Nhân ngày thơ thế giới 21-3:

Trái tim để ngỏ

Chủ Nhật, 28/03/2010, 10:33
Có một lần tới Moskva, nhà văn trào phúng lừng danh của Thổ Nhĩ Kỳ, Aziz Nesin đã hào hứng khoe: Ở đất nước chúng tôi có một nhà thơ mà mỗi ngày viết được ít nhất tới 10 bài thơ, trong đó có 5 bài tuyệt vời, ba bài xuất sắc và hai bài cực hay. Nhà thơ đó là Fazil Husnu Daglarca.

Có cảm giác như với Daglarca, làm thơ không phải là lao động mà là một nhu cầu nội tại. Dường như trong ông lúc nào cũng náo động những câu thơ mà nếu không viết ra, ông có thể nổ tung như một quả khinh khí cầu khổng lồ. Bởi lẽ, Daglarca - đó là một trí tuệ mẫn tiếp và không bao giờ mệt mỏi. Đó là, như một bài thơ bốn câu của ông đã nói, "Trí tuệ - /Con mắt lo âu/ Không hàng mi/ Bảo vệ…". Đó cũng là một trái tim luôn luôn để ngỏ…

Suốt cả cuộc đời dài lâu của mình, nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ Fazil Husnu Daglarca (1914-2008) đã luôn luôn  trăn trở với những suy tư về nhân tình thế thái. Ông sinh ngày 26/8/1914 ở Stambul và cũng qua đời ở đây vào ngày 15/10/2008. Là con trai một sĩ quan, thời trẻ, nhà thơ tương lai cũng đã được rèn luyện trong trường quân sự ngay sau khi học hết trung học năm 1933. Từ năm 1935, với cương vị một sĩ quan bộ binh, Daglarca đã có điều kiện để đi tới nhiều nơi ở Đông và Trung Anadolu, cũng như ở khu vực Âu châu của Thổ Nhĩ Kỳ. Phục vụ trong quân ngũ 15 năm, Daglarca đã phục viên với quân hàm đại úy trưởng. Trong những năm 1952-1960, Daglarca thực hiện chức trách của một thanh tra lao động trong Bộ Lao động ở Stambul. Rời khỏi công việc buồn tẻ đó, ông đã mở một hiệu sách ở Aksaray và tham gia vào hoạt động xuất bản. Trong bốn năm, từ tháng 1/1960 tới tháng 7/1964, ông đã xuất bản nguyệt san "Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ" (về sau ông có viết; "Tiếng Thổ - Lá cờ vang dội của tôi").

Tác phẩm văn học được công bố của ông là truyện dài đăng trên báo Tân Adana năm 1927. Tới năm 1933, ông mới công bố bài thơ đầu tay "Sống chậm" trong tạp chí "Stambul" và ngay lập tức đã trở nên nổi tiếng. Các tác phẩm của Daglarca luôn được đón nhận nồng nhiệt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông từng được Diễn đàn thi ca Quốc tế ở Mỹ phong là Nhà thơ xuất sắc nhất đất nước Thổ Nhĩ Kỳ năm 1967… Daglarca là một thi nhân tôn sùng những tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Thơ ông luôn toát lên một nỗi niềm xót xa không thỏa đối với con người và cuộc sống:

"Không đủ ánh mắt
Để nhìn.
Không đủ con ngươi
Để khóc…"

Là thi sĩ bẩm sinh, ông có một niềm kiêu hãnh vô biên về sứ mệnh nhân văn của mình:

"Thước đo của ta
Phải chăng là biển?
Thước đo của ta
Có phải là trời?"

Trong bài thơ "Trời và tôi", ông kiêu hãnh tuyên bố:

"Trong nghề của mình,
Ngài là thi sĩ.
Trong nghề của mình,
Tôi là thượng đế".

Đối với ông, một "Ngày xấu", đó là khi:

"Cả ngày tôi không thơ thẩn,
Không tìm gì
Và không yêu ai-
Cầm bằng như chẳng sống".

Daglarca, cũng giống như mọi thi sĩ đích thực khác, viết rất nhiều thơ về tình yêu. Tình yêu trong thơ ông có rất nhiều cung bậc và đưa vào nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đây là tâm trạng của ông khi bị thất tình:

"Gặp lại em cũng tốt.
Không được - cũng chẳng sao.
Anh rượu chè rồi già đi lặng lẽ,
Không uống gì cũng lặng lẽ già đi..."

Tên của bài thơ trên là: "Đằng nào cũng thế"…

Tình yêu, trong cách hiểu của nhà thơ, đó là một cõi đi về mông lung và rất không rành rẽ. Bài "Những người chồng già đi" là bốn câu như sau:

"Nói cho cùng, phụ nữ cần gì nhỉ?
Đêm tối
Hay trời xanh?
Những người chồng già đi vẫn không  hiểu  vợ mình".

Daglarca đã có chữ rất súc tích nhưng vô cùng gợi cảm về cả tình yêu thể xác của con người. Những bài thơ bốn câu trong chùm "Những người khỏa thân" của ông mặc dù đụng chạm tới những cảnh huống nhạy cảm rất cụ thể nhưng lại luôn gợi được những hứng khởi đầy mỹ cảm. Yêu nhau, đối với Daglarca, không chỉ là quá trình thụ hưởng vật chất mà đó còn là vận hội để tư duy tìm kiếm những giá trị tinh thần. Xin giới thiệu cùng bạn đọc một số bài thơ bốn câu của Daglarca trong chùm "Những người khỏa thân":

Tìm kiếm

Hoà lẫn vào nhau
Không phải người này
Tìm kiếm người kia,-
Tìm kiếm bản thân mình đấy!

