Tin ở tình yêu

Thứ Tư, 28/11/2012, 15:51
Tôi biết mình có vô số những điểm yếu nên thành thật mà nói, tôi chẳng mấy khi dám nói lời khuyên với ai về cách sống. Và tôi cũng rất ít khi “bình phẩm” những chuyện riêng tư của bất cứ người nào khác - thôi thì, mỗi cây mỗi hoa, mình có ở “trong chăn” đâu mà nói này nói nọ. Nhưng quả thực là tôi không thể nào im lặng được khi phải chứng kiến một người đàn ông nào đó lại có thể đi công khai hoá những phút gần gụi nhất từng có chỉ nhằm mục đích trả thù cho một mối quan hệ không được trọn vẹn.

Đã có giây phút tôi tự hỏi mình, không lẽ phong cách nam nhi của thời kinh tế thị trường đã bị suy đồi đến mức đó ư?

Sự thật không phải thế. Những chuyện như trên chỉ là cá biệt, thậm chí dị biệt. Thực may là đàn ông tốt ở thời nào cũng đông hơn đàn ông tồi. Và thực may, tình yêu theo đúng nghĩa của nó bao giờ cũng thiêng liêng và là điều con người cần hơn tất cả. Và những người đàn ông chân chính ấy, với tình yêu thuần khiết ấy luôn là mục đích hướng tới của những người phụ nữ đích thực.

Xưa nay vẫn có hai quan niệm luyến ái. Thứ nhất, khá phổ biến, rất thông thường: vắng trăng, có sao, đừng “già kén kẹn hom”. Những ai nghĩ theo cách này, dễ được gia đình yên ấm, vì từ cái cần dần làm nảy sinh cái nghĩa, từ cái nghĩa vẫn có thể sinh ra cái tình, lắm khi khá sâu đậm, bền chặt... Nhất là ở những nước mà điều kiện sống khó khăn, trong những hoàn cảnh chật vật về cơm áo gạo tiền, khi con người ta cần hơn cả là sự chung lưng đấu cật thì nghĩ theo cách này càng có lý. Khổ cho những ai nghĩ khác.

Có một lớp người không hiểu vì sao cứ khăng khăng khẳng định rằng, trên trái đất mênh mông có hàng tỉ người này, họ chỉ phải duyên, phải số với một ý trung nhân duy nhất. Bởi vậy nên mới có cảnh “tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua”. Như thể đã nợ nhau từ kiếp trước nên kiếp này không trả không xong! Lớp người đó, như thể bị giời đày, cắn răng chịu mọi vất vả đớn đau của cảnh sống một mình để đợi, để chờ, để tìm kiếm cái ngày “như cá gặp nước, như rồng gặp mây” mà thực tế đã cho thấy, chẳng quá nhiều người được hưởng. Cái ngày mà như phúc lộc vô thường, định mệnh phú cho những ai may mắn lọt vào mắt xanh của nó.

1. Theo dòng suy nghĩ này, tôi bỗng nhớ tới một bài thơ nhỏ (nhưng tình sâu) của nữ sĩ Nga Anna Akhmatova. Bài thơ như sau:

Em biết, anh là phần thưởng cho em
Vì những năm đớn đau và vất vả,
Vì em đã chẳng bao giờ chấp nhận
Những niềm vui trần tục dễ phôi pha,

Vì em đã chưa bao giờ thỏ thẻ
Dẫu một lần với ai đó “Yêu anh!”,
Vì em đã thứ tha cho mọi người mọi sự,
Với riêng em, anh sẽ hoá thiên thần!”

Anna Akhmatova là một bậc tài hoa và nhan sắc. Xưa nay, phụ nữ đẹp dù ở phương Đông hay phương Tây thì đều “hồng nhan bạc mệnh”. Một mỹ nhân mà lại có tài nữa thì hiển nhiên “tài tai hai chữ một vần”. Không có gì lạ nếu người phụ nữ tưởng chừng có đủ mọi điều kiện để trở thành một mệnh phụ quí phái, sống êm đềm trướng rủ màn che như Akhmatova lại phải đoạn trường đến thế trong đời sống tình cảm. (Đấy là chưa kể đến những biến động xã hội rung chuyển thế giới của thời đại bà đã sống). Nhưng nếu trong cảnh đoạn trường, mệt mỏi rồi mà người đàn bà cam chịu số phận, để mặc bèo trôi nước chảy thì chuyện cũng chẳng có gì lạ và cũng chẳng có gì đáng nói.

