùi thuốc bắc, mùi bà nội ấy có trong cặp sách tôi, trong áo quần tôi, trong tóc tôi. Bà nấu nước gội đầu cho tôi bằng vị thuốc bắc. Một vài thứ để trong ngăn cặp của tôi bà dặn, nếu con đau bụng thì nhai cái này, ngã chảy máu thì rịt cái kia vào vết thương.

Bà nội tôi góa chồng năm 28 tuổi. Ông tôi bị giặc Pháp bắn chết. Bà cặm cụi nuôi hai con là bố tôi và chú tôi. Lúc về làm vợ ông, bà không biết mặt một cái chữ nào. Cho đến khi ông dạy bà nhận được mặt chữ, thì bà mất ông. Để nuôi hai con, bà đi làm thuê làm mướn ngoài cánh đồng muối ở quê tôi vùng đất ven biển. Rồi bà nghĩ, nếu cứ làm thuê mãi thế này thì đời cơ cực quá, không đủ nuôi thân mình huống hồ nuôi con. Bà gửi bố tôi và chú tôi cho họ hàng rồi về thành phố học nghề châm cứu, bốc thuốc bắc. Một thầy thuốc đông y vì cảm động ý chí và lòng quyết tâm thay đổi cuộc đời của bà đã tận tâm giúp đỡ, truyền bí quyết cho bà. 

Sau 3 năm miệt mài học nghề, bà về quê, chuyên đi châm cứu, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Trẻ con, người già, phụ nữ có thai trong làng, cứ có vấn đề gì liên quan đến sức khỏe, là đến gặp bà. Ai không có tiền thì bà cho nợ tiền thuốc, đến mùa gặt mang thóc gạo đến trả cho bà. Bà lại bán thóc lấy tiền, về thành phố mua dược liệu mang về quê chế biến, rang xay, chia vào những ngăn nhỏ trong chiếc tủ gỗ. Cuộc sống cứ êm đềm trôi đi. Bà nội tôi đã có một cái nghề, có thể nuôi bố tôi và chú tôi ăn học sung túc. Và hạnh phúc nhất là có thể cứu người lúc đau ốm, bệnh tật.

Ảnh: LG.

Nhưng bà nội tôi khi đó mới chỉ ngoài 30 tuổi. Cuộc đời dù đã an phận thờ chồng nuôi con, bà nội đâu ngờ có ngày tình yêu lại đến, xô đổ hết những giáo lý, chuẩn mực trước đó bà chắc mẩm làm đàn bà nước Nam phải một lòng một dạ sống theo. Cơ duyên cho bà nội gặp một người đàn ông đặc biệt, và bà phải lòng ông ngay phút đầu tiên. Ông cũng yêu bà say đắm. Nhưng oái ăm thay, ông lại là người đã có gia đình. Bà nội yêu, càng cố chống lại mình thì tình yêu càng lớn, choáng ngợp trái tim và tâm hồn của bà. Yêu đến mộng mị, quên mất cả đường về. Nhưng tình yêu đó, dẫu là cả hai phía, nhưng lúc tỉnh táo ngộ ra, là rơi vào ngõ cụt. Người đàn ông đó không thể đến với bà, mang lại hạnh phúc cho bà vì ông còn có gánh nặng gia đình phía sau. 

Chia tay là giải pháp bà và người đàn ông phải chọn, để tránh tan vỡ cho gia đình ông. Sau cuộc chia ly buồn khổ, bà nội bất ngờ nhận ra mình có thai. Hãy hình dung, một người đàn bà góa chồng, tự dưng có thai, ở một làng quê, thời điểm những năm 60 của thế kỷ XX, nó nghiêm trọng đến mức nào. Bà vừa mừng vừa lo. Bà yêu người đàn ông ấy và muốn có một đứa con với ông. Nhưng dư luận là thứ bà sẽ phải đối mặt, phải vượt qua và biết chắc là sẽ không dễ dàng. Năm đó bà nội vừa tổ chức cưới mẹ tôi cho bố tôi. Khi bà  nội quyết định để lại cái thai trong bụng, thì bà phải nói chuyện với bố tôi, mẹ tôi. Mẹ tôi mới về làm dâu, không dám ý kiến gì, còn bố tôi thì kịch liệt phản đối. Nhưng bà nội đã quyết rồi, bà sẽ sinh cho bố một người em. 

Tôi nghe mẹ tôi kể lại, những năm tháng đó quá khó khăn với đại gia đình tôi. Bà nội với cái bụng đang lớn dần lên, phải chịu đựng trăm ngàn điều tiếng, chì chiết, lời ra tiếng vào của người đời, của bà con họ hàng làng xóm. Bà cắn răng không giải thích một lời. Mối quan hệ của bà nội tôi với bố tôi ngày càng căng thẳng. Cho đến ngày mẹ tôi đưa bà nội tôi từ trạm xá trở về nhà, trên tay là cô của tôi, đỏ hỏn, miệng nhoẻn cười trong chiếc tã cũ, bố tôi đã lạnh lùng tuyên bố sẽ đưa mẹ tôi đi vùng kinh tế mới, không thể ở làng nữa, vì cảm thấy xấu hổ. Bà nội nước mắt lưng tròng van xin bố tôi ở lại, bố tôi vẫn không thay đổi quyết định của mình.