Ý nghĩ của người đàn ông

Phụ nữ-
Đó là con đường
Dẫn ta tới cội nguồn
Sáng tạo!

Không trọng lượng

Cái tình,
Cái tình
Dứt bỏ
Giúp ta lực hút trần gian.

Nhập nhoạng

Đâu đó ban ngày.
Đâu đó ban đêm.
Ở giữa là em.
Tình yêu nhập nhoạng.

Rừng

Hãy lắng nghe trong mình
Ở đâu đó thẳm sâu
Lá cây xanh
Xào xạc.

Gió mát

Gió mát ban mai
Làm đôi ta nguội
Như thép
Luyện rồi.

Niềm vui

Đêm hoá kim rồi,
Ánh trăng - sợi chỉ
Để ta mê mải
Xe chỉ luồn kim.

Chúng mình - trái đất

Chúng mình hoá khổng lồ.
Chúng mình lớn bằng trái đất.
Giờ môi em là thành phố Tallin,
Còn gót chân anh - Băngcốc!

Đua

Những con ngựa hùng hục
Thục mạng đuổi theo nhau.
Nhưng chúng sánh làm sao
Với trái tim siêu tốc?

Ngọn lửa vô song

Ta thấy chật
Trong phòng,
Trong phòng
Đời thấy chật .


Đối thoại 1

Nếu em tan trăm mảnh,
Môi em
Sẽ hoá thành chi?
Một đàn bươm bướm.

Đối thoại 2

Anh kìa, ngoài hai ta ra,
Thế giới này chẳng còn ai cả!
Vì sao?
Vì tình yêu không bao giờ thấy đủ.

Đối thoại 3

Nếu đêm hoá người, đêm sẽ là ai?
Là em.
Nếu sao hoá người, sao sẽ là ai?
Là em. Và tất cả những gì bên em kề cận.

Đối thoại 4

Cái hôn chứa gì:
Vô cùng? Vĩnh viễn?
Không đâu! Nó chứa
Sự tự huỷ mình.

Khoảnh khắc này

Giờ ta chẳng bên nhau,
Nhưng cũng không lìa xác.
Ta như vực bao la,
Như số không bát ngát.

Hậu quả tình yêu

Mình thấm thân nhau
Tham lam đến mức
Xóa dấu nhà mình
Sạch trơ mặt đất…

Nhắc tới các thi phẩm của Daglarca, không thể không nhắc tới những vần thơ thế sự của ông. Là người con chân chính của tổ quốc mình, Daglarca không thể không đau đớn khi phải chứng kiến những khó khăn kinh tế trầm trọng của đất nước, buộc những người dân lao động phải tha phương cầu thực khắp nơi. Bài thơ "Vì miếng cơm manh áo" của ông là một bi ca:

"Đưa bị gậy cho con, mẹ ơi, trời đã sáng,
Đường con đi để lại bốn mươi nghìn làng xóm sau lưng.
Chân con ở lại quê hương, tay con lìa xứ sở,
Núi rùng mình, sao rơi dính ngọn dương,
Câu chuyện cổ tích của con bỏ rời châu Á.

Chồng, vợ bỏ rời đi; dâu, rể bỏ rời đi,
Khi giữa trời xanh đàn cò ban mai gào thét.
Rèm cửa tuyn run rẩy trong gió của con bỏ rời đi
Nhưng nào ai để ý tới lời con than thở,
Khúc ca căn bản tủi buồn của đời con đang bỏ rời đi.

Lửa đốt lòng con, ánh sáng mắt con lìa xứ sở,
Những quả đồi nối đuôi nhau bén lửa âu sầu,
Gió cuốn tro con đi khỏi đồng bằng cằn cỗi,
Những những người nó đang bỏ rời đi không hiểu nó đâu:
Chúa đất còn, quan chức còn, áp bức còn ở lại.

Lúa vàng bỏ rời đi, anh túc bỏ rời đi,
Lặng chút thôi sẽ nghe thấy tiếng trái tim gào thét.
Áo rách đời con bỏ rời đồng bằng cằn cỗi,
Bị gậy đời con
Rời Bắc rời Nam, lìa xứ sở.

Quả dưa bị bổ tung, những miếng dưa của con bỏ rời đi,
Đức, Bỉ, Pháp - đất khách quê người trước mặt.
Xác ở lại, trái tim đã chết bỏ rời.
"Thánh Alah! Thánh Alah! - con gào thét -
Đám nô lệ của Người suốt ngày đêm đang bỏ rời nước Thổ!"

Thực ra, một thi nhân chân chính nào cũng phải buồn vui, sướng khổ cùng dân tộc mình, đất nước mình. Đó là thái độ sống và sáng tạo duy nhất đúng. Với Daglarca, sống lâu để làm gì, sống vinh hoa để làm gì nếu ta không thực hiện những sứ mệnh nhân văn thiên phú. Trong bài "Anh sẽ sống  lâu", ông đã mỉa mai những kẻ như thế:

Nếu anh không hiểu
Những điều núi nói
Những điều sao thổ lộ cùng đêm
Những điều chim buổi bình minh tâm sự,

Nếu anh không yêu
Đất trời sông suối
Đêm ngày bóng tối
Và những nghĩ suy.

Nếu anh không cười
Cùng mây, rừng, biển
Anh sẽ sống lâu...".

Những bài thơ của Daglarca do nhà thơ Hồng Thanh Quang chuyển ngữ từ bản tiếng Nga.

Linh Vân
.
.