Trong bài thơ trên, người phụ nữ  không chịu phận nữ nhi thường tình. Đó là một phụ nữ đầy lòng kiêu hãnh và ý thức được rất rõ giá trị của tình yêu. Chính vì thế nên dù phải sống với “những đớn đau và vất vả”, nàng vẫn “chẳng bao giờ chấp nhận, những niềm vui trần tục dễ phôi pha...”. Làm một phụ nữ cao quí  trong  hạnh phúc cũng không dễ như người ta vẫn tưởng. Trong cô đơn và không may mắn, mà vẫn giữ được phẩm giá của mình càng khó khăn hơn. Người phụ nữ trong thơ bài thơ của Akhmatova đã sống với nỗi niềm của mình một cách đầy tự trọng. Nỗi niềm của người đàn bà đích thực chờ đợi tình yêu lớn lao tới mức nàng “đã thứ tha cho mọi người mọi sự”. Ai bảo đàn bà thường hay chấp nhặt?!

Đã sống giữ lòng mình như thế nên khi gặp được ý trung nhân duy nhất, nàng mới có cái nhận thức vừa  mãn nguyện  vừa đượm chút mệt mỏi như Akhmatova đã mở đầu bài thơ: “Em biết, anh là phần thưởng của em...”. Người ta vẫn bảo rằng, người đàn bà may mắn là người luôn được tình yêu “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Người đàn bà trong bài thơ Akhmatova để có tình yêu phải qua đủ cảnh lửa, nước và ống đồng. Nàng không may mắn chăng? Có thể, nếu nhìn theo một cách nào đó. Nhưng vàng lộ tuổi khi thử lửa, người phụ nữ được sáng lên phẩm giá khi từng trải. Cái quan trọng là ta đã chấp nhận những từng trải đó như thế nào. Ở khía cạnh này, ai dám bảo người phụ nữ trong bài thơ của Akhmatova là người kém may mắn? Và vì thế nên ta tin rằng, với sức mạnh con tim và tấm lòng từng được tôi luyện qua những đoạn trường, nàng có thể giúp cho ý trung nhân của mình “hoá  thiên thần”. Tình yêu đích thực nâng giá con người lên vô hạn. Và đó là hạnh phúc, ngay cả khi có chút muộn mằn.

Hơn nữa, hạnh phúc muộn mằn lắm khi lại càng nhiều thêm vị hạnh phúc. Quan trọng là ta phải tin vào những điều tốt đẹp và phải cố gắng sống để xứng đáng với những điều tốt đẹp đó. Một tình yêu thuần khiết sẽ chỉ là món quà cho những con người có tâm hồn hướng thiện và không chịu buông mình theo những thú vui chỉ để lấp chỗ trống trong trái tim mình.

2. Trong một bài thơ khác Akhamatova đã viết:

Sau gió tuyết ở ngoài đường phố
Thích làm sao được ngồi sưởi bên lò.
Và tôi đã lơ là quên để ý
Nên ai người lấy mất tim tôi đi.

Đêm giao thừa rộn rã, vui vẻ lắm,
Hồng đầu xuân mát lạnh tay cầm.
Nhưng ngực tôi thôi chẳng còn khẽ dội
Nhịp xôn xao thường lệ của tim người.

Chà! Chẳng khó đoán được ra kẻ cắp.
Nhìn mắt là tôi biết ngay thôi.
Nhưng sợ lắm, lát nữa thôi, lát nữa
Chàng trả lại đồ đã lấy cho tôi...

Bài thơ giống như một khúc balát nhỏ, một câu chuyện, một vở kịch ngắn. Đã có lúc tôi nghĩ rằng, nếu tôi là một nhà vũ đạo cổ điển, tôi hẳn đã dựng một lớp balê ngắn theo bài thơ này. Chắc rực rỡ và lãng mạn lắm!...

Nhưng rồi ngồi một mình đọc đi đọc lại bài thơ, tôi cứ vân vi tự hỏi: liệu các thể loại nghệ thuật khác có truyền tải được sự mong manh dễ vỡ, sự chập chờn đến say mềm cả tâm trí như Anna Akhmatova đã viết không nhỉ? Thực khó!

Khung cảnh bài thơ là một dạ hội mừng năm mới. Người đàn bà, chủ thể của bài thơ (có thể hiểu đó chính là nữ thi sĩ, có thể lúc đó còn trẻ, còn ngây thơ và chưa thực sự trải đời, nhưng cũng có thể đã từng trải và biết mọi nhẽ đắng cay ngọt bùi của tơ duyên – với phụ nữ, từ đương thì tới quá thì khoảng cách rất không xa!) lặn lội qua gió tuyết đêm cuối năm tới dạ hội. Đi một mình như thế chắc nàng không có ý trung nhân. Đi một mình như thế, chắc nàng đang sống cô đơn. Người ta thường bảo, không có gì làm lộ  “gót chân Asin” của phụ nữ hơn là cảnh cô đơn. Ở phụ nữ, như ta đã biết, “gót chân Asin” chính là....trái tim! Mà thôi, ta hãy đọc tiếp bài thơ.