Bố tôi đưa mẹ tôi về vùng trung du Phú Thọ, làm công nhân nhà máy giấy. 12 năm bố không về quê một lần nào. 12 năm bà nội tôi cần mẫn mỗi năm lặn lội lên thăm con cháu một lần. Tàu xe ngày ấy khó khăn, mỗi lần mua vé phải xếp hàng mất nhiều ngày. Bà gửi chú tôi, cô tôi còn rất nhỏ cho họ hàng rồi mất hàng chục ngày tay đùm tay gói ngược tàu lên trung du thăm con thăm cháu. Lần nào bà nội cũng van xin bố tôi đưa mẹ tôi và các anh chị em chúng tôi về quê, sống sum vầy có mẹ có con, có bà có cháu.

12 năm dường như mới đủ thời gian để bố tôi tha thứ cho bà nội. Một ngày, bố quyết định đưa cả gia đình chúng tôi (khi đó đã đông gấp mấy lần ngày đi) về lại nơi chôn nhau cắt rốn. Bà khi đó đã chuyển ra sống ở thành phố. Nghề bán thuốc cho bà đủ tiền tích cóp để mua một ngôi nhà nhỏ ở đây. Bố tôi không thích phố xá, ông đưa mẹ và chúng tôi về quê sinh sống. Rồi tôi lớn lên đi học, ra thành phố ở với bà. Chú tôi đã có gia đình ở riêng, cô tôi bé xíu năm nào cũng đã tuổi ngoài hai mươi, cũng lấy chồng ở riêng.

Những năm được sống cùng bà, nghe bà kể chuyện, tôi ngây ngô hỏi bà, sao bố cháu lại giận bà lâu thế. Bà bảo, chuyện người lớn, con phải trưởng thành nhiều hơn nữa con mới cắt nghĩa được.

Tôi giờ đã làm mẹ của những đứa trẻ, đã trải nghiệm nhiều cung bậc vui buồn của đời sống. Không ít lần buồn đau hay đổ vỡ, tôi về bên bà. Bà lưng đã còng, mắt đã mờ chẳng nói gì nhiều, chỉ sờ tay âu yếm khuôn mặt tôi mà bảo: “Chuyện gì rồi cũng qua con ạ. Nếu đã lựa chọn rồi, đừng bao giờ hối tiếc. Đời người ngắn lắm, đừng nhìn xung quanh quá nhiều. Hãy tin vào lựa chọn của mình, đừng để người khác lựa chọn giúp mình, đừng sống bằng ý nghĩ hay mong muốn của người khác. Đừng vì sợ cay đắng mà bỏ quên tình yêu”. 

Lúc bà nội tôi tuổi đã ngoài 70, nói về chuyện tình yêu trong cuộc đời con người, bà thường bảo, ai chưa từng yêu thực sự sẽ không bao giờ hiểu về sức mạnh của nó. Thời trẻ bà đã chọn tình yêu, cho dù phải trả giá. Sự ra đi của bố tôi 12 năm là một sự dày vò đối với bà, nhưng bà luôn tin một ngày bố tôi sẽ hiểu cho bà. Nếu được lựa chọn lại, bà vẫn chọn cách đó, dù cay đắng có thể nhiều hơn nữa.

Tôi được sinh ra làm một người nữ, và được làm cháu nội của bà tôi. Tôi cũng sống trong một thời đại khác, thời đại mà người phụ nữ có thể có điều kiện tốt hơn, môi trường xã hội tốt hơn để lựa chọn những yêu thương của đời mình. Tôi hay ngẫm về cuộc đời bà nội tôi, không phải tấm gương cũng không phải một bài học. Đơn giản chỉ là nhận thức lại giá trị của một người đàn bà nằm ở đâu. Và tôi nghĩ lựa chọn một thái độ sống còn quan trọng hơn chuyện được-mất trong cuộc đời. 

Bà nội tôi đã sống qua nhiều cảnh ngộ, trong một thời kỳ xã hội còn biết bao định kiến, ràng buộc thân phận một người đàn bà, nhưng dường như bà chưa khi nào chịu đầu hàng số phận. Bà dám thay đổi cuộc đời, chấp nhận những đau đớn và vượt qua nó bằng lòng tin mạnh mẽ. Bà là động lực động viên tôi những phút yếu lòng. Ngay cả lúc bị cuộc đời xô đẩy, quay lưng lại với mình, bà tôi vẫn cần mẫn làm một người thầy thuốc chữa bệnh cứu người, một người mẹ yêu thương chu toàn với các con. 

Mẹ tôi kể lại, 12 năm theo bố tôi đi xây dựng vùng kinh tế mới, 12 lần đón bà nội tôi tàu xe tất tưởi từ đồng bằng lên miền núi tìm con tìm cháu, mẹ không cầm được nước mắt. Mẹ tôi là người đã khuyên bố tôi rất nhiều, rằng bố hãy dẹp lòng tự ái, quẳng đi những tổn thương mà đôi khi vì ích kỷ hay ấu trĩ, chúng ta đã không rộng lòng với người thân yêu của mình. Bố tôi rồi cũng nhận ra, niềm vui, niềm hạnh phúc của bà mới là quan trọng.

Bà tôi giờ tuổi đã ngoài 90, từ lâu nằm bệnh một chỗ. Chuyện quá khứ cũng không còn nhiều trong trí nhớ đã mờ dần của bà. Gương mặt bà có lúc hồn nhiên như đứa trẻ chưa vướng bụi trần. Đúng như lời bà nói, tất cả rồi sẽ qua, ngay cả yêu thương. Bà nội tôi bây giờ hay nằm mơ về Đức Phật. Mỗi khi cầm tay tôi, bà thường bảo, trên ngón tay bà có nhiều thiên thần đậu ở đó, để che chở cho tôi và tôi sẽ luôn được bình yên.

Bình Nguyên Trang
.
.