Từ rét vào ấm, nàng mải mê sưởi bên lò. Ánh lửa tíu tít reo vui dường như thu hút hết tâm trí của nàng. Và thế là sự cố xảy ra, một sự cố vô ý nhưng hữu tình:

“...Và tôi đã lơ là quên để ý
Nên ai người lấy mất tim tôi đi...”

Báo động! Nhưng không phải gọi cảnh sát 113 hay các bác sĩ trong đội cấp cứu, phóng xe ngoài đường lúc nào cũng còi inh ỏi. Người đàn bà chỉ tự nhấn tín hiệu báo động với chính bản thân mình thôi. Giữa cảnh dạ hội giao thừa vui vẻ, náo nức, ôm bó hồng (có thể đỏ thắm, có thể trắng tinh) mát lạnh trong tay, người đàn bà (tôi không muốn gọi nàng là thiếu nữ vì không chỉ thiếu nữ mới bất ngờ bị tình yêu “đốn ngã”; trước một tình yêu thực sự, dù từng trải đến mấy cũng dễ bị chinh phục như không) bỗng bàng hoàng nhận thấy:

“...Nhưng ngực tôi thôi chẳng còn khẽ dội
Nhịp xôn xao thường lệ của tim người....”

Đó là trường hợp “tai nạn”mà không thể dùng con mắt y học hay hình sự để soi xét. Người ta đã có luật coi ai đó là “vong nhân”, một khi trái tim ngừng đập. Làm tim người khác ngừng đập, theo quan điểm của luật pháp ở bất cứ quốc gia nào, bất cứ thời đại nào, cũng là phạm tội tày đình. Thế nhưng, trong bài thơ của Anna Akhmatova, mọi sự phải được xem xét theo con mắt... “trữ tình thơ”! Chính vì thế mà “nạn nhân” - chủ thể của bài thơ - đã không kêu toáng lên “Bắt gấp!” hay “Truy nã khẩn cấp!”, cũng không ngã vật ra bất tỉnh nhân sự như công chúa gặp ma. Nàng chỉ ngồi lặng im trong nỗi niềm mê ly vừa mệt mỏi vừa ngọt ngào, tới bủn rủn chân tay, tới mềm hết tất cả đường gân, xương cốt mà không bút nào tả nổi. Nhưng nàng cũng tinh quá lắm cơ nên chỉ một lát sau thôi, nàng đã bồi hồi tự nhủ với bản lĩnh của một người dù không học ở trường An ninh ra nhưng vẫn rất nhạy cảm với các quy tắc của trường... tình yêu:

“...Chà! Chẳng khó đoán được ra kẻ cắp.
Nhìn mắt là tôi biết ngay thôi...”

Ra thế. Biết thủ phạm rồi thì phải làm gì nhỉ?

Thông thường xưa nay, mất cắp, ai cũng mong lấy lại được đồ đã bị mất. Nhưng ở đây, “nạn nhân” lại sợ nhất cảnh “châu về Hợp Phố”. Cái lôgíc của tình yêu quả thực ngược đời:

“...Nhưng sợ lắm, lát nữa thôi, lát nữa
Chàng trả lại đồ đã lấy cho tôi...”

Trong tình yêu, cho bao giờ cũng hơn là nhận. Mất lắm khi mới lại càng là được! (Thật buồn là vẫn còn không ít người chưa chịu hiểu ra điều này!).

Đọc hết bài thơ rồi, nếu ta đồng cảm với nữ thi sĩ, với chủ thể của bài thơ, hẳn ta sẽ cũng thầm lo lắng cho nàng. Lỡ đâu, người đàn ông ấy sẽ trả lại cho nàng trái tim đã lấy? Đàn ông mà, đàn ông hay...cả thèm chóng chán! Tất nhiên, trừ  ngoại lệ của những người chung thủy!

Mà giả sử có như vậy thì cũng đừng bi kịch hoá cuộc đời, bạn nhé! Trời đất, như người ta vẫn nói, vốn thực sự vô thường; được một phút giây hồi hộp với tình yêu mỏng manh và trong trẻo pha lê như vậy, cũng là may mắn lắm rồi! Khổ nhất không phải là không còn được yêu nữa, mà là khi ta không còn cảm thấy yêu ai nữa, không muốn yêu ai nữa, như con chim từng một lần trúng đạn, sợ cả cành cây hơi khẽ lay lay!

Khi ấy mới thực sự là bi kịch lớn lao!

Linh Vân
.
.